Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch Covid - 19
Tháo gỡ khó khăn vì dịch Covid-19
Với chính sách tiền tệ, sự chủ động, tích cực, kịp thời của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong thời gian qua đã ban hành một loạt giải pháp để ngăn chặn tác động xấu của Covid-19 đối với sản xuất, kinh doanh của người dân và DN. Đến thời điểm này, chưa biết khi nào bệnh dịch Covid-19 kết thúc, vì vậy NHNN cần tiếp tục theo dõi, đánh giá thường xuyên tác động để có cơ chế kịp thời như cơ cấu lại nợ, giãn nợ, tính toán một phần lãi suất đối với DN sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng… các ngân hàng cần duy trì cấp tín dụng căn cứ vào khả năng chống chịu của DN.
Về lãi suất, nên tiếp tục giữ ổn định. Trong hai tháng đầu năm, chỉ số CPI cũng đã ở mức tương đối cao. Để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2020 dưới 4% như Nghị quyết Quốc hội thông qua đòi hỏi những tháng còn lại của năm 2020 phải kiểm soát chặt chẽ CPI theo hướng giảm dần.
Cũng có ý kiến cho rằng để đối phó tác động dịch bệnh Covid 19 nhiều nước hạ lãi suất, phá giá đồng nội tệ. Tuy nhiên, cần xem xét cụ thể tình hình thực tế của họ. Với Mỹ và nhiều nước khác, sau nhiều lần tăng liên tục nên việc họ giảm lãi suất là bình thường. Còn tại Việt Nam, lãi suất tương đối hợp lí, đảm bảo lãi suất thực dương. Hay như tỉ giá cũng vậy, nếu điều chỉnh có thể mang lại lợi thế trong xuất khẩu nhưng sẽ vấp phải phản ứng của các nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam.
Theo đó, chính sách tiền tệ tiếp tục duy trì ổn định tiền tệ, tín dụng, tỉ giá hối đoái… để đảm bảo mục tiêu quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô phát triển bền vững. Tất nhiên, vẫn cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch bệnh để có giải pháp linh hoạt phù hợp.
Tình hình thực tế hiện nay thì chưa cần nới lỏng chính sách tài khóa:
Thứ nhất, hiện tại, tỉ lệ huy động thuế, phí, lệ phí vào ngân sách tương đối thấp, mới chiếm khoảng 24% GDP. Nếu nới lỏng chính sách tài khóa, tăng chi và giảm thu ngân sách để kích thích kinh tế, thì hệ quả là bội chi, kéo nợ công tăng lên sẽ đe dọa an ninh tài chính quốc gia.
Thứ hai, phương án giảm thuế. Nếu giảm VAT và thuế gián thu thì người tiêu dùng được hưởng, DN là người nộp hộ nên tác động đến kinh doanh không nhiều. Nếu giảm thuế trực thu (thu nhập DN, thu nhập cá nhân) thì không có cơ sở, căn cứ vì những ngành nghề như du lịch, nhà hàng, khách sạn, hàng không… kinh doanh khó khăn, lợi nhuận thấp hoặc thậm chí không có lợi nhuận nên nghĩa vụ nộp thuế, miễn giảm thuế này không có ý nghĩa nhiều đối với DN. Từ đó, không nên nới lỏng chính sách tài khóa mà nên áp dụng một số giải pháp như khoanh nợ, giãn nghĩa vụ nợ, giãn thời gian thực hiện nộp thuế, phí, lệ phí. Ngay cả nghĩa vụ nộp bảo hiểm xã hội cũng có thể giãn thời gian nộp để tháo gỡ khó khăn cho DN...
