Xây dựng thành phố Pleiku phát triển hiện đại, bền vững, bản sắc

2022-01-29 10:02:36 0 Bình luận
Trong hành trình phát triển, mục tiêu xuyên suốt và nhất quán của Đảng bộ thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai là phấn đấu xây dựng, phát triển đô thị hợp lý, hài hòa, đồng bộ với kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại, phù hợp với đặc điểm tự nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc; hướng tới trở thành trung tâm Khu vực “Tam giác phát triển” của vùng Tây Nguyên.

Xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội

Với tổng diện tích tự nhiên trên 26.000 ha và dân số gần 254.000 người, Pleiku là đô thị loại I ở khu vực Bắc Tây Nguyên, nằm trên trục giao thông giữa Quốc lộ 14, Quốc lộ 19 và cung đường Hồ Chí Minh, trong khu vực ngã ba Đông Dương với vùng tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Chủ trương xuyên suốt và nhất quán trong những năm qua của Đảng bộ thành phố là hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố Pleiku phát triển bền vững, hiện đại, mang bản sắc văn hóa đặc trưng, xứng đáng với vai trò, vị trí ở trung tâm của “Tam giác phát triển” trong xu thế hội nhập.

Được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành cùng với tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy nội lực và tiềm năng sẵn có, thành phố đã thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch, giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung mọi nguồn lực ưu tiên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Điểm nổi bật trong những năm qua là kinh tế của thành phố Pleiku đạt mức tăng trưởng khá cao và ổn định, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 10,14%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch phù hợp với điều kiện của thành phố; tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 52,92%; công nghiệp - xây dựng chiếm 43,16%; nông nghiệp chiếm 3,92%. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ phát triển cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng tốt các nhu cầu của xã hội và giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng bình quân 11,12%/năm. Công nghiệp - xây dựng có tốc độ phát triển khá, tạo việc làm và đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng gấp 1,6 lần so với năm 2015, tăng bình quân 9,76%/năm. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 3,18%/năm; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất được chú trọng, góp phần tăng năng suất cây trồng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; giá trị sản phẩm thu được/1 ha đất trồng trọt ước đạt 105 triệu đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước theo phân cấp hằng năm trên 1.000 tỷ đồng, tăng bình quân 13,04%/năm.

Thành phố Pleiku trở thành đô thị loại I vào đầu năm 2020.

Đặc biệt, thành phố Pleiku đã hoàn thành việc lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị để làm cơ sở cho công tác quản lý xây dựng và quản lý đô thị đồng bộ, hiệu quả. Trên địa bàn thành phố hiện đang quản lý 76 đồ án quy hoạch xây dựng (trong đó có 1 đồ án quy hoạch chung; 53 đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng mặt bằng; 13 đồ án quy hoạch chi tiết tái định cư; 9 đồ án quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới). Tỷ lệ phủ kín quy hoạch trên địa bàn đạt trên 84%, trong đó khu vực nội thị đạt 60%. Đồng thời, chú trọng công tác xúc tiến đầu tư, nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm, tiềm lực kinh tế cam kết đầu tư vào thành phố gần 3.000 tỷ đồng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố phát triển. Hiện nay, thành phố Pleiku có hơn 4.500 doanh nghiệp, 40 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác, 3 tổ liên kết sản xuất và 3 mô hình nông hội.

Đảng bộ và chính quyền thành phố Pleiku xác định công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị theo hướng vừa hiện đại, vừa tạo nên những đặc trưng riêng mang bản sắc văn hóa là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Do vậy, cùng với nguồn đầu tư từ ngân sách của Trung ương, của tỉnh Gia Lai, những năm qua, thành phố Pleiku đã chi hàng nghìn tỷ đồng cho công tác xây dựng cơ bản và triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị như: cấp thoát nước, giao thông nội thị, làm vỉa hè, trồng cây xanh… nhằm bảo đảm cơ sở hạ tầng đồng bộ cho khu vực nội thành, đồng thời huy động mọi nguồn lực, vận động nhân dân tham gia đóng góp cùng với Nhà nước để làm đường hẻm, giao thông nông thôn, lắp điện chiếu sáng, lát đá vỉa hè... làm cho bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại.

