Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà: Tạo 4 đột phá lớn trong năm 2018

2018-02-18 09:55:11 0 Bình luận
Bước sang năm mới 2018, toàn ngành tài nguyên và môi trường thực hiện phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” trong triển khai nhiệm vụ. Đồng hành với địa phương kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn để tạo được 4 đột phá lớn về thể chế, huy động nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường và chất lượng dịch vụ công.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ những băn khoăn, trăn trở về công tác chỉ đạo điều hành trong năm 2017. Ảnh: VGP/Thu Cúc


Đây là thông điệp và cũng là những băn khoăn, trăn trở của Bộ trưởng Trần Hồng Hà khi đảm nhiệm cương vị người đứng đầu ngành TN&MT. Là Bộ “trẻ” nhất trong Chính phủ, Bộ TN&MT đã có nhiều giải pháp đột phá, quyết liệt để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Sau một năm với nhiều sự kiện đáng nhớ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chia sẻ với PV Cổng Thông tin điện tử Chính phủ một số khía cạnh về cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, khai thác khoáng sản, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và những kế hoạch, dự định của ngành trong năm Mậu Tuất.

Thưa Bộ trưởng, với cương vị là “tư lệnh” của ngành quản lý 8 lĩnh vực “nóng”, được dư luận quan tâm như đất đai, khoáng sản, môi trường… Bộ trưởng có thể cho biết những điểm nhấn trong công tác chỉ đạo điều hành của ngành tài nguyên và môi trường trong năm 2017?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Với ngành TN&MT, có thể nói năm 2017 là chủ động tạo nền tảng để tạo thế và lực cho những đột phá trong những năm tiếp theo.

Điểm nhấn đầu tiên là về mặt thể chế. Năm 2017, nhiều chính sách mới được ban hành tháo gỡ được nhiều khó khăn để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao hiệu quản quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Ví dụ như Nghị định số 01/2017/NĐ-CP được các địa phương, doanh nghiệp, dư luận đánh giá cao; đã tháo gỡ cơ bản các vướng mắc về đất đai, thị trường bất động sản. Đặc biệt đã bổ sung quy định “cởi trói” cho nông nghiệp; cho phép nông dân được linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa nếu việc chuyển đổi không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại.

Thứ hai, có thể nói đây là năm của cải cách TTHC, cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp được chúng tôi hết sức chú trọng với việc tiếp nhận giải quyết theo hình thức trực tuyến đối với 71 thủ tục; thực hiện liên thông 11 thủ tục trong 3 lĩnh vực môi trường, nước và biển, đảo; đề xuất cắt giảm 45% điều kiện kinh doanh; rút ngắn 1/3-1/2 thời gian thực hiện các thủ tục về cấp giấy chứng nhận.

Thứ ba, trước nguy cơ lớn do BĐKH, phát triển nội tại cũng như các tác động từ thượng nguồn đối với vùng ĐBSCL, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành tổ chức Hội nghị huy động sáng kiến và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Đây là mô hình điểm để nhân rộng ra các vùng trên cả nước thời gian tới.

Thứ tư, kết quả công tác quản lý, sử dụng đất đai có sự chuyển biến rất rõ nét. Một vấn đề gây bức xúc cho dư luận trong thời gian trước đây như lãng phí đất đai, chậm đưa đất vào sử dụng... năm 2017 đã được giải quyết tốt (giảm gần 78.000 ha).

Thứ năm, đã tạo ra những chuyển biến lớn, chuyển dần từ thế bị động sang chủ động kiểm soát, phòng ngừa không để phát sinh các sự cố, điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bộ đang khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiểm soát đặc biệt các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nhằm chủ động kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa, không để xảy ra các sự cố môi trường ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Những chính sách điều hành của Bộ TN&MT năm 2017 đã thể hiện sự linh hoạt, trách nhiệm. Ví dụ việc thay đổi phương án nhận chìm vật chất biển Vĩnh Tân; chưa áp dụng quy định tại Khoản 5 Điều 6 Thông tư số 33/2017/TT. Qua những sự việc cụ thể như vậy, có thể rút ra được kinh nghiệm gì trong công tác chỉ đạo, điều hành, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Theo tôi, có 3 kinh nghiệm được rút ra trong công tác chỉ đạo điều hành là: Mọi chủ trương, chính sách đều phải xuất phát từ yêu cầu phát triển của thực tiễn, mong muốn, nguyện vọng của nhân dân. Quá trình xây dựng, ban hành cần thực hiện tốt từ việc lấy ý kiến rộng rãi; lắng nghe ý kiến nhiều chiều; dự báo, đánh giá đầy đủ các tác động để trên cơ sở đó cân nhắc nhiều mặt trước khi ban hành.

