Trò chuyện cùng “Thủ lĩnh thầm lặng vì cộng đồng”..!
Ông Hà Đình Thái dự Hội nghị “Biên soạn sách, tài liệu dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” tổ chức tại Khách sạn DAEWOO.
Ở vào tuổi ngoài thất thập, dạng lớp người xưa nay hiếm, song để gặp được ông quả không dễ chút nào. Bởi ông vẫn trên từng cây số, khi thì đi quan hệ tạo việc làm và thu nhập cho anh em thương binh trong cơ quan, khi thì làm trưởng đoàn đi về các vùng quê xa xôi trao tặng những phần quà cho các cháu thuộc gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, hay hộ nghèo vượt khó. Thậm chí còn sang các nước bạn, như: Thái Lan; Lào – Nơi ông và gia đình ông đã từng sinh sống và hoạt động để làm công tác tri ân, từ thiện…
Sau bao lần đặt lịch làm việc, rồi tôi cũng được ông nhận lời. Đúng lời hứa, sáng hôm đó tôi đến thăm trụ sở cơ quan, nơi ông làm Chủ tịch tại 14 Nguyễn Trường Tộ, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội.
Biết tôi là nhà báo của Hiệp hội, lại là thương binh và đã từng làm báo trong lĩnh vực thương mại, nên ông Thái không mất thời gian rào đón, giải thích mà đi ngay vào chủ đề cần trao đổi.
Uống xong tuần trà, ông Thái chậm rãi nói. Hình như những câu chuyện, những nội dung trò truyện với tôi ngày hôm nay, nó đã hằn sâu trong ký ức của ông thì phải. Mặc dù không có sổ sách, không giấy tờ, tài liệu, song ông Thái kể rất logic, lưu loát, theo trình tự thời gian làm cho người nghe rất dễ hiểu và đồng cảm với quá khứ mà ông đã trải qua. Ông kể cho tôi nghe từ lúc ông sinh ra, rồi theo cha đi hoạt động cách mạng; lớn lên học chữ, theo học đại học kinh tế - kế hoạch, tham gia công tác trong ngành an ninh, rồi chuyển ra ngoài thành lập doanh nghiệp cho tới khi làm Chủ tịch HĐQT 2 Công ty hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo và là Ủy viên BCH VAIDE như ngày hôm nay. Vui có, buồn có, gian khổ có và vinh quang cũng có.
Ông Hà Đình Thái, sinh năm 1948, song giọng nói của ông vẫn hào sảng, kể chuyện rất say sưa và nhiệt tình. Tôi hỏi: Ông học đại học kinh tế, có quan hệ rộng, gia đình lại có mối quan hệ chặt chẽ với kiều bào ở nước ngoài, sao khi chuyển ngành ông không thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhật khẩu hay du lịch lữ hành…, mà lại thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo và truyền thông. Không cần mất thời gian suy nghĩ, ông Thái đáp: Nếu vì săn lùng lợi nhuận và lợi nhuận siêu ngạch thì tôi đã thành lập doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực như nhà báo đã nêu, song tâm nguyện của tôi là sau khi “về vườn” tôi sẽ thành lập doanh nghiệp để tạo việc làm cho anh em thương binh và cựu chiến binh để họ có thu nhập bớt gánh nặng cho gia đình và cho xã hội. Đối tượng lao động này họ đâu có nhiều sức khỏe, vì thế mà tôi đã chọn mô hình doanh nghiệp và ngành nghề như hiện nay. Với lại, ngành nghề quảng cáo và truyền thông cũng là ngành mà 2 đứa con trai của tôi ưa thích và có năng khiếu.
Hình ảnh bộ đội Cụ Hồ đến với bà con kiều bào ở Thái Lan thông qua chương trình biểu diễn văn nghệ của CLB Tiếng hát thương binh.
Chính sự làm việc có tâm, có tầm và rất bài bản trong công việc hoạch định kế hoạch, chỉ đạo kiên quyết và sát sao, mà 2 công ty do ông Hà Đình Thái làm Chủ tịch HĐQT hoạt động rất hiệu quả, sớm thu hút được nhiều khách hàng nổi tiếng của thế giới và trong nước. Xin điểm qua một số tư liệu để minh chứng cho nhận định trên.
