Tin tức Miền Tây ngày 23/3/2022: Bộ Thương mại Cộng hòa Gabon khảo sát xuất khẩu gạo tại Long An

2022-03-23 13:00:00 0 Bình luận
Bộ trưởng Thương mại Gabon cho biết mong muốn mời gọi doanh nghiệp chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng lúa, đầu tư dây chuyền sản xuất lúa gạo tại nước này nhằm phục vụ nhu cầu thị trường trong nước.

Chủ doanh nghiệp Công Thành Út Hạnh trao đổi cùng Đoàn Bộ Thương mại nước Cộng hòa Gabon. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

Theo TTXVN, Đoàn Bộ Thương mại Cộng hòa Gabon do ông Yves Fernand MANFOUMBI, Bộ trưởng Thương mại làm Trưởng đoàn đã đến thăm và khảo sát thực địa tại Công ty Trách nhiễm hữu hạn Một thành viên Công Thành Út Hạnh, thuộc phường Tân Khánh, thành phố Tân An, tỉnh Long An.

Tại buổi khảo sát, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương Long An cho biết định hướng phát triển của ngành nông nghiệp, của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Long An đã quy hoạch xây dựng các vùng và tiểu vùng sản xuất lúa chất lượng cao đến năm 2025 là 60.000ha và hiện nay đã có trên 22.000ha lúa ứng dụng công nghệ cao.

Đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh Long An đã triển khai xây dựng vùng nguyên liệu liên kết sản xuất và tiêu thụ với tổng diện tích hàng năm trên 10.000 ha/năm để truy xuất nguồn gốc phục vụ cho hoạt động xuất khẩu gạo, đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng ổn định.

Sản lượng xuất khẩu trực tiếp hàng năm của tỉnh Long An khoảng từ 600.000-800.000 tấn gạo, chiếm khoảng từ 10-13% tổng sản lượng xuất khẩu của cả nước. Hiện Long An hiện có 25 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo trực tiếp và 3 doanh nghiệp được xuất khẩu gạo trực tiếp sang Trung Quốc.

Các doanh nghiệp Long An đã không ngừng mở rộng thị trường. Đến nay, các doanh nghiệp Long An đã xuất khẩu sang khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu xuất sang Trung Quốc, Philippine, Indonesia, Singapore, Malaysia, có một số thị trường khó tính như Hà Lan, Anh, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Cộng hòa Séc, Israel,…

“Với những lợi thế và tiềm năng về sản xuất lúa gạo của tỉnh Long An, Việt Nam, quan hệ thương mại gạo giữa tỉnh Long An, Việt Nam và các tỉnh của Gabon có rất nhiều tiềm năng để có thể hợp tác phát triển,” ông Thanh cho biết thêm.

Qua nghe giới thiệu về năng lực sản xuất của tỉnh Long An, cũng như khảo sát năng lực sản xuất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công Thành Út Hạnh, ông Yves Fernand MANFOUMBI, Bộ trưởng Thương mại Cộng hòa Gabon cho biết ngoài nhu cầu nhập khẩu lương thực, Gabon có nhu cầu mời gọi Sở Công Thương, nhà đầu tư, doanh nghiệp đến đất nước này tìm hiểu về thị trường, khí hậu, điều kiện sản xuất lúa gạo.

Qua đó, Gabon mong muốn mời gọi doanh nghiệp chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng lúa, đầu tư dây chuyền sản xuất lúa gạo tại Gabon nhằm phục vụ nhu cầu thị trường trong nước Gabon và các nước lân cận.

Nước Cộng hòa Gabon là một quốc gia ở Trung châu Phi, diện tích đất nông nghiệp hạn chế, hàng năm phải nhập khẩu lương thực. Khai thác dầu mỏ là thế mạnh của nền kinh tế Gabon, chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu.

Vĩnh Long cam kết môi trường đầu tư ổn định

Tỉnh Vĩnh Long đã và đang chủ động triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư. Nhờ đó, liên tục trong 5 năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn nằm trong nhóm “tốt”, “rất tốt” và trong top dẫn đầu cả nước. Đây là điểm sáng đẩy mạnh thu hút, mời gọi đầu tư trong thời gian tới.

