Tin tức Miền Tây ngày 3/3/2022: Khám phá bờ đê ốc viết hiếm có ở Việt Nam

2022-03-03 23:00:00 0 Bình luận
Những con ốc biển vượt hàng hải lý, theo thủy triều trôi dạt vào bờ, kẹt lại và chết đi ở Bình Đại, trở thành đê chắn sóng. Và hành trình ấy cứ đều đặn lặp lại vào mùa gió chướng năm sau.

Hàng năm, vào mùa gió chướng, từ tháng 9 Âm lịch năm trước đến tháng 3 Âm lịch năm sau, bờ biển cồn Chày Mười, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre được phủ kín bởi hàng triệu con ốc viết.

Mùa gió chướng mỗi năm là thời điểm hàng triệu vỏ ốc được sóng biển xô bờ

Ông Huỳnh Văn Dũng, một ngư dân gắn bó gần cả đời mình với biển, bảo rằng, hiện tượng kỳ lạ này xuất hiện từ vài chục năm qua, từ thuở những cư dân đầu tiên đặt chân đến nơi này. “Bình thường không phát hiện chúng sống ở gần bờ, nhưng đến mùa thì nhiều vô số kể, có thể chúng vượt hành trình hàng hải lý mới đến được đây. Ốc dài, có đầu nhọn tựa cây viết nên dân địa phương gọi là ốc viết” - ông Dũng nói.

Những con ốc với nhiều màu sắc khác nhau, từ trắng đục đến màu nâu, đỏ vàng, từ to bằng ngón chân, dài 7-8cm đến bé li ti như đầu chân nhang, sau một hành trình dài rã rời, chúng bị mắc kẹt lại bờ biển, phơi mình dưới nắng rồi chết đi, xác trải dài suốt 7km bờ biển xã Thới Thuận. Lúc bình minh và khi chiều sắp tắt nắng, những chiếc vỏ chấp chới theo từng con sóng, ánh lên lấp lánh như thủy tinh. Những con ốc khác may mắn hơn, bị sóng cuốn trôi dạt vào các vịnh nước nhỏ, ẩn mình dưới bóng mát của hàng dương, hàng đước chắn sóng. Và đấy là thời điểm những ngư dân địa phương canh thủy triều giữa khuya rút, dùng đèn pin soi bắt ốc.

“Ốc còn sống nằm lẫn với vỏ ốc, điểm phân biệt duy nhất là ốc sống nằm dựng đứng vỏ. Mỗi đêm chúng tôi bắt khoảng chục kilôgam, mỗi kilôgam giá từ 6.000-12.000 đồng, cũng đủ trang trải cho một ngày” - anh Nguyễn Văn Minh, một ngư dân sống bằng nghề bắt ốc, chia sẻ.

Bãi biển phù sa trải dài gần 30km ở Bình Đại ngoài hơn 3.000ha sân nghêu, hàng trăm nhà dân cùng những chòi canh nghêu tạm bợ đúng nghĩa là nơi hoang sơ bởi chưa có hoạt động du lịch. Một ngày ở nơi này bắt đầu với tiếng kêu gần như vô thanh của những con nhạn biển bé xíu trước sóng biển vỗ ầm ầm mùa gió chướng.

Trong ánh bình minh, những con ốc viết lung linh, lấp lánh như thủy tinh

Bầy nhạn dùng chiếc mỏ mảnh khảnh mổ những con bọ biển hay phiêu sinh nấp dưới đám vỏ, rồi chợt liệng cánh ra biển khi phát hiện tốp xe máy của nhóm ngư dân đang vào khu vực hợp tác xã cào nghêu. Thỉnh thoảng, những chiếc xe của ngư dân phải dừng lại vì thủng ruột do đuôi nhọn của vỏ ốc găm vào nhưng sự phiền toái này có nghĩa lý gì so với những lợi ích mà đám vỏ ốc mang lại.

