Thủ tướng: Miền Trung phải thực sự là 'đất lành, chim đậu'

2019-08-21 09:37:05 0 Bình luận
“Miền Trung có đủ điều kiện phát triển nhanh, tốc độ cao và phát triển bền vững hơn. Chính vì thế, một tinh thần là ngay bây giờ hay không bao giờ như nhiều đại biểu đã nêu”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ điều này khi phát biểu kết luận Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung tại tỉnh Bình Định ngày 20/8.

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, là người con miền Trung, luôn trăn trở về sự phát triển của vùng, TS. Trần Du Lịch cho rằng, 20 năm qua, với nỗ lực của Trung ương, năng động của địa phương thì vùng bắt đầu "thay da, đổi thịt". Ông cho rằng, với tiềm năng, dư địa phát triển, vùng có khả năng tăng trưởng 9-10%/năm trong 10-15 năm tới. “Bây giờ hay không bao giờ để vùng này thoát nghèo”, TS. Trần Du Lịch nói. “Đây là thời cơ để miền Trung thịnh vượng, không còn là đòn gánh yếu, luôn sợ gãy nữa”. Ông cho rằng phải có thể chế, cơ chế vượt trội cho vùng. “Phải tính xem có bao nhiêu dự án của vùng cần mang ra Trung ương, mất bao nhiêu ngày để làm thủ tục. Giải quyết nhanh 1 ngày thì miền Trung sẽ thoát nghèo nhanh hơn 1 năm. Cần gỡ vướng thể chế để vùng đi nhanh hơn mà không sợ ngã”.

Ý kiến các địa phương cũng cho rằng, cần có thể chế phù hợp, cơ chế đặc thù cho sự phát triển của miền Trung, tránh chồng chéo, nhất là về đầu tư, đất đai. Các địa phương mong muốn có thêm các tập đoàn lớn, “sếu đầu đàn” vào đầu tư ở miền Trung, khẳng định sẽ đặt sự ưu tiên phát triển vùng lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của mình.

Vấn đề giáo dục cũng được nhiều đại biểu đề cập khi lĩnh vực này có thể tạo nên kỳ tích trong phát triển kinh tế-xã hội của vùng với 41 trường đại học hiện có.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, hệ thống hạ tầng giao thông trong vùng tương đối tốt gồm đường sắt, đường bộ, đường biển và hàng không. Với 9 sân bay trong vùng, cho phép máy bay A320, A321 có thể cất, hạ cánh an toàn, có viện đào tạo hàng không sắp tới được mở tại Quy Nhơn, thì vấn đề còn lại là đầu tư các nhà ga để đảm bảo đồng bộ, hiện đại. Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã có kế hoạch từ nay đến năm 2025 sẽ đầu tư 45 nghìn tỷ đồng để nâng cấp các cảng hàng không.

Ghi nhận các ý kiến phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, điều quan trọng cần nói đầu tiên là yếu tố con người có tính chất quyết định và nhắc tới câu chuyện vợ chồng GS. Trần Thanh Vân hay GS Nguyễn Mại, những người đã lớn tuổi nhưng rất tâm huyết đóng góp xây dựng Tổ quốc, miền Trung. Lớp trẻ cần học tập tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm đó, vượt lên khó khăn, đóng góp phát triển đất nước bởi không có ý chí, quyết tâm thì không thành công.

Nêu một số nét chính về sự phát triển, "thay da, đổi thịt" của miền Trung, Thủ tướng đề cập đến các mặt tồn tại, bất cập để khắc phục. Thể chế cho phát triển kinh tế các tỉnh miền Trung nói riêng, cũng như cho sự phát triển toàn vùng nói chung, đang dần được hình thành nhưng còn thiếu nhiều thứ và chưa đồng bộ, đặc biệt là trong phân cấp quản lý kinh tế, liên kết vùng.

Mỗi một địa phương miền Trung như một “đốt sống” kinh tế nhưng lại rất rời rạc, lỏng lẻo tựa như bị “thoát vị đĩa đệm”. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế vùng.

Các ngành công nghiệp vẫn chủ yếu thâm dụng tài nguyên, sử dụng lao động giản đơn, công nghệ chưa cao, các liên kết cụm ngành còn thiếu, khả năng lan tỏa hạn chế.

