Bản tin Hoà Nhập ngày 10/10/2021: 'Quy định đi lại các tỉnh phải thống nhất toàn quốc, không giấy phép con'

2021-10-10 08:00:00 0 Bình luận
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành quyết liệt chỉ đạo để việc lưu thông và giao thông vận tải thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Các địa phương theo điều tiết chung, không ban hành giấy phép con, không cát cứ, không chia cắt, không để mỗi địa phương làm một kiểu.

Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tưởng niệm Giáo sư Vũ Khiêu

Chiều 9/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới chia buồn với gia đình và tưởng niệm Giáo sư Vũ Khiêu - Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Giáo sư Vũ Khiêu tên thật là Đặng Vũ Khiêu, sinh ngày 19/9/1916, tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Ông từng là Trưởng Ban Tuyên huấn của chiến khu Việt Bắc, thuộc đội cận vệ già, thế hệ cận vệ đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau năm 1954, ông chuyển sang làm nghiên cứu xã hội học và văn hóa. Ông chính là người sáng lập và gây dựng ngành Xã hội học Việt Nam. Là một học giả nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam).

Ông là một trong những người được phong hàm Giáo sư đầu tiên ở Việt Nam. Giáo sư Vũ Khiêu đã xuất bản hàng trăm cuốn sách viết chung và riêng ở nhiều lĩnh vực: Triết học, đạo đức học, văn học, nghệ thuật, văn hóa, xã hội, nghiên cứu và giới thiệu thơ văn, viết về các danh nhân, nhà văn hóa, nhà văn Việt Nam.

Với những cống hiến lớn lao và đặc biệt xuất sắc cho đất nước, Giáo sư Vũ Khiêu đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 1995), phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2000); Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2006), được nhận danh hiệu Công dân ưu tú của Thủ đô Hà Nội (năm 2010) và nhiều phần thưởng cao quý khác…

Thăm hỏi và chia buồn với gia đình, vĩnh biệt Giáo sư Vũ Khiêu - nhà văn hóa lớn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc xúc động viết: Cụ Vũ Khiêu với cuộc đời lao động quên mình đã để lại nhiều tác phẩm văn hóa – lịch sử cho thế hệ mai sau, đặc biệt là những tác phẩm về văn hóa dân tộc và những câu đối nổi tiếng… làm xao động lòng người. Tác phẩm của ông luôn để lại dấu ấn về tinh thần yêu nước cách mạng, giáo dục truyền thống tự hào dân tộc. Tổ quốc và nhân dân ghi nhận những đóng góp của cụ.

Giáo sư - Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Vũ Khiêu đã qua đời vào lúc 12h37 phút ngày 30/9 vừa qua, tại Bệnh viện Hữu Nghị, hưởng thọ 106 tuổi.

Thủ tướng: Giao thông thống nhất trên toàn quốc, địa phương không cát cứ

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (ảnh Nhật Minh)

Tại cuộc họp, lãnh đạo nhiều địa phương đề nghị có hướng dẫn thống nhất việc đón người dân về quê, bảo đảm an toàn, tránh bị động, lúng túng. Đồng thời, nhiều ý kiến cũng cho rằng đã bắt đầu xuất hiện xu hướng người dân trở lại các thành phố, trung tâm công nghiệp, kinh tế lớn để làm việc.

Về vấn đề đi lại, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương bám sát chủ trương chuyển hướng chiến lược đã được thống nhất là từ “zero COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Các địa phương phối hợp với các bộ để mở lại giao thông liên tỉnh, không để giao thông vận tải là điểm nghẽn, không “ngăn sông cấm chợ” để mở cửa nền kinh tế, phục hồi và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ một số việc nổi lên trong hai tuần qua: Người dân trở về quê và từ quê quay trở lại; vận tải, lưu thông hàng hóa còn ách tắc; ứng dụng công nghệ còn trục trặc. Việc chăm lo đời sống nhân dân vẫn còn sót lọt một số đối tượng.

