Bản tin Hòa Nhập ngày 8/7/2021: Thông tin cụ thể gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cho người lao động và người thuê lao động
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ áp dụng giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 9/7. Ảnh: TTBC
Từ 0h ngày 9/7, TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày
Chiều tối 7/7, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo công bố quyết định về việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn thành phố từ 0 giờ ngày 9/7, thời gian áp dụng 15 ngày.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay TP Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ với một số biện pháp tăng cường, tuy nhiên diễn biến của dịch COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh vẫn đang rất phức tạp và có nhiều điểm mới khó lường; số người mắc tăng cao, tăng nhanh và dự báo khả năng sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới. Vì vậy, việc siết chặt, nâng cao hơn mức độ của các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đang triển khai là phù hợp với yêu cầu của tình hình hiện nay để có thể nhanh chóng kiểm soát và khống chế dịch bệnh, nhất là các chuỗi dịch chưa rõ nguồn lây.
"Thành phố Hồ Chí Minh xác định việc chống dịch như một cuộc chiến, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết. Do đó, TP Hồ Chí Minh sẽ quyết định sẽ áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn TP Hồ Chí Minh từ 0 giờ ngày 9/7, thời gian áp dụng 15 ngày", ông Nguyễn Thành Phong nói.
Ngày 7/7, cả nước ghi nhận 1.007 ca mắc COVID-19 mới, riêng TP Hồ Chí Minh có 766 ca.
Đức chuyển toàn bộ vaccine AstraZeneca cho các nước thứ ba
Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: PAP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Chính phủ Đức ngày 7/7 đã quyết định từ tháng 8 tới sẽ chuyến giao miễn phí toàn bộ các lô vaccine AstraZeneca mà nước này dự kiến tiếp nhận cho các nước thứ ba.
Một thông cáo được đưa ra sau cuộc họp liên ngành của Chính phủ Đức nhấn mạnh rằng trong bối cảnh tình hình đại dịch và nguồn cung ứng tại Đức cũng như trên thế giới đã được cải thiện, song vẫn hết sức căng thẳng, Chính phủ Đức quyết định cho tới cuối năm 2021 sẽ chuyển giao miễn phí ít nhất 30 triệu liều vaccine AstraZeneca và Johnson&Johnson cho các nước thứ ba, đặc biệt là các nước đang phát triển. Thời điểm cũng như khối lượng chuyển giao sẽ phụ thuộc vào tình hình cung ứng vaccine của Đức. Phần lớn lượng vaccine này (ít nhất 80%) sẽ được phân phối qua cơ chế COVAX của Liên hợp quốc nhằm phân bổ vaccine một cách công bằng.
Cho tới nay, các loại vaccine phòng COVID-19 chủ yếu thuộc về những nước giàu. Đã có nhiều tiếng nói chỉ trích các nước giàu làm quá ít giúp các nước nghèo chống dịch bệnh. Tại Đức, hầu hết người dân chỉ thích tiêm vaccine BioNTech/Pfizer do lo ngại phản ứng phụ cũng như hiệu quả kém hơn của các vaccine khác. Tuần trước, Bộ Y tế Đức thông báo những người đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca sẽ được tiêm mũi 2 là vaccine công nghệ mRNA, như BioNTech/Pfizer hoặc Moderna.
Bình Định: Tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT qua Zalo
Năm nay, phụ huynh, thí sinh tại tỉnh Bình Định chỉ cần nhắn tin số báo danh vào trang “Chính quyền điện tử tỉnh Bình Định” trên Zalo sẽ biết điểm thi tốt nghiệp THPT 2021.
Theo Báo Nhân Dân. Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bình Định thông tin. Sau khi thống nhất với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông đã chuẩn bị các điều kiện liên quan để chính thức mở kênh tra cứu kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 trên trang “Chính quyền điện tử tỉnh Bình Định” trên Zalo. Việc tra cứu này hoàn toàn miễn phí.
Để tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT 2021, ngay trên ứng dụng Zalo, phụ huynh, học sinh tìm kiếm "Chính quyền điện tử tỉnh Bình Định" hoặc quét mã QR bên dưới và quan tâm trang. Tại mục "Tiện ích", phụ huynh, học sinh chọn chức năng "Tra cứu điểm thi THPT 2021". Sau đó, nhập số báo danh và nhận về kết quả.
Việc triển khai tra cứu điểm thi trên Zalo của tỉnh Bình Định là nỗ lực của địa phương này nhằm mang đến sự thuận tiện hơn cho phụ huynh, học sinh và cũng bảo đảm thực hiện được các mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19. Dự kiến, ngày 26/7, điểm thi sẽ được công bố tới các thí sinh.
“Việc đa dạng các hình thức tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh chóng, chính xác tránh tình trạng các hệ thống bị nghẽn mạng khi số lượng người truy cập lớn và đặc biệt là hạn chế việc tập trung đông người trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp", đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định cho biết thêm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021
Ngày 7/7, Bộ GD&ĐT có công văn gửi các cơ sở giáo dục đại học; các trường cao đẳng tuyển sinh ngành Giáo dục Mầm non về việc hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021 trong tình hình dịch bệnh Covid-19.
Công văn nêu rõ, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại một số địa phương, thực hiện chủ trương chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tình hình chống dịch bệnh, toàn ngành Giáo dục đã và đang nỗ lực để tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 trong các ngày 7-08/7/2021 và xét tuyển đại học, cao đẳng (ngành Giáo dục Mầm non) theo kế hoạch năm 2021.