Nhiều tiềm năng “rừng vàng, biển bạc” vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Chất lượng cơ sở hạ tầng vẫn còn thiếu và yếu. Chất lượng môi trường kinh doanh chưa cao. Năng lực quản trị nhà nước, năng lực của độ ngũ cán bộ công chức, viên chức ở nhiều địa phương còn yếu đã làm giảm tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo của nền kinh tế.


Thủ tướng chứng kiến lãnh đạo tỉnh Bình Định trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án. Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Tập trung 5 trụ cột kinh tế

Từ hội nghị này, Thủ tướng đề nghị các địa phương miền Trung quán triệt tinh thần: Đứng trước vận hội mới của đất nước trong 10-15 năm tới, miền Trung cần thể hiện khát vọng, vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm để sớm trở thành địa bàn có trình độ kinh tế-xã hội phát triển cao, bền vững của đất nước. “Miền Trung có đủ điều kiện phát triển nhanh, tốc độ cao và phát triển bền vững hơn. Chính vì thế, một tinh thần là ngay bây giờ hay không bao giờ như nhiều đại biểu đã nêu”. Phải vận dụng chiến lược kinh tế biển vào miền Trung, tập trung vào 5 trụ cột kinh tế.

Đó là, ngư nghiệp, phải tập trung nuôi trồng và đánh bắt và chế biến thủy hải sản, một thế mạnh không phải nơi nào cũng có. Thứ hai là du lịch, đặc biệt là du lịch biển, đảo và khai thác thế mạnh của du lịch vùng Tây của các tỉnh miền Trung. Thứ ba là cảng biển và các dịch vụ logistics. Thứ tư là phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến gắn liền với lợi thế cảng biển. Không có công nghiệp thì khó có thể phát triển bền vững. Thứ năm là năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và nghiên cứu các dạng năng lượng khác.

Nhấn mạnh việc liên kết vùng và thể chế phát triển vùng, Thủ tướng cho rằng vấn đề quy hoạch chiến lược phát triển miền Trung cần rõ hơn, sớm có thể chế thuận lợi cho phát triển khu vực.

Xây dựng môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh hơn, miền Trung phải thực sự là "đất lành, chim đậu", tạo điều kiện cho sự phát triển. Từng địa phương phải quan tâm tới ứng phó với biến đổi khí hậu.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng đảm bảo chất lượng theo hướng tích hợp các quy hoạch quy định tại Luật Quy hoạch. Đề xuất nguồn lực để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng cấp bách, nhất là hệ thống đường ven biển, đường lên Tây Nguyên và các công trình trọng điểm của vùng, các dự án khắc phục khô hạn, bảo vệ nguồn nước ngọt, đảm bảo phát triển bền vững.

Bộ Tài chính nghiên cứu một số cơ chế, chính sách tài chính, thuế, phí để phân cấp quản lý cho các tỉnh, thành trong vùng phù hợp với trình độ phát triển, đặc điểm kinh tế và cơ sở thuế của từng địa phương.

Bộ GTVT cần lập kế hoạch phát triển sân bay lớn trên tinh thần “cái gì Nhà nước phải đầu tư dứt điểm, cái gì thì tư nhân đầu tư” để tạo điều kiện cho du lịch phát triển.

Đối với Bộ Công Thương, ưu tiên phát triển mạng lưới trung tâm logistics của vùng là nơi có lợi thế về vị trí địa lý, gần nguồn cung cấp hàng hóa như khu công nghiệp, hệ thống cảng, gần khách hàng tiêu thụ.

Bộ KH&CN nghiên cứu hỗ trợ xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong trường đại học, doanh nghiệp, khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trong vùng, để từ đó là hạt nhân của hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong vùng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực biển chất lượng cao.

Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố của vùng phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra năm 2019. Lãnh đạo các địa phương tiếp tục khơi dậy khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn vùng và từng địa phương, doanh nghiệp, người dân. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, thực hiện tốt các hoạt động điều phối và liên kết. “Miền Trung thì phải bàn tiến chứ không bàn lui, kể cả việc liên kết lẫn nhau và liên kết với các tỉnh Tây Nguyên”, Thủ tướng nêu rõ. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phải đảm bảo tính hiệu quả kinh tế, khả năng lan tỏa. Kiểm soát và khắc phục ô nhiễm môi trường, ngăn chặn từ sớm các nguồn gây ô nhiễm.