Từ bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế được đúc rút thời gian qua, Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới, phải có tư duy, nhận thức và tổ chức thực hiện đổi mới hơn, sát tình hình thực tế hơn, phù hợp diễn biến tình hình dịch bệnh và yêu cầu khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với việc người dân về quê, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải nắm chắc tình hình, chia sẻ, phối hợp tổ chức thật tốt việc đưa đón người về quê và từ quê trở lại, bảo đảm kiểm soát dịch bệnh và an toàn, an ninh cho nhân dân.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu sớm ban hành hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh một cách phù hợp, hiệu quả và tổ chức thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Các địa phương không ban hành quy định trái với nguyên tắc chung nhưng cũng không cứng nhắc, phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn từng địa bàn, những nội dung nào chưa hợp lý hoặc có cách làm hay hơn thì báo cáo cấp trên để điều chỉnh, bổ sung.

Về giao thông đi lại, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành quyết liệt chỉ đạo để việc lưu thông và giao thông vận tải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, cả hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ. Các địa phương theo điều tiết chung, không ban hành giấy phép con, không cát cứ, không chia cắt.

“Thận trọng, không chủ quan nhưng phải làm, có bước đi, có lộ trình, trước hết thí điểm 1 tuần, sau đó sơ kết, cái gì tốt thì tiếp tục làm, không tốt thì dừng”, Thủ tướng nêu rõ. Bộ GTVT tham khảo ý kiến các địa phương nhưng người quyết định phải là Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Bộ GTVT, đồng thời tăng cường kiểm tra, không để mỗi địa phương làm một kiểu.

Về vắc xin, Thủ tướng giao Bộ Y tế có kế hoạch cụ thể về số lượng tiếp nhận trong những ngày tới, trong tháng 11, tháng 12 và năm 2022; chịu trách nhiệm hướng dẫn và phân bổ, điều tiết. Đối với việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, Thủ tướng lưu ý phải an toàn và hiệu quả, an toàn là yêu cầu số 1, bảo đảm khách quan, trung thực về mặt khoa học, “dứt khoát là như vậy, không bị bất cứ sức ép hay tác động nào”.

Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp chặt chẽ trong việc tích hợp các nền tảng, chia sẻ các dữ liệu để ứng dụng công nghệ thông tin thật hiệu quả. “Dứt khoát trong tuần này phải làm thuận lợi nhất cho người dân. Việc này không nói lại nữa, nếu các đồng chí không làm được thì báo cáo lại Ban Chỉ đạo”, Thủ tướng quyết liệt.

Chiều tối nay, bão số 7 đổ bộ vào đất liền, Hà Nội có gió giật cấp 6-7

Vị trí và đường đi của bão số 7 vào tối 9/10. (Ảnh: NCHMF)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 10/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu cơn bão số 7 nên từ nay đến ngày 12/10, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to. Trong ngày 10-11/10, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa trời chuyển lạnh, vùng núi phía Bắc có nơi trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 19-21 độ C, vùng núi có nơi dưới 18 độ C.

Ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) có gió mạnh cấp 6-7, ngày 10/10 dự báo tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 3-4m, biển động rất mạnh.

Trong ngày và đêm 10/10, trên vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2-4m, biển động mạnh; ở khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao từ 2-3m, biển động.

Từ ngày 10/10, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 6-7, phía Bắc có nơi cấp 8, giật cấp 10; ở Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội có gió giật mạnh cấp 6-7.

Hồi 4 giờ ngày 10/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 100km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 khoảng 120km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 6 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 10 giờ ngày 10/10, vị trí tâm bão ở khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, cách Hải Phòng khoảng 100km, cách Nam Định khoảng 130km, cách Thanh Hóa khoảng 180km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Dự báo trong 6 đến 12 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 10/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 105,9 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo trong 12-24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào. Đến 4 giờ ngày 11/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 104,1 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 18,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.

