Tin tức Miền Tây ngày 4/1/2022: 8 cơ chế đặc thù của thành phố Cần Thơ

2022-01-04 23:04:53 0 Bình luận
Tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV sáng ngày 4/1/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Phân tích về sự cần thiết, mục đích ban hành Nghị quyết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 59-NQ/TW, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra.

Bên cạnh đó việc ban hành cơ chế đặc thù cho Cần Thơ là cần thiết bởi hai lý do: Thứ nhất, thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương có vị trí trung tâm Vùng đồng bằng sông Cửu Long, là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông, đóng vai trò kết nối nước ta với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Với vị trí là giao điểm của hai trục kinh tế - đô thị năng động nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long là Trục hành lang thành phố Hồ Chí Minh - thành phố Cần Thơ và Trục sông Hậu (An Giang – Cần Thơ –  Sóc Trăng), thành phố Cần Thơ đóng vai trò đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không và là địa bàn trọng yếu chiến lược về quốc phòng - an ninh của Vùng. 

Thứ 2, Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu phát triển Thành phố đến năm 2030 là "thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hoá, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long,…"

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Bộ Chính trị đã định hướng cho phép "Xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù, phù hợp với năng lực của thành phố và có tính tương đồng với các thành phố trực thuộc Trung ương khác trong cả nước" và giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, ban hành.

   Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ cùng các đại biểu khách mời tham dự phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội Khóa XV tại điểm cầu Cần Thơ.

Theo Nghị quyết này, dự kiến có 8 nội dung cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Cần Thơ, trong đó sáu nội dung đã áp dụng cho một số địa phương, hai nội dung (7 và 8) là chính sách mới lần đầu thí điểm, không chỉ cho Cần Thơ mà mang tính toàn vùng.

Cụ thể, có ba nội dung thí điểm về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, còn lại là về quản lý đất đai, quy hoạch, thu nhập của cán bộ và chuyên gia, nạo vét luồng Định An và trung tâm sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Một là về mức dư nợ vay, TP được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho TP vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách TP hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Hai là về tỉ lệ bổ sung có mục tiêu, hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách TP không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%, nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu. Việc xác định số bổ sung có mục tiêu trên cơ sở tổng các khoản thu, không tính riêng từng khoản thu.

Ba là về chính sách phí, lệ phí: HĐND TP quyết định áp dụng phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỉ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí Tòa án.

Bốn là về quản lý đất đai: HĐND TP quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Năm là về quản lý quy hoạch: Trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị TP đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND TP thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Sáu là về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức (CBCC-VC):  HĐND TP được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách TP và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho CBCC-VC làm việc trong các cơ quan chính quyền, Đảng, đoàn thể do TP quản lý theo hiệu quả công việc với mức không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ hoặc mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của TP do HĐND TP quy định.

Bảy, các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của TP Cần Thơ và có quy mô vốn từ 500 tỉ đồng trở lên được áp dụng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất…

Tám, Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng ĐBSCL tại Cần Thơ, để thu hút các dự án đầu tư trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông, thủy sản. Các doanh nghiệp có dự án tại trung tâm được hưởng ưu tiên về thủ tục hải quan, thuế và nhận được nhiều ưu đãi…

Bảo đảm chặt chẽ, tránh gian lận thương mại

    Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường khẳng định, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong thời gian tới. Việc ban hành chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ cũng bảo đảm tính tương đồng với một số địa phương vừa được Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với đề xuất cho phép Cần Thơ được vay không quá 60% số thu ngân sách mà địa phương được hưởng theo phân cấp. Các ý kiến cho rằng đề xuất này góp phần tạo dư địa để thành phố huy động tối đa nguồn lực, thúc đẩy đột phá trong phát triển và cũng tương đồng với mức dư nợ được áp dụng cho một số địa phương như Đà Nẵng, Hải Phòng, Thanh Hóa. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc vì thực tế thời gian qua chưa địa phương nào vay được tối đa theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Do đó, việc quy định nội dung này chỉ mang tính hình thức.

Về khu liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ, đa số ý kiến tán thành việc thành lập Trung tâm và các nội dung ưu đãi vì phù hợp với tinh thần Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị; tạo cơ chế hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư, tăng sức cạnh tranh của khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với đặc thù của Cần Thơ và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mức ưu đãi thuế, thời hạn ưu đãi đã được quy định theo hướng tham khảo các mức ưu đãi đang được áp dụng cho các Khu kinh tế. Tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện cần bảo đảm chặt chẽ, tránh gian lận thương mại, lợi dụng chính sách.

