Tin tức Miền Tây ngày 22/2/2022: Cần Thơ quy hoạch khu kinh tế, dịch vụ hơn 10.600ha gần sân bay

2022-02-22 11:00:00 0 Bình luận
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ vừa thống nhất sơ bộ theo báo cáo của Sở Xây dựng Cần Thơ về vị trí quy hoạch các khu chức năng (khu kinh tế, dịch vụ, trung tâm logistics hàng không, khu công nghiệp công nghệ cao) gắn với không gian xung quanh sân bay Cần Thơ, đường Vành đai phía Tây cũng như trung tâm công nghiệp, năng lượng tại quận Ô Môn, ranh giới trên địa bàn quận Bình Thủy, quận Ô Môn, huyện Phong Điền.

Theo Tiền Phong, phạm vi quy hoạch gồm một phần quận Bình Thủy (khu đô thị hai bên đường Võ Văn Kiệt, khu đô thị hiện hữu gần sông, khu vực Cồn Sơn, khu vực đường Vành đai phía Tây tiếp nối với đô thị quận Ninh Kiều), một phần mở rộng về phía quận Ô Môn cho các chức năng công nghiệp, năng lượng và một phần mở rộng về huyện Phong Điền.

Tổng diện tích liên quan khoảng 10.670ha (vừa kết hợp phạm vi đô thị hiện hữu, khu mới, sân bay mở rộng…). Do đó, quy hoạch cần xác định khu vực sản xuất chế biến, phân phối, nông nghiệp công nghệ cao, liên kết với nội vùng, liên vùng , đồng thời kết nối với logistics hàng không, logistics cảng Cái Cui, logistics Tân Cảng Thốt Nốt và kết nối với các trung tâm quận/huyện, nhằm khai thác hiệu quả đối với các khu vực chức năng, phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển TP Cần Thơ.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, các sở ngành và Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ khẩn trương hoàn chỉnh thống nhất về mối quan hệ và chức năng chính của các khu, chức năng bổ trợ khác để đảm bảo hình thành các hoạt động đa dạng, hoàn chỉnh của một khu đô thị.

Tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh, cụ thể hóa các giai đoạn đề xuất đầu tư tiếp theo, để tích hợp vào các quy hoạch có liên quan làm cơ sở để TP sớm thực hiện chuẩn bị đầu tư theo quy định.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng thống nhất đề xuất quy hoạch mở rộng Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ về phía Nam, giao Sở GTVT tham mưu UBND TP có ý kiến gửi Bộ GTVT tổng hợp đưa vào quy hoạch chung của Bộ GTVT để thống nhất quy hoạch, phù hợp với quy hoạch tích hợp, quy hoạch chung đô thị TP Cần Thơ. Ảnh: Cảnh Kỳ

Sở KH&ĐT chủ trì phối hợp với Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, Sở Xây dựng, Sở TN&MT, Sở NN&PTNT khẩn trương xây dựng đề án thành lập Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ, tham mưu thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án.Sở NN&PTNT Cần Thơ nghiên cứu đề xuất danh mục ngành, lĩnh vực hoạt động của trung tâm, tham mưu trình Bộ NN&PTNT đưa vào quy hoạch ngành, làm cơ sở để triển khai thực hiện.

Theo đó, dự thảo đề án trình UBND TP trước ngày 10/3/2022; trình xin ý kiến Ban Cán sự Đảng UBND TP, Ban Thường vụ Thành ủy dự thảo đề án trước ngày 15/3/2022; trình xin ý kiến bộ ngành trung ương dự thảo đề án trước ngày 30/3/2022; hoàn chỉnh đề án trình Văn phòng Chính phủ thẩm định trong tháng 4/2022.

Song song với việc xây dựng đề án, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ giao Sở Xây dựng khẩn trương hoàn chỉnh công tác quy hoạch nêu trên kèm theo hồ sơ đề án trình thẩm định.

Được biết, trong quy hoạch này, Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ được xem là phân khu chức năng chính và là một trong các nội dung của cơ chế đặc thù phát triển TP Cần Thơ được Quốc hội thông qua.

Kiên Giang: Đề nghị tiêm mũi ba vaccine phòng COVID-19 cho học sinh

TTXVN - Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang, sau hai tuần tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp (từ ngày 7-2), tình hình dịch COVID-19 trong trường học trên địa bàn tỉnh vẫn được kiểm soát.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh Lớp 12, Trường THPT Châu Thành (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang (ảnh tư liệu).

