Tiếp tục soi rọi Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN) |
Những bài học, kinh nghiệm qua 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ sẽ tiếp tục được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh soi rọi vào quá trình thực tiễn xây dựng và phát triển Thành phố, nhất là trong bối cảnh Thành phố đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Nhận thức rõ những thách thức
Trong quá trình hoạt động thực tiễn, trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền Thành phố vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm nhất định.
Đó là tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; trong đó có một số lãnh đạo Thành phố. Thực tế đó đã tác động không nhỏ đến niềm tin của nhân dân với Đảng.
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 22 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa X, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ việc một số cán bộ, đảng viên của Thành phố bị kỷ luật đã cho thấy, trong công tác quản lý, lãnh đạo có sai sót.
Khi đã có sai sót, phải nhìn nhận khuyết điểm một cách nghiêm túc, thẳng thắn, chân thành trên tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm khắc, triệt để nhằm sửa chữa theo đúng tin thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng.
Đối với công tác phòng, chống suy thoái và tham nhũng, tất yếu đã sai thì phải sửa, cán bộ vi phạm phải xử lý.
Nhận thức trên đã thể hiện đúng tinh thần của Bác: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính.”
Mặt khác, với vị trí là trung tâm kinh tế hàng đầu của Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó là vấn đề quy hoạch và hạ tầng đô thị không theo kịp tốc độ đô thị hóa và tăng dân số.
Dân số Thành phố Hồ Chí Minh hiện tại hơn 10 triệu người, cứ 5 năm dân số tăng thêm 1 triệu người, gây áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông, nhà ở, trường học, y tế, năng lượng, nước sạch, môi trường, việc làm.
Bên cạnh đó, dưới tác động của biến đổi khí hậu, Thành phố Hồ Chí Minh đang phải thích ứng với tình trạng ngập úng và sụt lún đô thị.
Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với vai trò và tiềm năng của Thành phố; cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế chuyển dịch chậm, chất lượng tăng trưởng và sức cạch tranh chưa cao.
Theo bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố, những yếu kém trên có nguyên nhân về tầm nhìn, năng lực lãnh đạo và quản lý điều hành.
Trong đó, việc tập trung chỉ đạo quyết liệt những lĩnh vực, những công trình nhằm cải thiện giao thông, cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy, đầu tư cho phát triển văn hóa…
Mặt khác, nhiều cơ chế, chính sách còn ràng buộc, gây ách tắc và chậm trễ, chưa được Trung ương tháo gỡ kịp thời.
Không ngừng tìm tòi, sáng tạo
Trong thời kỳ mới, lãnh đạo Thành phố đã bám sát cuộc sống của dân, sớm phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
Đảng bộ Thành phố, nhất là những người đứng đầu Đảng bộ đã khơi dậy và phát huy tính năng động, sức sáng tạo của nhân dân và chính mình đi đầu trong sự năng động sáng tạo ấy.
Không dừng lại với những kết quả đã đạt được, Đảng bộ Thành phố tiếp tục tìm tòi, suy nghĩ với những ý tưởng mới.
Mới đây nhất là Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, triển khai Đề án Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố.
Thành phố cũng mạnh dạn, kiên trì đề xuất các chủ trương, chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Thành phố, điển hình là việc Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của mình, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng có những sáng tạo, cách làm mới.
Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, công tác phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố trong năm 2019, Ban Thường vụ Thành ủy đã có kết luận số 417-KL/TU ngày 19/2/2019 về việc thực hiện giám sát, chỉ đạo các nhiệm vụ liên quan phát triển kinh tế-xã hội Thành phố năm 2019.
Theo đó, Ban thường vụ Thành ủy xác định 19 nhiệm vụ liên quan, đồng thời phân công các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, các Ban của Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố giám sát các nhiệm vụ cụ thể.
Thành phố đã lựa chọn một số vấn đề trọng tâm, nổi cộm, bức xúc, tổ chức đối thoại với dân để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, xác định nội dung đột phá nhằm tạo chuyển biến rõ nét, tháo gỡ các “ngòi nổ” về an ninh trật tự trên địa bàn.