Vĩnh Long có tiềm năng điện sinh khối vì có nguồn nhiên liệu sinh khối tương đối lớn, với diện tích đất nông nghiệp sản xuất hàng năm khoảng 140.000ha, trữ lượng rơm rạ và trấu khoảng 1 triệu tấn/năm.Ảnh: ĐL

Đón tiếp nhà đầu tư

Tiếp nối thành công của Chương trình đối thoại đầu tư năm 2021, ngày 4/3, các đại biểu, doanh nghiệp, nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) đến khảo sát và tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh tại Vĩnh Long. Đoàn có chuyến đi thực địa tại Khu công nghiệp Đông Bình, dự án nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ (10,6ha), dự án trung tâm thương mại- dịch vụ kết hợp nhà ở (5,52ha) tại phường Đông Thuận (TX Bình Minh). Các doanh nghiệp, nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm đến tình hình tuyển dụng lao động, giá thuê đất trong và ngoài khu công nghiệp, vị trí thuê đất, danh mục và chính sách đầu tư năng lượng tái tạo trong sản xuất điện, ngành nghề phù hợp đầu tư vào khu công nghiệp… Theo đó, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành đã cùng thảo luận, trao đổi, giải đáp các vấn đề mà doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm.

Bà Trần Thị Hải Yến- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư phía Nam cho biết, hiện các nhà đầu tư Đài Loan quan tâm đầu tư vào Vĩnh Long các lĩnh vực như: chế biến thủy sản, da giày, nông nghiệp, năng lượng, dịch vụ… “Về phía Trung tâm Xúc tiến Đầu tư phía Nam, chúng tôi cam kết luôn sát cánh doanh nghiệp để hỗ trợ triển khai hoạt động đầu tư thuận lợi và đúng pháp luật”- bà Yến nói.

Ông Chung Wen Cheng- Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP Hồ Chí Minh cho biết, Đài Loan là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam. Năm 2021, dù chịu tác động của dịch COVID-19, kim ngạch thương mại song phương vẫn đạt 25,36 tỷ USD, tăng trưởng 20,6% so cùng kỳ năm 2020. Về đầu tư, lũy kế đến 1/2022, có 2.847 dự án của doanh nghiệp Đài Loan đầu tư tại Việt Nam, đạt 1,25 tỷ USD. Tháng 1/2022, doanh nghiệp Đài Loan đầu tư tại Việt Nam đạt 57,16 triệu USD, đứng thứ 6, khẳng định doanh nghiệp Đài Loan thực sự có niềm tin vào Việt Nam.

Đoàn doanh nghiệp Đài Loan tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh tại Vĩnh Long.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Long, nhà đầu tư Đài Loan hiện có 7 dự án đầu tư tại tỉnh, với tổng mức đầu tư khoảng 237,31 triệu USD. Ông Chung Wen Cheng cho biết: “Nếu tỉnh có thể hỗ trợ doanh nghiệp về đất xây xưởng, cung cấp các gói ưu đãi đầu tư, tiếp tục cải thiện kết cấu hạ tầng cũng như giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động… Tôi tin sẽ ngày càng nhiều doanh nghiệp Đài Loan đầu tư tại mảnh đất này”. Tại buổi làm việc, tỉnh Vĩnh Long và các doanh nghiệp Đài Loan đã ký kết biên bản cam kết đầu tư.

Trước đó (vào ngày 24/2), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Lê Quang Trung tiếp đoàn công tác của Liên doanh Tập đoàn EREX Nhật Bản và Công ty CP Tập đoàn T&T về khảo sát xây dựng nhà máy điện sinh khối tại Vĩnh Long.

Ông Honna Hitoshi- Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc đại diện Tập đoàn EREX bày tỏ vui mừng về buổi làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long nhân dịp đầu năm và cũng giới thiệu về dự án điện sinh khối, các tiêu chí lựa chọn để đầu tư nhà máy.

