Vui xuân, xem rối nước Nhân Hòa
Nét đẹp đồng quê
Đình Nhân Mục (Nhân Hòa, Vĩnh Bảo) là nơi biểu diễn múa rối nước. Những ngày đầu xuân, khách thập phương lui tới chật cả sân đình. Ngoài khách thành phố, còn có cả khách nước ngoài đến xem. Vào dịp lễ tết, có ngày phường tiếp 4 - 5 đoàn khách. Những tràng pháo tay reo hò, cổ vũ bởi các tiết mục truyền thống “Chọi trâu”, “Chú Tễu cửa đình”. Tiếp đó là các tiết mục với đề tài hiện đại, thể hiện cuộc sống mới, cách thể hiện mới.
Một tiết mục rối nước Nhân Hòa
Được coi là một trong những điểm du lịch đồng quê nổi tiếng của Hải Phòng, du khách đến với Nhân Hòa sẽ được đắm mình trước màn biểu diễn rối nước với nét văn hóa dân gian đặc sắc. Con rối nước được chế tác khá mềm dẻo và linh hoạt. Rồng, rắn có thể uốn lượn, uốn khúc, nhân vật có thể cử động, rối phường bát âm có thể gảy đàn, rung phím bầu như diễn viên thực thụ trong tiếng reo hò của khán giả.
Mặt nước nhỏ hẹp trở thành sân khấu sinh động. Khi tiếng nhạc vang lên, đèn cờ ngũ sắc được bật lên, pháo hoa vụt sáng rực rỡ, chú Tễu vén mành ra chào khán giả, giới thiệu nội dung biểu diễn. Để diễn tả cảnh chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa, sân khấu bỗng chốc trở thành thửa ruộng. Cũng có khi mô tả lại cảnh tát ao, cảnh đàn cá vui đùa trên mặt nước, cảnh trẻ con theo bố, mẹ đi úp cá, những diễn viên rối đều làm việc bằng khả năng và tình cảm của mình sao cho khán giả hiểu được công việc mà rối đang biểu diễn.
Theo đại diện một nghệ nhân, cho biết: để phục vụ việc biểu diễn, phường phải làm ít nhất 02 bộ con rối mỗi năm, một bộ con rối có 60-70 con trò. Làm một bộ con rối, người thợ phải mất nhiều thời gian, công sức, qua nhiều công đoạn: đục đẽo, phủ sơn, trang trí, số tiền chi phí lên đến 25-30 triệu đồng/ bộ. Muốn làm được một con rối tinh xảo, nhất thiết phải làm bằng gỗ sung, loại gỗ nhẹ thì con rối mới dễ dàng nổi trên mặt nước. Nhưng gỗ sung khó kiếm, có khi phải vất vả lên tận vùng rừng núi mới mua được. Thêm nữa, việc bảo quản con rối không dễ vì khi xuống nước con rối chóng mục, hư hỏng.
Những nghệ nhân xuất thân từ nông dân
Có thể nói, nghệ nhân rối nước rất đặc biệt vì họ là những người nông dân hai sương, một nắng. Khi nhiều phường loay hoay mang rối đi biểu diễn xa, phường Rối Nhân Hoà đã biến ao làng thành sân khấu với những suất diễn cố định hằng tháng. Nghệ nhân diễn rối là những người thực sự gắn bó với nghề và lưu giữ nét xưa.
Năm 1995, phường Rối bắt đầu chương trình biểu diễn rối nước cho khách du lịch. Thời gian đầu, thi thoảng mới diễn một buổi. Mùa đông nhất của rối, mỗi tháng phường Nhân Hòa biểu diễn hơn 30 buổi. Có những lúc, 03 đoàn đến một lúc, anh em phải cho đoàn đi tham quan trong làng rồi diễn phục vụ từng đoàn một. Cứ có lịch là diễn, đang vụ mùa cũng vẫn diễn như ngày nông nhàn. Nhiều anh em diễn xong, chạy vội ra đồng cày cấy.
Liên hoan nghệ thuật Rối nước dân gian tại Festival Huế 2004, phường rối nước Nhân Hòa có nhiều tiết mục đạt giả A, B. Tháng 4-2005, tham gia Liên hoan Rối nước không chuyên toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại tỉnh Phú Thọ, nhiều tiết mục của phường đạt Huy chương vàng, bạc và Bằng khen... Tại Liên hoan múa rối dân gian toàn quốc lần thứ nhất (từ 13 -18/6/2011) do Cục Nghệ thuật Biểu diễn phối hợp với Sở VHTTDL Hải Dương tổ chức, trong số 15 phường múa rối của 06 tỉnh thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang), có 03 phường múa rối dân gian thuộc huyện Vĩnh Bảo tham dự (Bảo Hà, Minh Tân (rối cạn), Nhân Hoà (rối nước). Phường múa rối nước Nhân Hoà đoạt 02 giải A (chương trình múa rối và trò diễn hay).
Nhờ có những nghệ nhân yêu nghề, Rối nước Nhân Hoà từng bước phát triển đáng kể, nhưng thực tế còn nhiều khó khăn: chi phí đầu tư làm con rối, mỗi năm Phường mất đến cả trăm triệu đồng. Khoản tiền này không dễ có đối với phường Rối ở vùng quê thuần nông. Đời sống của nghệ nhân phường rối còn khó khăn. Hầu hết nghệ nhân là nông dân, quanh năm tần tảo với đồng ruộng, việc diễn rối như là cách để họ giữ gìn nghề gia truyền. Tiền công của mỗi người sau một buổi biểu diễn chỉ từ 30.000-35.000 đồng.
Gìn giữ, phát huy nghệ thuật múa rối nước, một nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương và dân tộc, không chỉ là niềm mong ước của lớp nghệ nhân cao tuổi phường rối nước Nhân Hòa mà còn góp phần phát triển sản phẩm du lịch đồng quê của thành phố. Vì vậy, vẫn cần lắm sự quan tâm của chính quyền các cấp, tạo điều kiện phát huy đội ngũ trẻ tiếp tục giữ nghề.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.