Thủ tướng nói chuyện với giảng viên, sinh viên Đại học Quốc gia Australia
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước giảng viên và sinh viên Đại học Quốc gia Australia. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Đại học Quốc gia Australia (ANU) được thành lập năm 1946, là trường duy nhất ở Australia được lập theo Đạo luật của Quốc hội liên bang, trong khi các trường đại học khác của Australia đều được thành lập theo luật của quốc hội các tiểu bang. Đây là Đại học có thế mạnh về nghiên cứu và là một trong 10 trường đại học nghiên cứu hàng đầu trên thế giới. ANU hiện có hơn 12.000 sinh viên trong nước và quốc tế theo học.
Tại buổi gặp gỡ, Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Australia Gareth Evans đánh giá cao độ mở của nền kinh tế Việt Nam. “Việt Nam là nước có chính sách cởi mở, thúc đẩy các dòng thương mại và đầu tư và theo đuổi một trật tự kinh tế dựa trên luật lệ, hiện Việt Nam đã có độ mở gần như lớn nhất trên thế giới, sánh ngang với Singapore. Hệ thống trật tự kinh tế dựa trên luật lệ cởi mở hiện nay cũng đang bị đe dọa. Do vậy lợi ích chiến lược của cả Australia và Việt Nam là giữ cho chúng ta có một trật tự kinh tế dựa trên luật lệ và cởi mở”, ông Gareth Evans nói.
Nói chuyện với lãnh đạo, giảng viên, sinh viên Đại học Quốc gia Australia tại giảng đường của trường, Thủ tướng cho biết, đặt chân đến Australia, Đoàn chọn trường là điểm đến thăm đầu tiên. Thủ tướng bày tỏ vui mừng được thăm Đại học danh tiếng này, nơi có nhiều cựu sinh viên trở thành chính trị gia nổi tiếng, trong đó hiệu trưởng hiện nay từng là Ngoại trưởng Australia nhiều năm, hay Phó Hiệu trưởng từng đoạt giải Nobel.
Thủ tướng cho rằng, với danh tiếng và uy tín của mình, hằng năm có nhiều sinh viên quốc tế, trong đó có sinh viên Việt Nam chọn Đại học quốc gia Australia là nơi học tập để chắp cánh cho các khát vọng, ước mơ của mình.
Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn và hiện Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế năng động. Thông tin về việc Việt Nam hiện nay đã xuất siêu, Thủ tướng cầm chiếc điện thoại di động trên tay và cho rằng, rất có thể điện thoại thông minh của Samsung hiện đại nhất mà người Australia đang sử dụng hằng ngày đến từ Việt Nam. Vì theo Samsung, khoảng 3/4 lượng điện thoại này được sản xuất tại Việt Nam.
Thủ tướng và lãnh đạo Đại học Quốc gia Australia. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tán thành với Hiệu trưởng ANU về độ mở của nền kinh tế Việt Nam, Thủ tướng cho biết Việt Nam có trao đổi thương mại với trên 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; đã ký kết 12 Hiệp định thương mại tự do và là nước thành viên của nhiều tổ chức quốc tế lớn như Liên hợp quốc, ASEAN, WTO, IMF, WB.
Thủ tướng đánh giá cao sự hỗ trợ, hợp tác của Australia đối với Việt Nam, trong đó có lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao, chống biến đổi khí hậu. Hai nước đã hợp tác tại nhiều diễn đàn đa phương và cùng tham gia nhiều hiệp định thương mại, đầu tư tại khu vực mà mới đây là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hai nước cũng chia sẻ quan điểm trong nhiều vấn đề liên quan đến gìn giữ hòa bình, bảo đảm an ninh khu vực, trong đó có Biển Đông.
Cho biết hai nước đang kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Thủ tướng chia sẻ thông tin quan trọng là trong chuyến thăm này, ông và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull sẽ tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược.
Trả lời câu hỏi của Hiệu trưởng về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và được Ngân hàng Thế giới đánh giá trong hai năm vừa qua tăng 14 bậc. Việt Nam cũng đã nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá thứ hạng của Việt Nam tăng liên tục hai năm qua, riêng năm 2017 tăng 5 bậc.
Về triển vọng hợp tác giáo dục giữa hai nước, Thủ tướng cho biết: “Tôi mong muốn Đại học Quốc gia Australia tiếp tục mở rộng liên kết với các cơ sở giáo dục đào tạo của Việt Nam trong chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác nghiên cứu khoa học và trao đổi sinh viên. Chúng tôi sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để Đại học quốc gia Australia và các đại học khác của Australia đẩy mạnh hợp tác giáo dục với Việt Nam. Tôi vui mừng thông báo với quý vị và các bạn Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Australia sẽ ký thỏa thuận hợp tác giáo dục giữa Chính phủ hai nước trong giai đoạn 2018-2023 với mục tiêu và phương hướng hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả”.
Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm tại Đại học Quốc gia Australia. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tiếp sau buổi gặp gỡ, giao lưu với lãnh đạo, giảng viên và sinh viên Đại học Quốc gia Australia, Thủ tướng đã có cuộc trao đổi bàn tròn với lãnh đạo Đại học này. Thủ tướng nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, đặc biệt là lĩnh vực đào tạo chiếm ưu thế tốt nhất. Hiện có khoảng 30.000 sinh viên Việt Nam theo học ở Australia, cao nhất trong số các nước trên thế giới có sinh viên Việt Nam theo học. Điều đó nói lên sự tín nhiệm của phụ huynh và sinh viên Việt Nam đối với các trường Đại học của Australia.
Ngoài ra có 60.000 cựu sinh viên, du học sinh Việt Nam đã tốt nghiệp ở Australia và về công tác tại Việt Nam. Thủ tướng cho rằng, sinh viên được đào tạo tại Australia có chất lượng tốt và cùng với thương mại, đầu tư và các lĩnh vực quan trọng khác, thì giáo dục và đào tạo là một ưu thế lớn mà hai nước cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược.
Điều gì đã làm cho sinh viên Việt Nam tới đây đông như thế? Thủ tướng cho rằng đó là nhờ Australia có môi trường sống tốt, một xã hội đa văn hóa và bảo vệ quyền con người đã được thiết lập rất tốt, kể cả với người nước ngoài. Bên cạnh đó, mức sinh hoạt phí, học phí chấp nhận được, dù học phí của một số trường còn cao.
Thủ tướng cho rằng nguồn nhân lực được đào tạo tại Australia là những viên gạch rất vững bền cho mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam-Australia.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.