Ông Trần Nhựt Thanh- Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết Vĩnh Long có tiềm năng điện sinh khối, là một trong những tỉnh có nguồn nhiên liệu sinh khối tương đối lớn với diện tích đất nông nghiệp sản xuất hàng năm khoảng 140.000ha, trữ lượng rơm rạ và trấu khoảng 1 triệu tấn/năm, có khoảng 35 cơ sở, doanh nghiệp xay xát lúa gạo. Tiềm năng này tập trung chủ yếu tại 2 huyện: Tam Bình và Trà Ôn. Bên cạnh, tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi giao thông, hạ tầng...

Dịp này, UBND tỉnh và Tập đoàn EREX Nhật Bản và Công ty CP Tập đoàn T&T đã ký kết biên bản ghi nhớ. Trong đó, hai bên mong muốn hợp tác cùng khảo sát, nghiên cứu, lập đề án, triển khai dự án đầu tư nhà máy điện sinh khối.

Cam kết môi trường đầu tư ổn định

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng các hoạt động xúc tiến đầu tư vẫn được chú trọng và thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra. Theo đó, tỉnh đã triển khai chương trình xúc tiến đầu tư dưới nhiều hình thức, kịp thời áp dụng nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư… Bên cạnh, kết nối các nhà đầu tư lớn, có hàm lượng công nghệ cao. Đặc biệt, trong các ngành, lĩnh vực tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư như nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông- thủy sản, du lịch, ngành sản xuất phối điện...  Trong năm, tỉnh đã tiếp xúc và làm việc với 36 lượt nhà đầu tư. Kết quả, đã cấp chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 3.736 tỷ đồng và 13,74 triệu USD (trong đó có 6 dự án FDI).

Nằm ở trung tâm châu thổ ĐBSCL, tỉnh Vĩnh Long có nhiều tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, giao thông, là tỉnh ít bị thiên tai so với các vùng khác trên cả nước. Về nguồn nhân lực, dân số toàn tỉnh năm 2021 hơn 1 triệu người, trong đó có 594.221 người trong độ tuổi lao động. Vĩnh Long cũng là một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL với 3 trường ĐH và phân hiệu, cùng với một số trường CĐ, trung cấp nghề… Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo năm 2020 đạt 15,8% (cao hơn trung bình của vùng là 13,6%).

Ký kết biên bản cam kết đầu tư giữa tỉnh Vĩnh Long và nhà đầu tư.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Lê Quang Trung cho biết, tỉnh đã và đang chủ động triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện tốt các khâu cải cách thủ tục hành chính. Ông khẳng định “Lãnh đạo tỉnh cam kết luôn đồng hành và thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với các nhà đầu tư, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án và đưa vào hoạt động. Đồng thời, tạo mọi thuận lợi về môi trường pháp lý theo quy định của Trung ương và địa phương để doanh nghiệp an tâm phát triển sản xuất kinh doanh”.

Theo Báo Vĩnh Long

Đồng Tháp: Sạt lở bờ sông Tiền​

Theo Báo Đồng Tháp, vừa qua đã xảy ra vụ sạt lở bờ sông Tiền đoạn thuộc khóm Sở Thượng, phường An Lạc, TP Hồng Ngự.

Chiều dài đoạn sạt lở khoảng 25m, ăn sâu vào đất liền từ 3-5m. Vị trí sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến 2 hộ dân gồm hộ bà Nguyễn Thị Phừng (SN 1961) và hộ bà Lê Hoàng Lan (SN 1995). Rất may vụ sạt lở không thiệt hại về người.

Hiện trường vụ sạt lở

UBND phường An Lạc đã điều động lực lượng dân quân hỗ trợ người dân tháo dở di dời 2 căn nhà bị ảnh hưởng về nơi an toàn. Hiện vị trí này có nguy cơ tiếp tục sạt lở.

Theo dự kiến, vị trí này nằm trong Dự án kè An Lạc sẽ triển khai thực hiện trong năm 2022.