Điển hình, Thành phố đã tập trung giải quyết các vấn đề sai phạm đã được chỉ ra trong quá trình triển khai thực hiện Khu đô thị mới Thủ Thiêm, vụ việc kéo dài gần 20 năm nay.
Ban Thường vụ Thành ủy, các cơ quan chức năng của Thành phố đã có hàng chục cuộc họp, đối thoại với người dân để tìm giải pháp tháo gỡ, giải quyết với tinh thần cầu thị, bảm bảo quyền lợi cho người dân.
Nhiều “điểm nóng” trên địa bàn Thành phố đã và đang được lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh tập trung tháo gỡ.
Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội trong nhiệm kỳ này cũng như xác định mục tiêu những nhiệm kỳ tiếp theo, Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh, tiếp tục khơi dậy và phát huy hơn nữa truyền thống, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân Thành phố trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội.
Đồng thời, thành phố chủ động, coi trọng công tác tổng kết thực tiễn, gắn liền với phát huy tinh thần sáng tạo, lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của tỉnh thành bạn, của bạn bè quốc tế.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN) |
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ nhằm hướng tới phát triển giai đoạn 2021-2030, Thành phố hồ Chí Minh có chủ trương chọn các quốc gia đang là đối tác chiến lược của Việt Nam làm đối tác của Thành phố, giúp Thành phố giải quyết những vấn đề chiến lược.
Đồng thời, nhận thức được nguy cơ, thái độ của Thành phố đối với các vấn đề đặt ra hiện nay, qua đó có sự chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI cũng như cho kế hoạch phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh trong 5-10 năm tới.
Cùng với đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tổ chức hàng loạt các hội thảo, hội nghị, diễn đàn quốc tế chuyên sâu về các vấn đề “nóng” của Thành phố như quy hoạch đô thị, tạo mảng xanh, xây dựng nhà ở, lĩnh vực tài chính, xây dựng đô thị thông minh, khởi nghiệp sáng tạo, đào tạo nhân lực trình độ quốc tế... để có những giải pháp, định hướng cho sự phát triển đúng hướng của thành phố trong thời gian tới.
Nhấn mạnh việc quyết tâm trong việc triển khai các giải pháp đã đề ra, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, chúng ta có thể làm được theo tinh thần “biến thách thức thành cơ hội” trên cơ sở nhận biết được thách thức cụ thể như thế nào? Chúng ta chỉ ra yếu kém, đồng thời cũng chỉ ra các giải pháp để khắc phục và quyết tâm phải làm được.
Đề cập đến giải pháp phát huy nguồn lực to lớn của Thành phố còn ở trong nhân dân, ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá nguồn lực này cần được khơi dậy bằng chủ trương, chính sách đúng đắn, bằng công trình, công việc cụ thể huy động sự đóng góp của dân.
Mặt khác, làm hết trách nhiệm, với tất cả sự tâm huyết và tấm lòng vì dân của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên, của đội ngũ công chức, viên chức sẽ tạo lòng tin, cảm hứng sáng tạo trong bộ máy Nhà nước và đối với người dân.
Để cho thành phố tiếp tục tăng tốc hơn nữa, theo bà Phạm Phương Thảo, Thành phố cần tiếp tục đề xuất Trung ương tháo gỡ những ràng buộc về cơ chế, thể chế, nhất là thể chế hành chính, mô hình chính quyền đô thị, thể chế tài chính công…
Nếu có sự cộng đồng trách nhiệm trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn, nhất định Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng tốc phát triển, sẽ là địa phương đi trước trong cuộc cách mạng 4.0, xây dựng thành phố thông minh, đô thị sáng tạo, cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục là đầu tàu quan trọng của cả nước, trung tâm lớn và hiện đại về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của đất nước và khu vực.
Qua 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, cùng với hơn 33 năm thực hiện đổi mới cùng đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh luôn thấm nhuần, chung tay xây dựng, phát triển thành phố theo lời căn dặn của Bác trong Di chúc và đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện về mọi mặt.
Tiếp tục thực hiện di nguyện của Người, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu kế hoạch Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X, Đại hội XII của Đảng cũng như xây dựng Thành phố ngày càng phát triển hiện đại, văn minh, nghĩa tình hơn, xứng đáng mang tên Bác Hồ kính yêu, thành phố Anh hùng./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.