Trước những khó khăn, vướng mắc trong công tác phát hiện, xử lý các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2 trong trường học, Sở đề xuất tổ chức tiêm mũi ba vaccine phòng COVID-19 cho tất cả học sinh các cấp học.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang Huỳnh Văn Hóa, từ ngày 7 - 18/2 trên địa bàn có 892 F0, trong đó có 198 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 694 học sinh là F0 không đến trường học trực tiếp. Các cơ sở giáo dục đều thực hiện khá tốt biện pháp phòng, chống dịch trong trường học. Giáo viên, học sinh mắc COVID-19 đều được phát hiện sớm, thực hiện cách ly, tự theo dõi sức khỏe tại nhà theo hướng dẫn của cơ sở y tế. Đồng thời, các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương để xây dựng phương án và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong nhà trường.

Tuy nhiên, trong quá trình học trực tiếp, việc phát hiện nhiễm, nghi nhiễm bệnh đối với trẻ mầm non rất khó khăn. Bên cạnh đó, khi phát hiện F0 trong trường học, nhà trường thực hiện như hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo Quyết định số 406 QĐ-BGD ngày 27/1, đưa các em đến khu cách ly tạm thời trong trường và báo Trạm y tế đến xử trí theo quy định. Tuy vậy, cũng có Trạm y tế bắt buộc tất cả các F0 đi cách ly tập trung tại khu cách ly tập trung của huyện, mặc dù các F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Điều này khiến học sinh và phụ huynh học sinh e ngại, không báo trạm y tế địa phương, không báo đúng lý do học sinh xin nghỉ học cho nhà trường.

Trước thực trạng trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang đề nghị ngành Y tế chủ trì phối hợp các trường học trên địa bàn tổ chức diễn tập, xử trí các tình huống cụ thể phát sinh trong trường học. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cán bộ, giáo viên, học sinh để ứng phó kịp thời, hiệu quả khi sự việc xảy ra trong thực tế.

Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang đề nghị ngành Y tế hỗ trợ dung dịch khử khuẩn, thuốc men, que test nhanh SARS-CoV-2… cho các trường học để sử dụng khi cần thiết. Đặc biệt, ngành tổ chức tiêm mũi ba vaccine phòng COVID-19 cho tất cả học sinh; sớm có kế hoạch tổ chức tiêm cho các trường hợp chưa được tiêm để phụ huynh yên tâm hơn khi cho con em đến trường học trực tiếp. Ngoài ra, Sở Y tế chỉ đạo ngành Y tế các huyện, thành phố cho cách ly tại nhà những trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ…

Hậu Giang: Đổi đời bền vững

Theo Báo Hậu Giang, các ngành và địa phương đang tăng cường tạo nguồn, sẵn sàng mọi điều kiện cần thiết nhằm thực hiện tốt công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022.

Tư vấn cho lao động về thị trường làm việc ngoài nước tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Cải thiện cuộc sống, vươn lên khá giàu

Trong căn nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, vợ chồng ông Danh Thương, ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, đang bàn về chuyện con gái - em Danh Thị Duy chuẩn bị đi làm việc ở Nhật Bản. Ông Thương cho biết: “Nếu không bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, cháu Duy nhà tôi đã sang Nhật Bản từ tháng 11 năm ngoái. Giờ mọi thủ tục đã hoàn tất, chỉ chờ đường bay mở lại để cháu có thể xuất cảnh. Con gái lớn của tôi đang lao động ở Nhật Bản, cháu Duy sang đó làm, vợ chồng tôi cũng yên tâm, có chị có em. Tất cả nhà cửa đồ đạc trong nhà đều do con gái lớn lo, chứ vợ chồng tôi có dư dả gì đâu mà cất được căn nhà như thế này”.