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện ngay sau khi được Quốc hội thông qua để cụ thể hóa quy định tại Nghị quyết trên nguyên tắc chặt chẽ, đúng đối tượng, công khai, minh bạch về phạm vi và các điều kiện ưu đãi. Chính phủ quy định danh mục dự án được đầu tư vào Trung tâm; làm rõ tính tuân thủ các cam kết quốc tế và có chính sách tiêu thụ trong nước đối với sản phẩm sản xuất tại Trung tâm…

Về hiệu lực thi hành, đa số ý kiến cơ bản nhất trí với quy định về hiệu lực thi hành áp dụng sau 45 ngày kể từ ngày thông qua và được thực hiện trong 5 năm. Các ưu đãi về thuế, tiền thuê đất đối với các dự án nạo vét luồng hàng hải và các dự án đầu tư mới tại Trung tâm liên kết trong thời gian 5 năm thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù sẽ được áp dụng với thời hạn quy định tại Nghị quyết này. Việc áp dụng với các dự án đầu tư mới sau thời hạn 5 năm sẽ được xem xét sau khi tổng kết, đánh giá thực hiện Nghị quyết.

Đồng Tháp: Đường hoa xuân Sa Đéc sẽ được tổ chức trước quảng trường tượng đài Bác Hồ và đường Trần Phú

Đường hoa xuân Sa Đéc năm 2022 sẽ được tổ chức trước Quảng trường Tượng đài Bác Hồ và đường Trần Phú, tổng chiều dài trên 250m với chủ đề “Sa Đéc chào xuân – Mừng xuân Nhâm Dần 2022”. Đây là nội dung được UBND TP Sa Đéc triển khai trong cuộc họp với đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần du lịch Quốc tế Sông Sen.

Ảnh: Ngọc Duy

Đây là năm thứ ba UBND TP Sa Đéc triển khai Đường hoa xuân nhằm phục vụ nhu cầu du xuân thưởng ngoạn, chụp ảnh cho người dân và du khách khi đến TP Sa Đéc từ ngày 27/1 - 7/2/2022 (nhằm 27 Tết đến hết mùng 7 Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022).

Công ty Cổ phần du lịch Quốc tế Sông Sen đưa ra 3 phương án thực hiện Đường hoa xuân. Trong đó, điểm nhấn của Đường hoa xuân Sa Đéc năm 2022 dài 50m là cổng chào cao 4m nằm ở đầu quảng trường tượng đài Bác Hồ (đường Nguyễn Sinh Sắc). Linh vật Cọp được bố trí chính giữa, trang trí hoa xung quanh theo bố cục cánh hoa 4 cánh khoe sắc mang ý nghĩa chào đón năm mới đầy phúc lộc và may mắn. Các loại hoa tươi khác được kết hợp tạo thành những cụm tiểu cảnh nhiều màu sắc tạo nên một Làng hoa Sa Đéc bốn mùa khoe sắc.

Bên cạnh đó, đường hoa ở đường Trần Phú cũng tạo sự kết nối với tuyến đường hoa chính với chiều dài trên 200m, đoạn từ đường Tôn Đức Thắng (vòng xoay Nguyễn Sinh Sắc – ĐT 848 đến trước Cổng Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh thành phố).

Hậu Giang: Tập trung nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp 

Nhờ tinh thần đoàn kết và sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền được phát huy đã giúp huyện Phụng Hiệp - Hậu Giang có bước phát triển khá trong năm 2021.

Lĩnh vực nông nghiệp sẽ được huyện Phụng Hiệp ưu tiên phát triển.

Nhiều kết quả

Ông Nguyễn Hồng Đức, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phụng Hiệp, đánh giá năm 2021, Đảng bộ huyện gặp không ít khó khăn do dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhưng được sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Nhân dân trong huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ chính trị đạt kết quả khá toàn diện trên các mặt.          

Nổi bật là công tác chính trị, tư tưởng được chú trọng; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên có nhiều chuyển biến tích cực; công tác cán bộ của cả hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố kiện toàn; công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình; tổ chức sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy kịp thời, đúng kế hoạch.

Trong khi đó, công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở có nhiều đổi mới, thực chất và hiệu quả, góp phần tích cực trong việc hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời các trường hợp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; đồng thời, kịp thời nắm bắt và giải quyết những phản ánh, kiến nghị của Nhân dân, tạo được niềm tin của Nhân dân với cấp ủy đảng và chính quyền.

