TP.HCM: chuẩn bị phương án 10.000 giường điều trị cho bệnh nhân COVID-19
Sáng ngày 2/7/2021, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM tổ chức họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn. Các đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp.
Tham dự tại điểm cầu UBND TP còn có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu; Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu cùng đại diện các Sở - ngành, đơn vị, các quận - huyện, TP Thủ Đức và các thành viên của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Thành phố tại các điểm cầu trực tuyến.
Toàn cảnh cuộc họp sáng ngày 2/7 tại điểm cầu UBND TP.HCM - Ảnh: HMC.
Diễn biến dịch bệnh COVID-19 đến ngày 2/7/2021
Từ ngày 27/4 đến 18g00 ngày 01/7, ghi nhận 4.345 ca nhiễm trong cộng đồng được Bộ Y tế công bố. Có 16 bệnh nhân tử vong, chiếm tỷ lệ 0,38%. Từ 6h00 ngày 01/7 đến 6h00 ngày 02/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) ghi nhận 533 trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, 460 trường hợp tại khu cách ly, khu phong tỏa, cách ly tại nhà đều xác định được nguồn nằm trong các chuỗi lây nhiễm trước đó; 02 trường hợp phơi nhiễm, là dân quân trực khu phòng tỏa ở Quận 5 và thành phố Thủ Đức; 42 trường hợp phát hiện khi khám sàng lọc tại 15 bệnh viện.
Từ 26/5 đến hết ngày 30/6/2021, qua rà soát số liệu, đã lấy 1.408.106 mẫu xét nghiệm PCR (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao...)
Bao gồm: Tiếp xúc gần (F1): 24.458 mẫu (23.599 mẫu âm tính, 859 mẫu chờ kết quả); Tiếp xúc với tiếp xúc gần (F2): 202.834 mẫu (171.210 âm tính, 31.615 đang chờ kết quả); Tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm: 1.180.814 mẫu (898.606 mẫu âm tính, 282.208 mẫu (gộp 10) chờ kết quả). Thực hiện test nhanh: đã sử dụng 128.520 test, cấp sẵn cho các quận huyện 169.055 test. Hiện nay đang chuẩn bị kế hoạch sử dụng test nhanh, từ 100.000 – 200.000 test 1 ngày (sử dụng trong các đơn vị y tế và thí điểm tại các khu công nghiệp). Đơn giá test nhanh trong nước và nhập khẩu từ 135.000 – 180.000/test.
Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 4
Chiến dịch được khởi động từ ngày 19/6/2021, triển khai chính thức trưa ngày 21/6/2021. Tính đến 18h00 ngày 01/7/2021, tổng cộng có 839.706 người đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên tổng số 951.902 người đến tiêm (có 112.196 người hoãn tiêm qua khám sàng lọc, chiếm tỷ lệ 11,8%), trong đó: Tại cộng đồng là 527.437 người và tại KCN, KCX là 312.269 người.
Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 đã kết thúc an toàn, vượt chỉ tiêu đề ra. Có 781 trường hợp có sự cố bất lợi sau tiêm, trong đó có 101 trường hợp phản ứng phản vệ sau tiêm (gồm: 33 trường hợp độ 1, 48 trường hợp độ 2, 18 trường hợp độ 3, 02 trường hợp độ 4); tất cả đều được theo dõi sát, hiện sức khỏe đều ổn định.
Thành phố đã huy động lực lượng nhân viên y tế toàn ngành để thành lập 1.300 đội tiêm, thực hiện tiêm vắc xin tại 96 địa điểm tiêm của các quận - huyện và hơn 300 địa điểm tiêm di động trong các khu công nghiệp. Trung bình mỗi ngày huy động hơn 5.300 nhân viên y tế tham gia các đội tiêm, trong đó có 2.600 bác sĩ của tuyến thành phố 200 nhân viên y tế của các bệnh viện tuyến trung ương. Bên cạnh đó có hơn 93 đội (hơn 200 nhân viên y tế) chuyên hồi sức cấp cứu phụ trách các khu vực.
Ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn
Nhận định tình hình dịch trên địa bàn TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng diễn biến dịch bệnh vẫn rất khó lường và khả năng tiếp tục tăng. Phạm vi không chỉ trong TP.HCM mà lan rộng ra các tỉnh thành lân cận.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục trong tổ chức lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, phân phối và sử dụng test nhanh… Bên cạnh đó, lực lượng thực hiện công tác truy vết và lấy xét nghiệm bị phân tán nên chưa phát huy hiệu quả cao nhất. Tại một số khu cách ly, khu phong tỏa cũng còn một số hạn chế trong phòng, chống dịch bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: HMC.
