Thủ tướng: Xác định rõ nhiệm vụ gì có thể phân cấp cho TPHCM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo một số bộ, ngành.
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Thành ủy TPHCM đã chỉ đạo xây dựng báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 và Đề án cơ chế chính sách đặc thù của TPHCM thể hiện tinh thần “Thành phố vì cả nước, cả nước vì Thành phố”.
Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, là đầu tàu của khu vực kinh tế trọng điểm phía nam, nhất là phát triển kinh tế tư nhân, phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tạo nguồn thu quốc gia… Đây cũng là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của miền Nam và cả nước với nhiều trường đại học lớn.
Cho biết những kết quả của TPHCM đã được Đảng, Nhà nước đánh giá là to lớn, Thủ tướng nêu rõ, kinh tế-xã hội của TPHCM còn nhiều tồn tại, hạn chế và tiếp tục gặp các khó khăn, thách thức mà nếu không có chỉ đạo mới, cách làm tốt, đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho Thành phố thì sự dừng lại của Thành phố có thể diễn ra.
Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu đổi mới các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố cần đặt ra. “Hôm nay, chúng ta tiếp tục thảo luận một số cơ chế cho TPHCM, tạo điều kiện cho Thành phố phát triển”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo chung là phát huy thế mạnh, tạo sức lan tỏa trong phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố, là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Đồng thời bảo đảm sự phát triển hài hòa, kết nối hiệu quả với các vùng, địa phương trong cả nước, tạo nền tảng vững chắc cho TPHCM phát triển.
Thủ tướng đề nghị các đồng chí dự họp phát biểu, chú trọng vào một số điểm như đánh giá đúng vị trí, vai trò của Thành phố, những kết quả, tồn tại trên các mặt, nguyên nhân, đặc biệt trong 5 năm gần đây khi thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị với tinh thần bám sát thực tiễn, nhìn thẳng sự thật. Bên cạnh đó, cần nêu ra những khó khăn, thách thức đối với Thành phố hiện nay và trong thời gian tới, trong đó có những vấn đề như kết cấu hạ tầng không theo kịp sự phát triển, chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, vấn đề ô nhiễm môi trường và những vấn đề phát sinh về văn hóa, xã hội, đào tạo nguồn nhân lực…
Thủ tướng đề nghị các đồng chí dự họp có ý kiến cụ thể về những đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù cho Thành phố.
Trong đó, Thủ tướng lưu ý chủ trương chung là đẩy mạnh phân cấp giao quyền để phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, gắn với trách nhiệm của chính quyền cơ sở, gắn với tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát của Trung ương. “Trung ương không phải ôm nhiều việc của Thành phố và Thành phố cũng không phải ôm nhiều việc của các quận, huyện, sở, ngành”, Thủ tướng nói. “Xác định rõ nhiệm vụ gì có thể phân cấp, lĩnh vực nào cần quản lý tập trung thống nhất và đặc biệt lưu ý lĩnh vực tài chính ngân sách Nhà nước cần thực hiện nguyên tắc quản lý tập trung thống nhất như thế nào. Làm sao thể hiện tinh thần Thành phố vì cả nước, cả nước vì Thành phố trong xác định vấn đề thuộc về tài chính, ngân sách này”.
“Chúng ta xác định chia sẻ khó khăn chung của đất nước, dựa trên cơ sở nguyên tắc công bằng vì Thành phố là nơi có trụ sở của nhiều doanh nghiệp lớn nộp thuế, hoạt động không chỉ trên địa bàn Thành phố mà còn ở các địa phương khác”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị nghiên cứu thêm về tầm nhìn chiến lược dài hạn hơn đối với Thành phố, phải có định hướng, mục tiêu, yêu cầu trung và dài hạn ít nhất đến năm 2025, tầm nhìn 2035 như thế nào trong sự phát triển.
Từ đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, bảo đảm tính tổng thể, hệ thống, nhất quán, lâu dài với sự phát triển Thành phố.
Trình bày đề xuất cơ chế đặc thù của TPHCM để Thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn vì cả nước, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, TPHCM trong hơn 40 năm qua là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế, là địa phương có đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước, có tốc độ tăng trưởng kinh tế gấp khoảng 1,5 lần cả nước. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, sự vượt trội của Thành phố so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, thậm chí tụt hậu. Hơn 30 năm đổi mới, cơ chế, chính sách phát triển của TPHCM không khác gì so với các địa phương khác. Song do có các đặc thù, lợi thế của Thành phố mà trong điều kiện chung đó, Thành phố đã có bước phát triển mạnh mẽ, vượt trội hơn cả nước. Tuy nhiên, đặc thù của Thành phố đều có 2 mặt. Dân số đông nhất cả nước và gia tăng liên tục trong hơn 40 năm, một mặt là nguồn nhân lực cho Thành phố phát triển, mặc khác với mật độ dân số gấp 15-20 lần cả nước hiện nay, cường độ kinh tế (GDP/km2) gấp 30-40 lần cả nước thì nhu cầu về giao thông trên 1 km2, nhu cầu cấp nước sạch, xử lý chất thải, trường học, khám chữa bệnh (trên 1 đơn vị diện tích) gấp hàng chục lần cả nước. Giải quyết các vấn đề này đòi hỏi mức độ đầu tư trên 1 đơn vị diện tích cũng gấp hàng chục lần cả nước.
Đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho TPHCM bao gồm 4 vấn đề chính là tăng cường phân cấp ủy quyền; tự chủ tài chính; trả lương theo năng suất, hiệu quả lao động; kiện toàn ban chỉ đạo vùng kinh tế trọng điểm phía nam và vùng TPHCM.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã trình bày tóm tắt sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.