Theo từng đợt sóng, gió, vỏ ốc bị dạt vào bờ hơn chục mét, nằm dưới chân đê biển, phía sau là hàng dương và rừng đước. Ngày này qua ngày khác, năm này đến năm sau, hàng triệu mảnh vỏ xếp chồng lên nhau. Gió như người thợ xây mang cát bồi lấp và cùng với rễ dây hoa muống biển đan vào, tạo thành lớp thành trì bảo vệ đầu tiên. Nằm dọc bờ biển ở cồn Chày Mười, con đê ốc viết thực chất là một đê chắn sóng được tạo thành bởi hàng triệu con ốc viết. Chúng nằm xếp chồng ngang dọc lên nhau và trải dài theo bờ biển tạo nên một cảnh tượng độc đáo - có thể xem là kỳ quan của thiên nhiên mà có lẽ ít nơi nào có được.

Bờ đê ốc viết độc đáo này hiện được xem là độc nhất vô nhị tại Việt Nam. Đối với du khách, đây là điểm tham quan thú vị. Còn với người dân vùng biển nơi đây, bờ đê còn mang một ý nghĩa đặc biệt. Họ thường gọi là món quà từ biển dành cho người dân xứ dừa. Người dân ví những con ốc viết như là lộc trời ban. Bởi khi còn sống, ốc viết tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể, còn khi chết, sóng đánh dạt vào bờ tạo thành đê chắn sóng, bảo vệ đất đai, hoa màu giúp người dân yên tâm sản xuất. Điều đặc biệt là bờ đê ốc viết này do sóng biển tạo thành nhưng rất đều và thẳng tắp, như có bàn tay ai đó sắp đặt.

Ốc viết như món quà từ biển dành tặng cho người dân xứ dừa

Theo những người dân nơi đây, sở dĩ ốc viết được mọi người ưa thích vì hương vị thơm, béo, ngọt, giòn. Ốc viết có 2 cách chế biến: Luộc sả chấm muối tiêu chanh và hầm dừa, trong đó món ốc viết luộc sả là món ăn “dã chiến” dễ làm và nhanh nhất.

Thời điểm thích hợp nhất để đến tham quan bờ đê ốc viết là khi con nước lên. Người miền Tây còn gọi là con nước lớn. Lúc này phải dùng ghe nhỏ chạy dọc theo kênh Yên Hào để đến cồn Chày Mười. Sau đó đi bộ xuyên qua rừng đước và những rẫy dưa hấu là tới nơi. Nhưng du khách có thể phải ngồi đợi một lúc đến khi nước cạn dần thì mới tiếp tục đi bằng xe gắn máy chạy dọc con đường mòn bằng cát khá lầy lội dài vài kilômét dọc bờ biển thì bờ đê độc đáo mới hiện dần trước mắt. Hành trình khám phá bờ đê ốc viết không hề dễ dàng nhưng sẽ rất đáng để du khách bỏ công tìm đến. Đây là khung cảnh kỳ thú của tự nhiên giữa vùng biển hoang sơ với không khí trong lành và sự nhiệt tình của người dân địa phương hiếu khách sẽ đáp lại sự chịu khó và dấn thân của du khách.

Hành trình đến với cồn Chày Mười sẽ là một chuyến đi khó quên với bất kỳ du khách nào. Đến đây, du khách sẽ vô cùng ấn tượng với cảnh vật, tình người và những sản vật mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất này.

Kỹ sư chân đất

Mỗi ngày, Hợp tác xã (HTX) Rau sạch Mười Hai (ấp 4, xã Long Khê, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) cung cấp khoảng 2 tấn rau sạch cho các siêu thị, cửa hàng rau sạch trong và ngoài tỉnh. Tất cả sản phẩm rau của HTX đều có chứng nhận VietGAP, truy xuất nguồn gốc và được sơ chế, sục ozone, đóng gói trước khi xuất bán. Để có kết quả đó, phần lớn công sức thuộc về Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX - Lê Văn Giấy (Mười Hai).