Trên cơ sở thực tế đó, Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương sử dụng Test nhanh hợp lý để đảm bảo truy vết nhanh, khoanh vùng phong tỏa sớm. Hiện nay con số sử dụng test nhanh còn rất hạn chế (sử dụng khoảng 128.000 trong tổng số 222.000 test nhanh)…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết, sáng nay 400.000 liều vắc xin đã về tới sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Y tế dự kiến ưu tiên phân bổ số lượng lớn cho TP.HCM. Việc triển khai tiêm vắc xin diện rộng cần có kế hoạch cụ thể, an toàn cho người dân.
Ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Trên cơ sở dự báo diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP.HCM, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, cuộc chiến với dịch bệnh vẫn còn rất khó khăn, đòi hỏi sự tập trung cao độ và nỗ lực lớn nhất của toàn hệ thống chính trị, của chính quyền và người dân TP.HCM cùng với việc thực hiện tốt, đồng đều các biện pháp. Phấn đấu, quyết tâm đến cuối tháng 7/2021, dịch bệnh giảm rõ, giảm sâu và đến tháng 8/2021 có thể khống chế dịch bệnh. Trong đó, rà soát lại các Bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch của tất cả các lĩnh vực, khu vực, địa điểm để cập nhập và triển khai hiệu quả trong tình hình mới.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp - Ảnh: HMC.
Các quận – huyện chủ động căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh trên từng địa bàn quản lý để điều chỉnh phương án giãn cách xã hội phù hợp; có thể tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM hoặc đề xuất áp dụng Chỉ thị 16 của TTTCP nếu thấy thực sự cần thiết. Phát huy trách nhiệm của Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 các quận – huyện, Tổ COVID cộng đồng qua việc triển khai kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch của Thành phố.
Công tác xét nghiệm tầm soát và tiêm vắc xin diện rộng cần tổ chức chặt chẽ, cụ thể, tránh để tràn lan, tự phát, tập trung đông người. Tổ chức điều chỉnh, phân phối hàng hóa đảm bảo chuỗi cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân trong thời gian tăng cường và siết chặt các biện pháp phòng chống dịch.
Thành phố cần phối hợp với các cơ quan Trung ương trong công tác thông tin truyền thông để hướng dẫn, đề nghị các cơ quan báo chí đưa thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ; không đưa thông tin giật gân, tạo sự chú ý, thông tin sai lệch, không chính xác, gây ảnh hưởng đến nỗ lực phòng chống dịch của TP. Đồng thời, nên tập trung đưa tin về các tấm gương tuyến đầu chống dịch, các nghĩa cử hành động cao đẹp chung tay cùng Thành phố chống dịch, tạo sự lan tỏa, đồng hành và chia sẻ, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng các ý kiến trao đổi của các Sở - ngành, quận – huyện, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: Đợt dịch lần 4 này nguy hiểm, phức tạp và khó dự đoán hơn các lần trước. Có thời điểm Thành phố ghi nhận trên 500 ca nhiễm/ngày.
Phân tích các ca nhiễm từ 19/6 – 30/6 (thời điểm áp dụng Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM), số ca nhiễm tầm soát, phát hiện trong cộng đồng bình quân 65 ca/ngày; số ca nhiễm sàng lọc tại các bệnh viện bình quân 35 ca/ngày. Điều đó cho thấy, các biện pháp đang triển khai từng bước phát hiện được các ca nhiễm tiềm ẩn trong cộng đồng; đồng thời cũng phản ánh được sự phức tạp của diễn biến dịch bệnh khi biến thể Delta được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xem là có khả năng lây lan nhanh, có khả năng giảm hiệu quả bảo vệ của vắc xin. Tỷ lệ lây nhiễm thứ phát và tốc độ lây lan của biến thể này mạnh mẽ và số ca nhiễm có khả năng vẫn còn tăng trong những ngày tới.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kết luận cuộc họp giao ban về tình hình dịch bệnh trên địa bàn ngày 2/7/2021 - Ảnh: HMC.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu:
1. Các Sở ngành, quận – huyện, TP Thủ Đức tập trung triển khai 09 nhóm giải pháp trong đợt cao điểm kiểm soát tình hình dịch bệnh từ 29/6 đến 10/7/2021 đã được UBND TP.HCM ban hành. Trong đó, chú trọng sự phối hợp, tổ chức thực hiện ở từng khâu, từng bộ phận, tạo sự thống nhất, đồng đều trong phòng, chống dịch bệnh; Phát huy vai trò của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các quận - huyện trong việc chủ động đưa ra các phương án, giải pháp phù hợp tình hình địa phương, theo phương châm “5 tại chỗ”.
