TP.HCM họp mặt người có công tiêu biểu Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Ngày 25/7, TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị họp mặt người có công tiêu biểu nhân Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2023). Tham dự hội nghị, ban tổ chức vinh dự chào đón mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cảnh (91 tuổi); AHLLVTND, Đại tá Phan Thị Ngọc Tươi; AHLLVTND, Đại Tá Nguyễn Văn Tàu (nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo miền Nam); 120 đại biểu đại diện cho người có công của Thành phố; lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN TP Hồ Chí Minh.
Giữ vững tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, TP Hồ Chí Minh thời gian qua luôn tích cực triển khai các công tác chăm lo cho người có công với cách mạng, là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phong trào “đền ơn đáp nghĩa”.
Chiến tranh đã qua, nhưng ký ức về những cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đầy khốc liệt vẫn còn mãi trong tâm trí nhiều thế hệ. Hòa bình trên quê hương Việt Nam được đánh đổi bằng bao hy sinh xương máu của chiến sĩ và đồng bào ta. Trân trọng những cống hiến vô cùng thiêng liêng và cao cả đó, ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20, quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tìm cốt tử sĩ, đặt nền móng cho công tác chính sách người có công. Đây được xem là văn bản pháp quy đầu tiên xác định vị trí quan trọng của công tác Thương binh – Liệt sĩ và sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đến các thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.
Đảng bộ chính quyền TP Hồ Chí Minh luôn xác định chính sách chăm lo người có công, gia đình chính sách là một nhiệm vụ quan trọng được cả hệ thống chính trị, nhân dân thành phố quan tâm. Qua các chính sách thiết thực, tình cảm và lòng biết ơn với những anh hùng đã viết lên lịch sử hào hùng mang tên Bác.
Hiện nay TP Hồ Chí Minh quản lý gần 280.000 hồ sơ, trong đó thực hiện quản lý chi trả, trợ cấp hàng tháng cho gần 39.000 người có công với kinh phí gần 62 tỷ đồng/tháng. Chính sách tiền lương, hỗ trợ xã hội, phụ cấp, trợ cấp và ưu đãi qua nhiều lần điều chỉnh phù hợp với ngân sách nhà nước, góp phần từng bước cải thiện và nâng cao đời sống người có công. Đến năm 2019, mức trợ cấp người có công tại TP Hồ Chí Minh là 1.624.000 đồng/người/tháng, cao hơn mức lương cơ bản của cán bộ, công chức hiện nay. TP Hồ Chí Minh thực hiện xây mới, sửa chữa nhà cho hơn 3.000 hộ gia đình chính sách, người có công với tổng kinh phí hơn 121 tỷ đồng. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh còn giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho các trường hợp: mai táng phí, dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ tổ quốc, thực hiện nhiệm vụ quốc tế...
Năm 2016, HĐND TP Hồ Chí Minh ban hành Nghị quyết 126/2016 ngày 9/12/2016, hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân trên địa bàn. Theo đó, từ ngân sách địa phương, Thành phố hỗ trợ 2.000.000 đồng/tháng cho nhóm đối tượng thương binh, bệnh binh, suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, có vết thương nặng, hoàn cảnh khó khăn...
Có lẽ với những người đã đi qua năm tháng chiến tranh, thật khó để bù đắp được mất mát, hy sinh. Nhưng với tinh thần nghĩa tình, chia sẻ, những người lính năm xưa đã bước vào cuộc sống hôm nay bằng tất cả sự kiên cường. Họ chiến thắng thương tật, hòa nhập cùng cộng đồng, đóng góp tích cực cho mọi hoạt động của địa phương.
Hội nghị tổ chức giao lưu với ba thương binh tiêu biểu của thành phố: bà Ngô Thị Cẩm Tiên (80 tuổi, thương binh 4/4); ông Trần Minh Thiệu (81 tuổi, thương binh 4/4); ông Đinh Văn Dũng (59 tuổi, thương binh đặc biệt nặng 95%), thứ tự từ trái sang.
Nối gót truyền thống cách mạng gia đình, bà Ngô Thị Cẩm Tiên tham gia cách mạng từ nhỏ. Trải qua năm tháng chiến tranh, sau khi hòa bình lập lại, dù là người thương binh 4/4 nhưng bà vẫn không ngừng đóng góp sức mình cho sự phát triển của địa phương. Bà chia sẻ: “Ông bà nội, ông bà ngoại, cha và anh tôi đều hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ. Tôi tham gia cách mạng, lúc làm nhiệm vụ bị địch bắt và tù đày qua nhiều nhà tù từ Tổng nha cảnh sát Đô Thành đến Côn Đảo. Quá nhiều hình thức tra tấn tôi và đồng đội từ đánh đập, nhúng nước, treo cột điện... nhưng với tinh thần yêu nước, mình thà chết chứ không khai báo. Khi đất nước được giải phóng, tôi may mắn sống sót. Về địa phương, mình là thương binh 4/4 nhưng tôi vẫn cố gắng còn sức là còn cống hiến cho Tổ quốc này. Tôi tiếp tục tham gia hoạt động tại CLB Truyền thống kháng chiến Quận 11, hiện hơn 80 tuổi, tôi vẫn tham gia Ban liên lạc Cựu tù chính trị của Quận 11".
AHLLVTND, Đại tá công an Phan Thị Ngọc Tươi, người thương binh 2/4, người đã dùng máu của mình viết lên tường xà lim Nhà tù Trung tâm Thẩm vấn Kiến Hòa với 2 câu thơ bất hữu: “Xương ta gãy để nối liền Nam Bắc/Máu ta rơi cho bộ đội trưởng thành”.
“Những ngày tháng 7, bao hồi ức oai hùng của chiến trường xưa ùa về. Ngày ấy chúng tôi cầm súng chiến đấu không phải để được tuyên dương anh hùng hay để hôm nay được tri ân. Chúng tôi, yêu nước, yêu quê hương mình, thương đồng bào ta bị xâm lược nên đã theo chân Bác, đứng lên đánh đuổi kẻ thù, góp phần giành độc lập tự do của Tổ quốc. Chiến tranh qua đi, mặc dù là thương binh nhưng chúng tôi với tinh thần “tàn nhưng không phế”. Chúng tôi đã và đang tiếp tục nỗ lực học tập, làm việc hết mình vì những người đồng đội đã ngã xuống, những chiến sĩ thương bệnh binh, gia đình chính sách...” – bà Phan Thị Ngọc Tươi chia sẻ.
Ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh thay mặt lãnh đạo thành phố gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến 120 đại biểu là lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, AHLLVTND, thương bệnh binh...
Ông Dương Anh Đức nhìn nhận, chiến tranh đã lùi xa, nhưng đến tận bay giờ hậu quả của nó để lại vẫn còn. Những vết thương thể chất và tinh thần vẫn còn hằn trên thân thể của những người thương binh và gia đình của những liệt sĩ. Những đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn những giá trị của hòa bình.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị chính quyền thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác đền ơn đáp nghĩa, ngày một đi vào chiều sâu. Thông qua đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công và thân nhân. Đồng thời, chính quyền các cấp cần thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công, đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ cho người có công và thân nhân...
Ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh (thứ hai từ phải sáng) gửi hoa chúc mừng đến thương binh Ngô Thị Cẩm Tiên; thương binh Trần Minh Thiệu và thương binh Đinh Văn Dũng (từ trái sang).
Ông Dương Anh Đức trao quà đến các mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, người có công tiêu biểu.
Nhân dịp này, TP Hồ Chí Minh trao tặng 120 phần quà đến các đại biểu là người có công tiêu biểu của thành phố.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.