Bộ GD&ĐT: Ý thức phân luồng nghề nghiệp của thí sinh ngày càng rõ ràng hơn
2016-09-01 11:06:22
0 Bình luận
Ngày 31/8 là hạn cuối cùng thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung đợt 1. Tuy vậy, rất ít trường nhận được số lượng hồ sơ bằng chỉ tiêu cần tuyển.
Sau khi kết thúc đợt xét tuyển bổ sung, số lượng nộp hồ sơ vào trường Đại học Đà Nẵng chỉ chiếm khoảng 2/3 trong số gần 3.700 chỉ tiêu cần bổ sung.
Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng, chiều nay 1/9, Hội đồng tuyển sinh của trường sẽ họp để xác định điểm chuẩn. Tuy nhiên, đợt này cũng khó xác định tỷ lệ ảo. Đợt trước, nhiều trường nói đã xác định ảo tới 50% nhưng thực tế, số ảo còn cao hơn.
Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, ông Nguyễn Phong Điền cũng cho hay, trường nhận được gần 1.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển vào 820 chỉ tiêu tuyển bổ sung của trường. Ông Điền cũng cho biết, nhóm GX sẽ họp và thống nhất phương án điểm chuẩn sau đó công bố vào hôm nay 1/9.
Còn tại ĐH Lâm nghiệp, đại diện nhà trường cho biết, số lượng hồ sơ đổ về trường không nhiều và cũng còn lâu mới “cán đích” đủ chỉ tiêu tuyển bổ sung. Không những thế, nhà trường cũng lo ngại với những thí sinh đã nộp giấy báo kết quả thi về trường đợt trước không biết có đến đủ 100% lúc làm thủ tục nhập học vào đầu tháng 9 không hay lại “đánh tháo”.
Tuy nhiên, khối các trường ngoài công lập mới thực sự gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh năm nay. Ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và công nghệ cho biết, trường mới thu được 500 hồ sơ cho 2.000 chỉ tiêu. Như vậy thí sinh đã đi đâu? Đây là câu hỏi của nhiều trường đặt ra sau khi kết thúc đợt xét tuyển bổ sung lần 1.
Kết thúc xét tuyển bổ sung đợt 1 nhiều trường vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu. Ảnh minh họa: VietNamNet |
Trước việc nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu ngay cả dùng biện pháp xét tuyển bổ sung, vậy thí sinh đã đi đâu? Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng: Ý thức phân luồng của thí sinh ngày nay rõ ràng hơn rất nhiều. Những thí sinh thấy khả năng học đại học không tốt thì đã chọn đi học nghề ngay từ đầu. Số liệu thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm nay cho thấy có đến 30% thí sinh chỉ dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, không có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Cũng theo Thứ trưởng Ga, hiện học phí ngày càng tăng cả các trường công lập lẫn các trường ngoài công lập đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự lựa chọn của một bộ phận thí sinh. Nếu như trước đây khi học phí thấp, sinh viên không phải tốn kém nhiều nên tâm lý chung là cứ vào đại học để có bằng, việc làm tính sau. Nay học phí cao hơn, thí sinh buộc phải tính toán về hiệu quả đầu tư.
Ngoài ra, các thông tin về thị trường lao động, tỉ lệ thất nghiệp… đã có những tác động nhất định đến việc lựa chọn của thí sinh. Trong khi nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tuyển số lượng lớn lao động phổ thông, đào tạo kỹ năng ngắn hạn để làm việc có thu nhập ngay thì việc học đại học dài hạn nhưng tương lai chưa chắc tìm được việc làm cũng đã khiến nhiều thí sinh chùn bước.
Ngoài những tác động của thị trường lao động thì mục tiêu, chương trình đào tạo tại các trường đại học của chúng ta tuy đã có nhiều đổi mới trong những năm qua nhưng vẫn còn chậm. Đào tạo của nhiều trường vẫn còn hướng sinh viên tốt nghiệp tìm việc làm ở cơ quan, doanh nghiệp… có sẵn, chưa tập dợt cho sinh viên ý thức nóng bỏng về khởi nghiệp, sáng tạo, tự tạo việc làm cho chính mình và cho người khác. Đó là thực tế mà các trường cần tiếp tục đổi mới để thu hút người học.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo phapluatplus.vn