Tin tức Miền Tây ngày 1/1/2022: Long An kêu gọi đầu tư vào dự án logistics

2022-01-01 18:00:00 0 Bình luận
Long An có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ kết nối các tỉnh, thành phố của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với TP.HCM và miền Đông Nam bộ.

Kêu gọi đầu tư vào dự án logistics

Để phục vụ phát triển công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là các huyện vùng kinh tế trọng điểm, trong danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư năm 2021, tỉnh Long An kêu gọi đầu tư các dự án trung tâm logistics; trong đó có Dự án Trung tâm logistics tại xã Lương Hòa (huyện Bến Lức) với diện tích khoảng 50ha. Dự án này nằm trong quy hoạch tổng thể nhằm hướng tới xây dựng trung tâm logistics cấp vùng, trở thành đầu mối tập trung các dịch vụ logistics tạo thành chuỗi trung tâm trung chuyển và dịch vụ logistics của Vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

Một dự án logistics khác mà Long An đang kêu gọi đầu tư là Khu vực tiếp nhận kho vận lương thực tại vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Dự án có quy mô 40ha tại huyện Thạnh Hóa, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 18,3 triệu USD. Khi đầu tư, doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định hiện hành.

Ngoài ra, tỉnh cũng kêu gọi Trung tâm kho vận và dịch vụ logistics ở Bến Lức với quy mô 10ha. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 300 triệu USD. Ngoài các dự án logistics này, Long An còn kêu gọi nhiều dự án khác với diện tích hàng trăm hécta đặt tại các xã: Thanh Phú, Thạnh Lợi và Lương Hòa (huyện Bến Lức), Trung tâm logistics tại Cửa khẩu Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ).

Hoạt động vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu tại Cảng Quốc tế Long An

Xây dựng cửa ngõ thông thương hàng hóa của vùng

Với vị trí địa lý thuận lợi, Long An được xem là cửa ngõ để Vùng ĐBSCL vươn ra biển lớn nên việc tập trung đầu tư và kêu gọi đầu tư cho các trung tâm logistics là cực kỳ quan trọng. Các dự án logistics cũng là một phần trong tầm nhìn lớn hơn để sớm thực hiện mục tiêu đề ra trong Quy hoạch về Trung tâm logistics định hướng 2020 - 2030 của Bộ Công Thương.

Chính vì điều này, nhiều năm qua, chính quyền tỉnh phối hợp Đồng Tâm Group đẩy nhanh tiến độ xây dựng trung tâm logistics tại Cảng Quốc tế Long An (xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc) với quy mô 147ha. Cảng Quốc tế Long An có vị trí hết sức thuận lợi do tiếp giáp sông Soài Rạp, cách Cảng biển Hiệp Phước - TP.HCM chỉ 10km đường sông, cách cửa biển Đông 15km.

Thông tin từ Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Long An - Lê Minh Phúc, cảng được đầu tư xây dựng thành 3 giai đoạn với 7 cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 70.000DWT. Hiện tại, cảng có thể khai thác hàng rời từ 3.000 - 5.000 tấn/ngày đêm, có thể tiếp nhận tàu tải trọng 25.000 tấn. Hiện nay, cảng thực hiện các dịch vụ logistics như vận hành bến xà lan, hệ thống nhà kho, kho ngoại quan, hệ thống bãi container, các công trình phụ trợ khác,...

