Tin tức Miền Tây ngày 5/1/2022: Giải pháp mới cho hàng hóa ùn tắc ở cửa khẩu
Vụ mùa năm nay, lúa hữu cơ của HTX Thạnh An đạt năng suất bình quân hơn 6 tấn/ha, công ty ký kết bao tiêu từ đầu vụ với giá 6.800 đồng/kg. Lúa trúng mùa, được giá, nông dân dự kiến có lợi nhuận khả quan đúng thời điểm chuẩn bị đón năm mới.
Thành viên HTX tôm cua lúa Thạnh An, An Minh thu hoạch lúa hữu cơ trên nền đất nuôi tôm.
"Từ ngày vô HTX thấy có rất nhiều cái lợi cho mình, nông dân cũng đỡ, nghĩa là mình thu hoạch lúa xong là công ty xuống lấy liền, còn như thời điểm mấy năm trước mình thu hoạch lúa thì phải đợi ghe ở ngoài vô mua giá cả thì bấp bênh"- ông Nguyễn Văn Trí, thành viên HTX tôm cua lúa Thạnh An, An Minh chia sẽ.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc HTX tôm cua lúa Thạnh An, An Minh cho biết: Năm 2016 khi mới thành lập, HTX chỉ có 13 thành viên, diện tích chưa đến 20 ha. Lúc ấy bà con nông dân vẫn canh tác theo tập quán truyền thống. Vụ lúa gieo sạ không đồng loạt, vụ tôm cũng mỗi người một khung lịch, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng tràn lan, dẫn đến năng suất thấp, đời sống bấp bênh. Thế nhưng kể từ vụ mùa năm 2017 trở đi, nhờ mạnh dạn hưởng ứng chủ trương của phòng Nông nghiệp, trở thành HTX tiên phong kí kết sản xuất lúa hữu cơ với công ty. Giờ đây, đời sống của thành viên trong HTX đã thay đổi rõ rệt.
Qua 4 vụ sản xuất lúa hữu cơ, số thành viên HTX đã tăng lên 61, diện tích cũng tăng lên gần 130 ha vào năm 2021. Ngoài lợi ích kinh tế trước mắt là được bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ với mức giá ổn định, việc canh tác lúa hữu cơ trên nền đất nuôi tôm còn đem lại nhiều giá trị mang tính lâu dài như: Giúp bảo vệ sức khỏe cho nông dân, cải tạo chất lượng thổ nhưỡng, giúp duy trì ổn định năng suất lúa, tăng năng suất vụ tôm...
Bình quân mỗi năm diện tích sản xuất theo mô hình tôm - lúa của huyện An Minh vào khoảng 23.000 ha, sản lượng bình quân từ 4,5 tấn đến 5 tấn/ha, việc ngành nông nghiệp định hướng chuyển đổi vụ lúa mùa sang sản xuất hữu cơ được xem là giải pháp hàng đầu giúp nâng cao giá trị nông sản của huyện. Cây lúa mùa trước kia vốn cho năng suất thấp thì giờ đây khi đã trở thành lúa sạch, hữu cơ lại tìm được thị trường tiêu thụ ổn định.
Năm 2022, Bộ NN&PTNT sẽ chọn 500 ha mô hình tôm lúa hữu cơ của huyện để làm thí điểm, dự kiến sẽ mang lại nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, đây là một tin vui cho bà con nông dân trồng lúa hữu cơ ở huyện An Minh. Ngành Nông nghiệp huyện cũng đang chuẩn bị hoàn thành thủ tục trình đăng ký chứng nhận OCOP cho lúa hữu cơ An Minh để xây dựng thương hiệu, tạo kênh quảng bá lâu dài.
(báo Kiên Giang)
Vĩnh Long: Giữ đỏ lửa làng nghề gốm đỏ
Ảnh hưởng từ đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 khiến hoạt động tại các cơ sở sản xuất gốm Vĩnh Long càng đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Việc xoay xở tìm hướng đi duy trì sản xuất, “giữ lửa” cho nghề truyền thống được xem là giải pháp sống còn.
Nghề gốm không chỉ là cuộc sống mưu sinh mà còn là nét đẹp truyền thống cần được gìn giữ và phát triển.
Trải qua một năm khó khăn từ nhân công, nguyên liệu đến vận chuyển,… những lò gốm Vĩnh Long vẫn ngày đêm đỏ lửa. Với nhiều người, nghề gốm không chỉ để mưu sinh mà còn là đam mê ăn sâu vào máu.
Hơn 25 năm gắn bó với nghề gốm, chú Nguyễn Văn Mười Em (57 tuổi, ngụ Khóm 6, Phường 5, TP Vĩnh Long) tâm sự: “Nghề nào cũng có lúc thăng trầm, nghề làm gốm cũng có một thời gian gặp khó.
Lúc đó, tưởng chừng phải bỏ nghề, nhưng rồi lại nhớ lò gốm, nhớ những viên đất sét, khung chậu và những thành phẩm “nóng hổi” vừa ra lò nên tiếp tục bám trụ với nghề”.
Với chị Đoàn Thị Ngọc Diệp (DNTN Thanh Đức), nhiều người thợ vẫn tâm huyết giữ nghề và miệt mài lao động để tạo ra những sản phẩm chất lượng. Ngày nay, dù đã qua thời hoàng kim và phải chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng lửa nghề trong họ vẫn luôn cháy mãi cùng năm tháng.