Ông Mười Hai khởi nghiệp trồng rau vào năm 2006 và chọn theo đuổi việc trồng rau sạch

Người “đứng mũi chịu sào”

Ông Mười Hai khởi nghiệp trồng rau từ năm 2006, khi ngoài 40 tuổi. Lúc đó, xưởng cơ khí của gia đình do ông gầy dựng đang “ăn nên làm ra”. Quyết định cho con mình cơ hội phát triển, ông trao quyền coi sóc xưởng lại cho con và lui về quê “khởi nghiệp” với 3.500m2 đất trồng rau ở Long Khê. Tự nhủ với lòng, muốn làm giàu trên mảnh đất quê nhà, chỉ có 2 cách: Sản xuất quy mô lớn hoặc ứng dụng công nghệ. Ông chọn theo đuổi việc trồng rau sạch cung cấp cho thị trường tại TP.HCM. “Muốn cạnh tranh với người ta thì mình phải đi trước, có điểm khác biệt, đột phá; không thì làm không lại người ta đâu” - ông Mười Hai khẳng định.

Từ 3.500m2 đất ban đầu, ông phát triển dần diện tích trồng rau của gia đình. Khi nhu cầu về rau của thị trường tăng lên, ông cùng một số nông dân tại địa phương liên kết thành lập tổ hợp tác, phát triển thành HTX với những chiến lược đầu tư lâu dài. Ông kể: “Chúng tôi thành lập tổ hợp tác năm 2015, lúc đó, anh em chọn nhà tôi làm điểm hội họp, đặt trụ sở. Tôi là con thứ mười hai trong nhà, mọi người quen gọi là Mười Hai nên anh em quyết định đặt tên tổ hợp tác là Mười Hai, sau này phát triển thành HTX cũng giữ nguyên tên ấy. Hai năm đầu thành lập, HTX toàn thua lỗ do cung vượt cầu, không tìm được đầu ra cho sản phẩm, không có tiền trả lương, mọi người lần lượt rời HTX, chỉ còn có mỗi mình tôi và kế toán ở lại!”.

Lúc đó, ông Mười Hai vừa trông coi việc trồng rau, vừa lo tìm đầu ra cho sản phẩm. Ngoài tiếp thị sản phẩm trực tiếp, nhờ giới thiệu của người thân, bạn bè,... ông còn chủ trương xây dựng thương hiệu và tiếp thị sản phẩm trên Internet. Website https//:www.rauque.com.vn được thành lập bên cạnh các kênh bán hàng khác trên Facebook. Rau sạch Mười Hai dần được khách hàng biết đến và đặt vấn đề hợp tác lâu dài.

Với phương châm “chất lượng đi đầu”, ông Mười Hai cùng Ban Quản trị HTX thống nhất đầu tư công nghệ, máy móc cho quá trình trồng và sơ chế rau. Những vườn rau trồng trong nhà lưới xuất hiện ngày càng nhiều ở ấp 4, xã Long Khê, tất cả đều thực hiện theo quy trình VietGAP, có giấy chứng nhận và được HTX Rau sạch Mười Hai bao tiêu toàn bộ. Rau cắt về từ vườn được sơ chế, sục ozone, để ráo, đóng gói và dán tem truy xuất nguồn gốc trước khi đến với đơn vị thu mua. Hiện tại, mỗi ngày, HTX cung cấp hơn 2 tấn rau ra thị trường, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động thường xuyên và thu nhập cho hơn 50 hộ nông dân liên kết với HTX, đồng thời chia lợi tuất cho 30 thành viên HTX.

“Dừng lại là tụt hậu”

Chưa dừng lại với những kết quả đã đạt, HTX rau sạch Mười Hai không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của khách hàng và mở rộng thị trường. Đưa chúng tôi đi thăm khu vực sản xuất rau hữu cơ của HTX, ông Mười Hai chia sẻ: “Trồng rau hữu cơ, nông dân phải vất vả hơn, tốn nhiều chi phí hơn do tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,... Chính vì vậy, giá của sản phẩm hữu cơ luôn cao hơn giá thị trường. Hiện tại, HTX trồng thử nghiệm trên 1,5ha rau hữu cơ, dự kiến sẽ mở rộng trong thời gian tới. Việc đầu tư máy móc hay sản xuất sản phẩm hữu cơ là điều mà chúng tôi luôn chú trọng. Chúng tôi phải nâng cao chất lượng sản phẩm để mở rộng đầu ra, mang lại lợi ích cho HTX và nông dân trồng rau. Dừng lại là sẽ tụt hậu”.

