Tin tức miền Tây 7/4: Bế mạc Liên hoan sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ

2023-04-07 23:00:00 0 Bình luận
Liên hoan diễn ra từ ngày 1 - 7/4, với hơn 500 diễn viên của 13 đơn vị nghệ thuật công lập, xã hội hóa và tư nhân của 5 tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh tham gia.

Bế mạc Liên hoan sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ II

Tối 7/4, tại Trà Vinh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức bế mạc Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ II - năm 2023.

Ban Tổ chức trao Huy chương Vàng vở "Huyền thoại tình yêu" của Nhà hát Cao Văn Lầu tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: BTC.

Liên hoan diễn ra từ ngày 1 - 7/4, với hơn 500 diễn viên của 13 đơn vị nghệ thuật công lập, xã hội hóa và tư nhân của 5 tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh tham gia.

Các đơn vị nghệ thuật đã mang đến liên hoan 13 vở Dù kê đặc sắc với những cách thể hiện rất riêng của mỗi địa phương miền sông nước Nam Bộ.

Trong 7 ngày diễn ra liên hoan, khán giả đã được thưởng thức nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc. Đáng chú ý là các vở diễn của Đoàn Nghệ thuật Khmer Chùa Svay Siêm Thmây (Trà Vinh), Đội Văn nghệ quần chúng Ấp cây khô (Cà Mau) và Đoàn Nghệ thuật Khmer (Trường ĐH Trà Vinh).

Tại Lễ bế mạc, Ban tổ chức đã trao Huy chương Vàng cho Nhà hát Cao Văn Lầu tỉnh Bạc Liêu với vở “Huyền thoại tình yêu”. Huy chương Bạc được trao cho Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng với vở “Hoa cau tình thắm”; Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang với vở “Chây SôRa Vông”; Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau với vở “Giữ vững Biển - Đảo quê hương” và Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh tỉnh Trà Vinh với vở “Hoàng tử Vê Son Đo”.

Huy chương Đồng thuộc Đoàn Nghệ thuật Chùa Svay Siêm Thmây với vở “Tướng quân Rít Thi Sắc” và Doanh nghiệp tư nhân đoàn Nghệ thuật Dù kê tập thể Khmer Ron Ron tỉnh Sóc Trăng với vở “Pho tượng tam đầu và bí mật bảo bối”.

Ban tổ chức cũng đã trao Huy chương Vàng cho 10 nghệ sĩ, Huy chương Bạc cho 33 nghệ sĩ đến từ các đơn vị tham gia. 4 dàn nhạc xuất sắc và 2 cá nhân xuất sắc được nhận giải thưởng tại Liên hoan.

Buộc Hoàng Quân Cần Thơ tháp dỡ công trình vi phạm 

Sở Xây dựng TP Cần Thơ vừa có Công văn yêu cầu Công ty CP Đầu tư - Địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong quá trình đầu tư dự án Khu dân cư (KDC) Thường Thạnh, quận Cái Răng và dự án Khu dân cư Thường Thạnh - Phần mở rộng 7ha. Trước đó, ngành chức năng kiểm tra và ghi nhận tại 2 dự án này có nhiều sai phạm do xây dựng không tuân thủ quy hoạch được phê duyệt, kinh doanh bất động sản khi chưa đủ điều kiện theo quy định.

Một góc khu dân cư Thường Thạnh do Công ty Hoàng Quân Cần Thơ thực hiện.

Ngày 30/3, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 822/QĐ-KPHQ, “về việc buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả” có nội dung “buộc Công ty CP Đầu tư - Địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ thực hiện dự án Khu dân cư Thường Thạnh - phần mở rộng 7ha, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ tuân theo quy hoạch đô thị” và Quyết định số 823/QĐ-KPHQ, có nội dung: “buộc Công ty CP Đầu tư - Địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ thực hiện dự án Khu dân cư Thường Thạnh, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng TP Cần Thơ tuân theo quy hoạch đô thị”.

Căn cứ Quyết định số 822/QĐ-KPHQ và Quyết định số 823/QĐ-KPHQS của UBND thành phố, Sở Xây dựng đề nghị Công ty CP Đầu tư - Địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ có giải pháp cụ thể để thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện dự án đầu tư phát triển khu đô thị tuân theo quy hoạch đô thị tại dự án KDC Thường Thạnh và KDC Thường Thạnh - phần mở rộng 7ha, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng. Cụ thể: Chủ đầu tư phải ngừng thi công xây dựng đối với các công trình xây dựng vi phạm. Thực hiện ngay biện pháp khắc phục hậu quả theo các quyết định xử lý. Căn cứ quy hoạch đô thị được duyệt chủ đầu tư tổ chức lập, thẩm tra, phê duyệt và thực hiện phương án, giải pháp phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm không tuân theo quy hoạch đô thị; phương án, giải pháp phá dỡ phải đảm bảo an toàn công trình xây dựng sau khi phá dỡ phần vi phạm, an toàn về tính mạng, sức khỏe con người, công trình xây dựng lân cận và đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống cháy, nổ..; tiến độ cụ thể về thời gian thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Việc phá dỡ công trình phải thực hiện theo quy định tại Điều 42 của Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.

