Cập nhật các tiến bộ mới trong lĩnh vực sản phụ khoa
Hội nghị kéo dài 2 ngày (14 và 15/5) với 75 bài tham luận của các diễn giả trong nước và quốc tế về chuyên ngành sản phụ khoa.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho hay, hội nghị là cơ hội để các bác sỹ chuyên ngành sản phụ khoa Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm cũng như cập nhật những kỹ thuật mới.
Đây là cơ hội tốt bởi không phải bác sỹ sản phụ khoa nào của Việt Nam cũng có cơ hội được sang học tập kinh nghiệm những kỹ thuật mới của các đồng nghiệp nước Pháp.
Các tham luận cập nhật những tiến bộ mới trên thế giới như sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm HIV DNA, kỹ thuật phẫu thuật sa sinh dục đường âm đạo, các kỹ thuật cầm máu khi tai biến chảy máu sau sinh, rau cài răng lược, các khuyến cáo về lạc nội mạc tử cung, chữa hiếm muộn…
Đặc biệt là vấn đề hiếm muộn – hiện nay đang là một gánh nặng của ngành y tế Việt Nam, gây ảnh hưởng xấu tới đời sống của các cặp vợ chồng và đời sống xã hội.
Nhiều diễn giả tại Hội nghị cho rằng, ở Việt Nam hầu như chưa có nghiên cứu nào được công bố chính thức, để cập một cách toàn diện về tình trạng chất lượng cuộc sống của những người hiếm muộn. Phần lớn, các nghiên cứu mới chỉ nêu được một số yếu tố liên quan đến chất lượng cuộc sống của người hiếm muộn như tình trạng kết hôn, nguyên nhân hiếm muộn…
Chia sẻ bên lề hội nghị, phó giáo sư Vũ Bá Quyết - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết hiện nay tỷ lệ sản phụ được bác sỹ mổ phẫu thuật lấy thai chủ động ngày càng nhiều. Trong số 10 bà bầu nhập viện để chờ sinh thì có 9 người xin bác sỹ được đẻ mổ.
Trong số hơn 21.700 các trường hợp đẻ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương năm 2017, có gần 11.200 (chiếm 55%) các trường hợp phẫu thuật mổ lấy thai chủ động. Khoảng 65% nhóm phẫu thuật lấy thai chủ động có tiền sử từng sinh mổ trước đó, nhóm phẫu thuật lấy thai lần đầu chiếm tới 46%, nhóm đa thai tỉ lệ phẫu thuật lấy thai là gần 63%...
Theo các chuyên gia về sản khoa, dù tỷ lệ tai biến do phẫu thuật lấy thai có giảm nhờ tiến bộ của khoa học, việc mổ lấy thai làm tăng nguy cơ thai chết lưu khi người mẹ mang thai lần sau.
Bởi người mẹ trong lần mổ lấy thai đầu tiên, tử cung sẽ bị sẹo, không may thai tiếp sau làm tổ đúng vết sẹo sẽ khiến việc tưới máu cho thai không bảo đảm, đồng thời việc cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi cũng khó khăn hơn so với việc thai làm tổ ở vị trí tử cung lành./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.