Tuy nhiên, nhiều thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 của cả nước và thí sinh ở một số địa phương phải thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ không thể tham dự Kỳ thi đợt 1 và sẽ tham dự đợt sau vào thời điểm thích hợp.
Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng tuyển sinh ngành Giáo dục Mầm non (sau đây gọi là các trường) nâng cao tinh thần trách nhiệm; cùng chia sẻ, phối hợp để tổ chức kỳ thi, xét tuyển an toàn, nghiêm túc, sẵn sàng điều chỉnh và thực hiện công tác tuyển sinh phù hợp với kế hoạch thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh dịch Covid-19 công bằng, khách quan và đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Đồng thời, các trường chuẩn bị sẵn sàng phương án xét tuyển sử dụng kết quả Kỳ thi phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh tại các địa phương. Cụ thể như sau:
Căn cứ quy định tại Điều 3 Thông tư số 09/2020/TT-BGDĐT ngày 7/5/2020, Khoản 12 Điều 1 Thông tư số 16/2021/TT-BGDĐT ngày 1/6/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09/2020/TT-BGDĐT, Công văn số 1444/BGDĐT-GDĐH ngày 14/4/2021 hướng dẫn công tác tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, các trường thực hiện một số nội dung sau:
Đối với các thí sinh đăng ký xét tuyển bằng các phương thức không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, căn cứ kế hoạch tuyển sinh của trường và hồ sơ của thí sinh đăng ký xét tuyển; các trường công bố công khai điều kiện trúng tuyển vào trường theo các phương thức này để thí sinh nhập học khi được công nhận tốt nghiệp THPT, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh chưa tham dự Kỳ thi trong các ngày 7-8/7/2021 do Covid-19 nêu trên.
Các trường có tổ chức kiểm tra năng khiếu hoặc thi tuyển sinh riêng, phải căn cứ tình hình diễn biến của dịch Covid-19 xem xét điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh cho phù hợp, đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT.
Về công tác xét tuyển đại học, xét tuyển cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non đối với các thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT: Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh lịch xét tuyển đã dự kiến tại Công văn số 1444/BGDĐT-GDĐH để có thể xét tuyển chung từ kết quả của cả 2 đợt thi, như đã thực hiện năm 2020.
Trong trường hợp vì lý do bất khả kháng mà Kỳ thi đợt 2 được tổ chức muộn hơn nhiều, dẫn tới không thể tổ chức xét tuyển chung với thí sinh đã tham dự Kỳ thi đợt 1, Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn kịp thời, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của thí sinh, đồng thời không ảnh hưởng lớn tới kế hoạch năm học của các trường.
Từ ngày 8/7, triển khai lập tức gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì cuộc họp báo ngày 7/7 tại Hà Nội. ẢNh VOV
Từ ngày 8/7, người lao động và người sử dụng lao động có thể tiếp cận gói hỗ trợ khó khăn do COVID-19 trị giá 26.000 tỷ đồng của Chính phủ. Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đưa ra tại cuộc họp báo công bố Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 7/7 tại Hà Nội.
Nhấn mạnh chưa bao giờ có gói hỗ trợ nào "táo bạo" như lần này, tất cả vì mục đích người lao động, chủ sử dụng lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, rút kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số 68/NQ-CP tạo điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; các cấp, các ngành, địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai; đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện. Nghị quyết 68/NQ-CP tập trung hỗ trợ đối tượng người lao động và người sử dụng lao động để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Quyết định số 23 hướng dẫn cụ thể các điều kiện, thủ tục triển khai 10 chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP. Quyết định được xây dựng dựa trên mục tiêu đơn giản hoá, cắt giảm thủ tục, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các thủ tục hỗ trợ để người lao động, người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận sớm nhận được hỗ trợ nhưng vẫn đúng quy định- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
“Chính phủ đã tổng hợp toàn bộ các chủ trương, thủ tục hành chính, những điều kiện để bắt đầu từ ngày mai doanh nghiệp có thể vay vốn. Ngay ngày mai, Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai toàn bộ hệ thống của mình. Doanh nghiệp tiếp cận chủ trương nhanh bao nhiêu thì được hưởng chính sách nhanh bấy nhiêu”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Dẫn chứng năm 2020, Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng có thời gian giải quyết thủ tục cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc có thể lên tới 1 tháng 10 ngày, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: Theo quyết định 23 vừa được ban hành, thời gian tối đa giải quyết thủ tục của chính sách này chỉ còn 7 ngày gồm 4 ngày tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và 3 ngày giải ngân tái cấp vốn.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn cụ thể các điều kiện, thủ tục triển khai 10 chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP gồm: Giảm mức đón bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình hộ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ lao động ngừng việc; hỗ trợ lao động mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch, hỗ trợ hộ kinh doanh; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Các thủ tục hành chính thực hiện chính sách theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đều đơn giản hoá và rút ngắn tối đa thời gian giải quyết hồ sơ.
Đối với chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Đây là chính sách mới, giúp người sử dụng lao động có thêm nguồn vốn để trả lương cho người lao động, dành thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Việc triển khai thực hiện chính sách theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian giải quyết việc hỗ trợ, người sử dụng lao động tự kê khai và chịu trách nhiệm với kê khai của mình.
Theo đó, người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.