Thủ tướng: Vùng kinh tế trọng điểm phía nam cần cơ chế, thể chế nào?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Theo Thủ tướng, từ trước đến nay, chúng ta có vùng KTTĐ nhưng chưa có hội nghị phát triển vùng KTTĐ. Sau hơn 3 năm của nhiệm kỳ này, Chính phủ bàn lại vấn đề kinh tế trọng điểm, trước hết là vùng KTTĐ phía nam. Do đó, từ Đại hội Đảng VI đã đưa ra một số chủ trương về chọn một số tỉnh để hình thành một số vùng KTTĐ có khả năng đột phá, tạo động lực phát triển cho đất nước.
Hiện nay, chúng ta có 4 vùng KTTĐ là vùng KTTĐ Bắc Bộ (gồm 7 tỉnh, thành phố), Trung Bộ (5 tỉnh, thành phố), phía nam (8 tỉnh, thành phố) và vùng KTTĐ đồng bằng sông Cửu Long (4 tỉnh, thành phố).
Bốn vùng KTTĐ này với 24 tỉnh, thành phố, chiếm trên 27% diện tích tự nhiên và 27% dân số cả nước, đóng góp 89% GDP cả nước.
Riêng vùng KTTĐ phía nam có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, trước hết là về GDP. Các nhà nghiên cứu đều nhận thấy vùng hội tụ phát triển đầy đủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nhất là phát triển công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ cao cấp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm dịch vụ, nhất là dịch vụ logistics, vận tải với hạ tầng được tập trung xây dựng tương đối đồng bộ hơn các vùng khác. Đặc biệt, TP.HCM, hạt nhân của vùng và một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu có sự tăng trưởng ổn định thời gian qua. Vùng KTTĐ phía nam là vùng công nghiệp trọng yếu lớn nhất cả nước, nhất là liên kết được mạng lưới các khu công nghiệp, các ngành công nghiệp mũi nhọn.
Theo Thủ tướng, đây là vùng duy nhất của cả nước hội tụ đủ các điều kiện và lợi thế cho phát triển công nghiệp, dịch vụ để có thể tăng trưởng nhanh, hiệu quả, bền vững.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, xem xét tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm nay và năm 2020 nhằm tháo gỡ các ách tắc, khó khăn để hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng XII đã đề ra.
Cho biết bối cảnh tình hình năm nay có nhiều khó khăn như thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh, giá cả thế giới, đặc biệt là xăng dầu, có sự biến động, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và xung đột chính trị ở một số khu vực, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh, vùng cần nỗ lực hơn nữa. Bên cạnh kinh tế, các vấn đề xã hội cũng cần được quan tâm xử lý.
“Hội nghị này tập trung trước hết là tháo gỡ, những giải pháp đề xuất của các địa phương, các ngành nhằm mục tiêu bứt phá, hoàn thành toàn diện nhiệm vụ kế hoạch năm 2019 và làm tiền đề để chúng ta hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2016 -2020 mà Trung ương đã đề ra”, Thủ tướng nói. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, các học giả, chuyên gia, các nhà cung ứng vốn, nhà đầu tư cần thảo luận, cho ý kiến để làm sao vùng KTTĐ phía nam đi đúng hướng, tiếp tục khẳng định là một động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước, phải tiếp tục là đầu tàu, đầu kéo của cả nước trong bối cảnh khó khăn như đã nêu.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung vào một số vấn đề, trước hết phản ánh việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, “những mục tiêu đã đề ra thực hiện đến đâu, có khả năng hoàn thành hay không, trong quá trình triển khai thực hiện có vướng mắc, kiến nghị sửa đổi gì”. Bên cạnh đó, cũng cần nêu các hạn chế, yếu kém, nguyên nhân rút ra trong triển khai thực hiện để năm 2019 là năm “bứt phá”, hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra.
Hội nghị cần thảo luận các giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới cũng như đề xuất các cơ chế, chính sách về đầu tư, tài chính để tạo điều kiện thuận lợi cho vùng bứt phá hơn nữa. Cần cơ chế, thể chế nào trong điều phối vùng để có điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động điều phối và liên kết vùng trong thời gian đến tốt hơn.
Thủ tướng nêu rõ, “không nói nhiều thành tích mà đi thẳng vào yếu kém, bất cập, hạn chế mà chúng ta vướng phải hiện nay để khắc phục, để Trung ương, Chính phủ, các bộ, ngành nắm được, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của vùng, trước hết là tháo gỡ, thúc đẩy tăng trưởng năm nay và năm 2020”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.