Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát bằng mọi nguồn lực, với cách làm mới

2024-10-02 01:48:21 0 Bình luận
Chiều 1/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, cơ quan với mục tiêu chậm nhất tới 31/12/2025 phải hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước.

Cùng dự cuộc làm việc có ông Đỗ Văn Chiến (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam); Ông Nguyễn Hòa Bình (Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ) ; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát bằng mọi nguồn lực, với cách làm mới, với mục tiêu chậm nhất tới 31/12/2025 phải hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, theo thống kê qua báo cáo của các tỉnh, thành phố theo tiêu chí do Bộ Xây dựng quy định, đến nay, số nhà còn lại cần hỗ trợ là 153.881 căn, trong đó có 106.967 nhà xây mới (68.565 hộ nghèo, 38.402 hộ cận nghèo), 46.914 nhà sửa chữa (27.188 hộ nghèo, 19.726 hộ cận nghèo). Hiện, thành phố Hà Nội và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Kinh phí cần huy động bổ sung để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo cần khoảng 6.522,877 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí đã huy động được tại lễ phát động phát động Phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đến năm 2025 ngày 13/4/2024 tại Hoà Bình là 320 tỷ đồng; kinh phí địa phương đã vận động được 44,178 tỷ đồng. Mức hỗ trợ là 50 triệu đồng đối với hộ xây mới nhà ở và 25 triệu đồng đối với hộ sửa chữa nhà ở, bằng mức hỗ trợ từ Quỹ Vì người nghèo hiện nay.

Thủ tướng nêu rõ cần thành lập Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, chỉ đạo chung triển khai cả 3 nội dung trên toàn quốc: Hỗ trợ nhà ở với người có công; hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, trên đây là số nhà cần hỗ trợ ngoài Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng giai đoạn 2021-2025 và hỗ trợ nhà ở cho người dân trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia (gồm chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi).

Bộ trưởng cho biết thêm, Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công giai đoạn 1 đã hoàn thành với khoảng 500 nghìn căn nhà (kinh phí khoảng 11 nghìn tỷ đồng); sắp tới sẽ triển khai giai đoạn tiếp theo theo Nghị quyết của Quốc hội, với quy mô sơ bộ khoảng 200 nghìn căn nhà, bằng nguồn ngân sách nhà nước.

Việc hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia có quy mô khoảng 130 nghìn nhà, đến nay đã hoàn thành khoảng 50 nghìn nhà, còn khoảng hơn 80 nghìn nhà cần hoàn thành trong thời gian tới, cũng bằng nguồn ngân sách nhà nước.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025" được phát động từ tháng 4/2024 đã triển khai bước đầu có hiệu quả. Thủ tướng ghi nhận, biểu dương các lực lượng đã tiên phong trong thực hiện phong trào, như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước…

Bên cạnh đó, thực tiễn triển khai phong trào cho thấy cần tiếp tục đổi mới cách làm, phân công công việc cụ thể hơn, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc vào cuối năm 2025, chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, 95 năm thành lập Đảng, 80 năm Quốc khánh, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thủ tướng chia sẻ, qua công tác lãnh đạo chỉ đạo, theo dõi tình hình và khảo sát thực tế gần đây cho thấy, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, cần phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, tự lo cho chính mình của người dân, cùng với sự giúp đỡ của làng xóm, họ hàng, các đoàn thể chính trị-xã hội, như thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh… Nhờ vậy, có những hộ cận nghèo Nhà nước chỉ hỗ trợ hơn 50 triệu đã xây được nhà kiên cố với trị giá hơn 200 triệu đồng, như thực tế ở Hòa Bình mà Thủ tướng chứng kiến.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công giai đoạn 1 đã hoàn thành với khoảng 500 nghìn căn nhà (kinh phí khoảng 11 nghìn tỷ đồng) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng cho biết, bài học kinh nghiệm quan trọng là cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, với cách làm hiệu quả nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương và của cả các gia đình thụ hưởng chính sách; giảm khâu trung gian; từ đó triển khai nhanh chóng, thực chất, hiệu quả, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, thất thoát, người dân thụ hưởng thật.

