Thủ tướng: Thương binh nặng tiêu biểu là những tấm gương vượt khó vươn lên
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng bằng khen cho các thương binh nặng sáng 25-7. (Ảnh: Nguồn AT)
Buổi lễ gặp mặt, tuyên dương 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc do Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, báo Nhân Dân, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam và UBND TP Hà Nội phối hợp tổ chức.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các ban, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương đã đến dự buổi lễ. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lẵng hoa chúc mừng.
Buổi lễ gặp mặt, tuyên dương 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc được tổ chức trang trọng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Mỹ Đình - Hà Nội), sáng 25-7. (Ảnh: Nguồn AT)
Thương binh, gia đình chính sách sẽ sống tốt hơn
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận 500 thương binh nặng "đã phấn đấu vươn lên bằng ý chí và nghị lực phi thường", "là những tấm gương sáng động viên con cháu, người thân, gia đình, xã hội tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới của đất nước ngày hôm nay".
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương nghị lực, ý chí vươn lên của các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng.
"Đây thực sự là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, là những tấm gương sáng đáng khâm phục, lay động lòng người, động viên, khích lệ, truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần vượt khó vươn lên cho mỗi chúng ta", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Nguồn TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết cùng với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực chăm lo của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và sự cố gắng vươn lên của chính mình, đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng được cải thiện.
Đến nay, 98,5% số gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú.
Tuy nhiên, cả nước còn một bộ phận thương binh, bệnh binh và gia đình người có công với cách mạng có cuộc sống còn khó khăn, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính, vẫn còn những người, những gia đình người có công vì nhiều lý do khác nhau chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi...
"Đây là những điều day dứt trong lòng người thân và trong mỗi chúng ta, cần được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội", Thủ tướng nói.
"Với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tiếp tục chăm lo chu đáo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn. Phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; tập trung, quyết liệt thực hiện công tác xác nhận người có công, giải quyết căn bản việc xác nhận hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công với cách mạng", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Cuối bài phát biểu, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi người có công, và coi đây là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.
Giao lưu với các thương binh nặng tiêu biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Nguồn AT)
Tôn vinh 500 "liệt sĩ sống"
Tại buổi gặp mặt, 500 thương binh nặng đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Theo bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung, 500 đại biểu này đại diện cho hơn 12.000 thương binh nặng và 1,2 triệu thương binh trong cả nước.
500 đại biểu dự lễ gặp mặt đều mất sức lao động 81% trở lên, trong đó có hơn 100 đại biểu tỉ lệ mất sức lao động trên 90%, 8 đại biểu mất sức lao động 100%, 30 thương binh là người dân tộc thiểu số, 44 đại biểu thương binh nặng là nữ, 35 thương binh bị mất thị lực hoàn toàn, 68 người phải di chuyển bằng xe lăn, 29 thương binh phải sử dụng chân giả và phần đông các đại biểu ở độ tuổi 70-80.
"Các thương binh nặng dù đang sống cùng gia đình hay các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng đều có chung một ý chí, một nghị lực phi thường vươn lên chiến thắng thương tật, khó khăn, ổn định sức khỏe, ổn định đời sống để chăm lo xây dựng gia đình, cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu tấm gương sáng trong cuộc sống học tập, lao động và công tác, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.