Mắm cá chim - đặc sản Rạch Gốc​

Đất Cà Mau nổi tiếng với nhiều loại hải sản nước ngọt và nước mặn. Ở các huyện U Minh, Thới Bình, Dầm Dơi có nghề làm mắm cá đồng lâu năm như mắm lóc, mắm trê, mắm sặc…; còn những huyện ven biển thì có mắm mồng gà, mắm cá đối, mắm ruốc, mắm tôm được nhiều người biết đến. Riêng huyện Ngọc Hiển, loại đặc sản gắn liền với địa danh đó là ba khía Rạch Gốc mà dân lục tỉnh Nam Kỳ rất ưa chuộng từ xa xưa. Thị trấn Rạch Gốc ngày nay lại tìm thấy một món ngon nữa, ai có dịp nếm một lần sẽ khó quên hương vị thơm nồng, đó là mắm cá chim.

Gia đình chị Phạm Thị Đành ở ấp Kiến Vàng nổi tiếng với nghề làm mắm cá chim. Chị kể: “Má tôi làm mắm hơn chục năm trước, nghề này chắc bà học được từ khi còn nhỏ, má hay làm loại mắm này cho gia đình ăn và biếu cho người quen. Hồi đó không có bán buôn gì, bởi mắm này làm công phu lắm, bán không có lời nên ngoài việc làm quà cho bà con xứ khác, còn lại chỉ chia cho con cháu ăn. Khi má tôi mất, người ta cứ nhắc mắm cá chim hoài, tôi nghĩ người ta nhớ má qua hương vị của mắm cá chim, sao mình không làm để lưu lại món ngon của quê hương, biết đâu buôn bán được? Lúc má tôi làm, tôi có học theo. Lúc đầu làm thử vài ký, thấy chưa ngon bằng mắm má làm, tôi điều chỉnh, gia giảm vài lần mới có được hương vị đặc trưng, làm bao nhiêu người ta mua hết bấy nhiêu. Thấy vậy tôi nói với gia đình sẽ làm nhiều để bán, vì nguyên liệu có sẵn” (nhà chị Đành có ghe đóng đáy hàng khơi nên có nhiều cá chim sau mỗi chuyến biển). 

Từ khi các cơ quan huyện Ngọc Hiển về đóng trụ sở tại ấp Kiến Vàng, nghề mắm của chị Đành thêm phát triển, mỗi đoàn khách đến đây đều được nếm qua món mắm cá chim ăn kèm với bần ổi, loại cây mọc theo bãi bùn ven sông, trái có vị chua, chát, ăn rất giòn và có mùi thơm khó tả. Tuy dân dã như thế nhưng khó quên, khách cũng muốn đem về một ít món ăn vừa lạ vừa ngon này nên chị Đành ngày càng đắt hàng.

Ngồi một buổi theo dõi những thao tác của chị và các thành viên trong gia đình, tôi cũng thấy thích thú. Vừa làm chị vừa giải thích: Cá làm mắm là cá chim còn tươi, chọn loại cá nhỏ cho mau thấm và xương mềm. Cá đem về rửa sạch rồi trộn muối hột vô ngâm, quá trình ngâm cũng là lúc làm sạch cá, thời gian ngâm trong nước muối là 3 ngày, còn liều lượng là do quen tay, không có công thức cụ thể. Sau 3 ngày vớt cá lên cho ráo, bỏ vô bọc vải hay lưới rồi dùng vật nặng như thớt hay đá tảng dằn khoảng 12 giờ cho ráo nước. Gạo rang cho vàng, xay mịn để thính cá cùng với đường, rượu trộn đều rồi vô keo gài chặt, đậy kín. Nửa tháng sau giở ra “thúc” lại (nghĩa là đổ nước mắm đọng phía trên ra, giở từng lớp mắm sắp lại cho dẽ dặt rồi gài tiếp), khoảng 5 tuần thì ăn được. 

Cứ 2,5kg cá tươi cho ra 1kg mắm, ngày trước má chị Đành gài trong hũ lớn, khi mắm ăn được mới chiết ra gáo, ra keo. Ngày nay chị cho mắm vô keo nhựa khi vừa trộn xong nguyên liệu vào cá, mỗi keo từ 3 đến 5kg, người mua lẻ thì chiết ra keo nhỏ để bán. Mỗi tháng chị bán khoảng 100kg mắm, với giá mỗi ký 100.000 đồng, trong đó lời được khoảng 30.000 đồng/kg. So với các loại mắm khác, thì mắm cá chim có giá hơn. 

