Bản tin Hòa Nhập ngày 7/12/2021: Số người đăng ký chơi chứng khoán đang tăng cao kỷ lục
Cán bộ đo huyết áp trước khi tiêm vaccine cho người dân tại một điểm tiêm ở TP Thủ Đức. Ảnh: Phạm Ngôn.
Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng vừa ký tờ trình gửi UBND TP.HCM hôm 4/12 về dự thảo Kế hoạch tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 liều bổ sung và nhắc lại tại TP.HCM.
Theo đó, TP.HCM sẽ tiêm vaccine liều bổ sung cho người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch, cụ thể như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang hoặc đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong vòng 6 tháng...
Các trường hợp này phải tiêm mũi vaccine cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày. Người 50 tuổi trở lên được ưu tiên.
Sở Y tế đề xuất bắt đầu tiêm theo kế hoạch từ 10/12. Tùy theo nguồn vaccine, sở dự kiến chia 2 giai đoạn.
Cụ thể, tháng 12/2021 tập trung tiêm cho người bệnh suy giảm miễn dịch đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày và người đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng.
Trong năm 2022, TP tiếp tục tiêm cho người đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng theo thứ tự ưu tiên; tiếp tục tiêm cho người bệnh suy giảm miễn dịch đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày; đảm bảo phủ liều nhắc cho toàn bộ người trên 18 tuối sống tại TP vào cuối năm 2022.
Các ngân hàng bơm gần 127.000 tỷ ra thị trường trong tháng 11
Bình quân các ngân hàng đã bơm ròng 4.220 tỷ đồng/ngày ra thị trường qua kênh cho vay trong tháng 11.
Đây là số tiền được các ngân hàng bơm ròng ra thị trường thông qua kênh cho vay, số này đã tăng gần gấp đôi so với tháng 10 và gấp 3 lần so với tháng 8-9 trước đó.
Cụ thể, số liệu công ty chứng khoán này ghi nhận được cho biết trong tuần đầu tiên của tháng 12, Ngân hàng Nhà nước đã dừng các hoạt động bơm tiền vào hệ thống ngân hàng thương mại thông qua kênh mua ngoại tệ giao ngay.
Trong khi đó, kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO) vẫn chưa được cơ quan quản lý tiền tệ giao dịch trở lại.
Như vậy, chỉ trong tháng 11, các ngân hàng thương mại đã cung cấp khoảng 126.600 tỷ đồng tín dụng ra thị trường, tương đương mức bơm ròng 4.200 tỷ đồng/ngày.
So với tháng 10 trước đó, số tiền ngân hàng bơm ròng ra thị trường qua kênh cho vay này đã tăng gần gấp đôi. Còn nếu so với giai đoạn tháng 8-9, số cho vay ra thị trường tháng gần nhất đã tăng gấp 3 lần.
Theo các chuyên gia phân tích tại SSI Research, tín dụng tăng trưởng tốt là tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang phục hồi tốt sau đại dịch, cùng với đó là sự cải thiện của các số liệu vĩ mô tháng 11.
Hà Nội: Địa phương nào có thể dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu do dịch bệnh
Hà Nội có thể dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu tùy theo cấp độ dịch. Ảnh minh họa.
Tùy theo cấp độ dịch, các quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội có thể hạn chế/dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu như các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các hoạt động, sự kiện tập trung đông người...để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Các địa phương cũng căn cứ Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP để đánh giá cấp độ dịch tại địa phương trên quy mô xã, phường, thị trấn và nhỏ nhất có thể để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp hành chính phù hợp bảo đảm công tác phòng, chống dịch theo từng cấp độ, bao gồm việc hạn chế/dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn tùy theo cấp độ dịch (như các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các hoạt động, sự kiện tập trung đông người...); báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố theo quy định.
Các quận, huyện, thị xã cũng huy động nguồn lực tại địa phương, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải chủ động thực hiện việc điều phối, vận chuyển người bệnh Covid-19 nhẹ và không triệu chứng (tầng 1), vận chuyển mẫu bệnh phẩm, người tiếp xúc gần (F1)... trên địa bàn đến các cơ sở cách ly, thu dung, điều trị khi cần vận chuyển theo chỉ đạo tại Công điện số 26/CĐ-UBND ngày 2/12/2021 của UBND TP.