Tất cả hạng mục cũng như hệ thống trung tâm điều hành đang được khẩn trương triển khai xây dựng để có thể hỗ trợ các hoạt động logistics phục vụ doanh nghiệp. Cảng đang phục vụ nhiều khách hàng là doanh nghiệp chuyên doanh sắt thép, thủy sản, nông sản, phân bón, thức ăn gia súc, hàng lỏng,... Đặc biệt, các khách hàng có sản phẩm siêu trường, siêu trọng phục vụ cho ngành điện gió.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù doanh nghiệp khu vực ĐBSCL xuất khẩu gạo chiếm 90% lượng của cả nước, trên 50% lượng thủy sản, 50% lượng rau, quả,... nhưng chỉ có khoảng 20 - 30% lượng hàng hóa được xuất khẩu qua các cảng trong vùng. Phần hàng hóa xuất khẩu còn lại phải tiếp chuyển đến các cảng ở khu vực TP.HCM, miền Đông Nam bộ bằng đường bộ, đường thủy nội địa và vận tải ven biển. Sự bất hợp lý đó không chỉ làm tăng chi phí, thời gian mà còn tạo thêm áp lực cho hệ thống giao thông đường bộ trong vùng vốn còn nhiều hạn chế.

Để giải quyết những bất cập này, UBND tỉnh giao Sở Công Thương, một số ban, ngành khác kết nối giữa doanh nghiệp và Cảng Quốc tế Long An để tạo luồng giao thương mới trong xuất, nhập khẩu hàng hóa. Với sự thuận tiện trong lưu chuyển hàng hóa cho hoạt động xuất, nhập khẩu, doanh nghiệp cũng rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận tải, chi phí đầu vào và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm đầu ra.

Các dự án Trung tâm logistics khi được đầu tư và đi vào hoạt động, cùng với Cảng Quốc tế Long An đang ngày càng hoàn thiện, không chỉ thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn mà còn góp phần giảm tải cho cụm cảng tại TP.HCM, rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận tải, gián tiếp làm tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, đáp ứng được nhu cầu xuất, nhập khẩu ngày càng tăng cao của tỉnh Long An nói riêng và các tỉnh Vùng ĐBSCL nói chung.

Qua đó, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tận dụng tối đa các nội dung hợp tác thương mại song phương Việt Nam đã ký với các nước trên thế giới; kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh.

Hủ tiếu patê, chỉ Bến Tre mới có!

Người Bến Tre rất ưa hủ tiếu, ưa hơn bất cứ người dân ở miền Tây nào mà tôi biết. Ở đây người ta có thể ăn hủ tiếu tối ngày, từ hủ tiếu chay, hủ tiếu bò viên, hủ tiếu xương heo đến hủ tiếu thập cẩm… Và cũng duy chỉ có ở Bến Tre mới có món hủ tiếu không đụng hàng: hủ tiếu patê.

Patê thực chất là một loại “chả” rất đặc biệt

Nói đến patê, chắc trong đầu bạn đang hình dung đến món pate gan heo béo ngậy thơm tho đúng không? Nhưng xin thưa là ở đây không phải, patê thực chất là một loại “chả” rất đặc biệt: dai giòn sần sật, thơm tho beo béo mà người dân xứ dừa hay làm thủ công đãi trong các bữa tiệc, chung với nhiều loại “đồ nguội” khác. Thành phần của “chả” gồm có lưỡi heo, da đầu, thịt nạc, da heo, mỡ, tiêu hạt, các loại gia vị và được pha trộn với công thức bí truyền nào đó để đạt đến độ dai mà không bở nát, có mùi thơm đặc trưng, ăn hoài không ngán. Thế cho nên, dù tô hủ tiếu có patê rồi nhưng người ta vẫn thường gọi thêm đĩa patê riêng ăn cho… đã thèm.

Mà đâu chỉ có pa tê, tô hủ tiếu đầy đủ còn kèm thịt nạc xắt lát, bao tử giòn, lát gan mỏng, phèo non và đôi khi còn có cả tôm lột, nhìn hấp dẫn vô cùng. Nước lèo thì ngọt béo, đậm đà vị thịt, ngửi thôi cũng đã thấy ngon rồi. Rau ăn kèm có giá, xà lách tươi xanh. Một tô hủ tiếu như vậy có giá khoảng tầm 25.000 – 30.000 đồng.