Nếu như, năm 1998 (năm đầu thành lập Công ty Cổ phần Quảng cáo Hà Thái) mới có 5 thương binh với doanh thu trên 1 tỷ đồng. Đến năm 2006, ông tiếp tục cho ra đời Công ty TNHH Quảng cáo Ngọc Hà (chuyên hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo ngoài trời). Cả 2 công ty này đều là doanh nghiệp thuộc VAIDE. Mỗi doanh nghiệp đều sử dụng trên 30% lao động là thương binh. Từng công ty đều thành lập Chi bộ Đảng trực thuộc Đảng bộ khối doanh nghiệp quận Ba Đình (Hà Nội). Năm 2020, Công ty Hà Thái và Ngọc Hà đã thu hút 28 thương binh vào làm việc, với doanh thu trên 40 tỷ đồng, nộp thuế GTGT trên 1 tỷ đồng. Thật vinh dự với chúng tôi là Công ty Hà Thái hai lần đươc Chính phủ giao là nhà vận động tài trợ cho hội nghị cấp cao APEC tổ chức ở Việt Nam vào năm 2006 và 2017.
Ngoài nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho CBCNV, những năm qua 2 công ty mà ông Thái làm Chủ tịch HĐQT còn tham gia nhiều hoạt động tri ân đền ơn đáp nghĩa, lá lành đùm lá rách, như:
Xây tặng 2 ngôi nhà tình nghĩa cho 2 bà mẹ Việt Nam anh hùng tại Quảng Trị; - Xây tặng 1 nhà tình nghĩa cho bố liệt sĩ tại huyện Gia Lâm (Hà Nội); tặng 500 bộ (chăn + màn) cho đồng bào nghèo huyện Sóc Sơn; cùng với Báo An ninh Thủ đô, Hà Nội Mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đi tặng quà cho gần 200 hộ nghèo ở Bình Đà; 50 hộ nghèo ở Ba Trại, Vân Phong, Ba Vì; 1.000 xuất quà cho các trung tâm nuôi dưỡng NKT; 5.000 chăn ấm cho các trường nội trú, bán trú ở các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang.
Cung tiến 4 quả chuông đồng cho Trung tâm nuôi dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng ở Mỗ Lao, nhà tưởng niệm Bác Hồ tại Khăm Muộn (Lào), nhà tưởng niệm Bác Hồ tại Na Khon (Thái Lan), nhà tưởng niệm Bác Hồ tại U Đon (Thái Lan); tặng gần 1.000 cuốn sách cho Thư viện Tổng hội Việt Kiều Toàn Thái …
Ông Hà Đình Thái cung tiến chuông đồng và bức tranh in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh cho nhà tưởng niệm Bác Hồ tại UDONTHANI (Thái Lan)
Đỡ đầu CLB Tiếng hát thương binh trên 20 năm nay, để anh em tham gia biểu diễn phục vụ các trung tâm nuôi dưỡng thương binh, các đơn vị quân đội. Được sự đồng ý của Ban Đối ngoại, UBTWMTTQVN, UB người Việt Nam ở nước sở tại, ông Thái đã tạo điều kiện đưa 15 anh em CLB Tiếng hát thương binh sang 4 tỉnh Thái Lan (cùng 100 hội viên Hội Hữu nghị Việt Thái) giao lưu văn nghệ với bà con kiều bào ở Na Khon, Sa Kol, U Đon, Noỏng Khai. Việc đưa anh bộ đội Cụ Hồ đến với bà con kiều bào ở Thái Lan được nhiều người đánh giá cao, trong đó có cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu…
Do có nhiều đóng góp trong việc xây dựng đơn vị và tham gia công tác xã hội, mà ông Hà Đình Thái đã được các Bộ, tổ chức chính trị xã hội khen thưởng. Điển hình như: Năm 2016, Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tặng Bằng khen do có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động đối ngoại nhân dân năm 2015; Bộ Công an tặng Bằng khen do đã có nhiều sáng kiến đóng góp trong sự nghiệp Bảo vệ an ninh Tổ quốc. Năm 2017, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Thái Lan tặng Bằng khen do có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác hội nhiệm kỳ 2012 – 2017; Giám đốc Công an TP. Hà Nội tặng Giấy khen do đạt thành tích xuất sắc trong một năm triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch 158/KH-CAHN-PA83 ngày 09/8/2017. Năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực an sinh xã hội. Hiện nay, ông Thái đã được VAIDE làm tờ trình UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Bằng khen.
Ông Hà Đình Thái cùng các cộng sự đi làm công tác từ thiện.
Nói tới đây, giọng ông Thái chùng xuống, ánh mắt có vẻ đăm chiêu. Tôi hỏi, nhớ về một ký ức bao nhiêu thành tích và niềm hãnh diện thế, sao ông không vui. Nghĩ một lúc, ông Thái tâm sự tiếp.