Bên cạnh đó, các chủ trương, chính sách dù là phù hợp với pháp luật nhưng phải bảo đảm các điều kiện để triển khai thực thi trong thực tiễn; bởi chủ trương chính sách dù có đổi mới, dù có ưu việt nhưng không đủ các điều kiện để thực thi thì cũng sẽ không đi vào thực tiễn, thậm chí tạo sự lo lắng trong dư luận xã hội.

Các chủ trương, chính sách đúng đắn cần được thông tin tuyên truyền một cách đầy đủ để người dân hiểu rõ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tạo sự đồng thuận trong xã hội cũng như bảo đảm thuận lợi cho quá trình thực thi.

Cuối cùng, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tham vấn cộng đồng trong việc xây dựng và đánh giá chính sách.

Có thể nói, trong năm 2017, cải cách thủ tục hành chính là một điểm nhấn rõ nét trong công tác chỉ đạo điều hành, được Bộ TN&MT chú trọng thực hiện nhưng thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc. Trong năm 2018, vấn đề cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được thực hiện như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nhất là với 2 lĩnh vực phức tạp là đất đai và khoáng sản, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Cùng với quyết tâm của Chính phủ, năm 2017, Bộ TN&NT thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp cải cách thủ tục hành chính. Có thể kể đến việc đề xuất để cắt giảm khoảng 45% điều kiện đầu tư kinh doanh lĩnh vực tài nguyên và môi trường, liên thông thủ tục hành chính để tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp, thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4…

Có thể nói, lĩnh vực tài nguyên và môi trường là lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Ở từng lĩnh vực cụ thể như đối với đất đai, cùng với việc hoàn thiện sửa đổi Luật Đất đai, Bộ tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai, cải cách hành chính liên quan đến đất đai, đơn giản hoá thủ tục cấp giấy chứng nhận, đăng ký giao dịch bảo đảm, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện liên thông TTHC với cơ quan thuế, nhân rông thực hiện liên thông thuế, kết nối, trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên và môi trường.

Đối với lĩnh vực khoáng sản, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, cắt giảm các điều kiện đầu tư, kinh doanh đối với lĩnh vực khoáng sản, nghiên cứu để tiếp tục thực hiện việc liên thông TTHC giữa môi trường và khoáng sản; tiếp tục rà soát, đánh giá các TTHC trong lĩnh vực khoáng sản để sửa đổi, bãi bỏ cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Một trong những sự kiện nổi bật của ngành TN&MT trong năm 2017 là tổ chức thành công Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ để huy động sáng kiến phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Thời gian tới, Bộ sẽ làm gì để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP, mở ra một mô hình mẫu về phát triển các vùng đồng bằng lớn thích ứng với BĐKH trên phạm vi cả nước?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Nghị quyết 120/NQ-CP đã đề ra các giải pháp toàn diện, cụ thể để thúc đẩy mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Trong số các nhiệm vụ được giao, việc tạo cơ sở, nền tảng để tăng cường bảo vệ, phát triển nguồn vốn tự nhiên dựa trên công cụ quy hoạch tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, được xác định là then chốt và cũng là chức năng nhiệm vụ của Bộ TN&MT.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung quyết liệt, đặc biệt là nhiệm vụ về cơ chế, chính sách điều phối liên ngành để tổ chức nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ mang tính chất liên ngành, liên vùng về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn có sức cạnh tranh và hiệu quả cao, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Bên cạnh đó là nhóm nhiệm vụ về quy hoạch, điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu liên ngành về tài nguyên và môi trường, hệ thống quan trắc, cảnh báo, dự báo, trong đó chú trọng việc rà soát, hoàn thiện, lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của ĐBSCL. Đặc biệt, việc xác định trọng tâm ưu tiên nguồn vốn tự nhiên quan trọng không thể thay thế của mỗi vùng, các mô hình phát triển phù hợp sẽ được Bộ nghiên cứu, đề xuất nhân rộng để triển khai áp dụng trong thời gian tới.

