An Giang: Tấm lòng của những người cao tuổi làm việc thiện

2019-08-06 15:59:26 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Làm việc thiện là việc làm tốt đẹp của người dân Việt Nam từ xưa đến nay. Tuy nhiên, những người cao tuổi làm việc thiện là điều đáng khâm phục và trân quý.

Về Long Xuyên, An Giang hỏi thăm ai cũng biết ông Cao Văn Long chuyên đi vá những “ổ gà”, “ổ voi” dễ gây tai nạn giao thông.

Ông Cao Văn Long, ngụ khóm Đông An 4, phường Mỹ Xuyên, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang hàng ngày đi nhặt các mảnh nhựa đường từ các công trình giao thông loại ra, mang về tách lấy phần đá to. Phần nhựa đường và đá nhỏ được ông dùng dầu lửa rải vào và ủ qua đêm để tạo kết dính. Khi dặm vá “ổ voi”, “ổ gà”, ông vệ sinh mặt đường rồi phết dầu, đổ đá và cho phần nhựa đường băm nát xuống, sau đó dùng đá nện mạnh cho bằng và tận dụng các phương tiện lưu thông trên đường giúp bề mặt chỗ được dặm vá thêm kết dính, nén chặt.

Việc đơn giản ông Long làm là sử dụng dầu lửa đốt nóng cho chảy nhựa làm chất kết dính. Tận dụng trời nắng nóng, mình đem nhựa đường ra mấy chỗ cần vá, dằn thêm chút đá mi. Sau đó, dùng búa nện cho tạm dính để nhờ ôtô của người đi đường cán qua.

Những ngày này, trời nắng như đổ lửa nhưng ông Long vẫn cùng chiếc xe đạp cà tàng chở những chiếc giỏ đựng đầy nhựa đá, búa và dầu lửa rong ruổi trên đường để tìm “ổ gà”, “ổ voi”. Phát hiện được điểm nào là ông dùng thanh tre có gắn bọc giấy trắng làm tín hiệu cho các phương tiện lưu thông biết mà tránh.


Ông Cao Văn Long đang vá đường


Xuất phát để ông Long làm việc này, là trước đây mỗi lần chở vợ đi lấy rau cải về bán, thấy nhiều người bị vấp “ổ gà” té gây thương tích nên động lòng. Chính vì vậy, bất kể ngày nắng hay mưa, ông đều đi làm công việc mà nhiều người cho là chuyện bao đồng. Bây giờ thì đỡ tốn kém rồi, vì có một số doanh nghiệp ở địa phương tài trợ cho ông phần nhựa đường và đá. Đường sá lành lặn, người ta đi không gặp tai nạn thì ông thấy vui nhất rồi, còn gì bằng. Đường còn hư, ông còn tiếp tục làm hoài thôi. Ban đầu, nhiều người bảo khùng nhưng ông không nao núng. Ngày qua ngày, mọi người cảm nhận được việc làm ý nghĩa này nên ủng hộ dầu lửa, đá mi rồi cả thứ đắt tiền nhất là nhựa đường.

Lúc đầu, ông Long bỏ tiền túi ra làm dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Đã vậy, khi có được bao nhiêu tiền từ nghề vá xe đạp và một ít tiền lời bán rau cải của vợ thì ông lại dồn hết để mua dầu lửa, đá mi, xi-măng... Gần đây, có một doanh nghiệp tài trợ nhựa đường nên ông đỡ được phần nào cho việc làm thiện nguyện này.

Mới đây, ông Long được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể gửi thư cảm ơn. Thư viết: “Thay mặt ngành giao thông vận tải, tôi xin chân thành cảm ơn ông về việc làm nhân văn và đầy ý nghĩa này... Việc làm, nghĩa cử cao đẹp của ông là tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo”.

Còn ông Nguyễn Minh Lương (tên thường gọi là Út Ổi), 71 tuổi, ngụ phường Mỹ Quý, TP.Long Xuyên, An Giang, hơn 10 năm qua bỏ ra hơn 8 tỉ đồng để xây nhiều cầu kiên cố ở địa phương; dành hàng tỉ đồng giúp người nghèo và hiến đất xây trường học...

Là một nông dân chân chất, ông Lương luôn cần cù lao động, chịu khó và tiết kiệm chi phí sinh hoạt để có tiền mua thêm đất sản xuất. Tuy có tuổi nhưng ông vẫn rất say mê nghiên cứu các giải pháp đảm bảo chất lượng lúa và đạt năng suất cao nhất tại địa phương.