Người con gái lớn của vợ chồng ông Thương - chị Danh Thị Diễm đi làm việc ở Nhật đã 3 năm, sau đó được gia hạn thêm 2 năm nữa. Bình quân mỗi tháng chị Diễm gửi về gia đình trên hai mươi triệu đồng. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình ổn định hơn. Theo lời ông Thương, trước đây gia đình cũng khó khăn, ông làm điện nước, nhưng thu nhập có được bao nhiêu, nhà cửa lụp xụp. Do nền nhà và xung quanh thấp nên mỗi lần đến tháng nước rông là nhà cửa bị ngập, bất tiện trong mọi sinh hoạt. Ông Thương bộc bạch: “Lúc trước, gia đình cũng có mượn nợ, nhưng may mắn là sau một năm cháu Diễm đi làm gửi tiền về đã trả hết khoản nợ đó. Rồi cháu lo nhà cửa cho vợ chồng tôi. Quả thật, nhờ đi lao động ở nước ngoài mà cuộc sống gia đình tôi mới được thế này. Hy vọng cháu Duy khi sang Nhật Bản làm, công việc được thuận lợi”.

Những năm gần đây, đi làm việc ở nước ngoài là một trong những giải pháp hiệu quả trong thực hiện công tác giải quyết việc làm, giúp người dân cải thiện cuộc sống, vươn lên khá giàu, góp phần giảm nghèo bền vững.

Vượt khó làm tốt công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài

Theo ông Nguyễn Ngọc Phước, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài gặp những khó khăn nhất định.

Hiện nay, toàn tỉnh có 117 lao động đậu phỏng vấn đơn hàng của các công ty ở Nhật Bản, Đài Loan. Các lao động đang tham gia học ngoại ngữ và có một số lao động đã hoàn thành chương trình đào tạo và các hồ sơ thủ tục, đợi khi đường bay mở lại sẽ xuất cảnh. Đầu năm 2022, thị trường lao động ngoài nước cần nhiều lao động, đây là điều kiện thuận lợi để địa phương đẩy mạnh công tác này. “Những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, trung tâm đã phối hợp với các công ty xuất khẩu lao động tổ chức các buổi phỏng vấn trực tuyến. Qua đó, có nhiều lao động trúng tuyển. Lao động khi đậu phỏng vấn sẽ tiếp tục học ngoại ngữ và hoàn thành các thủ tục theo quy định”, ông Phước cho biết.

Để người dân hiểu rõ ý nghĩa khi đi xuất khẩu lao động, ngành lao động - thương binh và xã hội đã phối hợp với các ngành liên quan và các xã, phường, thị trấn, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn cho người lao động về hiệu quả của hoạt động này, cũng như các chính sách hỗ trợ. Đặc biệt là thông tin về Nghị quyết số 23 của HĐND tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Người lao động đăng ký tham gia sẽ được hỗ trợ không hoàn lại một phần chi phí ban đầu làm hồ sơ (đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tiền ăn, chi phí đi lại; lệ phí làm hộ chiếu, lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp, lệ phí làm visa, chi phí khám sức khỏe) khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, được hỗ trợ vay vốn đến 100% chi phí từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ngành nghề, mức thu nhập của thị trường ngoài nước cũng như chính sách hỗ trợ của địa phương đối với người lao động khi tham gia đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, phát tờ rơi tuyên truyền, để mọi người hiểu rõ về chính sách này”.

Là một trong những lao động đăng ký đi làm việc ở Nhật Bản, chị Nguyễn Thị Chúc Muội, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, cho biết: “Tôi có người quen ở xóm đi làm bên Nhật Bản thu nhập khá lắm, mỗi tháng gửi về gia đình 20 triệu đồng. Thấy vậy vợ chồng tôi cũng đăng ký đi làm bên đó, hy vọng cải thiện kinh tế gia đình”. Vợ chồng chị Muội học tiếng Nhật Bản online ở nhà đã 2 tháng nay, sau khi hoàn thành thủ tục vay vốn anh chị sẽ đi Thành phố Hồ Chí Minh để học tiếng. “Tôi rất mừng vì được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để đi Nhật Bản, trước đây tôi cứ lo hoàn cảnh khó khăn, sợ không thể vay được số tiền lớn như thế để hoàn thành thủ tục đi làm”, chị Muội bộc bạch. Chị Muội đã đậu phỏng vấn đơn hàng làm bên ngành thực phẩm, còn chồng chị thì đậu đơn hàng làm trong siêu thị.