Theo ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, đối với hành vi kinh doanh BĐS không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định, Sở Xây dựng đề nghị Công ty CP Đầu tư - Địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ chủ động rà soát ngay các thỏa thuận giữa các bên tại các hợp đồng mua bán, huy động vốn bảo đảm quyền lợi của bên mua, bên được huy động vốn đúng theo quy định pháp luật và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hậu quả do hành vi vi phạm mua bán, huy động vốn khi chưa đủ điều kiện theo quy định. Trường hợp không thực hiện được nghĩa vụ theo hợp đồng căn cứ các quy định pháp luật có liên quan các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo thỏa thuận. Thời gian gửi báo cáo kết quả thực hiện về Sở Xây dựng là 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Dự án luồng cho tải trọng lớn vào sông Hậu vẫn còn hạng mục chậm tiến độ

Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang tại buổi kiểm tra hiện trường dự án đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu - giai đoạn 2.

Thi công các hạng mục tại dự án. Ảnh: TTXVN.

Theo đó, đối với giải phóng mặt bằng, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang yêu cầu Ban Quản lý dự án hàng hải (chủ đầu tư) khẩn trương làm việc với UBND tỉnh Trà Vinh để xác định chính xác chi phí giải phóng mặt bằng và thống nhất tiến độ công tác giải phóng mặt bằng.

“Ban Quản lý dự án Hàng hải báo cáo Bộ Giao thông Vận tải tình hình thực hiện và đề xuất giải pháp triển khai thực hiện dự án trong trường hợp không nhận đủ mặt bằng thi công theo tiến độ nêu trên", thông báo nêu rõ.

Đối với các gói thầu xây lắp, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện nay, khối lượng thi công còn lại nhiều, chủ yếu là các hạng mục thi công dưới nước, có yêu cầu kỹ thuật phức tạp, một số hạng mục chậm tiến độ.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án hàng hải chỉ đạo các nhà thầu huy động máy móc, thiết bị, nhân lực... xây dựng biện pháp thi công phù hợp với điều kiện thực tế để thi công hoàn thành các gói thầu theo đúng tiến độ hợp đồng, đảm bảo chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh môi trường... Biện pháp thi công xét đến giải pháp điều tiết đảm bảo an toàn hàng hải hợp lý trong thời điểm thi công nạo vét duy tu luồng sông Hậu và thời gian cao điểm giao thông hàng hải tại khu vực.

Chỉ đạo đối với từng gói thầu cụ thể, trước tiên là gói thầu SH-XL01, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang yêu cầu Ban Quản lý dự án hàng hải quyết liệt chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành gói thầu theo tiến độ hợp đồng; kiên quyết xử lý theo quy định hợp đồng nếu nhà thầu thi công không đáp ứng tiến độ đã được phê duyệt.

Đề xuất cải tạo, nâng cấp 3 tuyến quốc lộ tại ĐBSCL vốn 7.158 tỷ đồng

Mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất “Dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến Quốc lộ (53, 62, 91B) tại Đồng bằng sông Cửu Long”, với tổng mức đầu tư 7.158 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA Ngân hàng Thế giới (WB) là 5.603 tỷ đồng, vốn đối ứng 1.555 tỷ đồng.

Nhiều đoạn trên tuyến QL53 và 54 xuống cấp nghiêm trọng

Cụ thể, Dự án gồm cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 53, đoạn Long Hồ - Ba Si, thuộc tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, với quy mô 46 km đường cấp III đồng bằng đi theo tim đường hiện có; xây dựng 23 km tuyến tránh thị trấn Vũng Liêm (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long).

Tổng mức đầu tư công trình là 1.853 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay 1.273 tỷ đồng, vốn đối ứng 580 tỷ đồng.

Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 62 tỉnh Long An với quy mô 77 km đường cấp III đồng bằng, đi theo tim đường hiện có; xây dựng 8 km tuyến tránh qua thị trấn Tân Thạnh (huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An). Công trình có tổng mức đầu tư 2.250 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay 1.545 tỷ đồng, vốn đối ứng 705 tỷ đồng.

Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91B Nam Sông Hậu, qui mô 142 km đường cấp III đồng bằng, đi theo tim đường hiện có, với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay là 1.318 tỷ đồng; vốn đối ứng 182 tỷ đồng.

Theo Bộ Giao thông vận tải, việc cải tạo, nâng cấp 3 tuyến quốc lộ trên sẽ giúp nâng cao năng lực thông hành, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, hành khách, đảm bảo an toàn giao thông.

