Thủ tướng đặt 5 bài toán lớn cho ‘tổng tham mưu’ về kinh tế - xã hội

2019-02-19 16:45:51 0 Bình luận
Sáng 19/2, làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT", yêu cầu cơ quan có vai trò "tổng tham mưu" về kinh tế - xã hội phải dẫn đầu về bứt phá, Thủ tướng đã đặt ra 5 bài toán lớn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra 5 bài toán lớn cho Bộ KH&ĐT. Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Nhắc lại cuộc làm việc đầu tiên với Bộ KH&ĐT năm 2016 ngay sau khi nhậm chức, mà tại đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc quán cà phê “Xin chào”, Thủ tướng nhìn nhận, Bộ đã quán triệt tinh thần lớn là Chính phủ hướng về người dân, phục vụ nhân dân, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền tài sản, để người dân yên tâm làm ăn.

Dẫn lại các số liệu về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 do Tổng cục Thống kê công bố, bộ số liệu mà theo Thủ tướng, là theo đúng Luật Thống kê, không có ai can thiệp, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, tình hình có khởi sắc, nhất là đời sống nhân dân được cải thiện, không để ai thiếu đói. Đây là câu trả lời rõ nhất cho câu hỏi “tăng trưởng cho ai, vì ai?”.

“Trong thành quả đó, có đóng góp quan trọng của Bộ KH&ĐT. Đến đây không phải là khen, chê, mà cần đánh giá đúng và đưa ra một số vấn đề để cán bộ làm công tác KH&ĐT cùng nhau suy nghĩ, cùng nhau hành động”, Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT cải cách, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nhất là đổi mới tư duy để đáp ứng tình hình phát triển đất nước khi đây được xem là cơ quan "tham mưu trưởng" về kinh tế-xã hội.

Theo Thủ tướng, thời gian qua, Bộ KH&ĐT đạt được nhiều thành quả. Bộ đã kịp thời đánh giá rủi ro, hoàn thiện kịch bản tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp.

Một trong những kết quả nổi bật là hoàn thiện thể chế, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, qua đó, bãi bỏ quy hoạch gây cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Bộ đã mạnh dạn đề xuất gỡ bỏ những quy định ràng buộc dễ dẫn tới xin-cho, lợi ích nhóm như bãi bỏ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án BOT, BT, bãi bỏ quy hoạch sân golf... Theo Thủ tướng, bãi bỏ cơ chế xin-cho là hướng tiến bộ, là hướng chính của chúng ta.

Đánh giá cao Bộ KH&ĐT trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chủ động tham mưu, trình Chính phủ ban hành nghị quyết về chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Thủ tướng nêu rõ, Bộ KH&ĐT đã làm việc nhanh nhạy hơn, tinh thần “tiên phong đi trước, nắm cơ hội” đã thể hiện rõ hơn.

Bộ KH&ĐT được hoan nghênh về xây dựng Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát. “Chúng ta tính sót trong GDP rất lớn. Lần này, các đồng chí đã chốt lại, đưa phương án trình Thủ tướng”.

Bộ KH&ĐT đã thúc đẩy mạnh mẽ việc thu hút đầu tư nước ngoài. Vì thế, Tạp chí Forbes của Mỹ đánh giá Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư nóng nhất châu Á.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra các mặt tồn tại, yếu kém cần khắc phục như công tác đánh giá, quản lý, giải ngân vốn đầu tư công đã có tiến bộ nhiều so với những năm trước nhưng còn chậm. Công tác quản lý, phân bổ còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều bất cập, xuất phát từ việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa được tổ chức tốt. Thủ tướng lấy ví dụ như xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 30 có nhiều vấn đề mà các bộ, ngành không thống nhất được như chỉ định nhà đầu tư, tiền thuê đất…

Bên cạnh có chủ trương tốt về lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực xã hội chưa có nghiên cứu hệ thống. Nhiều vấn đề xã hội trong kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa có biện pháp mạnh mẽ, nên có nhiều vấn đề tồn tại về mặt xã hội. Bộ KH&ĐT có nhiều cán bộ trẻ, giỏi, tốt nhưng có cán bộ chưa đạt yêu cầu.

Các tồn tại, bất cập trên không hoàn toàn là lỗi chủ quan của Bộ KH&ĐT, nhưng với vai trò tổng tham mưu về kinh tế - xã hội, Bộ cần thể hiện tinh thần chủ động, nhìn thẳng vào sự thật, nói sự thật và đánh giá đúng sự thật như Tổng Bí thư Trường Chinh từng dặn dò, với tinh thần “thắng không kiêu, bại không nản”, “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”.


Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Một số bẫy cần tránh

Nhân dịp này, Thủ tướng nêu ra các thách thức, bài toán lớn đối với Việt Nam và mong mỏi Bộ KH&ĐT lưu tâm khi làm công tác tham mưu, thống kê, hình thành chính sách kinh tế.

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, mức độ cạnh tranh giữa các quốc gia, dân tộc, ngày càng gay gắt, chính sách tài chính thắt chặt ở một số nước…, ngành KH&ĐT cần có tham mưu chiến lược sâu sắc, kịp thời, giúp khai thông và phát huy tốt nhất tiềm năng, tiềm lực còn rất lớn của đất nước.

Bộ KH&ĐT cần có giải pháp trước các nguy cơ tụt hậu, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, được đánh giá là còn rất lớn. Lấy minh họa, Thủ tướng dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP đầu người của Việt Nam năm 2017 (tính theo sức mua tương đương hiện tại) đạt 6.776 USD. Nếu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người đạt 6%/năm (tương đương với mức tăng trưởng GDP khoảng 7%) thì đến năm 2030 mới đạt khoảng trên 13.600 USD, bằng mức Thái Lan năm 2011. Đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước), GDP bình quân đầu người đạt khoảng 35.000 USD, bằng mức Hàn Quốc năm 2015.

Nhiều vấn đề văn hóa, xã hội nổi lên có thể kìm hãm sự phát triển. Cùng với đó, chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng. Vấn đề nhân khẩu học, già hóa dân số đang tạo nên những áp lực lớn đối với hệ thống an sinh xã hội và tương lai phát triển bền vững của Việt Nam. Những thách thức về biến đổi khí hậu, môi trường, tài nguyên đang ngày càng trở nên cấp bách, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.

Thủ tướng cũng lưu ý nguy cơ “tự chuyển hóa”, "tự diễn biến”, thiếu bản lĩnh, thiếu ý chí, tình trạng “dễ thì làm, khó thì bỏ” hay tư tưởng cuối nhiệm kỳ ở một bộ phận cán bộ, nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.

Với phân tích đó, Thủ tướng đặt ra 5 bài toán lớn đối với Bộ KH&ĐT, thứ nhất là với tư cách là bộ tổng tham mưu thì bộ phải hiến kế làm sao để các mục tiêu kinh tế-xã hội 2019 có thể tạo ra bứt phá không những năm nay mà cả các năm tiếp theo ở các khâu các ngành. Trong thực hiện phương châm hành động “12 chữ” của Chính phủ năm 2019, trong đó có chữ “bứt phá” thì bộ KH&ĐT phải dẫn đầu về “bứt phá”.

Thứ hai là làm sao để thể chế thực sự là mũi nhọn đột phá cho các đột phá khác của Việt Nam trong các thập niên tới trong đó có xây dựng nền kinh tế đổi mới sáng tạo, động viên tốt nhất tinh thần khởi nghiệp, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp. Bộ phải đề xuất cơ chế chính sách để đi vào hướng này.

Bài toán thứ ba là làm sao để Việt Nam tránh các bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công giá trị thấp, bẫy bãi rác thải công nghệ, làm sao để không một người dân nào bị bỏ lại phía sau. Hành trình chiến lược đưa Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu độc lập, tự cường và thịnh vượng là gì.

Thứ tư là làm sao đưa Việt Nam lọt vào top 4 ASEAN và tiệm cận tiêu chuẩn OECD về môi trường kinh doanh. Chúng ta có các Nghị quyết 02, 35… nhưng không phải ban hành thế đã là xong. Ngành KH&ĐT cần tham vấn làm sao để thực thi đạt kết quả cao nhất, sớm nhất. Làm sao Bộ KH&ĐT tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ xóa được tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. “Trong phường anh có người chết mà anh mang giấy chứng tử tới tận nhà để chia buồn hay nhà có người mới sinh thì anh mang hoa đến tặng. Anh có làm được việc đó không. Mình phải có việc làm cụ thể vì dân”, Thủ tướng nêu ví dụ.

Bài toán lớn thứ năm là làm sao để kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của sự phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình, kinh tế hợp tác.

Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT đề xuất chính sách giải pháp cụ thể, không chấp nhận chính sách không khả thi, không hiệu quả.


Ảnh: VGP/Quang Hiếu


‘Đừng ngại thay đổi…’

Ngạn ngữ có câu: "Ta không được chọn nơi mình sinh ra, nhưng ta được chọn nơi mình sẽ sống", Thủ tướng nêu rõ, đây phải là phương châm và là động lực để các đồng chí nghĩ về những định hướng phát triển, tầm nhìn của Việt Nam đến 2030 và 2045, nghĩ về một tương lai tươi sáng hơn cho đất nước, về một Việt Nam hùng cường, nơi mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như Bác Hồ mong muốn.

