Toạ đàm chống xâm hại trẻ em thu hút quan tâm của nhiều học sinh tại TP.HCM
Tọa đàm được sự quan tâm, hỗ trợ cùng thực hiện bởi Viện Nghiên cứu phát triển bền vững (MSD), Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam (Save The Children), Hội Bảo trợ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh. Ban tổ chức mong muốn thông qua tọa đàm, có thể trao đổi, chia sẻ và lắng nghe ý kiến các bạn thiếu nhi, nhằm phối hợp, thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Nhiều bạn nhỏ đến Đường sách Nguyễn Văn Bình được phụ huynh hướng dẫn các nội dung trưng bày ấn phẩm chủ đề “Những điều không được làm với trẻ em”.
Hoạt động nằm trong chiến dịch Lan tỏa yêu thương thường niên do Viện MSD tổ chức với nội dung “Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần, và phân biệt đối xử đối với trẻ em, trong đó có trẻ khuyết tật” do tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế tại Việt Nam tài trợ.
Các em đội viên, bạn trẻ Việt Nam chia sẻ cùng du khách nước ngoài về hoạt động của tọa đàm, giới thiệu các ấn phẩm, sách tuyên truyền về công tác phòng, chống bạo hành, xâm hại trẻ em tại TP Hồ Chí Minh.
Tham gia hoạt động, các bạn đội viên, học sinh, phụ huynh cùng xem triển lãm bộ ấn phẩm tuyên truyền “Những điều không được làm với trẻ em” do Hội Đồng đội Thành phố và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện. Lớp tập huấn chuyên đề “Cách nhận diện và ứng phó các tình huống nguy hiểm với trẻ em hiện nay” do cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh hướng dẫn.
Trọng tâm của chương trình là tọa đàm “Chung tay đẩy lùi bạo hành, xâm hại trẻ em” năm 2023 xoay quanh nội dung về: nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ em hiện nay; vai trò của gia đình, nhà trường trong công tác bảo vệ trẻ em; các kỹ năng để trẻ em tự bảo vệ bản thân, các xử lý khi gặp nguy cơ, tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em, đề xuất các giải pháp đến quý phụ huynh, thầy cô, các cấp ngành, cộng đồng…
Trung tá Nguyễn Đào Minh Huy (Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh) hướng dẫn chuyên đề “Cách nhận diện và ứng phó các tình huống nguy hiểm với trẻ em hiện nay” đến các em nhỏ.
Tham gia chương trình tập huấn, Trung tá Nguyễn Đào Minh Huy đã cung cấp một số thông tin về an ninh trật tự, các vấn đề nóng nổi lên liên quan đến công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Thông qua các thông tin, tình huống giả định về bạo lực không gian mạng, bạo lực học đường… các em nhỏ được hướng dẫn các kỹ năng chấp hành pháp luật, giải quyết vấn đề và cách tự bảo vệ mình và bạn bè xung quanh trước nguy cơ bị bạo hành, xâm hại.
Trung tá Nguyễn Đào Minh Huy Minh Huy, người chiến sĩ công an mang khăn quàng đỏ, gắn bó với các hoạt động, tuyên truyền về bảo vệ trẻ em của ngành Công an TP Hồ Chí Minh bày tỏ: “Thông điệp của Phòng cảnh sát hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh không chỉ gửi đến các bạn nhỏ mà còn gửi đến cộng đồng “Bình an không tự nhiên đến mà do chúng ta phải tự biết cách có được bình an”.
Tọa đàm “Chung tay đẩy lùi bạo hành, xâm hại trẻ em” năm 2023 với sự tham gia của đại diện Công an TP Hồ Chí Minh, Hội Đồng đội Thành phố, Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A…
Chia sẻ tại Tọa đàm Chị Nguyễn Thị Ngọc Nhung - Phó Chủ tịch Hội Đồng đội TP Hồ Chí Minh thông tin thuận lợi, thách thức trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em với bối cảnh TP. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có lượng người dùng Internet rất lớn.