Xin Bộ trưởng cho biết, năm 2018, ngành TN&MT sẽ chọn những lĩnh vực nào là nhiệm vụ trọng tâm công tác và có những giải pháp quyết liệt nào để hoàn thành các mục tiêu đề ra?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Theo tôi đánh giá các lĩnh vực quản lý của Bộ đều có ý nghĩa quan trọng đối với vấn đề dân sinh, kinh tế, quốc phòng an ninh, vì vậy cần phải chú trọng để tạo sự chuyển biến đối với tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn xác định những vấn đề, nhiệm vụ trọng tâm có thể tạo bước đột phá, tạo chuyển biến mạnh mẽ cho công tác quản lý tài nguyên và môi trường để có thể giải quyết được những vấn đề bức xúc của nhân dân, doanh nghiệp.

Bước sang năm 2018, toàn ngành quán triệt phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” trong triển khai nhiệm vụ; đồng hành với địa phương để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn để tạo được 4 đột phá lớn là: Đột phá về thể chế; đột phá trong huy động nguồn lực tài nguyên, đột phá trong công tác bảo vệ môi trường, đột phá trong chất lượng dịch vụ công.

Tiếp tục tập trung tạo chuyển biến lớn trong cải cách thủ tục hành chính, thực hiện liên thông, cắt giảm thời gian, tăng cường giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến; thường xuyên đối thoại, kịp thời xử lý những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân.

Năm 2018, Bộ cũng sẽ tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu TN&MT, cơ sở dữ liệu đất đai để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, giải quyết hồ sơ công việc, kiểm soát TTHC, rút ngắn được thời gian luân chuyển hồ sơ, rút ngắn thời gian xử lý giải quyết công việc, tiết kiệm chi phí.

Đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế nhằm trao đổi và học hỏi kinh nghiệm, huy động các nguồn lực tri thức, công nghệ và tài chính hỗ trợ cho việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về TN&MT. Mở rộng các diễn đàn đối thoại chính sách, tham vấn các nhà đầu tư, tài trợ, phục vụ trao đổi thông tin pháp luật về TN&MT. Hợp tác, đấu tranh bảo đảm quyền, lợi ích của Việt Nam đối với vấn đề quốc tế như chia sẻ nguồn nước, quản lý khai thác tài nguyên biển, vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới và biến đổi khí hậu.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Tạp chí Phổ biến Pháp luật Việt Nam có tân Tổng Biên tập

Sáng nay (8/11), Hội Phổ biến và Tham vấn Pháp luật Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Nhà báo Nguyễn Thành Đoàn giữ chức vụ Tổng Biên tập Tạp chí Phổ biến Pháp luật Việt Nam.
2024-11-08 09:57:32

VPBank tung ưu đãi lớn: “Sinh trắc học ngay – iPhone về tay”

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 17 quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán và Thông tư 18 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, nhằm kiểm soát giao dịch chặt chẽ hơn, giảm thiểu các hành vi lừa đảo thông qua hệ thống ngân hàng.
2024-11-08 09:17:53

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tháo gỡ 'điểm nghẽn, nút thắt' có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật

Tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp ngày 7/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Bộ, ngành Tư pháp phải tháo gỡ các “điểm nghẽn” pháp lý, khẩn trương đưa các nguồn lực xã hội bị đình trệ, lãng phí hoạt động trở lại; thực hiện cơ chế “sửa một luật, điều chỉnh nhiều luật” để khắc phục ngay tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo của các luật.
2024-11-07 17:42:29

Hà Nội: Vụ án “Đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê tài sản” -Bản án sơ thẩm đã ngã ngũ

Vụ việc Đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê tài sản đã ngã ngũ với bản án sơ thẩm số 76/2021/KDTM-ST ngày 15/7/2021 tại Toà án nhân dân huyện Gia Lâm- TP. Hà Nội.
2024-11-07 15:47:20

Thành phố Hạ Long: Sơ kết đợt 1 thi đua đặc biệt chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030

Thành phố Hạ Long vừa Sơ kết đợt 1 thi đua đặc biệt chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025- 2030; kết quả phong trào vận động nhân dân trồng thay thế, bổ sung cây bóng mát, cây xanh cảnh quan, cây có hoa gắn với thực hiện đề án “Hạ Long - Thành phố của Hoa”; Kết quả hỗ trợ khắc phục hậu quả do cơn bão số 3(Yagi) gây ra trên địa bàn thành phố.
2024-11-07 15:39:53

Hải Phòng dịch chuyển đơn vị hành chính một số quận huyện

Thực hiện Nghị quyết số 1232/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của TP.Hải Phòng giai đoạn 2023 - 2025”, 3 xã (An Hồng, Đại bản, An Hưng) của huyện An Dương sẽ được sáp nhập vào quận Hồng Bàng từ ngày 1/1/2025.
2024-11-07 07:24:38
Đang tải...