Phân các nhóm nguy cơ thành: Nhóm nguy cơ rất cao – Nhóm nguy cơ cao – Nhóm nguy cơ đến từng phường xã, khu phố để tăng cường lực lượng đến các điểm nóng, nhanh chóng kiểm soát, khống chế dịch bệnh.
Thực hiện giãn cách triệt để trong công tác lấy mẫu xét nghiệm, điều phối để người dân đến lấy mẫu trong những khung giờ nhất định và sẵn sàng phương án trong tình huống có F0. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với bộ phận điều phối của Sở Y tế để cân đối số lượng xét nghiệm phù hợp với năng lực tại địa phương. Mọi trường hợp tham gia hỗ trợ xét nghiệm phải được tập huấn đầy đủ, kỹ lưỡng; các cơ quan đơn vị có trường hợp phơi nhiễm trong quá trình làm nhiệm vụ cần rút kinh nghiệm sâu sắc.
Vừa qua, huyện Hóc Môn và quận Bình Tân đã tổ chức Trung tâm phân tích dữ liệu và hàng ngày tiếp nhận thông tin từ các phường, xã, thị trấn. Đây là mô hình hay, hiệu quả, các quận – huyện cần học tập.
2. Chủ tịch UBND các quận – huyện đẩy nhanh việc sử dụng Test nhanh để phục vụ hiệu quả cho phòng chống dịch, truy vết nhanh. Các quận – huyện cần phát huy vai trò, năng lực, sâu sát trong quá trình tổ chức xét nghiệm, đảm bảo yêu cầu 5K và các vấn đề liên quan
3. Tăng cường năng lực truy vết; Những đơn vị truy vết chỉ tập trung vào công tác truy vết để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ trong trường hợp dịch lan nhanh trên diện rộng.
4. Về các khu cách ly tập trung: Rà soát, tổ chức lại các khu cách ly theo đúng quy định về tiêu chuẩn an toàn của Bộ Y tế. Các quận – huyện, TP Thủ Đức không tổ chức cách ly tại các trường học; Mỗi khu cách ly phải đảm bảo điều kiện vệ sinh, có camera giám sát… Vì vậy, khuyến khích sử dụng các nhà khách, khách sạn, nhà tái định cư chưa sử dụng trên địa bàn làm địa điểm cách ly. Đồng thời nghiên cứu kỹ hướng dẫn của Bộ Y tế về cách ly tại nhà/nơi cư trú. Thành lập Ban quản lý các khu cách ly tập trung gồm các lực lượng: Bộ Tư lệnh, Công an, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, An toàn vệ sinh thực phẩm cùng phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý các vấn đề liên quan đến khu cách ly trên địa bàn.
5. Ban quản lý các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao phối hợp với Sở Y tế thẩm định 22 doanh nghiệp đăng ký vừa sản xuất vừa cách ly, hoàn thành trước 5/7/2021; vận động doanh nghiệp thực hiện vừa sản xuất vừa cách ly. Thành phố cũng đã có phương án mở rộng và xây dựng thêm các khu cách ly trên địa bàn.
6. Hiện nay, số lượng bệnh nhân COVID-19 điều trị tăng rất nhanh, Thành phố đã chuẩn bị phương án 10.000 giường điều trị. Thành phố đã và đang nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp trên địa bàn để triển khai phương án này và có thể mở rộng thêm về quy mô giường bệnh.
7. Sở Công Thương TP.HCM khẩn trương có báo cáo cụ thể cho Ban chỉ đạo về phương án cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu cho người dân trong tình hình tạm dừng hoạt động một số chợ truyền thống, siêu thị để phòng, chống dịch bệnh.
8. Với tinh thần khẩn trương, thay đổi để phù hợp trong tình hình mới, đề nghị TP Thủ Đức và các quận - huyện tập trung, chủ động, quyết liệt thực hiện các giải pháp theo chỉ đạo của Thành phố.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.