Bên trong địa ngục trần gian tại Indonesia
Vì không đủ nguồn nhân lực cũng như cơ sở hạ tầng cần thiết, chính quyền Indonesia đang khiến hàng chục nghìn bệnh nhân tâm thần phải lâm vào cảnh "sống không bằng chết".
Hiện có tới 19,000 bệnh nhân tâm thần ở Indonesia đang phải sống trong địa ngục.
Pasung - phương pháp trị liệu hay hình phạt khổ sai?
Dù bị cấm đã lâu nhưng Pasung vẫn khá phổ biến tại Indonesia.
Bị cấm từ năm 1977, Pasung được coi là phương pháp điều trị tâm thần kinh khủng nhất nhì Indonesia. Cụ thể, người bệnh sẽ bị lột sạch quần áo và không được quyền tắm rửa. Tiếp đó, tay chân họ cũng bị trói bằng đủ loại xiềng xích rồi phải chịu cảnh giam giữ trong lồng sắt suốt vài tháng hoặc thậm chí là vài năm trời.
Theo báo cáo gần đây của chính quyền nước này, tổng cộng có khoảng 75,000 người Indonesia đã từng trải qua Pasung ít nhất một lần trong đời. Trong đó, có 18,800 người vẫn đang trong quá trình trị liệu. Tuy nhiên, dữ liệu về tỉ lệ bệnh nhân hồi phục thông qua phương pháp này lại không hề được công bố rộng rãi.
Địa ngục trần gian và những câu chuyện không bao giờ có hồi kết
Vì thiếu cơ sở vật chất nên chính quyền nước này vẫn chưa thể hoàn toàn bài trừ Pasung.
Chia sẻ với Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), một người cha có con gái phải trị bệnh suốt 15 năm trời cho biết: "Vì lo sợ con sẽ bị bỏ bùa mê và do không đủ tiền khám bác sĩ, gia đình tôi đành phải đưa con bé vào chốn địa ngục này. Trong suốt những năm vừa qua, con gái tôi chưa bao giờ được tắm rửa hay được cho bộ quần áo nào tử tế. Thậm chí, nó còn luôn bị lũ trẻ gần đó bắt nạt. Mối liên hệ duy nhất của nó với cuộc sống bên ngoài chỉ là lỗ hổng đưa bữa ăn tới 2 lần trong 1 ngày mà thôi." .
Nhận thấy tầm nghiêm trọng của thực trạng này, chính quyền Indonesia tuyên bố họ sẽ nỗ lực hết sức để hoàn toàn bài trừ sự bùng nổ của Pasung vào năm 2019. Tuy nhiên, đây vốn không phải là vấn đề có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Bởi chỉ có 4 nơi trong tổng số 34 tỉnh thành của Indonesia có bệnh viện cùng các bác sĩ tâm thần. Thêm vào đó, HRW cũng chỉ ra rằng, quốc gia vạn đảo này cũng đang thiếu thốn thiết bị và cơ sở vật chất trầm trọng. Theo đó, người bệnh có khả năng sẽ bị bạo lực tình dục tương đối cao.
Hiện HRW vẫn đang tích cực làm việc với chính phủ Indonesia nhằm tìm ra hướng đi mới, đập tan chốn địa ngục man rợ này và đem lại ánh sáng cho vô vàn bệnh nhân tâm thần. Hy vọng trong tương lai gần, chúng ta sẽ không còn phải nghe kể về cuộc sống giam cầm đáng sợ của những mảnh đời bất hạnh thêm nữa.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.