Trên thực tế cần khơi thông, tháo gỡ khó khăn trong đầu tư, kể cả tư nhân lẫn đầu tư công. Hiện, tại TP. Hồ Chí Minh có hàng nghìn dự án, chủ đầu tư đang đề nghị tháo gỡ những vướng mắc thủ tục, thẩm quyền. Tình trạng này xuất hiện ở hàng loạt địa phương. Đây là lúc các bộ, ngành, địa phương phải xem xét cụ thể từng vấn đề, khắc phục tình trạng vô cảm với khó khăn của DN mà tiếp tục đồng hành tháo gỡ khó khăn, khơi dậy các nguồn lực đầu tư này.
Với đầu tư công, trong nhiều năm, dù nguồn lực dành cho đầu tư còn hạn chế, nhưng không năm nào giải ngân hết, chuyển nguồn năm nào cũng ở mức cao. Trong khi đó bối cảnh bội chi, ngân sách phải đi vay. Vay nhiều, nghĩa vụ nặng mà tiền để trong kho, tồn ngân kho lớn, phải gửi vào ngân hàng, kho bạc là gánh nặng. Do vậy, làm sao khơi thông và đẩy nhanh đầu tư xây dựng cơ bản theo đúng tiến độ có ý nghĩa rất quan trọng. Để làm được, Chính phủ và các bộ ngành phải giải quyết rốt ráo vướng mắc, liên quan thể chế, trình tự thủ tục phải tháo gỡ quyết liệt. Và phải coi thực hiện kế hoạch xây dựng cơ bản từ ngân sách như là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Vấn đề nữa chậm đầu tư công là giải phóng mặt bằng, quy trình đấu thầu nên làm rõ tinh thần trách nhiệm của các bên liên quan, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Nếu các cấp chính quyền Trung ương và địa phương vào cuộc thì có thể giải quyết nhanh chóng.
Ngân hàng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp
Chính phủ sẽ có cơ chế thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) - hiện chiếm hơn 90% số lượng DN, đóng góp gần 40% vào GDP cả nước. Với ngành Ngân hàng, cùng với sự chỉ đạo của NHNN, hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) cũng ngày càng chú ý tới DNNVV hơn khi có nhiều chính sách hỗ trợ để “bơm” vốn giá rẻ, ưu đãi lãi suất... cho DNNVV. Có thể thấy, DNNVV đang dần trở thành một trong những phân khúc khách hàng chiến lược quan trọng của các ngân hàng.
Đơn cử vừa qua, một số ngân hàng đã có ký kết hợp đồng khung cho vay gián tiếp với Quỹ Phát triển DNNVV (SMEDF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là đơn vị đầu tiên tổ chức kí kết Hợp đồng này, sau đó có SHB, BacA Bank, MB cũng đã kí kết Hợp đồng nhằm hỗ trợ nguồn vốn giá rẻ cho nhóm DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị... Các DN sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi với lãi suất cho vay ngắn hạn là 4,16%/năm, trung và dài hạn là 6,0%/năm cố định suốt thời gian vay. Thời hạn cho vay được xác định phù hợp với khả năng thu hồi vốn, khả năng trả nợ của DN và điều kiện cụ thể của từng dự án, phương án sản xuất kinh doanh nhưng tối đa không quá 7 năm…
Theo bà Hoàng Thị Hồng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SMEDF, việc đưa quỹ đi vào hoạt động là tín hiệu tích cực cho thấy sự hiệu quả bước đầu của Chính phủ trong nỗ lực hỗ trợ khối DN tư nhân. Cùng với đó, với 2.000 tỉ đồng vốn điều lệ tối thiểu của quỹ, theo bà Hồng, mục tiêu được xác định chỉ là “vốn mồi” để thu hút các nguồn lực quan trọng trong và ngoài nước, các định chế tài chính, các quỹ đầu tư, các NHTM cùng quan tâm, chung tay, hướng sự chú ý đến khối DNNVV đang còn yếu và thiếu vốn.