Hủ tiếu patê ở Bến Tre nổi tiếng như vậy nhưng vốn không phải là món bán đại trà. Người Bến Tre sành ăn chỉ đến đúng quán chính gốc mà người ta quen gọi là hủ tiếu “ngã ba Tháp” hay hủ tiếu “cổng chào”. Và nếu hỏi thăm một người nào đó ở Bến Tre muốn ăn hủ tiếu patê ở đâu thì mặc nhiên, 10 người như một, người ta cũng chỉ đến đúng quán này. Quán không có tên riêng, chỉ lấy tên là “Hủ tiếu pa tê” như một thương hiệu lâu đời ở địa chì 226/1A đường 30/4 (phường 4, TP. Bến Tre). Địa chỉ nghe qua hơi “phức tạp” nhưng thật ra rất dễ tìm, mà người bản xứ đâu cần quan tâm đến địa chỉ, chỉ cần đến khu vực công viên tượng đài rồi rẽ vào hẻm Thống Nhất, chạy đến cuối hẻm là tới.

Đây là quán khởi phát sáng tạo nên món hủ tiếu “độc nhất vô nhị” và đã có thâm niên mấy chục năm nay. Tôi nhớ, từ thời bà tôi đã có nghe về quán hủ tiếu này rồi, sau này là thời ba mẹ tôi và nay là đến tôi, quán vẫn “trường tồn” và ngày càng cơi nới thêm. Và cũng chỉ ở đây, người ta mới được thưởng thức món chả patê ngon khó nơi nào sánh bằng. Nhưng quán không bán cả ngày mà chỉ bán vào buổi chiều tối, tầm khoảng 5, 6 giờ chiều là khách ra vào nườm nượp. Nếu có dịp đến Bến Tre, nhớ tìm quán hủ tiếu patê mà thử qua một lần, cam đoan bạn sẽ nhớ mãi.

Cà Mau: Canh tác nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái

“Một trong những nguyên nhân cản trở sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở nước ta là do thiếu các mô hình tổ chức và quy trình sản xuất hiệu quả; thiếu các nguồn vật tư phù hợp cho sản xuất (phân bón, thuốc BVTV sinh học), nhưng điều quan trọng hơn là thiếu chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cho nông sản hữu cơ”.

Thông tin trên được ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến tổng kết Dự án “Hỗ trợ phát triển hệ thống canh tác hữu cơ và du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp cho cộng đồng nông dân quy mô nhỏ tại các tỉnh phía Nam khu vực sông Mê Kông” tại điểm cầu Cà Mau, ngày 30/12. Dự án được tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam tài trợ.

Các đại biểu dự Hội thảo trực tuyến tổng kết dự án “Hỗ trợ phát triển hệ thống canh tác hữu cơ và du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp cho cộng đồng nông dân quy mô nhỏ tại các tỉnh phía Nam khu vực sông Mê Kông” tại điểm cầu Cà Mau, ngày 30/12.

Theo ông Tùng, việc gắn kết giữa phát triển nông nghiệp hữu cơ với du lịch sinh thái nông nghiệp là 2 mục tiêu song hành, có quan hệ mật thiết với nhau, bởi lẽ nông nghiệp hữu cơ chính là cảnh quan du lịch và du khách là những người sử dụng, truyền bá, quảng cáo cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Tại Cà Mau, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, qua 2 năm thực hiện, dự án mới khảo sát và chọn được 2 điểm tổ chức mô hình lúa tôm hữu cơ tại Cà Mau, gồm 30 hộ nông dân ở xã Trí Lực), huyện Thới Bình (quy mô diện tích là 50,4 ha) và 30 nông dân ở xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, quy mô diện tích là 69.7 ha.

Cụ thể, dự án đã hỗ trợ các hộ nông dân tiêu thụ sản phẩm thông qua việc tìm kiếm các Doanh nghiệp bao tiêu thu mua sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ in ấn bao bì đóng gói sản phẩm lúa gạo… Đồng thời, điều tra đánh giá về du lịch, đề xuất kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái nông nghiệp của tỉnh Cà Mau trong thời gian tới.

