Thủ tướng trao phần thưởng cao quý cho Binh đoàn 12
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự buổi lễ. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Chiều 18/5, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng, Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam và thành phố Hà Nội long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019).
Tới dự lễ kỷ niệm có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cán bộ lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Tùy viên Quốc phòng Lào, Campuchia tại Việt Nam, các đại biểu cựu chiến binh, thanh niên xung phong thuộc Bộ đội Trường Sơn.
Tại buổi lễ, thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đọc diễn văn ôn lại lịch sử, truyền thống, quá trình hình thành, phát triển và những chiến công, kỳ tích của Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh; tôn vinh, tri ân công lao, cống hiến của quân và dân ta, nhất là những chiến công, đóng góp to lớn của Bộ đội Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thượng tướng Phan Văn Giang khẳng định, cùng với đường Hồ Chí Minh trên biển, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh và Bộ đội Trường Sơn đã phát huy vai trò to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận tải chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần to lớn làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1972, Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, quán triệt phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, Bộ đội Trường Sơn đã nhanh chóng tổ chức vận chuyển các binh đoàn chủ lực của Quân đội ta vào chiến trường để làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là biểu tượng bất diệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí độc lập tự do và thống nhất đất nước; đồng thời là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia và sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế.
Thay mặt các cựu chiến sỹ Bộ đội Trường Sơn, Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội truyền thống đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam phát biểu, trong gian khổ, ác liệt, hy sinh, những người lính Trường Sơn vẫn chiến đấu quả cảm, kiên cường, dẻo dai, sẵn sàng hy sinh vì đồng đội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Quyết định và gắn Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng nhất lên Quân kỳ Quyết thắng cho Binh đoàn 12. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Ở Trường Sơn, không một ngày nào là không có tiếng bom đạn; từng cung đường, trọng điểm, từng vạt rừng, bờ suối bị cày xới bởi hàng triệu tấn bom đạn, hàng chục triệu lít chất độc hóa học. Ở đó, đất đá trộn lẫn gang thép, thấm đẫm mồ hôi và máu của những người lính Trường Sơn quả cảm. Theo Thiếu tướng Võ Sở, trên dải Trường Sơn đã có hàng chục, hàng trăm câu chuyện vô cùng cảm động về sự hy sinh dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Cuối năm 1968, ở Binh trạm 32, địch ném bom trúng trận địa phòng không, gần 50 chiến sĩ cao xạ hy sinh. Ở Binh trạm 31, một loạt bom đã chôn vùi 12 chiến sĩ công binh trong hang núi Seng Phan.
“Không những thế, chúng tôi đã phải chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn trăm bề và khí hậu khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn. Với lính Trường Sơn, phải mặc quần áo ướt hàng tuần, phải ăn măng le, củ chuối thay cơm là chuyện thường, nhưng hàng đảm bảo cho chiến trường thì không tơ hào một cân, một lạng”, đồng chí Võ Sở nói.
16 năm kể từ khi “soi đường, lập trạm” đến ngày giải phóng, có trên 2 vạn cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn đã hy sinh. “Nhiều đồng đội của chúng tôi vẫn nằm lại đâu đó trên đại ngàn Trường Sơn; trên 3 vạn người bị thương, hàng vạn người khác nhiễm chất độc da cam để lại nỗi đau giày vò đến tận hôm nay cho nhiều thế hệ”. “Trong gian khổ, ác liệt, hy sinh, những người lính Trường Sơn chúng tôi vẫn chiến đấu quả cảm, kiên cường, dẻo dai, sẵn sàng hy sinh vì đồng đội, vì nhiệm vụ. Chính họ là những người làm nên lịch sử, làm nên kỳ tích Trường Sơn, kỳ tích của những người lính Cụ Hồ”, đồng chí Võ Sở chia sẻ.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Quyết định và gắn Huân chương Lao động Hạng Nhì cho Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Năm 2011, Chính phủ đã có Quyết đinh thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Đến nay, hội đã trở thành mái nhà chung của các cựu cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn. Hội cũng là nơi gửi gắm nghĩa tình đồng đội và niềm tin sắt son, vững chắc với Đảng, Nhà nước và Quân đội.
Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Anh, cán bộ Công ty Cổ phần Tư vấn Trường Sơn, Binh đoàn 12, đại diện thế hệ trẻ Quân đội phát biểu bày tỏ niềm tự hào khi được tiếp bước các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Trường Sơn năm xưa và hôm nay, nguyện ra sức học tập, tích cực nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiên, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao trình độ mọi mặt, không ngừng vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao mới; tham gia xây dựng công trình, dự án mới, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, địa bàn chiến lược, góp phần của tuổi trẻ vào phát triển kinh tế, xã hội gắn với tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh của đất nước, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Quyết định và gắn Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng nhất lên Quân kỳ Quyết thắng cho Binh đoàn 12 - đơn vị được thành lập trên cơ sở lực lượng Bộ đội Trường Sơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Di tích lịch sử Đường Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum và Bình Phước.
Cũng tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Quyết định và gắn Huân chương Lao động Hạng Nhì cho Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.