Thủ tướng phát động Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 toàn dân: Mục tiêu miễn phí
Việt Nam chính thức triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 toàn dân.
Chiến dịch kéo dài từ tháng 7 đến tháng 4/2022 với mục tiêu chiến lược là tiêm miễn phí hàng năm cho nhân dân để đạt được sự miễn dịch cộng đồng trên toàn quốc.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, đảm bảo tiêm chủng 150 triệu liều vaccine đã đàm phán, đặt mua, tạo miễn dịch cộng đồng trong cuối 2021 và đầu 2022. "Mục tiêu là tiêm chủng nhiều nhất, nhanh nhất để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân", Bộ trưởng nói.
Hôm qua, Bộ Y tế đã công bố mở rộng nhóm ưu tiên tiêm vaccine lên 16 nhóm.
Theo ông Long, chiến dịch lần này có nhiều điểm thay đổi so với hoạt động tiêm chủng toàn quốc trước đây. Việt Nam đã thiết lập hệ thống bảo quản mới do quân đội phụ trách, đảm bảo tiêu chuẩn GSP và vận chuyển vaccine nhanh nhất. Số lượng lớn nhân sự được huy động để tổ chức tiêm. Các điểm tiêm chủng cố định và di động được tổ chức dựa trên mạng lưới hệ thống y tế cơ sở sẵn có, giúp tăng tiến độ bao phủ vaccine. Người đến tiêm cũng được đảm bảo an toàn tối đa nhờ khám sàng lọc, theo dõi sức khỏe sau tiêm, các chuyên gia đầu ngành về điều trị và dự phòng luôn sẵn sàng hỗ trợ tất cả điểm tiêm.
TPHCM vượt mốc 12.000 ca mắc COVID-19
Theo HCDC, từ 18h ngày 10/7 đến 6h ngày 11/7, thành phố ghi nhận thêm 443 ca mắc COVID-19. Các ca bệnh nàyà đã được Bộ Y tế công bố với mã bệnh nhân từ BN27997-BN28439. Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, thành phố đã có hơn 12.000 trường hợp mắc COVID-19.
Cụ thể, 443 trường hợp nhiễm mới được công bố gồm 285 trường hợp là trường hợp tiếp xúc đã được truy vết, được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa, 158 trường hợp đang điều tra dịch tễ. Thành phố đang hoàn tất hồ sơ chi tiết của các trường hợp này.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng, để đáp ứng tính hình số ca F0 ngày càng tăng, hiện TP đang chuẩn bị khoảng 50.000 giường chuyên để tiếp nhận, điều trị. Hiện nay, đã chuẩn bị được 36.000 giường bệnh, trong đó, các bệnh viện chuyên sâu là 6.000 giường, bệnh viện dã chiến thu dung điều trị 30.000 gường.
Dự kiến, trong một tuần nữa sẽ có thêm 30.000 giường. Đây là các giường sẽ được bố trí tại các bệnh viện dã chiến, chuyên điều trị các ca F0 không có triệu chứng.
Xử phạt 203 trường hợp vi phạm sau 2 ngày thực hiện Chỉ thị 16 tại TPHCM
Tổng số tiền phạt các trường hợp về hành vi không đeo khẩu trang, ra đường không có lý do chính đáng... lên đến 389 triệu đồng.
Tại buổi họp báo do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều tối 10/7 để thông tin về tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 sau 2 ngày thực hiện Chỉ thị 16, Thượng tá Lê Mạnh Hà, đại diện Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, để đảm bảo tình hình an ninh trật tự khi triển khai Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, TP Hồ Chí Minh đã triển khai 12 chốt, trạm kiểm soát cấp thành phố và 266 chốt kiểm soát tại các quận, huyện để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.
Theo đó, tính đến 12 giờ trưa ngày 10/7, các chốt kiểm soát của TP Hồ Chí Minh và các quận, huyện đã kiểm tra 51.890 lượt phương tiện gồm ô tô, mô tô, xe chở chuyên gia, xe chở bệnh nhân, công nhân, xe tải… với số người được kiểm tra là 33.624 người. Kết quả đã lập biên bản 203 trường hợp về các hành vi không đeo khẩu trang, ra đường không có lý do chính đáng, mở cửa kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu… với tổng số tiền phạt là 389 triệu đồng.
Sáng 11/7, Việt Nam ghi nhận thêm 607 ca mắc COVID-19
Tính từ 19h ngày 10/7 đến 6h ngày 11/7 có 607 ca mắc mới (BN27864-28470):
+ 01 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại An Giang.
+ 606 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (443), Tiền Giang (46), Vĩnh Long (43), Bình Dương (39), Hậu Giang (9), Bến Tre (7), An Giang (7), Phú Yên (4), Bắc Ninh (3), Bình Phước (2), Cà Mau (1), Quảng Nam (1), Bạc Liêu (1); trong đó 434 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 26.553 ca ghi nhận trong nước và 1.917 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 24.983 ca, trong đó có 6.430 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 12 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Phú Thọ, Nam Định, Quảng Nam, Lào Cai.
Hà Nội có 34 ca mắc Covid-19 trong 6 ngày qua
Tính từ ngày 5-7 đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã có 34 ca mắc Covid-19, trong đó có 21 trường hợp thuộc chùm ca bệnh ở Khu công nghiệp Thăng Long, liên quan đến tỉnh Bắc Giang; 9 trường hợp thuộc chùm ca bệnh tại huyện Mỹ Đức; 4 trường hợp liên quan đến thành phố Hồ Chí Minh (gồm 1 ca ở quận Hoàng Mai, 1 ca ở quận Đống Đa và 2 ca ở quận Thanh Xuân).
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong ngày 10/7 ghi nhận thêm 5 ca dương tính mới với vi rút SARS-Cov-2 đã được cách ly tại Công ty TNHH linh kiện điện tử SEI - Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội), liên quan đến tỉnh Bắc Giang.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.