USAID hỗ trợ các hoạt động giảm ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái
Hội thảo quy tụ hơn 70 đại biểu đến từ cơ quan hải quan, các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp để thảo luận về kế hoạch hành động này.
Đây là kết quả của Nghiên cứu tiền khả thi về Chống ùn tắc và Tạo thuận lợi trong hoạt động logistics tại cảng Cát Lái được thực hiện bởi Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ từ tháng 5/2020 đến tháng 3/2021. Nghiên cứu đã xem xét một cách toàn diện các hoạt động của cảng trên diện tích 160 ha nhằm đánh giá hiệu quả vận hành, các điểm nghẽn và vướng mắc trong quá trình tăng cường năng lực xếp dỡ của cảng, đồng thời đưa ra 21 khuyến nghị dưới hình thức một kế hoạch hành động để chính quyền và các cơ quan hữu quan tại địa phương cân nhắc. Những khuyến nghị này bao gồm từ việc tận dụng các giải pháp công nghệ thông tin để tăng cường luồng thông tin và thông quan hàng hóa đến việc bố trí hoặc mở rộng hạ tầng cảng và cải thiện hiệu suất hoạt động. Ngoài ra, thông qua dự án USAID INVEST, USAID đang phối hợp với Cục Hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải để xem xét những lĩnh vực có khả năng hợp tác công-tư, một phương thức hiệu quả để huy động đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.
Cổng B cảng Cát Lái - TPHCM (Ảnh: ĐSQ)
Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết: “Khi thương mại quốc tế dần phục hồi sau tác động của COVID-19 thì việc giải quyết ùn tắc tại cảng Cát Lái lại càng được ưu tiên. Các giải pháp chống ùn tắc đã được nghiên cứu và trình bày tại hội thảo hôm nay khi được triển khai sẽ tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế, góp phần giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới”.
Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yatishock phát biểu: “Giảm bớt tắc nghẽn tại các cảng của Việt Nam sẽ ngày càng trở nên quan trọng khi thương mại dần phục hồi hậu COVID-19. Nghiên cứu tiền khả thi tại cảng Cát Lái do USAID thực hiện đã đề xuất một kế hoạch hành động cho cảng container nhộn nhịp nhất Việt Nam này với mục tiêu giúp cảng có thể xử lý lượng container dự kiến sẽ tăng cao. Nỗ lực này tái khẳng định cam kết của chúng tôi trong việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”.
Mỗi năm có khoảng 4,9 triệu container 20 feet (TEU) được xếp dỡ tại TP.HCM, tương đương với khoảng ba triệu xe tải, hoặc hơn 8.000 xe tải mỗi ngày qua lại trong và xung quanh thành phố để xếp dỡ container từ khu vực cảng. Cảng Cát Lái xử lý hơn 92% khối lượng này và khoảng 50% tổng khối lượng container của cả nước.
Được biết, Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ được thực hiện trong 5 năm (2018-2023) với tổng vốn 21,7 triệu đô la nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam áp dụng cách tiếp cận quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan và kiểm tra chuyên ngành cũng như hỗ trợ tăng cường công tác thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Dự án phối hợp với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính nhằm chuẩn hóa các thủ tục hải quan, tăng cường sự phối hợp ở cấp trung ương và cấp tỉnh, đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ hải quan. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ Việt Nam phát triển môi trường thương mại và đầu tư hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.