Điểm sáng trên lĩnh vực kinh tế của huyện là tổng thu ngân sách nhà nước được hơn 919 tỉ đồng, đạt 136,84% chỉ tiêu. Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, được tỉnh công nhận xã Tân Long đạt chuẩn nông thôn mới. Tính đến nay, toàn huyện có 7/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% chỉ tiêu; các xã còn lại đạt từ 13-17 tiêu chí.

Theo ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, trong năm 2021 và những năm trước, huyện luôn ưu tiên đầu tư cho các xã xây dựng nông thôn mới để vừa giúp người dân đi lại thuận tiện vừa giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí về hạ tầng nông thôn. Nhờ vậy, nhiều tuyến lộ trước đây xuống cấp, sình lầy đi lại khó khăn thì giờ cũng đã được sửa chữa, nâng cấp phục vụ tốt hơn cho việc đi lại của người dân địa phương.

Cùng với đó, hoạt động văn hóa - xã hội, chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện tiếp tục được nâng lên; công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo, cấp phát kịp thời, đầy đủ chế độ chính sách cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, đời sống Nhân dân được cải thiện. Tỷ hộ nghèo năm 2021 của huyện còn 3,51%, giảm 2,11% so năm 2020, đạt 124,12% chỉ tiêu.

Ưu tiên phát triển nông nghiệp

Theo ông Nguyễn Hồng Đức năm 2022 là năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, được dự báo có nhiều khó khăn do tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Đây cũng là năm mang tính quyết định việc thực hiện một số chỉ tiêu quan trọng, làm cơ sở để đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và cơ sở.

Với ý nghĩa quan trọng đó, trong năm nay, Đảng bộ huyện tập trung thực hiện mục tiêu: nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, tinh thần trách nhiệm, ý thức chấp hành kỷ cương của đội ngũ cán bộ, đảng viên; phát huy dân chủ, giữ vững đoàn kết thống nhất trong cả hệ thống chính trị; đẩy mạnh cải cách hành chính, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp Nguyễn Văn Vui cho biết, cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện sẽ vào cuộc quyết liệt để thực hiện tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2022. Tích cực triển khai Đề án phát triển nông nghiệp bền vững gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước phân kỳ tổ chức thực hiện; đồng thời giao kinh phí cho ngành nông nghiệp để thực hiện mô hình chuyển đổi liên quan đến phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch.

Xác định nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên phát triển, UBND huyện sẽ chỉ đạo ngành nông nghiệp tổng kết, đánh giá mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp và chuỗi giá trị sản phẩm trên địa bàn và đề ra định hướng phát triển trong năm 2022. Ngành nông nghiệp sẽ thực hiện quy hoạch phân vùng sản xuất cây trồng, vật nuôi trên địa bàn để xin ý kiến rộng rãi, tạo cơ sở để đầu tư phát triển mang tính tập trung, tránh sự dàn trải trong thời gian tới; đồng thời định hướng xây dựng một số sản phẩm OCOP chủ lực của huyện trong năm 2022. 

Ngành chức năng của huyện cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh để khảo sát các điểm du lịch, từ đó kêu gọi đầu tư vào các điểm du lịch tiềm năng trên địa bàn…

Long An: Đội Thanh tra giao thông số 1 góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Để bảo đảm tình hình trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn phụ trách, thời gian qua, Đội Thanh tra giao thông số 1, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (phụ trách huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.

Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 1 - Cao Thanh Hải cho biết: "Thời gian qua, đơn vị tăng cường công tác tuần tra, xử lý vi phạm về TTATGT trên lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, các hành vi vi phạm chở hàng hóa quá trọng tải của phương tiện, quá tải trọng cầu, đường,... Qua đó, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, làm giảm và hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông xảy ra".

Năm 2021, Đội Thanh tra giao thông số 1 tuần tra, kiểm soát, thực hiện nhiệm vụ thanh tra, qua đó phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính 34 trường hợp, quyết định xử phạt vi phạm hành chính 30 trường hợp, số tiền hơn 78 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu: Xe chở hàng hóa cồng kềnh, vượt quá tải trọng, rơi vãi vật liệu, bến khách ngang sông không đủ giấy tờ hoạt động,...

Cán bộ Đội Thanh tra giao thông tích cực tham gia tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 (Ảnh tư liệu)

Song song đó, để bảo đảm hành lang đường bộ (HLĐB) được thông thoáng và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần bảo đảm TTATGT, giảm thiểu tai nạn giao thông, công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm HLĐB các tuyến đường trên địa bàn phụ trách cũng được tăng cường. Đội lập biên bản làm việc 24 trường hợp dựng nhà tạm, kiên cố, bán kiên cố, tự ý đào đất trái phép trong HLĐB, san lấp mặt bằng cao hơn mặt đường, tự ý đào vỉa hè đặt ống nước sinh hoạt, sử dụng trái phép HLĐB làm nơi tập kết vật liệu xây dựng.