Năm 2022, toàn tỉnh sẽ đưa trên 340 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Để thực hiện tốt công tác này, các cấp, các ngành cùng với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thị trường lao động ngoài nước đến người dân. Riêng Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh ngoài tăng cường công tác tuyên truyền, tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Thường xuyên thăm hỏi, động viên những lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài, nhất là lao động đã đậu phỏng vấn các đơn hàng, để mọi người yên tâm chờ ngày xuất cảnh...

Nâng cao chất lượng trái xoài xuất khẩu

Theo TTXVN, tỉnh Đồng Tháp là địa phương trọng điểm về sản xuất cây ăn trái; trong đó diện tích trồng xoài của tỉnh gần 13.000 ha, sản lượng gần 113.000 tấn/năm.Diện tích xoài được nâng cao chất lượng để xuất khẩu bằng phương pháp trồng theo chuẩn VietGAP là hơn 353 ha, GlobalGAP là 55 ha. Xoài được trồng rải vụ quanh năm và được bao trái để đảm bảo an toàn và mẫu mã đẹp.

Đồng Tháp xuất khẩu lô xoài đầu năm 2022 sang thị trường Châu Âu. Ảnh: Nhựt An/TTXVN

Hiện Đồng Tháp đã đăng ký 62 mã vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với 3.927 ha; 45 mã vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển khác với 988 ha. 

Tỉnh Đồng Tháp có 2 nhóm giống xoài: giống xoài địa phương như xoài cát Chu và xoài cát Hòa Lộc và giống xoài nhập nội như xoài Đài Loan, xoài Thái, xoài tượng da xanh. Tuy nhiên, giống xoài cát Chu và xoài cát Hòa Lộc chiếm phần lớn diện tích xoài. Trong thời gian qua, giống xoài Đài Loan, xoài tượng da xanh cũng được nhiều nhà vườn quan tâm, đầu tư phát triển diện tích vì dễ trồng, dễ đậu trái, năng suất cao. Năm 2020 tỉnh Đồng Tháp có khoảng 54% diện tích xoài cát Chu, xoài cát Hòa Lộc chiếm 16%, còn 30% là các giống xoài nhập nội.

Đặc biệt nhờ nâng cao chất lượng mà vùng trồng xoài ở Đồng Tháp đã được xuất khẩu ra nước ngoài. Mới đây nhất, tỉnh Đồng Tháp xuất lô xoài đầu tiên vào ngày 19/2/2022, sang thị trường châu Âu (Hà Lan), với số lượng 3 tấn xoài Cát Chu. Đa số xoài xuất khẩu đều đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chất lượng cao. Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý "Cao Lãnh" cho sản phẩm xoài của Đất Sen hồng.

Trước đó, năm 2019 tỉnh Đồng Tháp xuất khẩu 8 tấn xoài đầu tiên là xoài cát Hòa Lộc, cát chu, tượng da xanh sang thị trường Mỹ bằng đường hàng không. Toàn bộ xoài do doanh nghiệp thu mua từ Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh. Toàn bộ số xoài được lựa chọn kỹ lưỡng và đạt tiêu chuẩn VietGAP. Công TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu quản lý vùng trồng xoài hơn 175 ha đã được cấp mã code. Công ty đã liên kết Hợp tác xã xoài Mỹ Xương với diện tích 81 ha.

Điển hình trồng xoài chất lượng cao để xuất khẩu có ông Võ Việt Hưng, Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh đã nâng cao chất lượng trái xoài theo tiêu chuẩn GAP. Việc bao trái và trồng rải vụ được ông thực hiện đã tạo ra trái xoài chất lượng cao, ngăn chặn được côn trùng xâm nhập. Bao trái hạn chế được số lần phun thuốc hóa học từ 5 – 7 lần/vụ, giúp vỏ trái bóng đẹp hơn, gia tăng lợi nhuận cho nhà vườn, tăng năng suất từ 20 - 30%.

Theo tính toán, xoài bao trái hiện nay cho lãi từ 200 - 220 triệu đồng/ha, cao hơn xoài không bao trái từ 50 - 80 triệu đồng/ha. Những năm qua xoài trồng theo hợp đồng xuất khẩu của ông Hưng được tiêu thụ ra thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Hongkong (Trung Quốc), New Zealand. Bình quân mỗi kg xoài xuất khẩu giá cao hơn xoài bình thường từ 3.000 - 5.000 đồng/kg.

