Trực Ninh (Nam Định): Hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở

2018-01-02 17:31:31 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định đã có những biện pháp hiệu quả trong công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS), từng bước củng cố vững chắc những kết quả đã đạt được về phổ cập giáo dục, hướng nghiệp gắn với dạy nghề, tiến tới phổ cập giáo dục trung học trên địa bàn toàn huyện.

Trực Ninh là huyện phía Nam tỉnh Nam Định, mạng lưới giáo dục gồm 28 trường mầm non, 28 trường tiểu học, 26 trường THCS, 5 trường THPT, 21 trung tâm học tập cộng đồng, 2 trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) và một Trường trung cấp nghề kỹ thuật công nghiệp thuộc Sở LĐTB&XH tỉnh Nam Định. Từ năm 2000, huyện Trực Ninh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, năm 2001 đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS và năm 2012 đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Trao đổi với thầy giáo Đặng Xuân Hữu, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Trực Ninh, chúng tôi được biết từ năm 2013, ông đã viết đề tài “Một số biện pháp quản lý nâng cao hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau THCS ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định”. Đề tài này đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân quan tâm, ủng hộ, ngành GD&ĐT từng bước triển khai thực hiện một cách hiệu quả. Qua 4 năm thực hiện (2013 - 2017) tiến độ và chất lượng phân luồng học sinh đạt tỷ lệ khá cao, bước đầu đáp ứng được những yêu cầu cơ bản về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ, giáo viên trong thực hiện công tác này.


Ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định tặng hoa chúc mừng Phòng GD&ĐT huyện Trực Ninh nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2017 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước trao tặng


Chúng tôi được biết, cũng như các địa phương khác học sinh sau tốt nghiệp THCS tại huyện Trực Ninh được phân chia theo 4 luồng khác nhau gồm: Giáo dục THPT (luồng chính), giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp và tham gia lao động sản xuất. Xu thế hiện nay là cần giảm học sinh vào luồng chính (THPT) với một tỷ lệ phù hợp, luồng lao động sản xuất cần được giảm thiểu và cần tăng nhanh tỷ lệ học sinh vào luồng giáo dục nghề nghiệp.

Trước năm 2010, thực trạng phân luồng học sinh sau THCS ở huyện Trực Ninh đã có những chuyển biến tích cực nhưng số lượng học sinh chưa cân đối giữa các luồng, hiệu quả xã hội trong việc phân luồng chưa cao, cơ cấu chưa hợp lý. Kết quả cho thấy trong ba năm (2007, 2008, 2009) số học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT đạt 88,3%, vào học GDTX 9,9%, THCN đạt 0,9%, dạy nghề cũng chỉ đạt 0,9%. Như vậy, chưa đảm bảo cơ cấu hợp lý, vô tình đẩy một bộ phận học sinh học lực trung bình vào học THPT và một bộ phận học sinh yếu vào học GDTX. Hơn nữa, học sinh sau khi tốt nghiệp THPT hoặc bổ túc THPT không thi đỗ vào đại học muốn có nghề nghiệp lại phải tiếp tục học trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do công tác hướng nghiệp (định hướng nghề nghiệp) cho học sinh THCS chưa được thực hiện nghiêm túc, còn mang tính hình thức. Trong khi đó, học sinh tốt nghiệp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sau khi ra trường thường khó tìm được việc làm.

Tại các cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo nghề chưa phù hợp với lứa tuổi cũng như người học sau tốt nghiệp THCS, chất lượng đào tạo còn thấp, chưa thu hút được người học. Trong chương trình đào tạo, các môn học công nghệ, kỹ thuật còn nặng về lý thuyết, chưa hình thành được các kỹ năng cơ bản của mục tiêu môn học. Mặt khác, vai trò định hướng nghề nghiệp của giáo viên đối với học sinh còn mờ nhạt. Hầu hết các trường học chưa có sự phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn để giáo dục hướng nghiệp. Công tác phân luồng học sinh sau THCS chỉ mới khép kín trong phạm vi ngành GD&ĐT, chưa có sự ủng hộ, tham gia của xã hội, nhất là của cha mẹ học sinh.