Hầu hết công đoạn sơ chế, đóng gói rau tại HTX Rau sạch Mười Hai đều được làm bằng máy. Trong đó, có một số máy do chính ông Mười Hai chế tạo. Am hiểu về cơ khí nên khi bước chân sang lĩnh vực trồng rau sạch, ông Mười Hai tận dụng thế mạnh của mình để phục vụ công việc hiện tại. Ban ngày, bận bịu với công việc của HTX, đêm về, ông cặm cụi bên những chi tiết máy, nghiên cứu, chế tạo các loại máy phục vụ quá trình sơ chế rau tại HTX.

Chỉ vào máy vắt rau đang hoạt động, ông tự hào: “Máy này tôi làm đi làm lại, vừa làm, vừa cải tiến mấy lần mới được. Năm 2020, tôi tham gia Hội thi Nhà nông sáng tạo kỹ thuật và được giải Khuyến khích cấp tỉnh”. Máy vắt rau do ông Mười Hai sáng chế sử dụng lực ly tâm để vắt khô nước bám trên lá rau sau khi rửa, giúp việc bảo quản được lâu hơn. Máy vắt có ưu điểm làm khô nước trên mặt lá rau nhanh nhưng không làm gãy, giập hay ảnh hưởng đến chất lượng rau. Trước đây, khi chưa có máy, rau được hong gió sau khi rửa, vừa mất thời gian, vừa khiến rau dễ bị héo. Máy vắt rau vận hành hiệu quả giúp tiết kiệm thời gian sơ chế rau. Không chỉ sáng chế ra máy vắt rau, ông Mười Hai còn nghĩ ra hệ thống rửa với nước sục ozone giúp rau được làm sạch một cách tốt nhất. Thay vì đầu tư hệ thống máy rửa rau, củ, quả công nghiệp sục ozone, ông Mười Hai mua máy tạo ozone và tự mày mò, thiết kế bể chứa. Một hệ thống máy rửa rau với nước sục ozone “made in HTX Rau sạch Mười Hai” ra đời và vận hành hiệu quả.

Máy vắt rau do ông Mười Hai chế tạo được sử dụng hiệu quả tại Hợp tác xã Rau sạch Mười Hai

Ông Mười Hai tự nhận mình là người sáng chế kiểu nông dân vì ông chưa từng qua trường lớp đào tạo bài bản. Tất cả máy móc do ông sáng tạo đều phục vụ nhu cầu của HTX và được làm bằng kinh nghiệm cá nhân. Ông nói: “Tôi vừa chế tạo, vừa sử dụng rồi thấy hạn chế chỗ nào thì cải tiến chỗ đó. Muốn làm được một cái máy đem ra vận hành được thì tôi cũng mất thời gian mấy tháng trời”.

Tuy vất vả nhưng ông Mười Hai khẳng định sẽ không bao giờ dừng việc cải tiến, nâng cấp máy móc tại HTX. Ông khẳng định: “Mình cứ làm thôi, rồi sẽ phát hiện ra cần cái này, cái khác phải đầu tư, cải tiến để giảm nhân công, tăng năng suất. Còn làm không bao giờ ngưng đầu tư, cải tiến được đâu”.

HTX Rau sạch Mười Hai đang là một trong những HTX rau sạch nổi tiếng trên địa bàn huyện Cần Đước. Năm 2021, HTX có sản phẩm rau cải xanh đạt chuẩn OCOP 4 sao, nhờ vậy, tên tuổi của HTX được biết đến nhiều hơn. Đó là một trong những lợi thế trong việc kinh doanh của HTX, góp phần mang lại lợi ích cho thành viên HTX và nông dân trồng rau trong vùng.