Ông Lê Thanh Tùng đánh giá, đến nay, dự án đã đạt được những kết quả nhất định, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn, du lịch bền vững, nhằm cải thiện thu nhập và đời sống cho người nông dân của tỉnh Cà Mau nói riêng, các tỉnh ĐBSCL nói chung. 

“Việc tổ chức mô hình gắn kết giữa nông nghiệp hữu cơ với du lịch sinh thái cần phải tiếp tục có những nghiên cứu, thử nghiệm khả thi hơn trước khi nhân rộng”, ông Tùng nhấn mạnh.

Đồng Tháp: Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán

Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Đồng Tháp (Ban Chỉ đạo 389) vừa ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu các đơn vị phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi sản xuất, buôn bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và các hành vi vi phạm về niêm yết giá. Trong đó, tập trung xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, hàng hóa trọng điểm; tăng cường kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sông và các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa; kiểm soát các hành vi lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán online, mạng xã hội (Facebook, Zalo...), để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ngành chức năng thực hiện tiêu hủy tang vật vi phạm

Các đơn vị xây dựng phương án tổ chức lực lượng, phương tiện và duy trì kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới; tăng cường kiểm soát tuyến đường bộ từ biên giới vào nội địa để ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhóm mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu có điều kiện, có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng trong dịp Tết như: thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, ma túy, vũ khí, pháo nổ, ngoại tệ, xăng dầu, gia súc, gia cầm, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp... đặc biệt là các mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Hậu Giang: Tất bật sản xuất nông sản, hoa tết

Là vùng có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, hàng năm mỗi dịp xuân về, nông dân trong tỉnh tất bật chuẩn bị nông sản để phục vụ thị trường tết. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên nông dân chuẩn bị nông sản tết trong tâm thế khá e dè.

Năm nay nông dân dè dặt xuống giống rau màu, nông sản phục vụ tết. Ảnh: T.TRÚC

Liên kết trồng hoa tết

Theo thống kê, năm nay huyện Phụng Hiệp xuống giống được 99.000 giỏ hoa tết các loại, giảm gần 200.000 giỏ so với thời điểm cùng kỳ năm trước. Trong số đã xuống giống, Câu lạc bộ (CLB) trồng hoa tết ấp Long Phụng A, xã Hiệp Hưng, chiếm gần 70%. Làm nông, nhưng gần 5 năm nay, mỗi dịp xuân về gia đình ông Dương Văn Ngoan, ở ấp Long Phụng A, đều chuẩn bị hơn 30.000 giỏ hoa các loại để phục vụ thị trường tết. Năm nay, dịch bệnh nên ông Ngoan chỉ trồng hơn 12.000 giỏ. Tất cả đều đã được thành viên CLB trồng hoa tết ấp Long Phụng A đứng ra ký kết hợp đồng bao tiêu với thương lái nên gia đình ông Ngoan cũng an tâm hơn để sản xuất trong mùa dịch bệnh.

Ông Ngoan cho biết: “Mọi năm gia đình trồng nhiều loại hoa, nhưng năm nay chỉ trồng vạn thọ và thọ ban mai, không trồng hoa cúc và cúc mâm xôi. Bởi, những loại hoa đó có thời gian trồng khá dài, chi phí cao nên giá bán cũng khá cao. Năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, kinh tế của người dân ít nhiều cũng bị ảnh hưởng nên giá hoa ở mức cao sẽ khó bán”.

CLB trồng hoa tết ấp Long Phụng A có 15 thành viên, năm nay CLB nhận đơn đặt hàng của thương lái sản xuất hơn 70.000 giỏ hoa vạn thọ và thọ ban mai, giảm 50% so với năm rồi. Tùy theo nhu cầu mà CLB phân bổ cho các thành viên sản xuất từ 2.000 đến 12.000 giỏ. Năm nay, CLB chỉ nhận đơn đặt hàng các giống hoa ngắn ngày nên xuống giống muộn hơn các khu vực khác. Hiện nay, các thành viên trong CLB mới xuống giống dứt điểm khoảng 1 tuần, đến thời điểm từ ngày 20-25 tháng Chạp sẽ có hoa cung ứng theo hợp đồng đã ký kết với thương lái. Do chi phí sản xuất cũng như nhân công lao động, giá phân bón đều tăng mạnh nên mỗi giỏ hoa tết được hợp đồng cao hơn năm rồi 1.000 đồng/giỏ; dao động từ 10.000-15.000 đồng/giỏ tùy loại. Trừ hết chi phí sản xuất mỗi giỏ hoa bà con cũng còn lãi khoảng 50%.