Trong những năm qua, thành phố Pleiku đã đầu tư hơn 200 công trình xây dựng cơ bản với tổng vốn đầu tư từ ngân sách thành phố trên 1.200 tỷ đồng. Cùng với tập trung xây dựng các tiêu chí đô thị loại I, quan tâm phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng nông thôn mới đã tạo động lực thúc đẩy thành phố phát triển toàn diện. Từ năm 2011 đến nay, thành phố Pleiku đã huy động hơn 1.847 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó riêng vốn đóng góp của cộng đồng dân cư là hơn 859 tỷ đồng. Hiện nay, thành phố có 8/8 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 3 làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đạt chuẩn làng nông thôn mới và thành phố Pleiku được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018.

Bên cạnh những thành tựu về phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, quản lý đô thị, các lĩnh vực văn hoá xã hội, y tế, giáo dục của thành phố Pleiku cũng có những bước phát triển đáng kể. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm giải quyết, đời sống nhân dân được cải thiện, hộ nghèo giảm dần theo hướng bền vững, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 83,2 triệu đồng. Đến nay, 100% làng đồng bào DTTS có sân tập thể thao, nhà sinh hoạt cộng đồng; trên 98% người đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hiện nay, thành phố Pleiku chỉ còn 306 hộ nghèo (chiếm tỉ lệ 0,53%) và 518 hộ cận nghèo (chiếm tỉ lệ 0,89%). Trong đó, hộ nghèo là người DTTS 148 hộ, chiếm tỉ lệ 48,37% hộ nghèo; 211 hộ cận nghèo là người DTTS, chiếm tỉ lệ 40,73% hộ nghèo. Mạng lưới cơ sở y tế trên địa bàn đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; 100% trạm y tế xã, phường có bác sĩ khám chữa bệnh; tỉ lệ tăng dân số tự nhiên được duy trì 1,1%/năm.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm đầu tư, đổi mới theo hướng toàn diện; quy mô các ngành học, bậc học được duy trì và phát triển ổn định, chất lượng giáo dục có nhiều tiến bộ. Xã hội hóa giáo dục ở các bậc học chuyển biến tích cực, thu hút nhiều tổ chức và cá nhân tham gia. Đến nay, thành phố Pleiku có 37/80 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 46,25%. Sự nghiệp văn hóa, thông tin, thể dục thể thao được đầu tư theo hướng xã hội hóa. Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc được quan tâm. Những năm qua, thành phố tổ chức và phối hợp tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn diễn ra trên địa bàn, góp phần quảng bá hình ảnh đô thị Pleiku và của tỉnh Gia Lai như: Lễ hội Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018; Lễ hội “Ngày cà phê Việt Nam” lần thứ 3 năm 2019; Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập đô thị Pleiku và đón nhận Bằng công nhận thành phố Pleiku hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Thành ủy Pleiku triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Những hạn chế, khó khăn trong quá trình phát triển

Thành tựu đạt được của thành phố Pleiku những năm qua là khá ấn tượng nhưng vẫn còn đó những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đó là:

Thứ nhất, chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, thu ngân sách Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn. Kinh tế tăng trưởng chưa vững chắc, các ngành công nghiệp chậm phát triển; chưa có nhiều sản phẩm, hàng hóa có giá trị thương mại cao. Việc áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp còn chậm, chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, có sức cạnh tranh trên thị trường. Hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp còn nhiều khó khăn, các mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ còn ít; chưa hình thành các khu vực chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung có quy mô lớn, hiện đại đảm bảo vệ sinh môi trường. Chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn có tiềm lực, có kinh nghiệm đầu tư vào thành phố.

Thứ hai, nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị còn hạn chế. Công tác lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chậm thực hiện, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn. Một số dự án đầu tư chậm triển khai, tình trạng “quy hoạch treo” còn nhiều, gây lãng phí nguồn lực đất đai, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm; thời gian triển khai công tác chuẩn bị đầu tư còn kéo dài; tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa đảm bảo kế hoạch. Công tác quản lý xây dựng, quản lý dòng chảy, trật tự đô thị còn hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển của thành phố.

