15 triệu một kg chất cấm, nuôi heo vẫn lãi bự
Tại Hội nghị tổng kết đợt cao điểm hành động vệ sinh, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp và triển khai kế hoạch năm 2015 diễn ra ngày 3/3, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết hiện nay Thanh tra Bộ và C49 (Bộ Công An) đã khống chế được nguồn cung cấp Salbutamol.
Heo dùng chất tạo nạc chỉ nằm hoặc ngồi. Ảnh Tuổi trẻ |
Số Salbutamol đang tồn tại ngoài thị trường là do đã tuồn ra từ trước. Theo ông Việt, nguyên nhân Salbutamol tồn tại vì Bộ Y tế cho phép nhập khẩu về làm thuốc cho người nhưng một số cơ sở lạm dụng tuồn ra ngoài, sử dụng vào trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Mặc dù nguồn cung cấp đã được khống chế, nhưng ông Việt lo lắng, nếu lơ là thì sẽ bùng phát, dội lên ngay. Đặc biệt là hiện nay đường dây nóng báo phát hiện chất cấm đang chùn lại. Trước đây mỗi ngày nhận được 15-20 cuộc nhưng nay mỗi ngày chỉ nhận được 1-2 cuộc.
“Mỗi kg chất cấm Salbutamol nhập về chỉ từ 1,5- 1,6 triệu đồng nhưng bán ra có thể lên tới 15 triệu đồng/kg. Một con lợn dùng chất cấm lãi từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/con. Với nguồn lợi lớn như vậy chắc chắn người ta phải làm chứ sao không làm. Cho nên chỉ cần chúng ta lơ là thì sẽ dội lên, bùng phát lên ngay” - Chánh thanh tra Bộ nói.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết việc phát hiện, giám sát, xử lý tại các trang trại, lò mổ mới chỉ là giải quyết phần ngọn. Điều quan trọng là từ các nguồn đấy để truy ra chất cấm ở đâu, lần đến từ nhà máy sản xuất đến công ty nhập khẩu buôn bán, có như vậy mới ngăn chặn, triệt phá được chất cấm trên thị trường.
“Chúng ta phải làm chặt chẽ, tận gốc chứ không phải làm vu vơ, ngẫu hứng mà phải làm tận gốc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo báo cáo qua 4 tháng triển khai Đợt cao điểm hành động Vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, Thanh tra Bộ đã phối hợp với C49 Bộ Công an tổ chức thanh tra đột xuất một số cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu vi phạm. Qua thanh tra đã phát hiện và xử lý 13 Công ty. Đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp xử phạt bổ sung (thu hồi, tiêu hủy các sản phẩm vi phạm) với 11 công ty.
Một số cá nhân, tổ chức vi phạm đang trong quá trình điều tra, củng cố hồ sơ, chờ kết quả xử lý.
Đặc biệt đã phát hiện một số cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có chất cấm là Công ty TNHH Trường Phú (Hải Dương) và Công ty TNHH Thịnh Đức (Bắc Giang) có sử dụng Salbutamol và Auramine. Công ty CP ĐTPT Tiên Phong (Hưng Yên) có sử dụng Salbutamol.
Công ty TNHH Hà Hưng (Hưng Yên) có sử dụng Auramine, ngoài ra còn phát hiện một số thùng chứa Auramine chưa sử dụng tại Công ty tập đoàn Minh Tâm (Bắc Ninh), phát hiện tại Công ty TNHH Thăng Long (Hưng Yên) có 11 thùng Auramine đã sử dungh.
Thanh tra Bộ cũng đã đề nghị Cục C49- Bộ Công an tiến hành cử trinh sát thường xuyên bám sát địa bàn, lấy mẫu khảo sát bí mật trên thị trường đối với các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi. Kết quả trinh sá đã phát hiện nhiều vi phạm ở nhiều tỉnh/thành phố như PC49 tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra bắt giữ 6 tấn thức ăn chăn nuôi của Công ty Thiên Nam (ở tỉnh Bắc Ninh), được gia công tại Công ty TNHH Hải Thăng, có chứa Salbutamol cao hơn ngưỡng cho phép 63 lần.
Thanh tra Bộ đang chỉ đạo Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh thực hiện truy xuất và xử lý hành chính đối với 2 công ty này. PC49 và Thanh tra Sở NN&PTNT Điện Biên đã kiểm tra một cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi phát hiện 30 gói bột màu trắng loại 1 kg, qua kiểm định phát hiện Salbutamol có hàm lượng cao. Thanh tra Bộ đang chỉ đạo truy xuất nơi sản xuất và xử lý triệt để vụ việc.
Cục Thú y cũng đã chỉ đạo các Chi cục địa phương lấy 1457 mẫu nước tiểu và 385 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ, kết quả phát hiện 3 mẫu thịt (chiếm 0,77%), 157 mẫu nước tiểu (chiếm 10,7%) dương tính với Salbutamol.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, qua kiểm tra cho thấy các cơ quan trung ương và địa phương đã phối hợp chặt chẽ, tập trung huy động toàn bộ lực lượng vào cuộc, tổ chức nhiều đoàn thanh kiểm tra đột xuất, truy xuất tận gốc các vụ vi phạm và xử lý nghiêm theo đúng pháp luật.
Đến cuối đợt cao điểm, Thanh tra Bộ cùng C49 đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu 207 mẫu thức ăn chăn nuôi của 32 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại 10 tỉnh thành phố để phân tích chất cấm (59 mẫu phân tích chỉ tiêu Auramine và 148 mẫu phân tích chỉ tiêu Salbutamol). Kết qủa phân tích không phát hiện Salbutamol và Auramine trong toàn bộ 207 mẫu.
Tuy nhiên do việc tăng cường kiểm tra liên tục, đột xuất dẫn đến tình trạng mua bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi càng trở nên tinh vi, khó phát hiện hơn, khó triệt phá hơn; các chế tài xử phạt còn thấp, không đủ sức răn đe, nên nhiều khả năng một số cơ sở chăn nuôi vì lợi nhuận vẫn tiếp tục sử dụng chất cấm.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.