Thời tiết thủ đô Hà Nội nhiều mây, có mưa to đến rất to. Gió bắc đến tây bắc cấp 3, sau tăng lên cấp 4. Nhiệt độ thấp nhất 19-22 độ C. Nhiệt độ cao nhất 23-25 độ C.

Các tỉnh phía Tây Bắc Bộ nhiều mây, ngày có mưa vừa, mưa to; đêm có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to, riêng Hòa Bình, Nam Sơn La có mưa vừa, mưa to. Gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 19-22 độ C. Nhiệt độ cao nhất 23-26 độ C, có nơi trên 26 độ C.

Khu vực phía Đông Bắc Bộ nhiều mây, ngày có mưa to đến rất to; đêm có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Gió bắc đến tây bắc cấp 3-4, riêng các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội có gió giật mạnh cấp 6-7; vùng ven biển gió mạnh dần lên cấp 6-7, có nơi cấp 8, giật cấp 10. Nhiệt độ thấp nhất 19-22 độ C. Nhiệt độ cao nhất 23-26 độ C.

Các tỉnh Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế nhiều mây, phía Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; phía Nam có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Phía Bắc (Thanh Hóa-Nghệ An) gió tây bắc cấp 3-4, riêng vùng ven biển gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9-10; phía Nam gió tây nam cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 21-24 độ C. Nhiệt độ cao nhất phía Bắc 25-28 độ C, phía Nam 28-31 độ C.

Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mây, có mưa rào và dông vài nơi, riêng phía Nam chiều tối có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Gió tây nam cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C. Nhiệt độ cao nhất 31-34 độ C.

Các tỉnh Tây Nguyên có mây, có mưa rào và dông vài nơi; riêng chiều tối và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Gió tây nam cấp 3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C. Nhiệt độ cao nhất 27-30 độ C.

Các tỉnh Nam Bộ có mây, có mưa rào và dông vài nơi; riêng chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Gió tây nam cấp 3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C. Nhiệt độ cao nhất 29-32 độ C, có nơi trên 32 độ C

Việt Nam chưa xác định thời điểm mở cửa toàn bộ du lịch quốc tế

Ngành du lịch đang tập trung chuẩn bị kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc.

Hiện nay, ngành du lịch đang tập trung chuẩn bị kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc, trong đó UBND tỉnh Kiên Giang là đơn vị chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, ban hành Kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện vào thời điểm phù hợp.

Trong các cuộc họp với tỉnh Kiên Giang, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch khẳng định thời điểm thí điểm mở cửa du lịch quốc tế ở Phú Quốc phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh COVID-19 ở Phú Quốc, tiến độ tiêm phủ vaccine tạo miễn dịch cộng đồng trên đảo, cũng như sự chuẩn bị của địa phương. Hiện, tỉnh Kiên Giang đang khẩn trương triển khai các công tác chuẩn bị liên quan đến y tế, cơ sở vật chất, nhân lực, thủ tục quy trình đón và phục vụ khách… và đang lấy ý kiến các bộ ngành về Kế hoạch thí điểm.

Việt Nam sẽ tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế ở Phú Quốc, trên cơ sở đó xem xét tiếp tục mở rộng ra một số địa phương đủ điều kiện khác.

Theo Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh khẳng định Việt Nam chưa xác định thời điểm mở cửa toàn bộ du lịch quốc tế. Lộ trình mở rộng đón khách du lịch quốc tế ở Việt Nam sẽ được xác định tùy thuộc vào diễn biến thực tế của dịch bệnh, với mục tiêu đảm bảo an toàn cao nhất cho cộng đồng.