Theo Báo Long An

Giáo dục Cần Thơ nỗ lực đảm bảo mục tiêu kép

Theo Báo Cần Thơ, sau thời gian dài tạm dừng đến trường phòng dịch bệnh COVID-19, tất cả học sinh tại TP Cần Thơ học trực tiếp từ ngày 7/2 và ngày 16/2 tổ chức bán trú cho học sinh. Theo đánh giá của ngành Giáo dục thành phố, hơn 3 tuần qua, các trường đã nỗ lực thực hiện nhiều phương án đảm bảo mục tiêu kép: an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trường học và đảm bảo chất lượng giáo dục.

Khởi động lại bếp ăn trường học

Giờ ăn của học sinh Trường Tiểu học Ngô Quyền. Ảnh: B. NG

Để đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại trường vào ngày 7/2, trước đó Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ đã ban hành phương án đón học sinh. Tuần đầu học sinh trở lại trường học trực tiếp 1 buổi để làm quen với không khí trường lớp học. Trong tuần tiếp theo, tùy điều kiện thực tế tại địa phương, lãnh đạo UBND các quận/huyện chủ động quyết định cho học sinh học bán trú (2 buổi/ngày). Đơn cử quận Ninh Kiều, sau khi UBND quận thống nhất tổ chức bán trú từ ngày 16/2, Phòng GD&ĐT quận đã có hội nghị trực tuyến với các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học trên địa bàn về công tác tổ chức bán trú cho học sinh. Ông Võ Hồng Lam, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều, cho biết ngay trong ngày đầu tiên (16/2), đã có 40 cơ sở mầm non và 2 điểm trường tiểu học đăng ký tổ chức bán trú cho học sinh. Ngày 21/2, tất cả các điểm trường mầm non, tiểu học tổ chức bán trú. “Để đảm bảo an toàn cho trẻ trở lại trường, đặc biệt là khi tổ chức bán trú, ngành Giáo dục quận Ninh Kiều đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm vấn đề an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh”, ông Võ Hồng Lam nói.

Theo cô Mạch Lệ Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều), sau khi tổ chức học trực tiếp, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ nhân viên bếp, cấp dưỡng và sự đồng thuận của phụ huynh học sinh. Do dịch COVID-19, việc tổ chức cũng khá vất vả so với bình thường. Học sinh được chia theo đơn vị lớp, ăn theo hành lang của lớp và hạn chế số lượng học sinh theo bàn ăn để đảm bảo an toàn phòng dịch. “Trong ngày đầu tiên tổ chức bán trú, trường có hơn 85% học sinh đăng ký theo học và ăn ngủ tại trường, 100% học sinh đều tham gia học 2 buổi/ngày”, cô Xuân nói.

Chị Nguyễn Hữu Ngọc Thanh, Tổ trưởng Tổ bếp, Trường Tiểu học Ngô Quyền cho biết, mọi người trong bếp rất vui khi hay tin học sinh trở lại trường học trực tiếp. Tổ bếp đã vệ sinh sạch sẽ khu vực bếp, đồng thời nhắc nhở nhân viên thực hiện công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh. Để đảm bảo an toàn, nhân viên cấp dưỡng và giáo viên chủ nhiệm phối hợp ghi rõ thông tin học sinh trên bàn ăn, học sinh ngồi đúng vị trí.

Nhiều phương án đảm bảo mục tiêu kép

Ghi nhận thực tế ở các trường học trên địa bàn thành phố, cán bộ, giáo viên và học sinh đều nỗ lực thực hiện nghiêm túc quy định phòng, chống dịch. Ví dụ như Trường THCS Long Tuyền (quận Bình Thủy) và Trường THCS Thị trấn Thới Lai (huyện Thới Lai) nỗ lực đảm bảo đầy đủ các điều kiện phòng dịch và bộ tiêu chí trường học an toàn; tổ chức phân luồng cho học sinh và phụ huynh khi đến trường; trang bị đầy đủ các thiết bị y tế, thực hiện nghiêm 5K của Bộ Y tế. Trong tuần học đầu tiên, giáo viên các trường tập trung vừa củng cố lại kiến thức đã học, vừa giảng dạy kiến thức mới, giúp học sinh tiếp thu bài tốt hơn.

