Bộ Xây dựng đề nghị kéo dài thời hạn giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng
Khu đô thị mới Đặng Xá – Hà Nội do Viglacera làm chủ đầu tư được vay từ gói tín dụng 30 ngàn tỷ mang lại cuộc sống ấm no cho hàng chục ngàn hộ gia đình có hoàn cảnh thu nhập thấp
Theo Bộ Xây dựng: Việc Ngân hàng Nhà nước dừng giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ kể từ ngày 01/6/2016 và khách hàng đã ký hợp đồng vay vốn mà sau thời điểm này chưa được giải ngân thì lãi suất cho vay sẽ được tính theo lãi suất thỏa thuận đã tạo ra nhiều ý kiến lo ngại, băn khoăn trong dư luận và người được vay vốn.
Ý kiến của Bộ Xây dựng như sau:
Việc Ngân hàng Nhà nước dừng giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng kể từ ngày 01/6/2016 và khách hàng đã ký hợp đồng vay vốn mà sau thời điểm này chưa được giải ngân hoặc chưa giải ngân hết thì lãi suất cho vay của phần vốn chưa giải ngân sẽ tính theo lãi suất thỏa thuận là đã nằm trong tính toán từ trước của Ngân hàng Nhà nước (đã được quy định trong Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 của Ngân hàng Nhà nước cũng như đã thể hiện trong hợp đồng vay vốn) và phù hợp với quy định của pháp luật về tín dụng hiện hành.
Sau 03 năm triển khai thực hiện gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, đến nay tổng số tiền đã ký hợp đồng cam kết cho vay đạt trên 29.500 tỷ đồng (trên 98%), đã giải ngân trên 20.300 tỷ đồng (gần 70%). Trong đó: Đối với hộ gia đình, cá nhân đã ký hợp đồng cho vay gần 45.000 hộ, với số tiền khoảng 21.700 tỷ đồng, gồm 14.700 hộ vay để mua nhà ở xã hội với số tiền là 6.185 tỷ đồng, 24.600 hộ vay để mua nhà ở thương mại với số tiền là 13.141 tỷ đồng, 5.495 hộ vay để cải tạo, xây mới nhà ở với số tiền là 2.426 tỷ đồng. Đã giải ngân cho 44.792 hộ với số tiền là 16.085 tỷ đồng, 14.700 hộ mua nhà ở xã hội là với số tiền là 4.513 tỷ đồng, 24.599 hộ mua nhà ở thương mại với số tiền là 9.424 tỷ đồng, 5.493 hộ vay cải tạo, xây mới nhà ở với số tiền là 2.148 tỷ đồng. Với tiến độ giải ngân như các tháng gần đây, dự kiến đến 01/6/2016 sẽ giải ngân được khoảng 85% và cuối năm 2016 sẽ giải ngân hết gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.
Kết quả thực hiện gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã tạo ra những hiệu ứng tích cực đối với thị trường bất động sản; lượng giao dịch hàng hóa ngày càng tăng, đặc biệt đối với phân khúc nhà ở có quy mô nhỏ, trung bình, giá thấp; cơ cấu sản phẩm nhà ở đã từng bước được điều chỉnh theo hướng phù hợp với khả năng thanh toán của khách hàng. Đặc biệt, đã hỗ trợ cho khoảng gần 50.000 hộ gia đình, cá nhân có thu nhập thấp, gặp khó khăn về chỗ ở có điều kiện cải thiện nhà ở, góp phần thực hiện định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển nhà ở xã hội và bảo đảm an sinh xã hội. Mặt khác, số lượng vốn trong gói 30.000 tỷ đồng dự kiến giải ngân sau ngày 01/6/2016 cũng không nhiều, đồng thời các Bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương thực hiện việc triển khai khoản hỗ trợ tín dụng thường xuyên cho phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Từ các phân tích trên và để bảo đảm sự nhất quán và ổn định đối với chính sách hỗ trợ nhà ở, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, giải quyết theo hướng sau ngày 01/6/2016 mà chưa giải ngân hết gói hỗ trợ này thì kéo dài thời hạn giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.
Trường hợp không thể kéo dài thời hạn giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng thì Ngân hàng Nhà nước cần hướng dẫn giải quyết theo hướng sau thời hạn 01/6/2016 thì các khách hàng vay đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và khách hàng đáp ứng đủ điều kiện được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, đã được cam kết cho vay vốn ưu đãi mà chưa giải ngân hết thì được tiếp tục vay vốn ưu đãi theo quy định tại Thông tư số 25/2015/TT-NHNN từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất.
Bộ Xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành có liên quan sớm triển khai khoản tín dụng ưu đãi thường xuyên để hỗ trợ chính sách nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội
Ngày 07/01/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Trong đó, giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì thực hiện việc triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước để cho vay đối với doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và một số đối tượng có thu nhập thấp, gặp khó khăn về chỗ ở. Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình này. Ngày 15/5/2013, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 11/2013/TT-NHNN quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP. Theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước thì việc giải ngân gói tín dụng này sẽ kết thúc khi giải ngân hết số tiền tái cấp vốn, nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (chậm nhất đến ngày 01/6/2016 sẽ kết thúc). Mặt khác, theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước (văn bản số 8730/NHNN-VP ngày 13/11/2015 gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) thì: “phần dư nợ vay của khách hàng được giải ngân từ ngày 01/6/2016 trở về trước sẽ được hưởng lãi suất vay ưu đãi của Chương trình, phần dư nợ được giải ngân sau ngày 01/6/2016 sẽ áp dụng lãi suất vay thông thường theo thỏa thuận tại Hợp đồng tín dụng đã ký của khách hàng và ngân hàng cho vay”. |
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.