Với nguồn vốn hỗ trợ từ SMEDF, thông qua các NHTM, DNNVV tại Việt Nam sẽ tiếp cận nguồn vốn với mức lãi suất thấp và cố định trong thời hạn vay. Có chung cam kết luôn đồng hành cùng các DN, các NHTM và SMEDF kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội để các DN hiện thực hóa các ý tưởng, mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh, đa dạng sản phẩm dịch vụ, từ đó tăng trưởng lợi nhuận, góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước…
Không chỉ vậy, thời gian qua nhiều ngân hàng cũng đã đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi, các cơ chế hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chẳng hạn như ACB vừa tung ra gói tín dụng 25.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó có 12.000 tỉ đồng dành cho các khách hàng DNNVV. Khách hàng DNNVV nếu có nhu cầu bổ sung vốn ngắn hạn cho hoạt động sản xuất kinh doanh có thể chọn ưu đãi lãi suất vay ngắn hạn chỉ từ 6,5%/năm. Các khách hàng có nhu cầu đầu tư mua sắm/sửa chữa máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng, văn phòng… có thể chọn gói ưu đãi lãi suất vay trung dài hạn chỉ từ 8,5%/năm. Sacombank từ ngày 27/02/2020 cũng triển khai nguồn vốn ưu đãi trị giá 10.000 tỉ đồng với lãi suất giảm mạnh đến 2%/năm dành cho khách hàng cá nhân, DN vay phục vụ sản xuất kinh doanh. SHB mới đây cũng thông báo sẽ giảm lãi suất tới1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường cho các khoản vay bằng VND và 0,5%/năm đối với các khoản vay bằng USD.
Vietbank giảm lãi suất cho vay, giảm và miễn phí các dịch vụ, hỗ trợ thanh khoản... nhằm hỗ trợ các DN vượt qua tác động từ dịch Covid-19
Cũng với mục tiêu đồng hành, hỗ trợ DNNVV, SHB còn đẩy mạnh hoạt động tại các “Trung tâm hỗ trợ DN Việt Nam xuất khẩu thông qua thương mại điện tử” tại chi nhánh lớn của SHB trên toàn quốc. Đồng thời sẽ đưa vào triển khai các gói sản phẩm, dịch vụ tiện ích dành riêng cho các khách hàng cá nhân và DN quan tâm tới việc bán hàng qua hệ thống Amazon, tạo cơ hội cho sản phẩm của cộng đồng DN Việt Nam, với thương hiệu của Việt Nam sẽ có cơ hội đến được với hơn 300 triệu tài khoản người tiêu dùng thế giới. SHB cũng sẽ kết hợp với các DN lớn, các DN Top đầu chuỗi giá trị ngành theo định hướng kinh doanh của ngân hàng để hỗ trợ các DNNVV về thông tin thị trường, về kênh phân phối, vốn và giải pháp công nghệ....
Tuy nhiên để hỗ trợ DN hiệu quả các ngân hàng phải xây dựng những sản phẩm, chương trình phù hợp với các ngành nghề đặc thù, lãi suất chỉ là một vấn đề, quan trọng là sản phẩm đi kèm như thế nào. Đơn cử như Vietcombank, nhà băng này đã xây dựng 52 ngành hàng và hàng năm đều có đánh giá, phân tích theo từng ngành cụ thể để đưa ra được những chương trình riêng áp dụng cho từng ngành cụ thể. Mục đích là ngân hàng không chỉ chào mời các sản phẩm tín dụng cho khách hàng riêng lẻ, mà phải cố gắng mang tới một hệ sinh thái, chuỗi cung ứng, giúp cho việc kiểm soát dòng tiền hiệu quả hơn, hỗ trợ việc giải quyết các khúc mắc liên quan tới vấn đề tài sản bảo đảm nói chung cho các DN.
Sau khi liên tục ban hành hai văn bản yêu cầu các ngân hàng phải giữ ổn định lãi suất, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay... NHNN tiếp tục đưa ra lấy ý Dự thảo Thông tư quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh này.
Đối tượng áp dụng là các TCTD không bao gồm ngân hàng chính sách và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.