Giờ học cấu tạo máy tại giảng đường của lớp trung cấp điện K20 Trường trung cấp nghề kỹ thuật công nghiệp Nam Định


Trước thực tế đó, từ năm 2010 đến năm 2012, huyện Trực Ninh đã tổ chức thực hiện phân luồng học sinh sau THCS theo phương pháp sơ đồ luồng. Kết quả cho thấy tỷ lệ học sinh vào học THPT đã giảm thiểu dần (từ 78,4% năm 2010 xuống 72,3% năm 2012), tỷ lệ học sinh phân luồng sau THCS được đào tạo nghề năm 2012 đạt 94,31%. Tỷ lệ học sinh vào học GDTX phản ánh đúng thực trạng, giúp cho ban chỉ đạo phổ cập giáo dục bậc trung học các cấp quản lý, kiểm tra đánh giá thực chất kết quả huy động, hiệu quả phổ cập trung học, làm cơ sở xây dựng và thực hiện kế hoạch phổ cập của từng địa phương trong từng năm học hoặc từng giai đoạn.

Trong bốn năm qua (2013 - 2017), công tác phân luồng học sinh sau THCS ở huyện Trực Ninh đã không ngừng phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết tốt tình trạng khó khăn về hướng nghiệp, dạy nghề. Phải khẳng định rằng, phân luồng học sinh sau THCS không hề triệt tiêu cơ hội học tiếp của học sinh mà là biện pháp đa dạng phương thức học tập, tạo ra luồng học phù hợp cho người học. Cũng không phải là ép buộc học sinh sau THCS yếu thế về học lực và hoàn cảnh phải theo học luồng học bất lợi, mà phân luồng học sinh sau THCS đã tạo ra phương thức học tập phù hợp, tạo cơ hội học tập hiệu quả hơn theo đúng nguyện vọng, nhu cầu của học sinh.


Hội thi Khoa học kỹ thuật của học sinh THCS huyện Trực Ninh (Nam Định) năm 2016


Do làm tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS, sự phối hợp chặt chẽ giữa Phòng GD&ĐT với các cơ sở dạy nghề, hàng năm đã có rất nhiều học sinh tại địa phương được đào tạo tại các cơ sở dạy nghề, trong đó điển hình nhất là Trường trung cấp nghề kỹ thuật công nghiệp Nam Định.

Thạc sĩ Đinh Văn Hoản, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề kỹ thuật công nghiệp Nam Định cho biết, chính đề tài “Một số biện pháp quản lý nâng cao hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau THCS ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định” của thầy giáo Đặng Xuân Hữu qua thực hiện đã mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực. Ngoài việc được học nghề, giải quyết việc làm, đã tiết kiệm cho mỗi học sinh sau THCS tại địa phương khoảng 20 triệu đồng/năm. Đó chính là các khoản chi phí ăn ở, đi lại, sinh hoạt, thuê nhà trọ của mỗi học sinh nếu phải lên thành phố học nghề. Do được học nghề tại trường gần nhà, nhiều học sinh đã giảm thiểu đáng kể các khoản chi phí cho bản thân và gia đình. Đây cũng là đơn vị luôn tích cực tham mưu cho lãnh đạo huyện Trực Ninh cùng các huyện lân cận ra văn bản chỉ đạo công tác phân luồng trong giáo dục ngay từ bậc THCS và phối hợp chặt chẽ với ngành GD&ĐT huyện Trực Ninh để làm tốt công tác này.