Đều đặn mỗi năm ông hỗ trợ gần 1 tấn gạo sạch cho bà con nghèo, các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, ông còn thường xuyên sát cánh với các trường học để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ các thầy cô giáo, các em học sinh vượt qua khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Thu (74 tuổi, ngụ khóm Mỹ Phú) xúc động nói: “Tôi sống một mình không có người thân, hằng tháng chú Út Ổi đều mang gạo tới nhà giúp rồi còn cho tiền mua thức ăn, mua bảo hiểm y tế. Tui với ổng đâu có bà con gì đâu mà sao ổng tốt với tui quá trời”.

Mỹ Quý tuy là phường nội ô của TP. Long Xuyên nhưng một số tuyến giao thông nông thôn chưa hoàn chỉnh, còn nhiều cầu tạm bợ, cầu xi măng nhỏ hẹp nên việc đi lại, vận chuyển nông sản… của người dân gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, ông Út Ổi đã tự nguyện bỏ số tiền dành dụm trên 8 tỉ đồng để bắt đầu hành trình xây cầu nhân ái trên quê hương mình.

Điều rất khác người là ông chủ trương xây cầu kiên cố, mỗi cây cầu có chiều ngang trên 5m, trong khi những cây cầu cũ chỉ từ 2,5 - 3m. Giải thích về điều này, ông cho biết: “Mỗi lần làm là mỗi lần khó. Vì vậy phải làm kiên cố, to rộng để xe có tải trọng lớn qua lại dễ dàng, giúp người dân mua bán thuận lợi hơn”.


Ông Út Ổi bên cầu Rạch Gòi Lớn 1


Người dân quen gọi những cây cầu bằng cái tên gần gũi là cầu ông Út Ổi, nhưng trên thực tế những cây cầu này ông Út Ổi không bao giờ lấy tên mình để đặt. Cầu đều có tên riêng như cầu Đôi Lớn, Ba Khoái, Rạch Gòi Lớn, Bà Miễu... với kinh phí xây dựng mỗi cầu trên 600 triệu đồng.

Đặc biệt, mới đây hơn 10 công đất của ông được quy hoạch để thi công đường tránh TP.Long Xuyên, được bồi hoàn nhiều tỉ đồng, ông đã tự nguyện đóng góp gần 2 tỉ đồng để xây 2 cây cầu kiên cố ở phường Mỹ Quý, dự kiến khởi công trong tháng 6 này.

Anh Lê Thành Sum, tài xế xe tải, phấn chấn: “Từ hồi có cầu lớn do ông Út xây dựng, thương lái vô ra mua lúa, trái cây, vận chuyển vật liệu xây dựng ì xèo. Nhà nào có người bệnh, chỉ cần điện thoại một tiếng là taxi vô tới tận nhà đưa đi. Dân miệt này biết ơn ông Út nhiều lắm”.

Với những việc làm nhân ái, nghĩa tình, lão nông Út Ổi đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba và nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều bằng khen khác. Ông chia sẻ rất chân chất: “Còn khỏe, còn tiền thì tôi làm từ thiện dài dài. Thấy người ta vui là mình vui theo!”.

Riêng đối với bà bà Nguyễn Thị Lệ Dung (64 tuổi, ngụ ấp Đông Sơn 1, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, An Giang dù trời nắng cũng như mưa, bà đều mang cơm chay trao tận tay các cụ già neo đơn, người bệnh tật đi đứng khó khăn.


Bà Dung trao cơm từ thiện cho người già neo đơn


Trừ chủ nhật, còn lại ngày nào bà Dung cũng làm công việc quen thuộc là đi giao cơm cho 40 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn ở thị trấn Núi Sập. Cứ đến 10 giờ, bà lấy cơm chay ở bếp ăn từ thiện tại Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo thị trấn Núi Sập cho vào 2 giỏ lớn, máng trên chiếc xe Honda 67 cà tàng rồi chạy đi giao cơm. Nhiều người hay tin, muốn ủng hộ tiền xăng xe mỗi tháng vài trăm ngàn đồng nhưng bà từ chối. Ai biết chuyện cũng cảm động trước việc làm đầy tình người này bởi hoàn cảnh bà Dung rất khó khăn. Bà có mẹ già 89 tuổi thường xuyên đau ốm và đứa con trai bị nhiễm chất độc da cam, đi lại phải cần người chăm sóc.