Kinh tế nhà chị Đành khá giả, nhưng chị rất chịu khó để có thêm thu nhập, hơn nữa đây là nghề của mẹ chị truyền lại, chị muốn giữ gìn món ăn ngon được nhiều người ưa thích là đặc sản của quê hương, nên khi lượng cá thu hoạch của nhà không đủ làm mắm, chị mua thêm cá từ các trại đáy khác để đủ số lượng cho khách hàng. Dù nghề làm mắm cũng khá vất vả, tốn nhiều công nhưng chị lấy làm niềm vui khi nhiều người biết đến món ăn quê nhà. Chị đang có ý định mở rộng quy mô cùng với nghề muối ba khía, làm mắm ruốc…

Mắm cá chim khi “chua”, tức là lúc ăn được thì xương cá đã mềm sụm, không cần tách bỏ xương. Có rất nhiều cách chế biến, nếu ăn sống thì xé nhỏ vừa miếng ăn, trộn đường, ớt, tỏi rồi ăn với bần ổi rất ngon, kèm với các loại khác cũng không kém phần hấp dẫn như khóm, chuối chát, khế.... Mắm cá chim còn có cách chế biến khác như trộn gỏi đu đủ cũng rất tuyệt. Đu đủ mỏ vịt (ửng vàng) đem sắc sợi, trộn mắm đã xé miếng vừa ăn, thêm gia vị, tỏi, ớt… “hỗn hợp” này vừa ngon vừa đẹp mắt. Mắm cá chim đem chiên, kho, chưng, nấu lẩu đều rất hấp dẫn bởi vị ngọt, béo của cá, qua tẩm ướp trong quá trình ủ, lên men mắm lại tăng thêm mùi thơm nồng đặc sắc của loại cá ở miền ven biển phía cực Nam Tổ quốc.​​​​​​

Theo Báo Ảnh Đất Mũi

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quận Đống Đa phát động thi viết báo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đảng ủy Khối doanh nghiệp quận Đống Đa hưởng ứng Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Tư, năm 2024 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
2024-03-29 10:26:56

KUN Happy Run Cần Thơ 2024 - Sân chơi thể thao đỉnh cao, căng trào cảm xúc

Trước thềm giải chạy VPBank Can Tho Music Night Run 2024, sáng ngày 13/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), thương hiệu KUN thuộc CTCP Sữa Quốc tế (IDP) và Nexus Sport Events sẽ phối hợp tổ chức giải KUN Happy Run Cần Thơ 2024. Giải chạy nhằm lan tỏa tình yêu thể thao, truyền cảm hứng về lối sống nhân văn, tích cực đến các mầm non tương lai của đất nước.
2024-03-29 10:04:15

Du khách được ăn hơn 400 món tại Lễ hội văn hóa ẩm thực TP.HCM

Lễ hội Văn hóa ẩm thực Món ngon Saigontourist Group 2024 hấp dẫn với hơn 400 món ăn, thức uống đặc trưng ba miền tại 40 gian hàng ẩm thực.
2024-03-28 22:55:00

Thành lập Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật TP Thái Nguyên

Ngày 28/3, tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Hội Người khuyết tật TP Thái Nguyên tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật.
2024-03-28 17:48:00

Về thăm chùa cổ Kiên Lao - Sùng Phúc tự

Chùa Kiên Lao (Sùng Phúc tự) ở làng Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường, Nam Định) là một trong những danh lam cổ tự của vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây Hòa thượng Thích Thiện Tri trụ trì là bậc hoằng pháp chân tu cùng Hội phật tử dốc lòng tâm huyết, luôn mang lại phúc lành cho mọi người dân và tín đồ phật tử muôn phương.
2024-03-28 16:04:55

Khám phá những đường chạy cực chất tại VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chính thức khởi tranh vào chiều tối 13/4, VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ đưa runner băng qua cung đường ấn tượng gắn kết với những địa danh đã đi vào huyền thoại của thủ phủ miền Tây Nam Bộ.
2024-03-28 13:59:17
Đang tải...