Tương ớt Chin su: Vì lợi nhuận hay vì người Việt tiếp theo?
Trong một diễn biến mới nhất, tại Nhật Bản, chính quyền thành phố Osaka đã ra thông báo về việc thu hồi toàn bộ 18.168 chai tương ớt nhập khẩu từ Việt Nam có nhãn hiệu Chin-Su của Masan vì chứa chất cấm acid benzoic.
Acid benzoic là chất có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế nhưng được quy định về hàm lượng sử dụng. Hiện nay có 186 nước dùng theo tiêu chuẩn chung của Codex, trong đó có Việt Nam. Tiêu chuẩn chung là thế nhưng trong số các thành viên của Codex có nước cho phép và có nước lại tuyệt đối cấm acid benzoic.
Theo kết quả phân tích của Viện nghiên cứu Công nghệ thực phẩm Tokyo, hàm lượng Acit benzoic trong các chai tương ớt Chinsu vừa bị thu hồi ở mức 0,41-0,45 g/kg. Đây là chất cấm sử dụng trong tương ớt ở Nhật Bản. Ở Việt Nam, quy định của Bộ Y tế cũng cho phép sử dụng phụ gia này với nồng độ tối đa 0,1%, tức 1g/1 ít, 1g/1kg.
Liều lượng gây độc ở người là 6mg/kg thể trọng. Chính vì vậy, chúng ta nên sử dụng liều lượng nhỏ hơn 1g/kg thực phẩm.
Theo FDA, axit benzoic và natri benzoate, khi kết hợp với axit ascorbic (hay vitamin C) sẽ tạo thành phản ứng sinh ra benzene - chất gây ung thư và các bệnh mạn tính khác. Đa số rau củ quả, trái cây đều chứa vitamin C, vì vậy, việc sử dụng natri benzoate trong quá trình bảo quản thực phẩm đều làm tăng khả năng sinh ra benzen.
Axit benzoic có thể xâm nhập vào cơ thể qua da cũng như đường tiêu hóa và hô hấp. Vì vậy, nếu dùng quá liều, nó có thể gây kích ứng đường tiêu hóa, hen suyễn, phát ban, ngứa và kích ứng da và mắt. Các nhóm người có nguy cơ cao nhất có thể gặp phải tác dụng phụ của axit benzoic bao gồm trẻ em, những người nhạy cảm với aspirin hoặc có vấn đề về bệnh gan.
Một số nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng natri benzoate có thể gây ra và làm tăng các triệu chứng tăng động ở trẻ nhỏ.
Sản phẩm tương ớt Chinsu bị thu hồi ở Nhật. Ảnh chụp màn hình trang thông tin của Nhật.
Lý giải về việc tại sao Nhật Bản lại không cho dùng phụ gia này trong tương ớt, trong khi nó được phép sử dụng theo quy định của Ủy ban Codex, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết: “Tùy theo từng nước, họ có thể đưa ra các quy định khác so với quy định của Codex với điều kiện đưa ra đầy đủ bằng chứng khoa học.
Mỗi nước có những nguyên tắc để xây dựng tiêu chuẩn thực phẩm, có thể dựa vào thói quen sử dụng thực phẩm của người dân khi dùng thực phẩm đó. Thí dụ, nhóm đối tượng thực phẩm nào được sử dụng nhiều họ sẽ có quy định, tính toán tổng lượng phụ gia được sử dụng trong các thực phẩm người dân dùng. Vì thế, quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm có thể khác biệt nhau giữa các nhóm thực phẩm.”
Nhìn lại, với thói quen ăn uống của người Việt, gần như 100% người dân đều tin tưởng sử dụng sản phẩm tương ớt Chinsu liệu có biết hàm lượng Acit benzoic trong các chai tương ớt Chinsu nếu bị sử dụng quá quy định có thể gây tác hại nguy hiểm đến sức khỏe? Masan biết được hàm lượng chất phụ gia này bị cấm do tiêu chuẩn cao của người Nhật liệu có nâng cao tiêu chuẩn trong từng chai tương ớt xuất khẩu ra thị trường Việt Nam?
Để thể hiện uy tín và trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc đảm bảo ATTP trong từng chai tương ớt Chinsu, nhà sản xuất chế biến phải có ý thức, lương tâm trong sản xuất chế biến và kinh doanh mặt hàng này, không vì lợi nhuận làm "mờ mắt" mà "vô tư" bỏ qua sức khỏe của người tiêu dùng.
Qua sự việc lô tương ớt Chin-su 18.000 chai bị thu hồi tại Nhật Bản, Masan có “im lặng” chờ sóng gió đi qua rồi tiếp tục duy trì sản phẩm có chứa chất phụ gia bị cấm này hay họ sẽ vì người tiêu dùng mà thay đổi, không cho chất nguy hại này vào trong tương ớt Chinsu nữa?
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.