Em Nguyễn Quốc Thông, học sinh Trường THCS Long Tuyền, nói: “Em rất vui khi trở lại trường. Thầy cô dạy dễ hiểu, em tiếp thu bài tốt. Thầy cô cũng nhắc nhở chúng em thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn,…”. Thầy Huỳnh Minh Thế, Hiệu trưởng Trường THCS Long Tuyền, cho biết: “Tuần học tập trung đầu tiên, nhà trường tổ chức ôn tập kiến thức cũ, tuần thứ hai dạy kiến thức mới. Qua thời gian học, học sinh tương tác tốt ”.

Tương tự, công tác an toàn phòng dịch tại Trường THCS Thị trấn Thới Lai được đảm bảo. Thầy Trần Quang Nhựt, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Thới Lai, cho biết: “Trường thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch và phân công cụ thể từng thành viên. Xây dựng phòng y tế, phòng cách ly, phòng học dự phòng (dành cho trường hợp nghi F0). Mỗi lớp học chuẩn bị 1 hộp khẩu trang, 1 chai cồn 70 độ để học sinh thường xuyên rửa tay diệt khuẩn. Mỗi giờ ra chơi tiết 2, đoàn đội của trường tuyên truyền phòng, chống dịch. Giờ ra chơi, giám thị đi vòng các lớp học để nhắc nhở các em học sinh giữ khoảng cách an toàn”.

Hiện nay, cán bộ, công chức, người lao động trong ngành Giáo dục Cần Thơ đã tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 đạt trên 98%. Học sinh (tuổi 12-17) tiêm mũi 2 khá đầy đủ. Trẻ mầm non đến trường đạt trên 74%, tiểu học 97%, THCS 98%, THPT gần 99%.

Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết 100% trường mầm non và tiểu học đã cho học sinh trở lại học bình thường. Sở đã chỉ đạo các trường rà soát, nắm bắt và củng cố, ôn tập kiến thức cho từng nhóm đối tượng học sinh, vì khi học trực tuyến thì khả năng tiếp thu, điều kiện học tập của mỗi em khác nhau. Đồng thời có kế hoạch để bổ sung bồi dưỡng ôn tập cho các em này khi đến trường bên cạnh việc học kiến thức mới. Ông Nhân thông tin: “Những ngày đầu, một số phụ huynh băn khoăn, chưa cho con em đến trường nên ngành vẫn duy trì vừa học trực tiếp và trực tuyến, thiết kế phần mềm quay trực tiếp tiết học trên lớp để các em ở nhà có thể tham gia. Qua theo dõi tình hình đi học ngày càng ổn định và trở lại nền nếp giống như bình thường, góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục”.

Hậu Giang: Phát huy hiệu quả kết nối giao thông

Theo Báo Hậu Giang đưa tin, là một trong những dự án giao thông trọng điểm chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2022-2026, dự án Cải tạo, nâng cấp, kết nối hệ thống giao thông thủy bộ Đường tỉnh 925B và kênh Nàng Mau, tỉnh Hậu Giang đang được kỳ vọng phát huy tối đa hiệu quả kết nối liên vùng.

Dự án Cải tạo, nâng cấp, kết nối hệ thống giao thông thủy bộ Đường tỉnh 925B và kênh Nàng Mau, tỉnh Hậu Giang chuẩn bị đầu tư với kỳ vọng phát huy tối đa tính kết nối.

Dự án Cải tạo, nâng cấp, kết nối hệ thống giao thông thủy bộ Đường tỉnh 925B và kênh Nàng Mau, tỉnh Hậu Giang do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư. Dự án thuộc nhóm A, công trình giao thông cấp III, được thực hiện trên địa bàn huyện Vị Thủy, huyện Phụng Hiệp và huyện Châu Thành với chiều dài 40,8km. Tổng mức vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.700 tỉ đồng.          