Giáo viên Trường THCS Đào Sư Tích, thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định hướng dẫn học sinh sử dụng công nghệ thông tin


Được biết, từ năm 2012 đến năm 2016, Trường trung cấp nghề kỹ thuật công nghiệp Nam Định đã đào tạo được 5.714 học sinh, trong đó gồm 2.150 học sinh trung cấp nghề, 3.564 học sinh sơ cấp nghề. Số học sinh tốt nghiệp đạt yêu cầu 100%, trong đó có 60% đạt loại khá, giỏi. Năm 2017, nhà trường đào tạo hơn 2.000 học sinh, trong đó gồm 1.345 học sinh trung cấp nghề và 659 học sinh sơ cấp nghề; dự kiến tốt nghiệp là 784 học sinh. Tỷ lệ học sinh có việc làm sau tốt nghiệp của nhà trường luôn đạt từ 90% - 95% (trình độ trung cấp có việc làm đạt từ 95% - 100%, trình độ sơ cấp có việc làm đạt từ 75% - 80%). Do có hai cơ sở đứng chân trên địa bàn huyện Trực Ninh nên số học sinh tại địa phương được đào tạo nghề tại nhà trường này chiếm tỷ lệ cao, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp, có việc làm ổn định với mức lương mỗi tháng từ 5 - 7 triệu đồng/người.

Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng ta đã ghi rõ: “Coi trọng công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học, chuẩn bị cho thanh niên đi vào lao động nghề nghiệp phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong cả nước và từng địa phương”. Mục tiêu của phân luồng học sinh sau THCS là việc lựa chọn, sắp xếp mang tính xã hội để học sinh sau khi tốt nghiệp THCS tiếp tục được giáo dục và đào tạo theo những khuynh hướng và ngành học khác nhau phù hợp với nguyện vọng, năng lực học sinh; kết hợp phân luồng học sinh sau cấp học này, tạo cơ sở cho việc tiếp tục đổi mới cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xã hội.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Thẻ trả góp Muadee tung ‘Deal khủng’ cho người dùng Grab, Be, Ví VNPAY

Thả ga mua sắm mùa cuối năm với loạt siêu ưu đãi từ Thẻ trả góp Muadee by HDBank, trả góp từ 3 đến 4 tháng, 0 đồng trả trước và không lãi suất.
2024-10-31 16:18:46

Tổng Giám đốc VTV Lê Ngọc Quang làm Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình

Tổng Giám đốc VTV Lê Ngọc Quang được Bộ Chính trị điều động, chỉ định giữ chức Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình, nhiệm kỳ 2020- 2025.
2024-10-31 11:00:00

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng: Ý nghĩa và tác động đối với xã hội Việt Nam hiện đại

Chính sách ưu đãi đối với người có công đã và đang trở thành một phần quan trọng trong hệ thống chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước, không chỉ có ý nghĩa tri ân mà còn góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc trong các thế hệ.
2024-10-31 10:23:36

SHB lãi hơn 9 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng, đạt 80% kế hoạch năm 2024

Sau 9 tháng, lợi nhuận trước thuế lũy kế của SHB đạt 9.048 tỷ đồng, thực hiện 80% kế hoạch năm 2024. Bên cạnh phát triển hoạt động kinh doanh, Ngân hàng tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, ủng hộ người nghèo, xóa nhà tạm theo chủ trương của Chính phủ, thực hiện tốt trách nhiệm cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
2024-10-31 09:08:45

Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc hướng tới bước phát triển mới

Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc được thành lập từ năm 2018. Dù thời gian qua còn rất nhiều khó khăn bất cập, nhưng các hội viên luôn đoàn kết phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, ổn định và cải thiện đời sống, phát triển kinh tế gia đình, đồng thời góp phần xây dựng hội ngày càng vững mạnh.
2024-10-31 08:39:43

Hải Phòng phấn đấu phát triển hàng đầu về giáo dục nghề nghiệp

Đó là một trong những nội dung Quyết định số 3473/QĐ-UBND của thành phố Hải Phòng ban hành về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
2024-10-30 21:09:12
Đang tải...