Người có công khó tiếp cận nhà ở, Thủ tướng phê bình 2 bộ và 9 địa phương
Chiều 12/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính (trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước) chủ trì họp phiên thứ hai để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến 4 cấp, từ đầu cầu trụ sở Chính phủ trực tuyến tới hơn 8.600 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các quận, huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn trong toàn quốc.
Đã hoàn thành, bàn giao và đang xây dựng gần 85.000 căn nhà
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ ngay sau phiên họp thứ nhất, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Toàn bộ 58 tỉnh, thành phố có nhà tạm, nhà dột nát đã thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu báo cáo không thành lập do không còn nhà tạm, nhà dột nát). Ngoài ra, 50 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai phong trào trên địa bàn.
Kết quả thực hiện, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã hoàn thành 19/26 nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Thủ tướng. Quỹ "Vì người nghèo" đã tiếp nhận trên 72,4 tỉ đồng; các địa phương đã vận động được hơn 2.300 tỉ đồng.
Theo báo cáo cập nhật của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước đã hoàn thành, bàn giao và đang xây dựng 84.888 căn hộ. Hiện còn khoảng 230.000 căn nhà tạm, nhà dột nát cần phải tập trung xây dựng, sửa chữa để hoàn thành từ nay đến cuối năm 2025.
Thay mặt Ban Chỉ đạo, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các bộ, cơ quan, địa phương đã chủ động, tích cực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra.
Đồng thời, Thủ tướng trân trọng cảm ơn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân, các cơ quan trong hệ thống chính trị các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đã thực sự chung tay, hưởng ứng tích cực, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của chương trình.
Thủ tướng nêu kết quả đạt được là nhờ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, càng trong khó khăn, thử thách càng phát huy mạnh mẽ. Cùng với đó là chủ trương đúng đắn của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Lực lượng công an tham gia xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Lạng Sơn - Ảnh: Bộ Công an
Trách nhiệm của Bộ Xây dựng và tồn tại cần tháo gỡ
Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, Thủ tướng phê bình: Bộ Xây dựng chưa ban hành văn bản hướng dẫn tiêu chí xác định nhà tạm, nhà dột nát, đôn đốc thống kê người có công đang khó khăn về nhà ở.
Bộ Tài chính chưa ban hành hướng dẫn phương án sử dụng kinh phí tiết kiệm 5% chi ngân sách thường xuyên năm 2024 và phân bổ vốn sự nghiệp năm 2025 cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.
Ngoài ra, 9 địa phương chưa quyết liệt, trách nhiệm chưa cao, chưa ban hành kế hoạch hành động là: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lai Châu, Hưng Yên, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Thuận, Đắk Lắk, Hậu Giang; chưa nghiêm túc báo cáo, thống kê theo quy định.
Để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, bình quân mỗi ngày phải hoàn thành khoảng 700 căn trên cả nước; mỗi địa phương phải hoàn thành 12 căn/ngày.
Thủ tướng nhấn mạnh các cấp cần phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc với tinh thần: Ai có gì giúp nấy, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều, ai có của giúp của, ai có tiền giúp tiền, ai có công giúp công.
Đồng thời cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, đề cao trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Các địa phương phát huy tinh thần tự lực, không trông chờ, ỷ lại, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh báo cáo tại phiên họp.
Về quan điểm, định hướng, Thủ tướng nêu rõ việc hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2025.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát để các địa phương có cơ sở thực hiện. Đồng thời, phải báo cáo trước ngày 20-1 về số liệu người có khó khăn về nhà ở tại thời điểm đó; các trường hợp đặc biệt phát sinh sau đó thì tiếp tục thống kê theo tiêu chí, hướng dẫn.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương chưa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, phê bình, kỷ luật và ban hành ngay trước ngày 15-1.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng phân bổ nguồn vốn sự nghiệp năm 2025 để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện nghèo, hoàn thành trước ngày 20-1.
Đồng thời, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc về phương án sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024; báo cáo Thủ tướng trước ngày 20-1; miễn thuế thu nhập với việc tham gia các chương trình an sinh xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vinh quang, là trách nhiệm cao cả của cán bộ, đảng viên, là tình cảm tương thân, tương ái xuất phát từ trái tim.
Người có công, thương bệnh binh khó tiếp cận nhà ở
Chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng 40 triệu đồng/nhà làm mới, 20 triệu đồng/nhà sửa chữa có ý nghĩa thiết thực, thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn". Tuy nhiên, việc thống kê đối tượng được hỗ trợ trên địa bàn nhiều tỉnh, phố không thống nhất, sau mỗi lần thống kê, rà soát lại đưa ra một con số khác nhau.
Có tình trạng này là do, việc thống kê, rà soát chưa có sự phối hợp của các cấp, ngành chức năng, thường phó thác cho cán bộ làm công tác chính sách ở xã đảm nhiệm dẫn đến thống kê chưa sát thực tế. Nhiều huyện chưa thật sự quan tâm chỉ đạo, nhất là việc thẩm tra trước khi phê duyệt; chưa làm tốt việc niêm yết công khai danh sách những hộ nào được làm mới, hộ nào được sửa chữa cho nên dẫn đến hiện tượng thắc mắc, so bì giữa trường hợp có tường, khung, mái hư hỏng nhỏ cũng được hỗ trợ sửa chữa 20 triệu đồng.
Cả nước còn khoảng 230 nghìn nhà tạm, nhà dột nát cần xóa
Ở nhiều địa phương, một số người có công với cách mạng đã được phê duyệt trong danh sách nhưng chưa được hỗ trợ thì đến nay đã chết, tỉnh không hỗ trợ nữa. Bên cạnh đó, những người có công với cách mạng sống trong những căn nhà dột nát, nhưng không phải là chủ hộ (ở với con, cháu) không được tỉnh hỗ trợ làm mới, sửa chữa cũng dẫn đến bức xúc. Với số tiền được hỗ trợ có hạn, gia đình khó khăn, cộng đồng, làng xóm, chính quyền cơ sở chưa quan tâm huy động nguồn lực giúp đỡ thêm theo yêu cầu đề ra nên không ít ngôi nhà được làm mới chưa thật sự đáp ứng yêu cầu "ba cứng" là khung, tường, mái cứng theo quy định.
Ðể việc hỗ trợ người có công với cách mạng làm mới, sửa chữa nhà ở thật sự có ý nghĩa, các ngành chức năng, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh cần thật sự vào cuộc, tránh tình trạng phó thác cho ngành xây dựng, cán bộ làm công tác chính sách ở xã như thời gian vừa qua. Cấp ủy, chính quyền cơ sở cần huy động nguồn lực, ngày công ở cộng đồng giúp đỡ thêm để gia đình người có công làm được ngôi nhà khang trang. Trong khi nguồn kinh phí hằng năm được cấp có hạn, các địa phương trong tỉnh cần ưu tiên bố trí kinh phí để hỗ trợ những người có công đã cao tuổi, đang ốm đau bệnh tật, có nhà dột nát được làm mới, sửa chữa trước. Ðồng thời, các bộ, ngành Trung ương cần sớm bố trí đủ kinh phí như mục tiêu mà Quyết định 22/2013/QÐ- TTg đã đề ra, bởi giá vật liệu xây dựng ngày càng tăng, số tiền hỗ trợ lại có hạn cho nên việc làm ngôi nhà mới đối với người có công với cách mạng sẽ càng khó khăn hơn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.