Do đã từng công tác trong Trạm y tế thị trấn Núi Sập, phụ trách về dân số nên bà Dung có điều kiện tiếp xúc, gặp gỡ nhiều hộ đang sống trong cảnh chật vật, neo đơn. Như ông Lê Văn Quý (80 tuổi) đã mất sức lao động lại sống chung với đứa con trai Lê Văn Vũ (41 tuổi) bị dị tật nên lo được bữa cơm hằng ngày khá vất vả.

Ông Nguyễn Văn Hai (69 tuổi) bị bệnh nặng lại sống một mình nên bữa ăn lúc nào cũng chật vật... Bà rất hiểu những trường hợp này nên ấp ủ có ngày góp chút công sức giúp đỡ họ.

Tháng 11/2018, hay tin bếp ăn tình thương của Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo thị trấn Núi Sập hoạt động, bà Dung mừng lắm và đến gặp, trình bày về những hoàn cảnh khó khăn đã biết, với nguyện vọng mang cơm đến trao từng nhà. Bếp ăn tuy cách nhà những cụ già neo đơn, người bệnh tật chỉ vài cây số nhưng họ không đạp xe đạp hay đi bộ đến bếp ăn được do sức khỏe kém. Sau khi nghe bà Dung kể, ban trị sự đã sốt sắng ủng hộ ngay 40 suất cơm chay. Giao xong hết 40 phần cơm, bà tất tả về nhà chăm lo bữa ăn trưa cho mẹ già, con bệnh tật. “Việc giao cơm hằng ngày chỉ là tôi muốn đóng góp chút công sức giúp người nghèo nên dù mưa gió, nắng nôi tới đâu tôi cũng cố gắng. Chỉ mong một điều là ngày càng có nhiều bếp ăn tình thương hơn để những người nghèo được ấm lòng”, bà Dung chia sẻ./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ

Vào lúc 14h ngày 30/9 (theo giờ địa phương), tức 13h (theo giờ Hà Nội), tại Quảng trường Sukhbaatar, thủ đô Ulaanbaatar, Lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sang thăm cấp Nhà nước Mông Cổ từ ngày 30/9 đến 01/10, được tổ chức trọng thể theo nghi thức cao nhất dành cho Nguyên thủ quốc gia.
2024-09-30 16:00:00

NNƯT Trần Thị Huệ: Cống hiến cả cuộc đời để gìn giữ văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu

Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Huệ sinh năm 1958 ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Bà sinh ra trong một gia đình “cha truyền con nối”, nhiều đời có “căn quả” hầu đồng.
2024-09-30 13:36:28

Trực Tuấn (Trực Ninh, Nam Định) xứng danh vùng quê kiểu mẫu

Sau khi đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, xã Trực Tuấn tiếp tục xây dựng NTM bền vững, thiết thực góp phần xây dựng Trực Ninh đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm 2024. Nổi bật nhất ở Trực Tuấn hiện nay là thực hiện công tác phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường.
2024-09-30 08:54:00

Ô tô, xe máy đi thế nào sau vụ sạt lở đất ở Hà Giang?

Tối 29/9, Sở GTVT Hà Giang đã ra thông báo phân phân luồng giao thông do sạt lở taluy dương trên Quốc lộ 2 đoạn qua xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang.
2024-09-30 00:31:29

Sau những vụ TNGT học sinh, CSGT mở cao điểm xử lý vi phạm liên quan học sinh

Từ 1/10 đến 31/10, lực lượng CSGT tăng cường xử lý hành vi vi phạm giao thông với lứa tuổi học sinh, người giao phương tiện cho các em khi chưa đủ điều kiện điều khiển.
2024-09-30 00:14:39

Điều kiện chuyển công tác từ Quân đội nhân dân sang Công an nhân dân

Theo quy định tại Thông tư số 21/2023/TT-BCA và Thông tư số 62/2023/TT-BCA, để được tiếp nhận vào Công an nhân dân, cần đáp ứng các tiêu chuẩn về nhu cầu biên chế, trình độ chuyên môn, tiêu chuẩn chính trị, đạo đức và sức khỏe. Việc xét tuyển sẽ do Hội đồng kiểm tra của Công an địa phương thực hiện theo quy trình quy định.
2024-09-29 23:54:12
Đang tải...