Số ca tử vong do COVID-19 tại TP.HCM cao nhất trong 2 tháng qua
Ảnh minh họa.
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, số ca tử vong do COVID-19 tại TP ghi nhận trong ngày 5/12 lên đến 94 trường hợp, cao nhất trong hơn 2 tháng qua.
Cụ thể, tính đến 18h ngày 5/12, có gần 479.000 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố. Hiện TP đang điều trị cho hơn 13.600 bệnh nhân, trong đó có 497 trẻ em dưới 16 tuổi, 431 bệnh nhân nặng đang thở máy, 14 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Đáng quan ngại là số ca tử vong trong ngày 5/12 lên đến 94 trường hợp, cao nhất trong hơn 2 tháng qua (ngày 4/10 có 104 ca tử vong), nâng tổng số người tử vong do COVID-19 tại TP.HCM đến nay là 18.498 trường hợp.
Phân tích tình hình tử vong những ngày qua, ngành y tế TP cho biết chủ yếu là người có bệnh nền, cao tuổi, có người chưa hề tiêm mũi vaccine nào. Do đó ngành y tế đang rà soát danh sách từng người trên 65 tuổi, để y tế địa phương nắm và tư vấn sức khoẻ và theo dõi sát. Trong trường hợp người có nguy cơ thành F0 sẽ được hướng dẫn chữa trị tập trung hoặc tại nhà.
Hà Nam: Phát hiện bé gái 5 ngày tuổi bị bỏ rơi trước cổng chùa
Bé gái bị bỏ rơi.
Ngày 6/12, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, ông Đinh Xuân Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam cho biết vào hồi 18h30 ngày 5/12 tại cổng Chùa thôn Vũ Xá, xã Tiêu Động bà Lê Thị Thược pháp danh Thích Đàm Định trụ trì Chùa thôn Vũ Xá đã phát hiện một cháu bé gái sơ sinh bị bỏ rơi trước cổng chùa.
Bé gái khoảng 5 ngày tuổi, cân nặng khoảng 3,5 kg. Cháu bé được mặc bộ quần áo sơ sinh, đặt trong thùng bìa cát tông (nhãn hùng mác Công ty bánh kẹo Tràng An), trong thùng cháu bé nằm có một tờ giấy ghi dòng chữ “Do hoàn cảnh con không nuôi được, tôi nhờ nhà chùa nuôi giúp”. Tại cổ chân trái của cháu bé có gắn mã thẻ sơ sinh, tên mẹ “Lê.T. Hoa” tên con là “Lê Thị Hồng”, sinh ngày 30/11/2021, tài sản kèm theo là 1 túi quần áo và đồ sơ sinh, ngoài ra không có giấy tờ, đồ vật hay tiền mặt nào khác.
Ông Hải cho biết thêm, hiện nay, UBND xã Tiêu Động đã giao cho bà Lê Thị Thược pháp danh Thích Đàm Định trụ trì Chùa thôn Vũ Xá tạm thời chăm sóc, nuôi dưỡng cháu bé. UBND xã Tiêu Động thông báo, Ai là cha, mẹ đẻ của cháu bé khoảng 5 ngày tuổi ở cổng chùa thì đến liên hệ với UBND xã Tiêu Động huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam để làm thủ tục nhận lại con.
Hơn 220.000 tài khoản chứng khoán mở trong tháng 11
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), trong tháng 11, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã mở tổng cộng 221.314 tài khoản giao dịch chứng khoán. Đây là con số cao kỷ lục trong một tháng, thậm chí còn cao hơn con số đạt được trong cả năm 2019 (192.567 tài khoản).
Trong đó nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới ở mức kỷ lục 220.602 tài khoản, tăng hơn 70% so với tháng liền trước. Tổ chức trong nước cũng mở thêm 215 tài khoản.
Đây cũng là tháng thứ 9 liên tiếp số tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước duy trì ở mức trên 100.000 mỗi tháng và là lần đầu tiên có trên 200.000 tài khoản được mở mới.
Như vậy nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản chứng khoán lũy kế từ đầu năm, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017, 2018, 2019 và 2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản).
Tính tới cuối tháng 11, tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước hiện đạt hơn 4 triệu, tương đương khoảng 4,1% dân số. Dù vậy đây vẫn là tỷ lệ thấp hơn nhiều so với các quốc gia phát triển trong khu vực và cách xa mục tiêu đạt 8% dân số vào năm 2030.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.