Vĩnh biệt nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, người thầy viết chữ bằng chân
Theo thông tin từ báo Quân đội nhân dân đăng tải, ông Nguyễn Ngọc Ký, sinh ngày 28/6/1947, tại xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Hơn nửa thế kỷ qua, ông được nhiều thế hệ học sinh biết đến và ngưỡng mộ về hình ảnh một cậu bé yếu ớt, bị liệt cả hai tay từ khi mới lên 4 tuổi. Tuy nhiên, với nghị lực phi thường, cậu bé ấy vẫn mong đến trường và dày công luyện tập viết bằng ngón chân thay cho bàn tay.
Nhờ vào những nỗ lực của bản thân, năm 1963, ông được cử đi dự kỳ thi học sinh giỏi toán toàn quốc và đạt hạng 5; được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu Hồ Chí Minh. Năm 1970, ông tốt nghiệp ngành ngữ văn tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi trở về quê nhà Hải Hậu, Nam Định làm giáo viên.
Người thầy truyền cảm hứng và nghị lực của sự phấn đấu bền bỉ. Ảnh: báo QĐND
Năm 1992, ông được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Từ năm 1994, ông chuyển vào sinh sống và làm việc tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Năm 2005, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã tặng ông danh hiệu: "Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết".
Cuộc đời và quá trình luyện viết của ông đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho vào sách giáo khoa nhằm khích lệ các thế hệ học sinh xây dựng ý chí nghị lực, phấn đấu vươn lên. Bên cạnh đó, ông cũng được mời đi giao lưu, giáo dục lẽ sống và bồi dưỡng lòng ham học cho nhiều thế hệ trẻ trong cả nước.
Cuộc đời của ông không chỉ là một người thầy tận tâm, mà còn vượt lên số phận, nghịch cảnh để lại cho đời nhiều tác phẩm văn học, hồi ký có giá trị như: “Tôi đi học”, “Tôi học đại học”, “Những tâm hồn trẻ thơ”, “Tôi dạy học”, “Tâm huyết trao đời”…
Bên cạnh đó, theo báo Người lao động đưa tin, sự ra đi của nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký đã để lại niềm tiếc thương cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp, các học trò của ông qua nhiều thế hệ.
Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký. Ảnh: báo Người lao động
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chia sẻ trên trang cá nhân về những ký ức với thầy Nguyễn Ngọc Ký. "Hồi tôi học tiểu học, cứ thứ 7 là có tiết kể chuyện. Một hôm thầy giáo chủ nhiệm nói: Hôm nay thầy kể cho các em nghe câu chuyện về một người có cánh. Tất cả lũ học trò chúng tôi vô cùng náo nức đợi thầy kể. Người có cánh đó là cậu học trò Nguyễn Ngọc Ký. Hai cánh tay cậu bị bại liệt từ nhỏ. Nhưng cậu đã bay tới những ước mơ đẹp đẽ của mình bằng đôi cánh của tâm hồn. Cậu đã trở thành một cậu bé thần kỳ, trở thành một nhà giáo, một nhà văn. Thế hệ chúng tôi hồi đó ai cũng biết đến Nguyễn Ngọc Ký và luôn nghĩ về ông như một tấm gương sáng của nghị lực phi thường và một tâm hồn rộng lớn. Nếu không có đôi cánh ấy, Nguyễn Ngọc Ký sẽ bị nhấn chìm vào bóng tối của tuyệt vọng. Vào 2 giờ sáng nay, cậu bé thần kỳ Nguyễn Ngọc Ký, nhà giáo, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký đã đập cánh bay về miền trời vô tận. Xin cúi đầu đưa tiễn ông" - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết.
Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Trần Đăng Khoa và nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký.
Ảnh: báo Người lao động
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, bày tỏ sự tiếc thương trước sự ra đi của Nhà giáo Ưu tú, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký. "Đây là mất mát lớn đối với nền giáo dục, với đất nước, với thế hệ trẻ, các em học sinh, sinh viên và với Hội Nhà văn Việt Nam. Thầy Nguyễn Ngọc Ký là tấm gương quá đặc biệt. Ông đã vượt trên hoàn cảnh khắc nghiệt nhất của mình để sống một cuộc đời rất có ý nghĩa, điều mà tôi nghĩ, nhiều người trong chúng ta nếu gặp phải, khó có thể làm được như ông. Với vai trò nhà giáo, ông là người thầy giỏi và tận tụy, ông đã đào tạo ra rất nhiều thế hệ học trò xuất sắc. Với Hội Nhà văn Việt Nam, ông là đồng nghiệp có lối sống vô cùng điềm đạm, đức độ và hiền lành"- nhà thơ Trần Đăng Khoa tâm sự.
Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký và nhà thơ Bình Nguyên Trang. Ảnh: báo Người lao động
Trong khi đó, nhà thơ Bình Nguyên Trang cũng gửi lời vĩnh biệt thầy kính yêu, người đã truyền cho chị những năng lượng tích cực cũng như nghị lực sống. Với nhà văn này, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký luôn ở trong tim chị.
"Con không bao giờ quên những tháng năm ở vùng quê nghèo, dưới mái trường Năng khiếu thầy trò phải thắp đèn dầu học. Những bài giảng của thầy lấp lánh ánh sáng của văn học thi ca cũng như tình yêu cuộc sống. Và tinh thần lạc quan bất tận vượt lên mọi nghịch cảnh thầy truyền cho chúng con. Một khi nào còn chút than van trước sóng gió cuộc đời, con thường nghĩ về nụ cười vô sự của thầy. Thầy mãi trong tim con và trong trái tim bao thế hệ học trò"- nhà văn Bình Nguyên Trang tâm sự.
Cùng với đó theo thông tin từ báo Tuổi trẻ, được biết tang lễ của thầy được tổ chức ở nhà riêng tại phường Phước Long B (thành phố Thủ Đức, TP.HCM) từ 8h sáng nay sau thời gian chiến đấu với căn bệnh suy thận.
Vĩnh biệt thầy, một nhà văn có nghị lực phi thường, một tấm gương sáng truyền cảm hứng của nhiều thế hệ học sinh Việt Nam.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.