(báo Vĩnh Long)
An Giang: Bắt quả tang nhóm đối tượng khai thác khoáng sản trái phép trong đêm ở Tịnh Biên
Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép tổ chức khai thác vào ban đêm. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cùng với sự hỗ trợ của người dân, Tổ Liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang đã bắt quả tang một nhóm đối tượng đang khai thác khoáng sản trái phép tại huyện miền núi Tịnh Biên.
Phương tiện đối tượng bỏ lại hiện trường
Hiện trường các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép
Khoảng 19 giờ, ngày 3-1, trên cánh đồng thuộc tổ 18, ấp Măng Rò, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang), Tổ Liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang phát hiện một nhóm đối tượng đang khai thác khoáng sản trái phép.
Khi phát hiện tổ công tác kiểm tra, các đối tượng đã bỏ chạy; lực lượng làm nhiệm vụ đã bắt giữ Đặng Thanh Bình (sinh năm 1966, trú tại xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên, người điều khiển xe tải biển kiểm soát 67C - 047.67).
Tại hiện trường, tổ công tác phát hiện 1 xe Kobe biển kiểm soát 74LA - 0053 đang khai thác khoáng sản đưa lên 2 ôtô tải biển kiểm soát 67C-047.67, 66C-024.04 (mỗi xe được khoảng 4,3m3), diện tích khai thác khoảng trên 1000m2, độ sâu lớp đất bị khai thác khoảng 0,4m.
Vào thời điểm kiểm tra, ông Bình không xuất trình được giấy phép khai thác khoáng sản do cơ quan thẩm quyền cấp và bước đầu khai nhận đã tham gia khai thác và vận chuyển 3 xe cho Huỳnh Trọng Hữu, trú tại xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên.
Hiện, vụ việc đã được bàn giao cho Công an huyện Tịnh Biên tiếp tục điều tra xác minh xử lý.
(báo An Giang)
Tiền Giang ứng phó với ùn tắc thông quan nông sản qua cửa khẩu Trung Quốc
Trước tình hình nông sản ùn tắc thông quan đường bộ tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc như hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang liên tục cập nhật thông tin và khuyến cáo các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh chủ động điều tiết, hạn chế tiếp tục đưa nông sản lên cửa khẩu, đồng thời tăng cường tìm nhiều kênh tiêu thụ khác, nhằm giảm bớt thiệt hại.
Mít Thái đang có xu hướng giảm mạnh vì xuất khẩu gặp khó.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, toàn tỉnh có khoảng 1.100 cơ sở thu mua, chế biến rau, quả, trong đó có trên 50 cơ sở chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hiện đang có trên 100 xe nông sản của tỉnh đang chờ thông quan tại các cửa khẩu, ước sản lượng trên 3.000 tấn các loại, chủ yếu là mít, thanh long và xoài. Sở khuyến cáo các doanh nghiệp có phương án xử lý, bảo quản nông sản đang tồn đọng nhằm tránh hư hỏng. Đặc biệt là chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm an ninh trật tự và phòng, chống dịch Covid-19 theo yêu cầu của ngành chức năng sở tại.
Ông Nguyễn Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Tiền Giang cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu là do phía Trung Quốc thay đổi phương thức giao nhận hàng tại các cửa khẩu, tăng cường kiểm dịch thực vật đối với hàng nông sản Việt Nam và kiểm tra gắt gao Covid-19 trên bao bì hàng hóa, đặc biệt là đã phát hiện một số lô hàng thanh long dương tính với Covid-19.
Để ứng phó với tình trạng thông quan ùn tắc, trước mắt Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Sở Công Thương đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ nông sản qua các kênh tiêu thụ nội địa và kết nối tiêu thụ với các địa phương tiềm năng như: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, tăng cường mời gọi doanh nghiệp xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, từng bước giảm tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm tươi.
Trong khi tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới Trung Quốc vẫn chưa xử lý được thì tại tỉnh Tiền Giang, từ đầu tháng 1/2022 đến cuối tháng 2/2022, nông dân toàn tỉnh sẽ thu hoạch khoảng 400.000 tấn trái cây, bao gồm các loại chủ lực như: Thanh long, mít, xoài, khóm, sầu riêng, nhãn, bưởi, sapo. Trong đó, thanh long, mít và sầu riêng từ lâu đã phụ thuộc rất lớn vào thị trường tiêu thụ Trung Quốc nên dự báo giá bán có thể sụt giảm. Đáng ngại nhất là phía nước bạn Trung Quốc vừa có thông báo tạm ngừng nhập khẩu thanh long đến 25 Tết âm lịch vì phát hiện có Covid-19 trên một số lô hàng. Trong khi đó, toàn tỉnh đang chuẩn bị thu hoạch khoảng 60.000 tấn thanh long trái vụ. Hiện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nỗ lực chuẩn bị kho bãi, nhà xưởng để thu mua dự trữ trái cây cho nhà vườn, với mục tiêu không để trái chín rục, hư hỏng trong vườn, bởi đây là vụ trái cây được nhà vườn kỳ vọng đạt lợi nhuận cao để đón Tết cổ truyền của dân tộc.
(báo Tiền Giang)
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.