Thứ ba, một số vấn đề xã hội phức tạp chậm được khắc phục, tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn cao. Nếp sống văn minh đô thị chưa trở thành ý thức tự giác của một bộ phận cán bộ và nhân dân; ý thức bảo vệ môi trường sinh thái của người dân còn thấp; việc cung cấp nước sạch chưa đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân trên địa bàn. Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn. Tiềm năng về du lịch chưa được tận dụng, khai thác tốt; hạ tầng phục vụ du lịch còn thiếu, chậm được đầu tư, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Giải pháp trở thành thành phố hiện đại, giàu bản sắc

Bí thư Thành ủy Trịnh Duy Thuân (ngoài cùng bên phải) đón Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm thành phố Pleiku (tháng 9/2019).

Mục tiêu của thành phố Pleiku trong những năm tới được đặt ra là phát huy tối đa lợi thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - kỹ thuật, là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Gia Lai, nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Pleiku thực sự là vùng động lực quan trọng hàng đầu của tỉnh, trở thành trung tâm “Tam giác phát triển” vùng Tây Nguyên; xây dựng thành phố Pleiku theo hướng đô thị thông minh. Đảng bộ và nhân dân thành phố Pleiku tiếp tục chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh huy động mọi nguồn lực để phát triển Pleiku một cách toàn diện với tốc độ nhanh, bền vững, theo hướng hiện đại. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch, công nghiệp, khoa học công nghệ, thu hút nhân tài, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng; quan tâm đúng mức vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, giữ cho thành phố luôn xanh, sạch, đẹp; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS.

  Để thực hiện thành công những định hướng lớn xuyên suốt trên, Đảng bộ và nhân dân thành phố Pleiku tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, triển khai thực hiện có hiệu quả việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố dựa trên cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Phát triển nhanh, hợp lý các ngành, lĩnh vực mà thành phố có thế mạnh như thương mại - dịch vụ, du lịch, tài chính, ngân hàng, khoa học - kỹ thuật, bưu chính viễn thông, chăm sóc sức khỏe, vận tải đường bộ, đường không… Chú trọng phát triển ngày càng mạnh các dịch vụ có chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nhằm xây dựng Pleiku thành đầu mối trung chuyển, quá cảnh và giao lưu hàng hóa - dịch vụ không chỉ của Gia Lai mà còn cho một số tỉnh Miền Trung và Bắc Tây Nguyên, các tỉnh Đông Bắc Cam-pu-chia và Lào.

Hai là, triển khai các giải pháp cụ thể để liên kết, phát huy có hiệu quả tiềm năng du lịch của thành phố Pleiku, kết nối với các địa phương trong tỉnh, khu vực Tây Nguyên để hình thành các điểm du lịch có chất lượng, thu hút khách du lịch đến thành phố. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kêu gọi đầu tư như: Các khu đô thị mới, khách sạn chất lượng cao, nhà phố thương mại, các chợ, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí… Tập trung thu hút đầu tư vào các điểm du lịch như: hồ Diên Hồng, Di tích thắng cảnh Biển Hồ, các làng nông thôn mới... hình thành các sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa địa phương; phát triển các ngành nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc, dịch vụ ẩm thực tại các làng nông thôn mới, làng văn hóa du lịch của thành phố. Phấn đấu xây dựng thành phố Pleiku là điểm đến du lịch trọng tâm của tỉnh, bảo đảm các điều kiện tốt nhất về môi trường xanh - sạch - đẹp, an ninh, an toàn và thân thiện để thu hút du khách trong và ngoài nước. Đầu tư bảo tồn và xây dựng một số làng đồng bào DTTS theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc của đồng bào DTTS.