Vừa qua, đã có một số địa phương như Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng… bày tỏ mong muốn, đề xuất được đón khách du lịch quốc tế sau khi chương trình thí điểm ở Phú Quốc thành công. Tuy nhiên, lộ trình mở rộng đón khách du lịch quốc tế ở Việt Nam sẽ được xác định tùy thuộc vào diễn biến thực tế của dịch bệnh, với mục tiêu đảm bảo an toàn cao nhất cho cộng đồng. Tinh thần này cũng được khẳng định tại các cuộc họp trong tuần vừa qua giữa Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với 25 địa phương trọng điểm du lịch, với Bộ Ngoại giao và 15 cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài về tái khởi động du lịch, trong đó xác định “An toàn là yếu tố tiên quyết để tái khởi động du lịch trong bối cảnh bình thường mới”.

Cục Hàng không: Yêu cầu lập điểm test nhanh Covid-19 cho hành khách đi máy bay

Ngay sau khi Bộ GTVT ban hành quy định kiểm soát hành khách đi máy bay, chiều ngày 9/10, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã xây dựng phương án test nhanh Covid-19 cho hành khách tại sân bay.

Cụ thể, Cục hàng không Việt Nam yêu cầu các Cảng hàng không, sân bay xây dựng, rà soát phương án, kế hoạch đón, trả hành khách ra vào cảng hàng không bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không, phòng, chống dịch Covid-19.

Cùng với đó, các Cảng hàng không cũng cần bố trí điểm khai báo y tế, quét mã QR; Tổ chức điểm xét nghiệm bằng test kháng nguyên nhanh SARS-CoV-2; bố trí phòng hoặc khu vực cách ly tạm thời đảm bảo thông thoáng.

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu, khu vực bán vé, phòng chờ, nơi hành khách lên, xuống phương tiện cần bảo đảm giãn cách và các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế.

"Trường hợp phát hiện nhân viên hàng không, hành khách có biểu hiện sốt, ho, khó thở, mệt mỏi phải bố trí cách ly và thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để xử lý", Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu.

Đối với các hãng hàng không, cần tổng hợp thông tin hành khách trên chuyến bay và gửi cảng vụ hàng không trước 30 phút so với giờ khởi hành của tàu bay.

Danh sách chuyến bay phân loại nhóm hành khách và tổng hợp theo từng địa phương đến trước khi chuyển cho cảng vụ hàng không theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, Cục Hàng không yêu cầu các Cảng vụ hàng không triển khai phương án tiếp nhận thông tin hành khách do hãng hàng không cung cấp và chuyển thông tin hành khách đến các đầu mối tiếp nhận do địa phương công bố.

Theo quy định tạm thời triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ vừa được Bộ GTVT ban hành, từ ngày 10/10/2021 đến hết ngày 20/10/2021, sẽ thí điểm mỗi ngày tổ chức 38 chuyến bay, gồm 13 chuyến từ TP.HCM đi các tỉnh Bình Định, Đà Nẵng, Huế, Khánh Hoà, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Thanh Hoá, Hải Phòng, Phú Quốc, Gia Lai, Rạch Giá với tần suất 1 chuyến khứ hồi mỗi ngày.

Từ Hà Nội mỗi ngày có 1 chuyến khứ hồi đi TP.HCM và một chuyến khứ hồi đi Đà Nẵng. Ngoài ra còn có 1 chuyến khứ hồi Đà Nẵng - Cần Thơ, 1 chuyến khứ hồi Đà Nẵng - Đắk Lắk, 1 chuyến khứ hồi Hà Nội - Cần Thơ và một chuyến khứ hồi Thanh Hoá - Lâm Đồng.

Riêng đường bay Hà Nội - Cần Thơ sẽ được khai thác linh hoạt khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong thời gian thực hiện thí điểm, Bộ GTVT sẽ tổng hợp tình hình, sơ kết đánh giá, phối hợp các địa phương để đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc bổ sung, điều chỉnh kế hoạch khai thác cho phù hợp với tình hình thực tế trong giai đoạn tiếp theo.