Khi bắt đầu phát động chương trình này, ước tính có khoảng 170.000 nhà tạm, nhà dột nát cần sửa chữa, xây mới, đến nay còn khoảng hơn 153.000 nhà. Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu trong năm 2025, phải hoàn thành cả 3 nội dung: (i) hỗ trợ nhà ở cho người có công; (ii) hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia; (iii) sửa chữa, xây mới 153.000 nhà trong phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng giao Bộ Công an và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp, rà soát số liệu, thông tin về các hộ gia đình cần hỗ trợ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Phương châm là Nhà nước hỗ trợ, nhân dân làm chủ, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội hỗ trợ, kêu gọi người dân, doanh nghiệp tham gia ủng hộ với tinh thần cả nước chung tay, "ai có gì giúp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều".

Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng nêu rõ cần thành lập Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, chỉ đạo chung triển khai cả 3 nội dung trên toàn quốc: (i) hỗ trợ nhà ở với người có công, (ii), hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia, (iii) xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Thống đốc Ngân hàn Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội làm Phó Trưởng Ban thường trực; thành viên là bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Về nguồn lực, Thủ tướng nêu rõ cần huy động đa dạng nguồn lực từ nguồn lực Nhà nước (các cơ quan cần khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định); nguồn lực xã hội hóa (gồm đóng góp tài chính, góp công, góp của, góp vật liệu và các hình thức giúp đỡ khác như vận chuyển, xây dựng…); nguồn lực từ nỗ lực của chính các gia đình thụ hưởng chính sách; nguồn lực từ làng xóm, họ hàng… và sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp trên cả nước.

Thủ tướng cũng chỉ rõ phương thức là Trung ương, địa phương cùng làm, Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân cùng làm. Ban Chỉ đạo sẽ phân công công việc cụ thể trên cơ sở báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Tại các địa phương (tỉnh, huyện, xã, thôn) thì bí thư cấp ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo. Các cơ quan báo chí, truyền thông xây dựng và thực hiện kế hoạch, đẩy mạnh truyền thông về nội dung này.

Thủ tướng giao Bộ Công an và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp, rà soát số liệu, thông tin về các hộ gia đình cần hỗ trợ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đề nghị phát động cao điểm 450 ngày đêm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên toàn quốc, Thủ tướng nhấn mạnh, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, chúng ta quyết tâm chậm nhất tới 31/12/2025 sẽ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên cả nước.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Thẻ trả góp Muadee tung ‘Deal khủng’ cho người dùng Grab, Be, Ví VNPAY

Thả ga mua sắm mùa cuối năm với loạt siêu ưu đãi từ Thẻ trả góp Muadee by HDBank, trả góp từ 3 đến 4 tháng, 0 đồng trả trước và không lãi suất.
2024-10-31 16:18:46

Tổng Giám đốc VTV Lê Ngọc Quang làm Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình

Tổng Giám đốc VTV Lê Ngọc Quang được Bộ Chính trị điều động, chỉ định giữ chức Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình, nhiệm kỳ 2020- 2025.
2024-10-31 11:00:00

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng: Ý nghĩa và tác động đối với xã hội Việt Nam hiện đại

Chính sách ưu đãi đối với người có công đã và đang trở thành một phần quan trọng trong hệ thống chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước, không chỉ có ý nghĩa tri ân mà còn góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc trong các thế hệ.
2024-10-31 10:23:36

SHB lãi hơn 9 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng, đạt 80% kế hoạch năm 2024

Sau 9 tháng, lợi nhuận trước thuế lũy kế của SHB đạt 9.048 tỷ đồng, thực hiện 80% kế hoạch năm 2024. Bên cạnh phát triển hoạt động kinh doanh, Ngân hàng tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, ủng hộ người nghèo, xóa nhà tạm theo chủ trương của Chính phủ, thực hiện tốt trách nhiệm cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
2024-10-31 09:08:45

Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc hướng tới bước phát triển mới

Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc được thành lập từ năm 2018. Dù thời gian qua còn rất nhiều khó khăn bất cập, nhưng các hội viên luôn đoàn kết phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, ổn định và cải thiện đời sống, phát triển kinh tế gia đình, đồng thời góp phần xây dựng hội ngày càng vững mạnh.
2024-10-31 08:39:43

Hải Phòng phấn đấu phát triển hàng đầu về giáo dục nghề nghiệp

Đó là một trong những nội dung Quyết định số 3473/QĐ-UBND của thành phố Hải Phòng ban hành về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
2024-10-30 21:09:12
Đang tải...