Ba là, tập trung phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng ưu tiên các ngành chế biến nông lâm sản và sản xuất các mặt hàng phục vụ sản xuất và tiêu dùng, cơ khí, vật liệu xây dựng... tạo động lực phát triển kinh tế cho thành phố và cả tỉnh; chú trọng đầu tư xử lý nước thải tập trung, bảo đảm tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Thực hiện tốt chương trình khuyến khích đầu tư của tỉnh, có hình thức thích hợp nhằm kêu gọi các nhà đầu tư đổi mới công nghệ để tăng sức cạnh tranh. Tổ chức quản lý, khai thác có hiệu quả và mở rộng quy mô hoạt động của Cụm Công nghiệp Diên Phú, đồng thời khảo sát và đề xuất xây dựng thêm một số cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn.

Bốn là, đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng vùng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và hình thành các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ. Hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh, chăn nuôi trang trại; khu vực giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các loại hình sản xuất, dịch vụ ở khu vực nông thôn. Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản phẩm thu được/1 ha đất trồng trọt đạt 120 triệu đồng trở lên; có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 30% làng đồng bào DTTS đạt chuẩn làng nông thôn mới.

Năm là, trên cơ sở đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục triển khai lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị với mục tiêu tỉ lệ phủ kín quy hoạch phân khu toàn thành phố đạt 100%; quy hoạch chi tiết xây dựng đạt trên 60% để làm cơ sở cho công tác quản lý đô thị và kêu gọi đầu tư xây dựng, phát triển thành phố. Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật gắn với quản lý quy hoạch, đầu tư, nâng cấp mở rộng kết nối các công trình giao thông đối nội, đối ngoại song song với việc nâng cấp phát triển các cơ sở hạ tầng, kỹ thuật đô thị tạo đà cho phát triển đô thị một cách bền vững. Tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế, các tổ chức tài chính, các nhà tài trợ như: ADB, WB, Nhật Bản, Hàn Quốc... để huy động nguồn lực tài chính cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các dự án hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực tăng cường kết nối.

Sáu là, chú trọng tham gia hợp tác về khoa học và công nghệ giữa các tỉnh nằm trong Khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Phát triển văn hóa, xã hội của thành phố theo hướng bảo tồn, duy trì và phát huy những giá trị bản sắc, truyền thống và lịch sử, nhất là văn hóa, không gian Cồng chiêng Tây Nguyên trong điều kiện phát triển đô thị hiện đại; có hệ thống thiết chế văn hóa tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Bảy là, tiếp tục bố trí ngân sách đầu tư, huy động mọi nguồn lực xã hội thực hiện chương trình “kiên cố hóa, tầng hóa” trường học; từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất trường lớp và thiết bị dạy học; sắp xếp tinh gọn hệ thống trường lớp; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; phấn đấu đến năm 2025, có 47 trường học đạt chuẩn quốc gia, hình thành một số trường trọng điểm chất lượng cao ở các bậc học. Triển khai Đề án “Xây dựng thành phố Pleiku theo hướng đô thị thông minh”, trước mắt là ứng dụng và triển khai Đề án Trung tâm điều hành đô thị thông minh cấp thành phố trong Đề án triển khai mô hình Trung tâm điều hành và hệ sinh thái đô thị thông minh tỉnh Gia Lai; phát triển hệ thống chiếu sáng thông minh; hệ thống phản ánh hiện trường, giám sát, quản lý giao thông thông minh...

Với tinh thần trách nhiệm cao của Đảng bộ, chính quyền các cấp và bằng nghị lực, quyết tâm của mỗi cán bộ, đảng viên; sự đồng thuận của quân và dân thành phố, tin tưởng rằng, thành phố Pleiku sẽ thực hiện thành công các mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm, xứng đáng với vị thế của một thành phố trung tâm vùng Tây Nguyên./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".
2024-04-27 19:43:25

Triển lãm ảnh những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử

Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng Bảo tàng chiến thắng B52 và Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam vừa tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Việt Nam - những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử Thế giới”.
2024-04-27 01:13:48

Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024

Tối 26/4, tại Công viên Thống Nhất, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội đã tổ chức Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024.
2024-04-26 23:56:34

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06
Đang tải...