Hai xã ở Thừa Thiên - Huế báo cáo khoản tiền từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên

Sau khi nhận được công văn của Bộ Công an, 2 xã Quảng Thọ và Quảng An (Thừa Thiên - Huế) làm báo cáo về quá trình trao quà từ thiện của ca sĩ Thuỷ Tiên.

Ngày 9/10, ông Trần Phú Cường - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) xác nhận, sau khi nhận công văn của Bộ Công an, UBMTTQ xã làm báo cáo gửi Bộ Công an các chứng cứ, tài liệu về việc phát, cấp quà từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên trên địa bàn xã vào ngày 20/11/2020.

Theo ông Cường, trước khi đoàn từ thiện về Quảng Thọ, họ có liên hệ và nhờ UBMTTQ xã lập danh sách hộ dân nhận quà. Tại buổi trao quà từ thiện, vợ chồng Thủy Tiên - Công Vinh bỏ ra 4 cọc tiền 2 tỷ đồng trước sự chứng nhận của đại diện chính quyền. Sau đó, họ đưa số tiền trên cho UBMTTQ xã kiểm lại trước khi phát. 

Sau khi phát, xã kiểm tra lại số dư và xác nhận vào giấy là đoàn trao 1.965.500.000 đồng cho 1.959 hộ của xã. Theo ông Cường, trong quá trình phát, vợ chồng Thủy Tiên trao theo cảm tính, có người 1 triệu đồng, người 2 triệu đồng tùy hoàn cảnh.

Ông Đặng Ngọc Hải - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Quảng An (huyện Quảng Điền) cho hay, đơn vị có nhận được công văn của Bộ Công an về việc làm từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên trên địa bàn. Xã Quảng An đang làm báo cáo về quá trình trao quà từ thiện của nữ ca sĩ và đầu tuần sau sẽ gửi Bộ Công an.

Tại xã Quảng An, đoàn từ thiện của vợ chồng Thủy Tiên - Công Vinh trao 2.616.500.000 đồng cho 2.632 hộ bị ảnh hưởng lũ lụt. Sau khi trao quà, UBMTTQ xã Quảng An ký văn bản xác nhận số tiền trao quà và gửi thư cảm ơn đoàn từ thiện.

Ông Phan Cảnh Ngưu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) cho biết, cơ quan này chưa nhận được công văn của Bộ Công an đề nghị cung cấp chứng cứ, tài liệu về việc phát, cấp quà từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên trên địa bàn huyện trong đợt mưa lũ cuối năm 2020.

Tuy nhiên, ông Ngưu xác nhận, huyện này có 2 xã Quảng An và Quảng Thọ nhận được công văn của Bộ Công an về sự việc này, vì đoàn từ thiện làm việc trực tiếp và nhờ UBMTTQ các xã lập danh sách người dân nhận quà. 

Theo ông Ngưu, trong đợt 1 (tháng 10/2020), đoàn từ thiện của Thủy Tiên về huyện Quảng Điền để trao quà nhưng không thông qua tổ chức nào. Họ về trực tiếp xã Quảng Vinh, thị trấn Sịa và xã Quảng Phước. Sau đó, ông báo lên UBMTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc đoàn từ thiện Thủy Tiên trao quà một cách tự phát, không thông qua cơ quan chức năng. Ông này cũng khẳng định không ký giấy xác nhận cho đoàn từ thiện của nữ ca sĩ.

Vào đợt 2 (ngày 20/11/2020), vợ chồng Công Vinh - Thủy Tiên về trực tiếp và nhờ 2 xã Quảng An, Quảng Thọ lập danh sách hỗ trợ lũ lụt cho người dân. Sau đó, UBMTTQ 2 xã mời bà con đến nhà văn hóa để trao quà trực tiếp. Tổng số tiền mà đoàn trao ở xã Quảng An là 2.616.500.000 đồng, ở xã Quảng Thọ là 1.965.500.000 đồng.