“Chúng ta hoàn toàn có quyền mơ ước và nỗ lực hành động hơn nữa để trở thành một đất nước phát triển, xã hội văn minh, người dân có cuộc sống hạnh phúc”, Thủ tướng yêu cầu, chúng ta không chỉ mơ ước mà còn nghiêm túc thực hiện khát vọng này với nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Nêu ra các định hướng, tầm nhìn vào năm 2030 là Việt Nam hướng tới một xã hội khá thịnh vượng, thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao và năm 2045, dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước, là trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng, dân tộc chúng ta không hề thua kém bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, Thủ tướng đặt vấn đề, Bộ KH&ĐT phải làm gì.

Theo Thủ tướng, cùng các bộ, ngành, Bộ KH&ĐT cần nỗ lực, sáng tạo hơn nữa, phát huy, huy động mọi nguồn lực, cần đánh giá, hiểu rõ mục tiêu, những định hướng chiến lược, các lĩnh vực cần tập trung cải cách, đổi mới, tiếp tục xây dựng thể chế vượt trội, hiệu quả hơn.

Bộ phải luôn phấn đấu xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược, tổng hợp về phát triển kinh tế-xã hội quan trọng nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Cần thay đổi đủ lớn, đủ nhanh, đủ mạnh về thể chế, tháo bỏ được các nút thắt thể chế, tạo ra bước tiến nhảy vọt của quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại.

Thủ tướng đề nghị nghiên cứu câu ngạn ngữ: “Đừng ngại thay đổi. Bạn có thể mất một cái gì đó tốt nhưng bạn có thể đạt được một cái gì đó còn tốt hơn”, “rõ ràng thời gian qua chúng ta đã thấy được hiệu quả của thay đổi thể chế và điều này khích lệ chúng ta quyết tâm, đồng lòng tiếp bước trên con đường này”.

Cần có một cách tiếp cận toàn diện, gồm 3 trụ cột để hiện đại hóa thể chế kinh tế, bao gồm các mặt chính trị, xã hội và môi trường. Không được coi nhẹ tầm quan trọng của trụ cột nào trong phát triển kinh tế vì nó sẽ không mang lại cho chúng ta sự bền vững, thịnh vượng và hạnh phúc.

Mọi tổ chức, cá nhân có toàn quyền tự do kinh doanh, tự do sáng tạo; hệ thống thể chế phải đảm bảo được đầy đủ quyền tự do kinh doanh, tự do sáng tạo và hiện thực hóa được những ý tưởng, đề xuất đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng đề nghị phải áp dụng đầy đủ và nhất quán các nguyên tắc trên đây trong soạn thảo, tham vấn, thẩm định và thông qua các văn bản, chính sách, đề án.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng nói về công tác chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 và Kế hoạch 5 năm 2021-2015 mà Bộ KH&ĐT có vai trò chủ đạo trong Tổ Biên tập.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Chủ tịch nước Lương Cường: Việt Nam sẵn sàng hợp tác vì một APEC thịnh vượng

Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024, Chủ tịch nước Lương Cường đã tham gia các sự kiện quan trọng và gửi đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam trong hợp tác quốc tế và phát triển bền vững.
2024-11-16 09:16:13

Hải Phòng tổ chức chương trình gặp mặt, kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam

Chiều 15/11, TP.Hải Phòng tổ chức chương trình “Gặp mặt kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam” (20/11/198 2 - 20/11/2024). Chương trình nhằm tôn vinh các thế hệ thầy, cô đã cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp giáo dục thành phố, khơi dậy truyền thống “tôn sư trọng đạo”, một giá trị văn hóa quý báu.
2024-11-16 05:47:11

Hải Phòng tổ chức tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Hội đồng nhân dân cuối năm

Ngày 15/11, HĐND TP.Hải Phòng (khóa XVI) tổ chức tiếp xúc với cử tri các quận Hồng Bàng, Lê Chân, Đồ Sơn, Kiến An và các huyện Thủy Nguyên, Tiên Lãng, An Lão, An Dương trước khi diễn ra kỳ họp thường lệ cuối năm.
2024-11-15 21:43:21

Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Sáng 15/11, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
2024-11-15 20:29:00

Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Sáng 15/11, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”
2024-11-15 17:54:20

Hướng tới xã hội chống lãng phí của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí cũng chính là một trong bốn giải pháp đột phá được đưa ra trong bài viết “Chống lãng phí” gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm.
2024-11-15 10:19:31
Đang tải...