Bên cạnh đó, Đội phối hợp cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác xử lý các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ. Qua đó, lập biên bản làm việc 6 trường hợp xây dựng nhà tạm, đào đất trong phạm vi đất dành cho đường bộ; nhắc nhở 35 trường hợp bày bán, che dù buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường; lập 6 bản cam kết không buôn bán nông sản lấn chiếm HLĐB, bàn giao cho địa phương theo dõi, xử lý.

Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Đội kiểm tra 280 lượt phương tiện xe khách tuyến cố định, hầu hết phương tiện đều trang bị dung dịch khử khuẩn tay, thùng rác có nắp đậy; lái xe, nhân viên phục vụ và hành khách thực hiện tốt việc đeo khẩu trang. Tuy nhiên, một số phương tiện chưa có trang bị máy đo thân nhiệt, chưa niêm yết thông báo hướng dẫn cài đặt và sử dụng phần mềm Bluezone, đơn vị nhắc nhở chủ xe thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của cấp trên.

Kiểm tra hoạt động bến khách ngang sông

Đặc biệt, trong đợt dịch thứ 4 bùng phát, Đội phân công, bố trí lực lượng tham gia tổ kiểm tra lưu động về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn phụ trách; kiểm tra, nhắc nhở 37 lượt phương tiện trang bị thùng rác có nắp đậy, khai báo y tế cho hành khách đi xe, lập danh sách theo đúng quy định; lập 234 biên bản vi phạm hành chính không thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP; đồng thời, tham gia kiểm soát tại các chốt phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng, qua đó, kiểm tra gần 18.000 lượt phương tiện, test nhanh 3.500 lượt người,...

Theo Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 1 - Cao Thanh Hải, để bảo đảm TTATGT trên địa bàn phụ trách, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp hiệu quả hơn trong công tác tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thủy nội địa. Trong đó, tập trung xử lý xe lưu thông quá tải trọng cho phép trên đường bộ; các phương tiện vận tải khách, đón - trả khách không đúng nơi quy định; các bến khách ngang sông vi phạm về điều kiện hoạt động; các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ như xây dựng công trình nhà ở, lều, quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình tạm thời khác, lấn chiếm lòng, lề đường đặt biển quảng cáo, biển hiệu, họp chợ, kinh doanh, buôn bán trái phép.

 * Thông tin tổng hợp từ TTXVN, các báo trung ương và địa phương.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hải Phòng khởi công Nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao

Chiều 11/5/2024, Hải Phòng phối hợp với Công ty TNHH Ecovance Việt Nam tổ chức lễ khởi công Dự án Nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao ECOVANCE.
2024-05-12 08:34:05

Chương trình nghệ thuật ‘bừng sáng miền di sản’ trong lễ hội Hoa Phượng đỏ

Tối 11/5, TP.Hải Phòng tổ chức lễ hội Hoa Phượng đỏ 2024 với chủ đề “Bừng sáng miền di sản”. Đây là sự kiện thường niên, gắn với kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng thành phố (13/5/1955 - 13/5/2024) và Đón nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.
2024-05-12 08:06:04

Khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

Nằm trong hoạt động kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), tối 11/5, tại sân vận động Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, UBND tỉnh Nghệ An khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024.
2024-05-11 22:35:00

Phủ Chính Phủ Dầy: Từ gốc tích tới gìn giữ hồn cốt Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu

Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống tâm linh của người Việt là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời, đã được gìn giữ và phát huy suốt bao năm qua tại Quần thể Di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy thuộc thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
2024-05-10 18:15:03

HDBank cho vay thời hạn lên đến 50 năm với hạn mức lên đến 50 tỷ đồng

Chương trình “Cho vay linh hoạt” của HDBank tiếp sức cho khách hàng đang có nhu cầu mua bất động sản, xây dựng, sửa nhà và tiêu dùng.
2024-05-10 14:35:50

Quảng Ninh: Bảy năm liên tiếp lập kỷ lục nhận Cúp quán quân PCI

Ngày 9/5 tại thành phố Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) 2023. Quảng Ninh tiếp tục là địa phương dẫn đầu Chỉ số PCI và Chỉ số PGI năm 2023.
2024-05-10 11:53:57
Đang tải...