Cánh chim không mỏi
2016-06-07 14:33:37
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Thời gian vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và người khuyết tật (NKT) tỉnh Hà Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc giáo dục, tạo việc làm bền vững cho người lao động, đặc biệt là TB và NKT.
Thời gian qua, Hiệp hội Hà Nam đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, tạo động lực cho hội viên phát triển, thông qua đó giúp đ ỡ thương binh và NKT có việc làm, ổn định cuộc sống. Tháng 1 năm 2016, tỉnh Hội đã mở một lớp dạy nghề ở thôn Phú Đa, xã Công Lý, huyện Lý Nhân, lớp dạy nghề có một đội ngũ giáo viên đã được đào tạo bài bản với các ngành nghề như: thủ công, may mặc, nội trợ, cơ khí... Toàn bộ học viên sẽ được bố trí nơi làm việc vào những doanh nghiệp thuộc Hiệp hội ngay sau khi kết thúc chương trình học.
Ông Trần Văn Túc nhận Bằng khen của Bộ LĐTBH trao cho Hiệp hội Hà Nam nhân Đại hội VAIDE lần thứ III (người thứ 5 từ trái sang) |
Ông Trần Văn Túc - Chủ tịch Hiệp hội Hà Nam chia sẻ: “Tùy vào thể trạng, năng khiếu, tính cách của mỗi học viên, lớp học sẽ đào tạo nghề phù hợp nhất cho họ. Ông hứa hẹn sẽ đem đến cho thương binh và NKT có một môi trường phát triển các năng khiếu, kỹ năng từ đó, giúp họ có được việc làm và thu nhập ổn định hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống”. Lớp dạy nghề hiện có 110 học viên và dự tính sẽ thêm 100 chỉ tiêu trong năm 2016.
Hiệp hội được tỉnh Hà Nam đánh giá cao trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế. Công ty TNHH Xây dựng Ngọc Sơn, một cơ sở sản xuất sơn tĩnh điện rộng lớn tới 7000 m2, có hệ thống sản xuất khép kín với nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại cùng hệ thống xử lý rác thải tốt, không gây ô nhiễm môi trường do ông Nguyễn Văn Sáu làm chủ doanh nghiệp là một trong những đơn vị hội viên điển hình của Hiệp hội.
Tháng 1 năm 2016, ông Nguyễn Văn Sáu bắt đầu triển khai xây dựng nhà máy với số vốn hơn 10 tỷ đồng, ngành nghề chính là sản xuất sơn tĩnh điện,một ngành nghề độc quyền trên địa bàn tỉnh Hà Nam, ngoài ra doanh nghiệp còn sản xuất một số sản phẩm may mặc. Doanh nghiệp đang tích cực đẩy mạnh sản xuất, dần nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm, tạo uy tín trên thị trường. Hiện nay, các sản phẩm may mặc và sơn tĩnh điện đã được đưa ra thị trường nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng... và đang chinh phục được khách hàng, tạo nhiều doanh thu, đảm bảo đời sống cho lao động, chủ yếu là lao động khuyết tật.
Ông Nguyễn Văn Sáu (áo trắng) đang giới thiệu phương pháp sử dụng máy móc để sản xuất sơn tĩnh điện |
Nhờ sự giúp đỡ của ông Nguyễn Văn Sáu và khao khát được lao động, hòa nhập cộng đồng, những lao động thương binh và NKT đều đã thạo nghề, gắn bó với công việc, mức lương trung bình của người lao động vào khoảng 4-5 triệu đồng/ tháng/người. Ngoài sản xuất, kinh doanh, dạy nghề... làm việc tại nhà máy của ông Nguyễn Văn Sáu những lao động là thương binh và NKT còn được ông thường xuyên quan tâm, chăm sóc đến cuộc sống thường ngày từ cơm ăn, áo mặc, đến sức khỏe, sinh hoạt, chia sẻ những niềm vui nỗi buồn... Những việc làm này thật sự có ý nghĩa và đáng trân trọng!
Với sự cố gắng và nỗ lực không ngừng, Hiệp hội doanh nghiệp của Thương binh và người khuyết tật tỉnh Hà Nam đang được đánh giá cao trong lĩnh vực sản xuất, dạy nghề, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho thương binh và NKT, là cánh chim không mỏi bay đến những chân trời mới. Phát huy những kết quả đạt được, Hiệp hội Hà Nam sẽ tiếp tục cố gắng, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động trong thời gian tiếp theo.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Tiến Dũng