Tỉnh Đồng Tháp thực hiện nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất xoài rải vụ, bao trái, sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt GAP. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh có 321 hộ, với diện tích 215 ha xoài được cấp mã vùng trồng. Nhiều năm qua, cùng với một số đơn vị khác, xoài của Hợp tác xã Tịnh Thới đã được xuất khẩu sang các quốc gia như: Hàn quốc, Nhật Bản, Nga, New Zealand, Mỹ, Trung Quốc…

Tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh việc áp dụng các kỹ thuật, công nghệ sau thu hoạch giúp giảm tỷ lệ tổn thất, tăng chất lượng trái xoài thông qua việc xây dựng mô hình "Trung tâm tiên tiến về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài" đầu tiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Toàn bộ dây chuyền hiện được máy móc đảm nhận, giúp tiết kiệm nhân công và giảm đáng kể lượng nông sản hao hụt. Nhờ đó, trái xoài bảo quản được trên 30 ngày, có thể xuất khẩu sang thị trường xa như Hoa Kỳ, Australia, Nga, Hàn Quốc,... bằng đường biển. Từ đó giảm chi phí vận chuyển, tăng khả năng cạnh tranh của trái xoài Việt Nam.   

Để sản xuất xoài chất lượng xuất khẩu, tỉnh Đồng Tháp đã thành lập được 8 hợp tác xã, 37 tổ hợp tác và 23 Hội quán nông dân trồng xoài, liên kết sản xuất và tiêu thụ xoài dài hạn với hơn 10 doanh nghiệp như Công ty Long Uyên, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Good Life, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ thực phẩm Việt Đức… Diện tích trông xoài liên kết đạt hơn 1.073 ha. Ngoài ra chợ đầu mối trái cây ở Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh còn có 75 điểm thu mua nông sản vừa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.  

Cây xoài ở Đồng Tháp cho lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa khoảng 10 lần. Ngành hàng xoài Đồng Tháp đã áp dụng rộng rãi hướng sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giúp tăng thu nhập so với lối canh tác truyền thống trước đây.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Sơ duyệt lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Lực lượng Quân đội, Công an cùng các khối khác đã tiến hành sơ duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại sân vận động tỉnh Điện Biên.
2024-05-03 14:57:17

Phú Quốc, Tây Ninh đông khách du lịch hàng đầu Nam bộ trong ngày nghỉ lễ đầu tiên

Nam bộ có khá nhiều điểm đến hấp dẫn trong kỳ nghỉ lễ kéo dài năm nay, nhưng Phú Quốc và Tây Ninh được ghi nhận là hai điểm đến đón đông đảo du khách bậc nhất bởi lợi thế về khí hậu, cảnh quan và trải nghiệm hấp dẫn
2024-05-03 11:05:59

Hàng trăm ngàn người háo hức ngắm pháo hoa, vui chơi tại quảng trường biển Sầm Sơn

Lễ khánh thành Quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn đã diễn ra tối 27/4, trong khuôn khổ đêm khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn 2024. Hơn 300 ngàn người dân, du khách đã tham gia sự kiện, thưởng thức các tiết mục nghệ thuật sôi động và chiêm ngưỡng màn pháo hoa tưng bừng tại quảng trường biển hiện đại, quy mô bậc nhất Việt Nam.
2024-05-03 09:43:01

Hải Phòng trưng bày tư liệu ‘Cát Bi - Điện Biên Phủ: bản hùng ca chiến thắng’

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong tháng 4 và tháng 5, Bảo tàng Hải Phòng trưng bày tư liệu chuyên đề “Cát Bi rực lửa - Điện Biên Phủ bản hùng ca chiến thắng”.
2024-05-03 08:34:17

Nữ giám đốc khuyết tật biến đất hoang thành vườn cây thảo dược

Không chỉ vượt qua nhiều nghịch cảnh trong cuộc sống, chị Trần Thị Thuần, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tâm Ngọc giờ đây còn giúp đỡ được nhiều người khuyết tật khác.
2024-05-03 06:30:00

Ông Trần Thanh Mẫn được phân công điều hành Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến khi kiện toàn được chức danh Chủ tịch Quốc hội khóa XV theo quy định.
2024-05-02 18:49:22
Đang tải...