Tranh luận sôi nổi về Luật đặc khu
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trực tiếp điều hành phiên thảo luận.
Ý kiến ĐBQH chủ yếu tập trung vào các ngành, nghề ưu tiên phát triển tại từng đặc khu; các cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư; mô hình tổ chức, vai trò của chính quyền đặc khu, của người đứng đầu; thời hạn cho thuê đất…
Tăng quyền cho Chủ tịch hay UBND đặc khu?
Đây là nội dung được khá nhiều đại biểu thảo luận. ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng cần xem xét, rà soát lại các điều Luật để điều chỉnh giảm bớt quyền cho Chủ tịch UBND, thay vào đó, giao cho Uỷ ban để Uỷ ban uỷ quyền trách nhiệm cho Phó Chủ tịch một số ban ngành chuyên môn.
“Theo dự thảo đang có quá nhiều nội dung Chủ tịch UBND ký các quyết định, trong đó có những nội dung cụ thể như Chủ tịch UBND đặc khu cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, cấp đổi giấy phép kinh doanh, cấp đổi, thu hồi giấy phép... Chủ tịch UBND không thể kiểm soát hết mọi vấn đề, việc gì Chủ tịch cũng ký thì không có thời gian lo việc lớn”, ông Phương phân tích và cho rằng, nếu quy định như dự thảo thì vị trí Chủ tịch rất dễ bị vi phạm và quy trách nhiệm, bởi thực tế thì ‘một trăm việc làm tốt nhưng chỉ cần một việc làm sai thì không còn gì nữa”. Theo ông Phương, như vậy rất nguy hiểm.
ĐBQH Võ Đình Tín cũng phân tích, trong dự thảo luật có nhiều quy định trao cho Chủ tịch UBND đặc khu được quyền quyết định nhiều nội dung quan trọng mà thông thường thuộc thẩm quyền cuả UBND theo chế độ tập thể, trong đó có những nhiệm vụ phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ông Tín cho rằng quy định trên là xung đột với quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Luật này cũng không quy định việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương các đặc khu.
Tranh luận với nhiều ý kiến băn khoăn về việc giao nhiều quyền cho Chủ tịch UBND đặc khu, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cho rằng, đặc khu là thử nghiệm sự vượt trội, đột phá thì chắc chắc Chính phủ bố trí người đủ trình độ, năng lực vào vị trí này. “Việc lớn không quyết được thì lại quay về cái không đột phá và như hiện hành”, ông Nguyễn Văn Thân nêu quan điểm.
Nhiều tranh luận về thời hạn cho thuê đất 99 năm
Trước ý kiến một số ĐBQH cho rằng thời hạn cho thuê đất 99 năm là quá dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đại biểu Nguyễn Văn Thân cũng có quan điểm khác biệt. Ông cho rằng, đây chính là quy định theo hướng vượt trội, đột phá, và hoàn toàn có thể yên tâm bởi nhà đầu tư đã đầu tư vốn, tài sản trên đất, do đó cơ quan quản lý Nhà nước hoàn toàn có đủ cơ sở để bảo đảm nhà đầu tư luôn tuân thủ đúng các yêu cầu của pháp luật.
Tranh luận lại nội dung này, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) đặt câu hỏi: “Chúng ta có thể đại diện cho thế hệ 100 năm nữa không?”. Theo ông Quốc, nói đến đặc khu, đừng bỏ quên 2 yếu tố, thứ nhất là thử nghiệm, thứ hai là địa chính chị. “Chỉ có nhà đầu tư, đầu cơ bất động sản mới cần thời hạn 99 năm”, ông Quốc nói và đề nghị cần đặc biệt thận trọng. Đại biểu kiến nghị khi biểu quyết thông qua, cần xin ý kiến ĐBQH riêng về nội dung này, đồng thời công khai ý kiến của các ĐBQH. “Chúng ta cần chịu trách nhiệm với chính mình, với tương lai”, đại biểu này nói.
Phát biểu sau đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) cũng nhất trí quan điểm này và cho rằng, thực tế không có dự án nào có vòng đời dài như vậy.
Là đại biểu cuối cùng phát biểu trong phiên thảo luận, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng thể hiện quan điểm khác khi ông cho rằng, hoàn toàn yên tâm với quy định về thời hạn cho thuê đất như trong dự thảo, bởi đây là thời hạn chỉ cho một số trường hợp rất đặc biệt chứ không phải với toàn bộ đặc khu.
