Vẫn còn khoảng 50.000 người có HIV/AIDS chưa được phát hiện
Bệnh nhân chờ uống thuốc tại một cơ sở cấp phát thuốc ở Lai Châu. (Ảnh: Công Tuyên/TTXVN) |
Thông tin trên được thạc sỹ Đỗ Hữu Thủy – Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đưa ra trong buổi tập huấn phóng viên báo chí viết về HIV/AIDS diễn ra ngày 15/11 tại Hà Nội.
Theo thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS, hiện cả nước có 209.000 người nhiễm hiện còn sống, tuy nhiên chỉ quản lý được 175.000 người, trong đó mới đang điều trị bằng ARV cho 130.000 người.
Trong 6 tháng đầu năm, cả nước phát hiện mới 3.500 người nhiễm HIV, chuyển sang giai đoạn AIDS 1.824 người, số người nhiễm HIV tử vong là 814 người.
So sánh số liệu nhiễm HIV/AIDS, tử vong báo cáo cùng kỳ năm 2017, số trường hợp nhiễm HIV phát hiện mới giảm 30%, số bệnh nhân AIDS giảm 27% và người nhiễm HIV tử vong tăng 2%.
Kết quả giám sát trọng điểm năm 2017, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy là 14%, phụ nữ bán dâm 3,7% và MSM là 12,2%. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM đã tăng từ 7,36% năm 2017 lên 12,2% năm 2018. Nhìn chung, số liệu dịch HIV phát hiện năm 2018 có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2017.
Trong khi đó có sự gia tăng phức tạp của nhóm sử dụng ma túy, ma túy tổng hợp, mại dâm làm tình hình dịch khó kiểm soát.
Bác sỹ Thủy nhấn mạnh, qua giám sát trọng điểm cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma tuý có xu hướng gia tăng trở lại trong nhóm này.
“Hiện nay, lây truyền HIV trong nhóm đồng giới nam (MSM) có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt nhóm MSM trẻ tuổi. Ước tính cả nước có khoảng 170.000 MSM. Sự gia tăng số người sử dụng ma tuý tổng hợp và tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm trọng điểm tăng dẫn tới cảnh báo nguy cơ đợt dịch mới xuất hiện trong nhóm trẻ,” thạc sỹ Thủy phân tích.
Tại buổi tập huấn, tiến sỹ Jonh Blandford, Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Việt Nam có bài trình bày về tầm quan trọng của ức chế virus HIV đối với người bệnh, cán bộ y tế và cộng đồng.
Tiến sỹ Jonh Blandford cho hay: “Khi điều trị ARV đạt đến mức ức chế virus, nghĩa là tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml, hay còn gọi là dưới ngưỡng phát hiện, sẽ ngăn ngừa được lây truyền HIV qua đường tình dục. Qua 3 nghiên cứu với hàng ngàn cặp bạn tình trái dấu và hàng ngàn lần quan hệ tình dục mà không sử dụng bao cao su hay dùng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), không có bạn tình HIV âm tính bị lây HIV từ bạn tình HIV dương tính khi họ có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện. "
Như vậy, người có HIV, uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định của bác sỹ đến mức đạt được và duy trì tải lượng virus không phát hiện sẽ thực sự không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình HIV âm tính của họ.
Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 được tổ chức từ ngày 1-/11 đến ngày 10/12. Tháng hành động năm nay Việt Nam tập trung vào chủ đề “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020.”
Tháng hành động với mục tiêu tăng cường các hoạt động dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người.
Bên cạnh đó, một mục tiêu quan trọng nữa ngành y tế hướng tới đó là mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.