Anh Trần Văn Quả, Chủ nhiệm CLB trồng hoa tết ấp Long Phụng A, cho biết: CLB trồng hoa tết ấp Long Phụng A được hình thành và phát triển khoảng 5 năm nay. Ban đầu chỉ có một vài hộ làm trước, bà con thấy có hiệu quả rồi nhân rộng thành CLB. Khoảng tháng 10 hàng năm CLB đứng ra liên hệ với các thương lái để ký kết hợp đồng bao tiêu, sau đó về phân bổ sản lượng lại cho từng thành viên sản xuất. Nhờ vậy mà đầu ra của hoa tết ở đây hàng năm đều ổn định.

Còn ông Dương Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã trồng hoa Xáng Mới, huyện Châu Thành A, cho biết: Vụ hoa tết năm trước, toàn hợp tác xã có 180.000-200.000 chậu hoa các loại phục vụ thị trường. Nhưng năm nay, ước tính toàn hợp tác xã có khoảng 150.000 chậu, chủ yếu là vạn thọ, băng-xê, cúc các loại... Nông dân tự giảm số lượng vì lo lắng khó tiêu thụ hoa tết do dịch bệnh kéo dài. Theo các nông dân, năm nay chi phí vật tư đầu vào, thuốc, phân bón... đều tăng hơn so với năm trước, dẫn đến giá thành sản xuất có thể tăng khoảng 20-30%.

Diện tích trồng hoa màu tết giảm mạnh

Bên cạnh sản lượng hoa tết giảm thì nhà vườn trồng hoa màu ở huyện Phụng Hiệp năm nay cũng chủ động rải vụ không tập trung vào cùng một thời điểm như mọi năm. Điển hình như cây dưa hấu, thời điểm này toàn huyện đã xuống giống được 222ha, giảm gần 100ha so với thời điểm năm rồi. Trong đó có khoảng 50% diện tích được thu hoạch trước tết (khoảng mùng 10-15 tháng Chạp), 30% thu hoạch ngay tết và 20% còn lại thu hoạch sau Tết Nguyên đán. Các giống dưa bà con sử dụng năm nay chủ yếu là: Thành long, hắc mỹ nhân, dưa vàng, dưa tròn. Trong số diện tích này, 100% bà con đều áp dụng màng phủ và quy trình sản xuất dưa theo hướng VietGAP, tuân thủ các quy trình về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để hướng đến an toàn sức khỏe của người tiêu dùng.

Ông Đoàn Văn Nếp, người dân trồng dưa hấu tết ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Hàng năm gia đình đều dành khoảng 3.000m2 để trồng dưa phục vụ thị trường tết. Nhưng năm nay xuống giống muộn hơn mọi năm gần 20 ngày để bán sau tết. Bởi, nếu tập trung sản xuất cùng một thời điểm sẽ dễ dẫn đến tình trạng thừa hàng dội chợ, nhất là trong tình cảnh dịch bệnh còn diễn biến khá phức tạp”.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, năm nay toàn huyện xuống giống được 868ha rau màu các loại phục vụ thị trường tết, tổng sản lượng ước đạt khoảng 12.000 tấn. Giảm gần 20% diện tích và sản lượng so với tết năm rồi. Theo đó, các loại rau màu được bà con trồng chủ yếu tập trung nhiều ở các địa phương như: xã Phương Bình, Tân Long, Hòa Mỹ, Thạnh Hòa với các loại chủ yếu như: Khổ qua, dưa leo chiếm 40% diện tích, các loại rau như: rau muống, cải xanh, xà lách chiếm 10% diện tích, dưa hấu và bắp tết chiếm 40% diện tích, còn lại là các loại rau màu khác.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Nhận định tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện cũng chỉ đạo cho bộ phận kỹ thuật ở các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân cẩn trọng trong việc sản xuất nông sản phục vụ tết. Khuyến khích bà con chủ động liên hệ với các công ty, doanh nghiệp hoặc các thương lái trên địa bàn để ký kết hợp đồng sản xuất theo sản lượng đặt trước để tránh tình trạng khó bán khi vào vụ.

Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, dự kiến toàn tỉnh sẽ có trên 530.000 chậu hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2022 (giảm khoảng 34% so với cùng kỳ). Chiếm số lượng lớn là hoa vạn thọ với khoảng 370.000 chậu; hoa cúc khoảng 65.000 chậu; mai vàng trên 36.000 cây; hoa cát tường trên 10.400 chậu và các loại khác trên 42.000 chậu… Bà Nguyễn Thanh Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, lưu ý bà con sử dụng vật tư nông nghiệp đầu vào một cách phù hợp, bón phân với tỷ lệ hợp lý để tăng hiệu quả và ít tốn kém vật tư đầu vào, hạn chế sâu bệnh phát triển. Ngoài ra, với tình hình phức tạp của dịch bệnh hiện nay, người dân cũng nên theo dõi thông tin về thị trường thường xuyên để có quy mô sản xuất thích hợp. Ngoài ra, bà con đề phòng sâu bệnh gây hại, tình trạng chạy dây trên dưa hấu, thán thư trên rau màu…

Nhiều mặt hàng Tết sẵn sàng phục vụ nhu cầu người dân, giá cả bình ổn

Theo Chuyên trang giaothongketnoi đưa tin, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhiều doanh nghiệp đã và đang sẵn sàng cung ứng nhiều mặt hàng đáp ứng người dân.

Đến hiện tại, các doanh nghiệp đều khẳng định đã chuẩn bị một nguồn hàng lương thực thực phẩm tương đối đầy đủ.

Theo Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), năm nay giá trị hàng  hóa tương đương Tết Nguyên đán 2021. Ngoài nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của thành phố, Hapro đã chuẩn bị các sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến mang thương hiệu Hapro. Nhằm góp phần ngăn chặn dịch COVID-19, công ty công ty cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động bán hàng online thông qua thương mại điện tử, qua đó hạn chế tập trung đông người mua sắm.

Ảnh minh hoạ

Tại hệ thống siêu thị Big C, lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 dự kiến tăng 5-7% so với kế hoạch Tết 2021. Trong đó,  tập trung vào nguồn hàng trong nước, đặc biệt chú trọng đến các mặt hàng truyền thống. Hiện đơn vị này đang bắt đầu đưa hàng hóa lên kệ các siêu thị.

Saigon Co.op cũng đã chuẩn bị lượng hàng hóa lên đến 6.000 tỷ đồng, trong đó dự trữ hàng thực phẩm thiết yếu tăng 2-3 lần kèm rất nhiều hoạt động khuyến mãi hấp dẫn để phục vụ mùa mua sắm cuối năm. Các chuỗi  hệ thống bán lẻ thuộc Saigon Co.op sẽ bố trí các hoạt động giảm giá, khuyến mãi theo từng nhóm hàng và sắp xếp các đợt giảm giá riêng theo thứ tự ưu tiên mua sắm của khách hàng.

Không chỉ các mặt hàng lương thực, bánh trái, thị trường đồ trang trí Tết đã bắt đầu sôi động. Theo khảo sát, thị trường các sản phẩm trang trí Tết năm nay vẫn có rất nhiều mẫu mã đa dạng, thiết kế cầu kỳ, bắt mắt, mức giá tương đối ổn định. Trong đó, các sản phẩm đèn lồng, dây trang trí, dây đèn cá chép, câu đối đỏ, decal dán kính, dán tường... với hai màu chủ đạo là đỏ và vàng cũng đã được bày bán rất phong phú.