Điều làm tôi không vui là ở chỗ, trong khi Đảng và Nhà nước ban hành rất nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp có sử dụng lao động là thương bệnh binh và NKT, song trên thực tế doanh nghiệp thuộc loại hình này được thụ hưởng ưu đãi không dễ. Như 2 công ty tôi đang quản lý, mặc dù Bộ LĐTBXH (cụ thể là Cục Người có công) và Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND thành phố, thị xã, quận, huyện trực thuộc tạo điều kiện giúp đỡ công ty chúng tôi trong quá trình hoạt động kinh doanh, song để nhận được những ưu đãi đó cũng lắm gian nan và tốn kém cả về thời gian lẫn vật chật.
Theo ông Thái nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Ông cười rồi nói: "Nguyên nhân chủ quan thì dành cho nhà báo và bạn đọc tự hiểu, ở đây tôi chỉ bàn tới nguyên nhân khách quan. Theo tôi, có 2 nguyên nhân":
Thứ nhất, liên quan tới văn bản pháp quy về hoạt động quảng cáo
Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2013. Tại tiết a, khoản 1, Điều 38 Luật này quy định: “1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm: a) Xây dựng và phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại địa phương trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày Luật này có hiệu lực;”. Song, hình như trên thực tế nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện quy định này. Chính vì thế, ngày 29/5/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 17/CT_TTg “Về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo”. Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, chấn chỉnh những vi phạm trong hoạt động quảng cáo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ sau đây: “Bố trí kinh phí xây dựng và triển khai quy hoạch quảng cáo theo quy định của luật ngân sách Nhà nước; chỉ đạo các Sở, ngành: Xây dựng, Giáo thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch – Kiến trúc, các Sở liên quan và UBND cấp quận, huyện phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao trong công tác xây dựng giám sát việc thực hiện quy hoạch quảng cáo; quản lý chặt chẽ hoạt động quảng cáo trên địa bàn; rà soát hệ thống quảng cáo hiện có để điều chỉnh hoặc xóa bỏ theo quy hoạch quảng cáo được duyệt.”.
Chính vì thế, để có vị trí quảng cáo doanh nghiệp vẫn phải xin phép tỉnh, thành phố để họp bàn với các sở, ban, ngành, quận, huyện đi khảo sát tìm địa điểm lắp đặt biển quảng cáo ngoài trời, thời gian nhanh thì cũng mất 6 tháng mới có kết quả. Có khi công ty chọn được vị trí phù hợp với nhu cầu của khách hàng quảng cáo và phù hợp với các quy định về mỹ quan đường phố, về giao thông đường bộ,.. thì một số địa phương lại làm công văn khước từ yêu cầu của công ty muốn để lại vị trí đó ưu tiên cho địa phương và doanh nghiệp khác..? Thật khó hiểu với cách hành xử này.
Thứ hai, liên quan tới việc quy định số lao động cần có ở một doanh nghiệp muốn được thụ hưởng chế độ ưu đãi
Một doanh nghiệp muốn được hưởng chế độ ưu đãi cần phải thỏa mãn yêu cầu quy định tại Điều 34 của Luật NKT số 51/2010/QH12, tức là “Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT”. Nhưng tổng số lao động cần có cho một doanh nghiệp loại hình này lại quy định tăng gây khó cho các cơ sở sản xuất của thương binh theo hộ gia đình muốn chuyển sang mô hình doanh nghiệp.
Nếu điểm 5, Mục I, Thông tư số 09/TT-LB ngày 17/5/1993 của Liên bộ LĐTBXH-Tài chính và UBKH Nhà nước quy định: “5. Trong một cơ sở phải có ít nhất 10 lao động, trong đó có 51% trở lên số lao động làm việc là thương bệnh binh đã được xếp hạng, người tàn tật do cơ quan y tế xác nhận,..”.
Song đến nay, doanh nghiệp muốn được công nhận là doanh nghiệp của thương binh và NKT được hưởng chế độ như quy định tại Điều 34 Luật NKT thì doanh nghiệp đó phải thỏa mãn điều kiện quy định tại khoản 1, Điều 10 văn bản hợp nhất “Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật” số: 763/VBHN-BLĐTBXH ngày 28/2/2019 của Bộ LĐTBXH. Theo đó, doanh nghiệp phải sử dụng từ 10 NKT làm việc ổn định mới được hưởng chính sách ưu đãi.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.