Ông Hoàng Văn Bình, đại diện đơn vị tư vấn thiết kế dự án, cho biết: Theo dự kiến, điểm đầu dự án tại ngã ba hiện hữu là điểm giao cắt với Quốc lộ 61C, đường Hùng Vương thuộc xã Vị Trung, huyện Vị Thủy và kết thúc tại nút giao giữa Đường tỉnh 925 với đường 30 Tháng 4 thuộc thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành. Phần đường thiết kế chiều rộng mặt đường xe chạy 8m, vận tốc thiết kế 60km/h. Sẽ có 6 nút giao tại các vị trí Quốc lộ 61C, Đường tỉnh 926B, Quốc lộ 61, Đường tỉnh 928, Quốc lộ 1A, Đường tỉnh 925B.

Toàn tuyến dự kiến có 35 cầu, 6 cống hộp, 26 cống tròn. Quy mô các cầu trên tuyến bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, nhịp giản đơn từ 12,5m đến 33m. Dọc hai bên đường dự kiến trồng cây sao đen hoặc dầu bên ngoài lề đất với khoảng cách trung bình 10m/cây. Về loại cây trồng sẽ lấy ý kiến địa phương để đảm bảo đồng bộ với quy hoạch cây xanh đô thị của địa phương. Dự kiến thời gian thực hiện dự án từ năm 2022-2026.

Các huyện đề nghị đơn vị tư vấn thiết kế cập nhật kỹ, đảm bảo quy hoạch. Đầu tư hệ thống chiếu sáng ở các vị trí đô thị, cầu, đảm bảo an toàn giao thông. Đồng thời, làm rõ thêm giải pháp kết nối tại các vị trí giao cắt với đường dân sinh nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư dự án.

Trong buổi làm việc mới đây, ông Lê Thanh Việt, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hậu Giang, cho biết Sở thống nhất về quy mô đầu tư dự án. Trong điều kiện kinh phí hạn chế, đơn vị tư vấn, chủ đầu tư nghiên cứu cân đối nguồn vốn để đầu tư hệ thống chiếu sáng ở những đoạn đi qua đô thị. Ngoài ra, đề nghị đơn vị tư vấn lưu ý các điểm cong trên tuyến và tại vị trí các cầu, thiết kế đảm bảo an toàn giao thông. Đơn vị tư vấn cập nhật thêm quy hoạch xã Vĩnh Trung, để thiết kế đoạn này cho phù hợp. Đồng thời, đề nghị điều chỉnh tuyến tại vị trí này để tránh nhà dân, đảm bảo quy hoạch và hạn chế khâu giải phóng mặt bằng.

Ông Huỳnh Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, yêu cầu đơn vị tư vấn lưu ý việc bố trí cây xanh, vỉa hè, hệ thống chiếu sáng đoạn đi qua đô thị. Đồng thời, đề nghị cập nhật thêm vị trí các đường dân sinh, để đảm bảo kết nối khi tuyến giao cắt với các đường dân sinh này.

Theo UBND tỉnh, Dự án Cải tạo, nâng cấp, kết nối hệ thống giao thông thủy bộ Đường tỉnh 925B và kênh Nàng Mau, tỉnh Hậu Giang mang tính kết nối liên vùng. Đây là dự án mang tính chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương trong khu vực. UBND tỉnh đánh giá cao khâu chuẩn bị đầu tư, thiết kế dự án, đồng thời thống nhất tên dự án, loại công trình.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đề nghị chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế nghiên cứu, tính toán bố trí tuyến phù hợp, tránh thiếu sót, điều chỉnh. Các điểm đấu nối đảm bảo tính đồng bộ, đảm bảo quy hoạch. Cân nhắc tải trọng, cấp đường; rà soát kỹ tĩnh không, khổ thông thuyền để phục vụ nhu cầu vận chuyển đường thủy của người dân. Ngoài ra, xem xét kỹ các vị trí đặt cống cho phù hợp với nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngăn mặn, ngăn lũ. Đối với các nút giao trên tuyến, đề nghị thiết kế kỹ, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo giao thông. Các loại cây trồng cần có sự thống nhất, phù hợp với từng địa bàn đô thị, nông thôn. Trên cơ sở góp ý của các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế nhanh chóng hoàn chỉnh thiết kế dự án để sớm báo cáo về Thường trực UBND tỉnh.