Nguyễn Thị Ngọc Nhung nhận định, việc tiếp xúc, sử dụng không gian mạng từ sớm giúp trẻ em tìm hiểu những kiến thức phục vụ học tập mở rộng và nâng cao kiến thức. Nhưng cũng gây nên nhiều hệ lụy khôn lường. Điều đáng nói là nhiều đối tượng đã lợi dụng và sử dụng không gian mạng để lừa gạt, dụ dỗ trẻ em; xâm phạm đến tính mạng của trẻ em.
“Tại tọa đàm hôm nay, tôi muốn lan tỏa thông điệp “Tất cả vì đàn em thân yêu” đến tất cả các em đội viên, học sinh, gia đình, nhà trường và các ban, ngành, đoàn thể. Chúng ta hãy cùng hành động “gieo mầm xanh” đến thế hệ mầm non của Thành phố và đất nước. Để sau này, chính những mầm xanh ấy sẽ trở thành thế hệ nối tiếp cùng cộng đồng chung tay giảm thiểu mức thấp nhất tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em trên nhiều phương diện…” - Chị Nguyễn Thị Ngọc Nhung bày tỏ.
Tiến sĩ Tâm Lý Tô Nhi A đánh giá về sự ảnh hưởng của bạo hành tinh thần đến tâm lý của người bị bạo hành và trẻ em. Qua đó, Tiến sĩ cũng đề xuất các biện pháp can thiệp kịp thời, giúp trẻ vượt qua rào cản tâm lý, tránh ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển nhân cách về sau.
“Tính đến năm 2023, tôi đã có 21 năm gắn bó với công tác trẻ em với Thành đoàn và Hội đồng đội TP Hồ Chí Minh. Cộng đồng từ các ban, ngành đoàn thể đến quý phụ huynh, thầy cô giáo xin đừng thờ ơ và hãy cố gắng cùng chung tay vì trẻ em. Vì qua quá trình năm liền triển khai, công tác trẻ em ở TP Hồ Chí Minh đang làm ngày càng tốt hơn. Chỉ cần chúng ta không im lặng, dám tìm kiếm và không thờ ơ thì kết quả sẽ cải thiện và tốt đẹp…”.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi Hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh. Bà có hơn 10 năm gắn bó bền bỉ với công việc thiện nguyện, bảo vệ những người yếu thế. Đặc biệt bà được mệnh danh là “lá chắn thép” bảo vệ trẻ em bị xâm hại và bạo hành.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ thông tin: “Chỉ còn chưa đầy 14 ngày nữa, TP Hồ Chí Minh sẽ tổng kết chương trình phòng chống bạo hành, xâm hại trẻ em trên địa bàn năm 2023, do chính quyền thành phố cùng các sở, ban, ngành, đơn vị, tổ chức đồng bộ triển khai. Thống kê sơ bộ thì tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em tại TP Hồ Chí Minh đã giảm khoảng 90%, một tín hiệu đáng mừng và rất tích cực…”.
Liên quan đến vấn đề giảm thiểu tác động của bạo lực học đường, đến quá trình hình thành và phát triển của trẻ nhỏ, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ định hướng, các bạn trẻ cần xem trường học là ngôi nhà thứ hai và bạn bè như anh, chị, em trong gia đình của mình. Đồng thời, bà nhắn nhủ đến quý phụ huynh về vấn đề bạo hành gia đình cũng là một trong những nguyên nhân vô cùng nguy hiểm ảnh hưởng đến quá trình phát triển, hình thành nhân cách trẻ nhỏ: “Gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nuôi dạy trẻ nhỏ, vì sau gia đình mới đến nhà trường. Phụ huynh cần có trách nhiệm với con em mình, không phân biệt trai hay gái (theo Luật Bình đẳng giới), không để trẻ em lớn lên trong môi trường bạo hành tinh thần lẫn thể xác…".
Riêng đối các trẻ em cần mạnh dạng chia sẻ đến bạn bè, thầy cô, gia đình về những hành vi sai trái liên quan đến dấu hiệu, nguy cơ của bạo hành và xâm hại.
Bộ ấn phẩm tuyên truyền “Những điều không được làm với trẻ em” dựa trên Luật trẻ em 2016.
Trong nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh vẫn đang nỗ lực mạnh mẽ trong công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em, trong đó có trẻ em khuyết tật.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.