Theo ghi nhận, năm nay giá cả các mặt hàng trang trí không đột biến và cũng ngang với giá của năm ngoái. Cụ thể, giá dây treo đèn lồng 10.000 đồng/dây, dây treo túi vàng giá 15.000 đồng, câu đối có giá từ 100 đến 250.000 đồng/đôi và đèn led giá 150.000 đồng.

Dịp Tết này các loại hoa cành lẻ như hoa hồng, đào, mai, tulip... được nhiều người tìm mua. Bên cạnh đó là các mẫu bình hoa cắm sẵn có giá dao động từ hơn 200 nghìn đồng đến 5 triệu đồng/bình tùy loại.

Đặc biệt, nhiều shop bán đồ trang trí Tết cho biết năm nay lượng sản phẩm bán online hút hàng hơn hẳn mọi năm. Các sản phẩm được hỏi nhiều có thể kể tới như bông lúa vàng, thỏi vàng,... là những đồ trang trí năm nào cũng có thể dùng được, giá thành phải chăng.

* Thông tin được tổng hợp từ các báo địa phương.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Sun Symphony Residence - mảnh ghép hoàn thiện “bản giao hưởng” bên Dòng sông Ánh sáng

Ngày 12/5, hơn 2000 nhà đầu tư đã thăng hoa cùng “nốt sol” Sun Symphony Residence của bản giao hưởng bên sông Hàn - Dòng sông Ánh sáng tại sự kiện do Sun Property (thành viên Tập đoàn Sun Group) tổ chức đồng thời ở Hà Nội và Đà Nẵng
2024-05-13 18:20:32

Quảng Ninh: Động thổ xây dựng lại ngôi chùa cổ gần 500 năm tuổi tại Thị xã quảng Yên

Vừa qua, tại xã Liên Vị, Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra Lễ động thổ xây dựng chùa Lái (hay còn gọi là Linh Ngai Tự).
2024-05-13 15:24:20

Bí quyết thành công của quán kem trái cây tươi “chốt đơn” hàng nghìn que mỗi ngày

Xưởng kem thủ công của anh Tô Tuấn Anh tại quận Long Biên, thành phố Hà Nội sản xuất loại kem làm từ hoa quả tươi có xuất xứ từ Mexico. Thu hút thực khách nhờ hương vị trái cây “thật”, không sử dụng hương liệu, phẩm màu hay chất bảo quản, loại kem này nhanh chóng trở thành món ăn giải nhiệt được yêu thích vào mùa hè này.
2024-05-13 11:09:06

Hơn 12 năm hành trình ''Cơm 5.000 đồng Hà Nội''

Đều đặn mỗi sáng cuối tuần căn bếp ấm cúng tại căn nhà nhỏ trên phố Minh Khai lại lên lửa, hàng chục bạn trẻ nhóm Cơm 5000 Hà Nội cùng nhau xắn tay áo, chuẩn bị các xuất cơm đặc biệt lan tỏa đến các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại các bệnh viện lớn.
2024-05-13 10:52:54

Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công

Thực hiện việc hoàn thiện thể chế, chính sách, điều chỉnh nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo hướng là mức cao nhất trong các chính sách xã hội, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.
2024-05-13 10:36:53

Giá nhà chung cư Hà Nội quay về giá trị thực?

Sau một thời gian tăng giá chóng mặt với mức cao ngất thì đến thời điểm hiện tại, giá chung cư tại Hà Nội đã dần có sự điều chỉnh quay đầu, trở về với giá trị thực. Sự đảo chiều bất ngờ nhưng đúng quy luật này chính chỉ là chỉ dấu cho thấy cơn sốt giá chung cư ảo ở Hà Nội đã hạ nhiệt.
2024-05-13 09:26:56
Đang tải...