Theo tính toán của đơn vị tư vấn, dự kiến diện tích thu hồi đất dành cho dự án khoảng 73,20ha. Trong đó, huyện Vị Thủy khoảng 28ha gồm phạm vi các xã Vị Trung, Vĩnh Trung, Vĩnh Tường; huyện Phụng Hiệp khoảng 33ha gồm thị trấn Kinh Cùng, Tân Bình, Bình Thành, Hòa Mỹ, Long Thạnh, Tân Long; huyện Châu Thành khoảng 12ha gồm xã Đông Phước và thị trấn Ngã Sáu. Tổng số hộ dân dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 950 hộ, trong đó dự kiến có 129 nhà cửa bị ảnh hưởng. Kinh phí bồi thường dự kiến trên 363 tỉ đồng.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Sun Symphony Residence - mảnh ghép hoàn thiện “bản giao hưởng” bên Dòng sông Ánh sáng

Ngày 12/5, hơn 2000 nhà đầu tư đã thăng hoa cùng “nốt sol” Sun Symphony Residence của bản giao hưởng bên sông Hàn - Dòng sông Ánh sáng tại sự kiện do Sun Property (thành viên Tập đoàn Sun Group) tổ chức đồng thời ở Hà Nội và Đà Nẵng
2024-05-13 18:20:32

Quảng Ninh: Động thổ xây dựng lại ngôi chùa cổ gần 500 năm tuổi tại Thị xã quảng Yên

Vừa qua, tại xã Liên Vị, Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra Lễ động thổ xây dựng chùa Lái (hay còn gọi là Linh Ngai Tự).
2024-05-13 15:24:20

Bí quyết thành công của quán kem trái cây tươi “chốt đơn” hàng nghìn que mỗi ngày

Xưởng kem thủ công của anh Tô Tuấn Anh tại quận Long Biên, thành phố Hà Nội sản xuất loại kem làm từ hoa quả tươi có xuất xứ từ Mexico. Thu hút thực khách nhờ hương vị trái cây “thật”, không sử dụng hương liệu, phẩm màu hay chất bảo quản, loại kem này nhanh chóng trở thành món ăn giải nhiệt được yêu thích vào mùa hè này.
2024-05-13 11:09:06

Hơn 12 năm hành trình ''Cơm 5.000 đồng Hà Nội''

Đều đặn mỗi sáng cuối tuần căn bếp ấm cúng tại căn nhà nhỏ trên phố Minh Khai lại lên lửa, hàng chục bạn trẻ nhóm Cơm 5000 Hà Nội cùng nhau xắn tay áo, chuẩn bị các xuất cơm đặc biệt lan tỏa đến các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại các bệnh viện lớn.
2024-05-13 10:52:54

Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công

Thực hiện việc hoàn thiện thể chế, chính sách, điều chỉnh nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo hướng là mức cao nhất trong các chính sách xã hội, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.
2024-05-13 10:36:53

Giá nhà chung cư Hà Nội quay về giá trị thực?

Sau một thời gian tăng giá chóng mặt với mức cao ngất thì đến thời điểm hiện tại, giá chung cư tại Hà Nội đã dần có sự điều chỉnh quay đầu, trở về với giá trị thực. Sự đảo chiều bất ngờ nhưng đúng quy luật này chính chỉ là chỉ dấu cho thấy cơn sốt giá chung cư ảo ở Hà Nội đã hạ nhiệt.
2024-05-13 09:26:56
Đang tải...