Bà chủ Trung tâm Thúy Nga công bố lễ tang Phi Nhung ở Mỹ

Như báo chí đã thông tin, hôm 8/10, thi hài ca sĩ Phi Nhung được đưa đi hỏa táng sau 2 tuần cô qua đời. Tối cùng ngày, nghệ sĩ Việt Hương - người được Wendy ủy quyền đã mang tro cốt sang Mỹ để giọng ca Phải lòng con gái Bến Tre đoàn tụ cùng gia đình.

"Chị đã mỉm cười và bay đi. Dù không thể về bên con gái Wendy trong hình hài nguyên vẹn như nguyện ước của con nhưng ca sĩ Phi Nhung cũng đã lên chuyến bay cuối cùng để về bên con gái", quản lý của Phi Nhung chia sẻ.

Trên trang cá nhân, Mạnh Quỳnh cũng đăng tải về cáo phó của Phi Nhung cùng thông tin tang lễ tại Mỹ. Được biết, lễ tang của giọng ca Bông điên điển sẽ được tổ chức tại chùa Huệ Quang vào ngày 12.10 (giờ Mỹ) tại chùa Huệ Quang (California). Nam ca sĩ xúc động viết: “Quỳnh và mọi người sẽ đến tiễn Nhung. Hãy mỉm cười và thanh thản nơi cõi tiên. Vì Nhung đã sống những ngày tuyệt đẹp trong vòng tay yêu thương của bao người nơi cõi hồng trần. Tên Phi Nhung sẽ luôn sống mãi trong lòng người hâm mộ”.

Được biết, tang lễ do bà Marie Tô, Giám đốc Trung tâm Thúy Nga đứng ra tổ chức. Trước đó, bà cũng tiết lộ sẽ thực hiện một buổi lễ thật trang nghiêm cho Phi Nhung khi hài cốt nữ ca sĩ được đưa về Mỹ. “Phi Nhung nên có một tang lễ xứng đáng với tên tuổi của em ấy. Tôi sẽ đứng ra lo tang lễ cho Phi Nhung tại Mỹ”, bà chia sẻ.

20 khách sạn sẽ thành nơi cách ly cho khách đi máy bay đến Hà Nội

Triển khai các đường bay nội địa đi-đến TP Hà Nội (thí điểm từ ngày 10 - 20/10) với chặng TP.HCM và Đà Nẵng, ngày 9/10, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch giao nhiệm vụ các sở ngành liên quan với các phương án cụ thể.

20 khách sạn được UBND TP quyết định thành lập làm cơ sở cách ly y tế tập trung cho các đối tượng đi bằng đường hàng không đến sân bay Nội Bài, phục vụ công tác phòng, chống chống dịch Covid - 19.

Sở Y tế là đầu mối phối hợp tiếp nhận thông tin hành khách về lưu trú tại Hà Nội từ Cảng vụ Hàng không và các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT, thông tin đến các cơ quan liên quan của TP để quản lý, theo dõi hoặc áp dụng các biện pháp cách ly y tế theo các quy định.

Sàng lọc, phân loại, thông báo cho UBND các quận, huyện, thị xã, Bộ Tư lệnh Thủ đô về việc áp dụng các biện pháp cách ly để điều phối, vận chuyển và quản lý, theo dõi y tế. Hướng dẫn, triển khai xét nghiệm đối với hành khách thực hiện cách ly tại các khu cách ly tập trung của TP, các cơ sở lưu trú (khách sạn) hoặc tại nơi cư trú theo các quy định của TƯ và TP.

Bộ Tư lệnh Thủ đô được giao chủ trì phối hợp Sở Y tế, Sở GTVT, Công an TP, UBND các quận, huyện, thị xã đón hành khách cách ly tập trung, đưa về nơi cách ly tập trung.

Công an TP kiểm tra, giám sát đối với hành khách đến sân bay quốc tế Nội Bài, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, kiểm soát với các phương tiện đưa/đón hành khách qua các chốt, phối hợp với Công an các tỉnh, thành khác có liên quan quản lý hành khách đi-đến.

