Tưởng nhớ cố Thủ tướng Phan Văn Khải: Lại nghĩ tới vấn nạn “KÍNH THƯA”
Sáng 20/3, Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện nghi lễ treo băng tang lên lá quốc kỳ tại quảng trường Ba Đình, để tưởng nhớ cố Thủ tướng Phan Văn Khải. |
Thời kỳ từ tháng 9/1997 đến tháng 7/2006, giai đoạn Ủy viên Bộ Chính trị Phan Văn Khải đảm trách chức vụ Thủ tướng Chính phủ, là thời kỳ nhiều việc làm, nhiều cử chỉ, hành động đẹp của Thủ tướng được Đảng, nhân dân và dân tộc Việt Nam ghi nhận, lưu giữ lại để cho thế hệ hôm nay và mai sau học tập và phấn đấu.
Nhân ngày này, tôi xin trân trọng gửi tới bạn đọc một chuyện nhỏ trong đời thường đã được Thủ tướng Phan Văn Khải ký ban hành, song đến nay chúng ta vẫn chưa thực hiện được. Đó là vấn nạn “kính thưa” trong các hội nghị.
Nhằm đảm bảo tính thống nhất, trang trọng, tôn vinh, giáo dục, khoa học, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm trong các buổi lễ mít tinh, lễ kỷ niệm trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự nhà nước, Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là buổi lễ), ngày 9/8/2004, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký ban hành Nghị định số 154/2004/NĐ-CP. Tại khoản 4, Điều 9, chương III (Trình tự tiến hành mít tinh, lễ kỷ niệm) quy định: “Trưởng Ban Tổ chức tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu ngắn gọn, trang trọng. Chỉ giới thiệu tên và chức vụ đồng chí đại biểu có chức vụ cao nhất về Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc của Trung ương và địa phương; các đồng chí khác giới thiệu chung”. Và khoản 6, Điều 9 còn quy định: “Trưởng Ban Tổ chức giới thiệu lãnh đạo cấp trên hoặc khách mời phát biểu ý kiến. Để đơn giản hóa thủ tục, mở đầu diễn văn, báo cáo hoặc phát biểu chỉ “kính thưa” một đồng chí có chức vụ cao nhất của Trung ương hoặc địa phương dự buổi lễ, còn lại “kính thưa” chung các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu”.
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải trong cuộc gặp Tổng thống Bill Clinton được Đại sứ Phạm Sanh Châu giới thiệu. |
Tưởng chừng một việc rất nhỏ đó, đã được pháp luật quy định rõ ràng, song không hiểu sao khi áp dụng vào thực tế lại khó đến vậy?
Giải đáp về vấn nạn này, Luật sư Đinh Văn Quế viết: “Việt Nam là một nước có truyền thống văn hóa lâu đời, rất tôn trọng tôn ti, trật tự, trên dưới, thứ bậc và việc “kính thưa” của ta nhiều khi thái quá, tràn lan không theo một khuôn mẫu nào. Cuộc mít tinh nào, hội nghị nào cũng phải mất 5-7 phút “kính thưa” đủ các loại quan khách và đại biểu! Ban tổ chức và những người lên phát biểu đều phải “kính thưa” rất nhiều người. Đi liền với “kính thưa” là phải nêu chức vụ, chức danh của người được kính thưa; phải liệt kê đầy đủ, nếu thiếu hoặc có sự nhầm lẫn là bị coi là “khi quân, phạm thượng!” Đã có trường hợp đại biểu tự ái bỏ về vì không được “kính thưa”. Văn hóa “kính thưa” ở ta hiện nay không còn là chuyện cá nhân của mỗi người mà là vấn đề chính trị xã hội, trở thành bệnh lý trầm trọng. Người tổ chức phải kính thưa dài dòng để không phạm lỗi với “bề trên”; cấp trên được kính thưa thì vui; đại biểu được kính thưa thì thấy tự hào, hãnh diện; nếu có ai không được kính thưa thì cảm thấy khó chịu, tự ái”.
Bàn về vấn đề “thưa, gửi”, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho biết: “Từ thời Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký một Nghị định về việc “thưa, gửi” rồi, nhưng đến giờ, chúng ta tổ chức bất kỳ sự kiện nào cũng vẫn thưa, gửi cả trang giấy, cả nguyên lãnh đạo cũng phải giới thiệu. “Tôi không muốn giới thiệu là nguyên Phó Thủ tướng. Vì tôi bây giờ là tôi chứ thêm nguyên Phó Thủ tướng vào thì có ý nghĩa gì?”. Ông Vũ Khoan nhận định chính sự sự rườm rà trong việc giới thiệu tên tuổi cho thấy rõ hơn về căn bệnh háo danh của không ít người hiện nay. Chính căn bệnh này đã khiến những người làm công tác tổ chức, lễ tân rất vất vả, khổ sở. Giới thiệu thì rườm rà, mất thời gian, không giới thiệu thì lại sợ thượng khách phật ý.
Ông Vũ Khoan. |
Như vậy, chuyện “thưa, gửi” rườm rà, chắc chỉ biến mất trong đời sống xã hội, khi và chỉ khi căn bệnh “háo danh” không còn nữa. Việc này thật khó với chúng ta..?
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.