Tin tức Miền Tây ngày 6/1/2022: Xét xử vụ án vi phạm cho vay tại Agribank Cần Thơ
Phiên tòa có 14 luật sư bảo vệ quyền lợi cho 6 bị cáo.
Các bị cáo đang nghe Viện Kiểm Soát công bố cáo trạng tại phiên tòa ngày 6-1
Trong năm 2018, TAND TP Cần Thơ từng đưa vụ án này ra xét xử trong nhiều ngày nhưng đều hoãn trả hồ sơ. Qua quá trình điều tra bổ sung thì đến nay VKS giữ nguyên quyết định truy tố các bị cáo theo cáo trạng ngày 9/7/2018.
Cáo trạng trên truy tố các bị can Lê Thanh Hải, Trần Huy Liệu, Bùi Tuấn Anh (nguyên giám đốc, trưởng phòng và cán bộ tín dụng Agribank chi nhánh Cần Thơ), Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, Phạm Tường Thi và Nguyễn Văn Đạt về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Từ năm 2012-2015, Đạt Nhân, Thanh Hải, Huy Liệu thống nhất sử dụng các pháp nhân là Công ty Tây Nam, công ty Đồng Bằng Xanh, công ty Nam Bộ Cửu Long và cá nhân như Phan Duy Phương, Hoàng Công Tám và Nguyễn Bửu Tâm lập khống hồ sơ vay, nâng khống giá trị tài sản đảm bảo để vay và sử dụng vốn sai mục đích gây thiệt hại về tài sản cho Agribank số tiền hơn 300 tỉ đồng.
Cà Mau: Mắm cá mào gà và các sản phẩm khác từ cá mào gà đạt giải Nhất
Cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Cà Mau năm 2021” do Ban Chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Cà Mau phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ tổ chức. Kết quả, dự án "Mắm cá mào gà và các sản phẩm khác từ cá mào gà" đoạt giải Nhất.
Có 7 ý tưởng, dự án được chọn là có tiềm năng phát triển, mở rộng quy mô trong tương lai vào vòng chung kết là: Nhân nuôi nấm dược liệu Đông trùng hạ thảo mô hình “Nông nghiệp đô thị” khép kín; Sản phẩm sạch, an toàn từ cây chuối; Trồng và phát triển sản phẩm từ các loại cây chịu mặn có giá trị kinh tế cao thích ứng với biến đổi khí hậu; Sản phẩm Mắm cá mào gà và các sản phẩm khác từ cá mào gà; Mắm Hadicarfs; Canh Atiso rau củ ăn liền và Bẩy Mắm - Đậm đà hương vị nhà quê.
Đại biểu tham quan 7 ý tưởng, dự án vào vòng chung kết.
Ban tổ chức đã chọn ra 5 ý tưởng, dự án có số điểm cao nhất trao giải thưởng. Ngoài giải Nhất, Ban Tổ chức còn trao 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 2 giải Khuyến khích.
Dự án “Mắm cá mào gà và các sản phẩm khác từ cá mào gà” xuất sắc đoạt giải Nhất.
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Cà Mau, nhận định, các ý tưởng, dự án dù được xếp thứ hạng nào thì cũng có sự phát triển trong tương lai, phục vụ nền kinh tế - xã hội ở địa phương. Rất mong các chủ thể sẽ đồng hành cùng tỉnh để xây dựng thành công cộng đồng khởi nghiệp Cà Mau thật sự lớn mạnh, không ngừng gia tăng số lượng và chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ngành Y tế Bạc Liêu: Sáng y đức, giỏi y thuật
Sinh viên Trường cao đẳng Y tế Bạc Liêu trong giờ thực tập (năm 2020)
Ông Nguyễn Minh Tùng - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “So với thời điểm tỉnh mới được tái lập với nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực, thì hiện nay ngành Y tế tỉnh đã trưởng thành rất nhiều. Với thực lực hiện tại, y tế Bạc Liêu có thể tự hào về chất lượng khám chữa bệnh so với khu vực. Đặc biệt là năng lực, tay nghề của các thầy thuốc đã được chứng minh thực tế trong đại dịch COVID-19 phức tạp và khó lường hiện nay”.
Lãnh đạo tỉnh trao danh hiệu Thầy thuốc ưu tú cho các cá nhân (ảnh chụp lúc chưa bùng phát dịch COVID-19).
Các bệnh viện đa khoa (BVĐK) tuyến tỉnh đã có gần như đầy đủ các chuyên khoa; thực hiện được nhiều kỹ thuật của bệnh viện hạng I, một số kỹ thuật chuyên khoa mới được triển khai thực hiện như: phẫu thuật sọ não, đặt máy tạo nhịp tim, khai thông mạch vành, mạch não bằng thuốc tiêu soi huyết, phẫu thuật nội soi mật tụy ngược dòng, thay khớp háng…, cơ bản đáp ứng nhu cầu điều trị theo quy định của bệnh viện hạng II. Điển hình là BVĐK tỉnh đưa vào vận hành Khoa Ung bướu giúp tăng cường khả năng khám và điều trị của bệnh viện đối với các loại bệnh nguy hiểm đến tính mạng con người. Với những trang thiết bị hiện đại này, cộng với đội ngũ y, BS được đào tạo bài bản, chuyên sâu trên từng lĩnh lực, BVĐK tỉnh có đủ khả năng thực hiện việc chẩn đoán, điều trị tất cả những ca bệnh khó.
Với phương châm xây dựng đội ngũ thầy thuốc sáng y đức, giỏi y thuật, các y, BS trong tỉnh đã và đang không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện y đức, hoàn thành tốt trách nhiệm của người lương y trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.
Hậu Giang: Quỹ khuyến học, khuyến tài vận động hơn 51 tỉ đồng
Thông tin từ Hội Khuyến học tỉnh: Trong năm 2021, các cấp hội khuyến học trên địa bàn tỉnh đã vận động các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh đóng góp cho Quỹ khuyến học, khuyến tài với tổng kinh phí hơn 51 tỉ đồng. Trong đó, tiền mặt đã vận động được hơn 23 tỉ đồng, hiện vật quy ra thành tiền với tổng giá trị trên 28 tỉ đồng. Từ nguồn quỹ vận động được các cấp hội khuyến học trên địa bàn tỉnh đã kịp thời cấp phát các suất học bổng, suất quà hỗ trợ cho học sinh, sinh viên, giáo viên khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Từ nguồn Quỹ khuyến học, khuyến tài, nhiều học sinh khó khăn trên địa bàn tỉnh đã được tiếp thêm điều kiện đến trường.
Toàn tỉnh hiện có 3.715 tổ chức hội khuyến học, trong đó có 8 tổ chức hội ở các huyện, thị, thành phố; 75 tổ chức hội cơ sở ở các xã, phường, thị trấn; 525 tổ chức hội ấp, khu vực; 2.105 tổ hội; 330 chi hội khuyến học ở trường học; 804 ban khuyến học ở nhà chùa, nhà thờ, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và lực lượng vũ trang, với tổng số 251.550 hội viên, chiếm 34,06% dân số toàn tỉnh.
* Thông tin tổng hợp từ các báo địa phương.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.