Dự án cũng sẽ từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ kết nối khu vực thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đánh giá về hiệu quả của Dự án, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự án có tính liên vùng tốt, phù hợp theo quy hoạch giao thông vận tải đường bộ Việt Nam.

Cụ thể, công trình cải tạo nâng cấp Quốc lộ 53, đoạn Long Hồ - Ba Si, thuộc tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh là trục ngang nối TP. Vĩnh Long và TP. Trà Vinh.

Công trình cải tạo nâng cấp Quốc lộ 62 tỉnh Long An kết nối 4 trục dọc: Quốc lộ 1, cao tốc TP.HCM- Trung Lương, tuyến N1, N2 và các tỉnh lộ ĐT.829, ĐT.831, ĐT.837.

Còn công trình cải tạo nâng cấp Quốc lộ 91B Nam Sông Hậu kết nối Quốc lộ 1 và Quốc lộ 60, nối Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu.

Sóc Trăng họp mặt chức sắc, sư sãi đồng bào Khmer nhân Tết Chôl Chnăm Thmây 

Ngày 7/4, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức buổi họp mặt cán bộ hưu trí, các vị sư sãi, gia đình chính sách tiêu biểu, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong tỉnh là người dân tộc Khmer nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây 2023.

Tại buổi họp mặt, bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng đã thông tin một số tình hình kinh tế - xã hội nổi bật trong năm 2022; những chính sách về công tác dân tộc, chăm lo, hỗ trợ hộ nghèo, khó khăn trong vùng đồng bào dân tộc…

Theo lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng, địa phương có đông người dân tộc thiểu số; trong đó, người Khmer chiếm trên 30% dân số. Năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện. Kinh tế tăng trưởng 7,71% (cao nhất từ năm 2011 đến nay). Các giá trị văn hóa được phát huy, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được quan tâm và cải thiện; quốc phòng, an ninh được đảm bảo. Tỉnh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn, quan trọng như: Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh và Hội nghị xúc tiến đầu tư; Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch của đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII...

Sóc Trăng đã tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer không ngừng đổi mới và phát triển, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Đến nay, toàn tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm; 100% xã, phường, thị trấn và 100% ấp, khóm có điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân và được phủ sóng phát thanh - truyền hình, đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân.

Địa phương có 3/10 huyện, thị xã đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 63/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Số hộ nghèo toàn tỉnh giảm mạnh, trong đó đến cuối năm 2022, hộ nghèo người Khmer giảm còn 4.140 hộ.

Tại buổi họp mặt, các đại biểu là người có uy tín, cán bộ hưu trí, cán bộ các sở, ngành là người dân tộc Khmer cũng đã bày tỏ sự vui mừng trước những đổi thay của quê hương. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc, đời sống của người dân ngày càng cải thiện.

Dịp này, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã trao nhiều phần quà chúc mừng, động viên các sư sãi, người có uy tín trong đồng bào dân tộc; đồng thời mong muốn, các vị chức sắc tôn giáo, người có uy tín tiếp tục đoàn kết, cùng đồng bào Khmer và nhân dân trong tỉnh trong thi đua, sản xuất, xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày càng giàu đẹp.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Đồng Nai: Bị thổi nồng độ cồn, 'ma men' đốt xe chuyên dụng của CSGT

Vì có hành vi vi phạm nồng độ cồn nên một người đàn ông đã bị tổ công tác của lực lượng CSGT giữ lại. Điều đáng nói là sau đó người đàn ông này đã phóng hoả đốt xe chuyên dụng của cảnh sát.
2024-04-29 18:14:10

Quảng Ninh: “Bừng sáng cùng Kỳ quan” - Carnaval Hạ Long đầu tiên trên biển

Tối 28/4 tại khu du lịch Bãi Cháy thành phố Hạ Long, Carnaval Hạ Long 2024 lần đầu tiên được tổ chức trên biển đã mang tới cho du khách nhiều cảm xúc về vùng đất, con người Quảng Ninh với nhiều nét văn hóa đặc sắc, khởi động một mùa du lịch mới.
2024-04-29 14:43:11

CSGT đưa người già, trẻ nhỏ thoát khỏi nắng nóng trên cao tốc Pháp Vân

Tuần tra kiểm soát trên cao tốc, tổ công tác của đội Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ số 3 (Cục CSGT) kịp thời giúp nhiều trẻ nhỏ, người già khỏi nắng nóng.
2024-04-29 09:00:00

Ủy ban ATGT Quốc gia công bố đường dây nóng trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Ủy ban ATGT Quốc gia công bố số điện thoại đường dây nóng về hoạt động vận tải và đảm bảo TTATGT trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
2024-04-28 10:00:00

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".
2024-04-27 19:43:25

Triển lãm ảnh những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử

Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng Bảo tàng chiến thắng B52 và Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam vừa tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Việt Nam - những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử Thế giới”.
2024-04-27 01:13:48
Đang tải...