Các đơn vị cũng cần triển khai phương án vận chuyển hành khách đi cách ly (bao gồm cả cách ly tại các khu cách ly tập trung và cách ly tại nơi cư trú/nhà) và sau cách ly về nơi cư trú. Tổ chức giao thông thuận lợi đảm bảo nhu cầu đi lại của hành khách được thông suốt, kiểm soát tại các chốt kiểm dịch ra/vào TP.

Các khách sạn được sử dụng làm cơ sở cách ly tiếp nhận, quản lý, bàn giao công dân sau thời gian cách ly. Kiểm tra, giám sát hoạt động đối với các cơ sở lưu trú đảm bảo công tác phòng chống dịch. Phối hợp với Sở Y tế xây dựng quy trình đón hành khách về cách ly tại cơ sở lưu trú, hướng dẫn các cơ sở lưu trú thực hiện công tác cách ly, chủ động dự phòng nguồn các cơ sở lưu trú làm cơ sở cách ly.

Các quận, huyện, thị xã chỉ đạo việc thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát đối với những người về địa phương theo hướng dẫn của Sở Y tế.

TP cũng đề nghị Cảng vụ Hàng không phối hợp chặt chẽ trong triển khai phương án, kế hoạch đón, trả hành khách ra-vào cảng hàng không bảo đảm phân luồng, phân loại hành khách tại sân bay, chuẩn bị sẵn sàng phòng cách ly y tế để xử lý các trường hợp bất thường.

Tổng hợp thông tin hành khách theo từng địa phương đến sân bay quốc tế Nội Bài trước khi chuyến bay khởi hành trong thời gian sớm nhất…

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Tập đoàn Hateco kỷ niệm 20 thành lập, đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

Ngày 9/11/2024, Tập đoàn Hateco long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (4/11/2004 - 4/11/2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Đảng, Nhà nước trao tặng.
2024-11-10 09:39:37

Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh nhanh nhất trong 20 năm qua

Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024 (diễn ra sáng 9/11), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, với nhiều điểm sáng, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao.
2024-11-10 09:29:50

Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân huyện Vĩnh Bảo

Sáng 9/11, Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Văn Tùng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Đông Lôi 2 (Thắng Thủy, Vĩnh Bảo).
2024-11-09 21:12:15

“Văn hoá tín ngưỡng và kiến trúc nhà thờ, không gian thờ cúng tổ tiên các dòng họ người Việt trong lịch sử”

Vừa qua, chiều ngày 02/11, tại Khách sạn Nesta, 83 phố Hào Nam - Hà Nội, Công ty Cổ phần Viện Phong thuỷ Khoa học Toàn Cầu – thuộc Tập đoàn Xherozone, Hệ sinh thái Phong thuỷ Đại Nam tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên gia Dự thảo nghiên cứu: “Văn hoá tín ngưỡng và kiến trúc nhà thờ, không gian thờ cúng tổ tiên các dòng họ người Việt trong lịch sử”.
2024-11-09 17:15:00

Bản tin Hòa Nhập số 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa phát đi công điện yêu cầu các bộ ngành và địa phương khẩn trương giải quyết dứt điểm những dự án tồn đọng và ngừng thi công, đồng thời triển khai nhanh chóng để hoàn thành và đưa vào sử dụng một cách hiệu quả, tránh tình trạng lãng phí và thất thoát.
2024-11-09 07:55:00

Tạp chí Điện tử Hòa Nhập chúc mừng Hội Phổ biến và Tham vấn Pháp luật Việt Nam

Ngày 8/11, ông Nguyễn Ngọc Quyết – Tổng biên tập Tạp chí Điện tử Hòa Nhập đã tham gia tọa đàm do Hội Phổ biến và Tham vấn Pháp luật Việt Nam tổ chức, nhân kỷ niệm Ngày Pháp luật Việt Nam.
2024-11-08 19:55:00
Đang tải...