Hấp dẫn từ một hệ thống cơ quan tư pháp mạnh
Góp ý về quy định liên quan đến các cơ quan tư pháp, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp cho biết, dự thảo được chỉnh lý theo hướng đối với các vụ án dân sự thì tăng cơ bản thẩm quyền cho toà đặc khu. Theo đó, hầu hết các vụ án đang thuộc thẩm quyền xét xử của toà án cấp tỉnh hiện nay sẽ được chuyển xuống cho toà án đặc khu giải quyết.
Đối với các vụ án hình sự thì dự thảo quy định toà án đặc khu có thẩm quyền xét xử các tội phạm đến 15 năm tù. Theo nữ đại biểu, quy định như thế là phù hợp.
Tuy nhiên, đối với các vụ án hành chính, nói nôm na là các vụ án “dân kiện chính quyền” thì dự thảo cơ bản không tăng thẩm quyền cho toà án đặc khu mà giữ như thẩm quyền của toà án cấp huyện hiện nay.
Như vậy thì mọi khiếu kiện của người dân đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND và Chủ tịch UBND đặc khu sẽ do toà án cấp tỉnh giải quyết, toà án đặc khu không có thẩm quyền giải quyết các vụ việc này. Do đó, bà Thuỷ đề nghị xem xét vấn đề này.
Đại biểu cũng cho rằng, quy định như dự thảo chưa đáp ứng yêu cầu tiết kiệm tối đa chi phí và thời gian đi lại cho người dân và nhà đầu tư. Cả 3 đặc khu đều cách xa trung tâm tỉnh, như người dân ở Phú Quốc muốn đến Kiên Giang phải đi 120 km đường biển. Theo nguyên tắc tố tụng, nếu bản án sơ thẩm bị kháng nghị, kháng cáo thì vụ án phải do toà án cấp cao giải quyết, trong khi cả nước chỉ có 3 toà cấp cao ở Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM, khi đó rất vất vả cho người dân, nhà đầu tư tiếp tục theo kiện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Bà Nguyễn Thị Thuỷ cũng chia sẻ, khi đi tìm hiểu mô hình đặc khu một số nước được đánh giá thành công về mô hình đặc khu, khi được hỏi điều gì tạo nên sức hấp dẫn với nhà đầu tư tại nơi đây thì câu trả lời là ban đầu thì ưu đãi về kinh tế nhưng về lâu dài là ổn định chính sách và một hệ thống cơ quan tư pháp mạnh có đủ thẩm quyền, năng lực giải quyết các vấn đề phát sinh trên địa bàn đặc khu.
“Đề nghị giao cơ quan tư pháp đặc khu có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện đối với UBND và Chủ tịch UBND cùng cấp. Các cơ quan tư pháp với thẩm quyền được giao phù hợp chính là những bảo đảm cần thiết cho việc vận hành cơ chế đặc thù tại đặc khu, thuận lợi cho người dân và nhà đầu tư trong quá trình tiếp cận công lý”, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ nêu ý kiến.
Thận trọng nhưng không quá cầu toàn
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và giải trình ý kiến ĐBQH. Theo Bộ trưởng, Luật về đặc khu đã được thảo luận kỹ, cần sớm được thông qua để triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc sẽ tiếp tục hoàn thiện. Bộ trưởng dẫn chứng, Hàn Quốc trong vòng 10 năm sửa luật về đặc khu 6 lần, hay Nhật Bản là 3 lần.
“Chúng ta thận trọng nhưng không quá cầu toàn”, ông Dũng nói.
Về thời hạn giao đất 99 năm, Bộ Trưởng kiến nghị Quốc Hội cho giữ nguyên như dự thảo bởi đây cũng là chính sách vượt trội mà một số nước đã áp dụng nhằm thu hút nhà đầu tư.
“Tất nhiên phải quy định rõ ràng trường hợp nào là đặc biệt và do Thủ tướng quyết định. Nhiều nước đã làm, ta để mở nhưng cụ thể thế nào là đặc biệt thì còn nhiều quy định thận trọng rõ ràng”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, Luật đã quy định rõ về sử dụng đất, nếu sau 1 năm mà không triển khai thì thu hồi, không dễ dãi để nhà đầu tư lợi dụng. HĐND đặc khu xem xét quyết định thu hồi đất, nếu có tranh chấp do toà án đặc khu giải quyết.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.