Thủ tướng trao tặng cờ Tổ quốc, dụng cụ sơ cấp cứu cho 20 ngư dân tiêu biểu của Bình Định. Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Song song với phát triển kinh tế phải coi trọng cải thiện phúc lợi của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quyền bình đẳng của người dân trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo điều kiện để mọi người dân có điều kiện phát triển toàn diện; bảo vệ và nâng đỡ nhóm yếu thế, thiếu cơ hội; giảm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo; đặc biệt quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội đang nổi lên ví dụ như tín dụng đen, bạo lực xã hội.

“Chúng ta phải hết sức chú trọng xây dựng tổ chức bộ máy trong sạch, vững mạnh từ cơ sở, nói không với tiêu cực, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”, Thủ tướng nói. “Tôi mong muốn và tin tưởng rằng, phát huy kết quả đạt được, với truyền thống đoàn kết, sự quyết tâm và hợp tác chặt chẽ, tích cực giữa các địa phương trong vùng và ban, bộ ngành Trung ương, miền Trung rồi đây sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, thực hiện thành công sứ mệnh lan tỏa, tạo động lực phát triển cho cả nước trong giai đoạn mới”.

Tại Hội nghị, Thủ tướng chứng kiến lãnh đạo tỉnh Bình Định trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án.

Thủ tướng đã trao tặng cờ Tổ quốc, dụng cụ sơ cấp cứu cho 20 ngư dân tiêu biểu của Bình Định trong chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” do Báo Người Lao động tổ chức. Theo đó, chương trình sẽ trao 10.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân Bình Định.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Một số giải pháp thực tế giải quyết thách thức trong việc tiếp cận việc làm của người khuyết tật

Trong xã hội hiện đại, quyền tiếp cận việc làm không chỉ đơn thuần là một yếu tố trong hệ thống phúc lợi xã hội mà còn là biểu hiện cốt lõi của sự công bằng và bình đẳng xã hội, nhất là đối với các nhóm yếu thế như người khuyết tật (NKT).
2024-11-12 10:13:59

Lễ Trao giải Báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Tối 11/11, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XVI, năm 2023-2024.
2024-11-12 09:05:26

T&T Group hợp tác sản xuất pin lưu trữ năng lượng và phát triển công nghiệp phụ trợ năng lượng

Với việc hợp tác cùng các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng của Trung Quốc để nghiên cứu đầu tư nhà máy sản xuất pin lưu trữ và phát triển dự án Khu công nghiệp phụ trợ năng lượng, T&T Group đã và đang góp phần phát triển năng lượng xanh – sạch, từng bước đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa năng lượng bền vững tại Việt Nam.
2024-11-12 08:00:00

Hải Phòng: Dân bức xúc vì bị "hun khói" từ bãi rác tập trung

Thời gian qua, người dân ở Tiên Lãng (Hải Phòng) bức xúc khi phải hít khói thải ra do những bãi rác thải sinh hoạt bị đốt mà không được xử lý theo quy định.
2024-11-11 15:44:59

Hoạt động của Chủ tịch nước Lương Cường tại Chile

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Chile, ngày 10/11 theo giờ địa phương, tại thủ đô Santiago de Chile, Chủ tịch nước Lương Cường đã có các cuộc tiếp Chủ tịch Đảng Cộng sản Chile Lautaro Carmona Soto, Chủ tịch Đảng Xã hội Chile Paulina Vodanovic, đoàn Viện Văn hoá Chile-Việt Nam, thăm gia đình cố Tổng thống Chile Salvador Allende.
2024-11-11 15:24:14

Lời chia buồn

Nhận được tin Nhà báo Trần Quang Đạo đã tạ thế vào hồi 02h00’ ngày 10/11/2024 (tức ngày 10/10 năm Giáp Thìn). Ban Biên tập và cán bộ, phóng viên của Tạp chí điện tử Hoà nhập gửi tới gia quyến lời chia buồn sâu sắc.
2024-11-11 11:09:00
Đang tải...