TP.HCM tạm dừng hoạt động bán vé số và các dịch vụ ăn uống mang về từ 0h00 ngày 9/7
Ngày 8/7, UBND TP.HCM ban hành Công văn khẩn số 2279/UBND -VX về áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo tin thần nội dung Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, căn cứ vào tình hình diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố, trên cơ sở “có kế thừa, có đổi mới, vừa rút kinh nghiệm, vừa hoàn thiện mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội”, nhằm triệt để khoanh vùng, tập trung truy vết và dập dịch trong cộng đồng. UBND TP.HCM chỉ đạo Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố; Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận huyện, các doanh nghiệp thuộc Thành phố:
1. Thực hiện cách ly xã hội toàn Thành phố theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/5/2021 trong vòng 15 ngày kể từ 0h00 ngày 9/7/2021, theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố - tổ nhân dân cách ly với tổ dân phố - tổ nhân dân, khu phố - ấp cách ly với khu phố - ấp, xã – phường – thị trấn cách ly với xã – phường – thị trấn, quận – huyện và TP Thủ Đức cách ly với quận – huyện và TP Thủ Đức. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện và TP Thủ Đức quán triệt nghiêm nguyên tắc trên công việc cách ly xã hội trên địa bàn, bảo đảm thực hiện triệt để đối với từng địa bàn, khu vực quản lý. Tận dụng thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để triển khai quyết liệt, siết chặt các giải pháp phòng chống dịch để đạt hiệu quả cao nhất.
2. Nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoai trong trường hợp thật sự cần thiết: mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ; làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở nêu tại mục 4 của công văn này. Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch xác khuẩn, không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m…
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc hợp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố chiều ngày 7/7.
4. Tiếp tục tạm dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu; đối với chợ đầu mối, chợ truyền thống, nếu không đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch thì tạm thời đóng cửa và thực hiện các biện pháp khắc phục. Tạm thời dừng hoạt động bán vé số của đại lý vé số và bán vé số dạo trên địa bàn Thành phố, tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về trong vòng 15 ngày kể từ 0h00 ngày 9/7/2021.
Các cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng cơ sở kinh doanh, dịch vụ, hàng hóa thiết yếu như: (lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng dầu, điện, nước, nhiên liệu…); ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng, hổ chợ doanh nghiệp như (công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm….), chứng khoán, bưu chính viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ được tiếp tục hoạt động. Người đứng đầu các cơ sở trên chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch… Trường hợp không đảm bảo các yêu cầu thì phải tạm dừng hoạt động.
5. Các cơ quan, đơn vị nhà nước tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thực sự cần thiết như trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở. Dừng toàn bộ các cuộc họp tại cơ quan công sở (Ngoại trừ các cuộc họp chống dịch, các cuộc họp để xử lý các vấn đề cấp bách của đơn vị). Khi tổ chức các cuộc họp phải được người đứng đầu phê duyệt, đảm bảo không tập trung quá 10 người trong một phòng, tuân thủ tuyệt đối quy tắc 5K của Bộ Y tế.
Số lượng người làm việc cụ thể tại công sở do Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định và không quá 1/3 tổng số người lao động để đảm bảo duy trì các nhiệm vụ của đơn vị và chỉ đạo của Thành phố; riêng lực lượng vũ trang, ngành y tế Thành phố đảm bảo 100% quân số và các đơn vị đặc thù có văn bản gửi Sở Nội vụ trình UBND TP.HCM quyết định. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị căn cứ chương trình công tác, tổ chức giao việc cụ thể để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2021; đẩy mạnh việc giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tạm thời không nhận hồ sơ trực tiếp của người dân, doanh nghiệp (trường hợp đặc biệt do Thủ trưởng từng cơ quan, đơn vị quyết định). Từng cơ quan, đơn vị kiểm soát chặt chẽ việc phòng chống dịch đối với người ra vào trụ sở, vận hành hiệu quả Tổ COVID-19 của cơ quan mình, chuẩn bị sẵn sàng phương án trong trường hợp công sở bị cách ly, phong toả.
UBND TP.HCM giao Sở Giao thông vận tải, tổ chức triển khai hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn Thành phố với các nội dung chủ yếu sau: Dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe ô tô. Hạn chế tối đa việc di chuyển của người dân; trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa và một số xe taxi chở người dân đến, đi từ bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cần thiết.
Dừng hoạt động dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe mô tô (bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe “ôm”). Chủ động phối hợp với Sở giao thông vận tải các tỉnh lân cận, tổ chức giao thông tạo điều kiện cho các phương tiện vận tải hàng hóa, vận chuyển công nhân, được lưu thông thuận lợi.
Tạm dừng hoạt động các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa vận tải hành khách công cộng (trừ các bến Cần Giờ - Cần Giuộc, Cần Thạnh - Thạnh An và Thạnh An - Thiềng Liềng). Đối với các phương tiện tàu biển nước ngoài, tàu biển nội địa, phương tiện thuỷ nội địa vào, rời cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh, tất cả các thuyền trưởng, thuyền viên không được lên bờ. Đối với các phương tiện thuỷ nội địa, khi vào, rời cảng, bến thuỷ nội địa, thuyền trưởng, thuyền viên hạn chế lên bờ (chỉ cử 01 người đại diện làm thủ tục cảng vụ và phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch theo quy định). Chủ động kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét hạn chế hoặc tạm ngừng các hoạt động hàng không và đường sắt đến, đi TP.HCM.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ, Sở Du lịch, Sở Công thương, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Công An Thành phố, Bộ Tư lệnh Thành phố, Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý các khu Công nghệ cao và Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện, thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo tại Công văn khẩn số 2279/UBND -VX của UBND TP.HCM (ngày 8/7/2021).
Ngoài ra, UBND TP.HCM còn yêu cầu các Sở, ban, ngành Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện căn cứ chức năng và nhiệm vụ ngành của mình quản lý, tham mưu UBND TP.HCM kế hoạch, phương án triển khai trên địa bàn, thực hiện trước ngày 9/7/2021. Chịu trách nhiệm trước UBND TP.HCM nếu xảy ra các trường hợp không chấp hành nghiêm quy định trên địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách, kịp thời báo cáo khi có khó khăn, vướng mắc.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.