Chàng lưng gù lấy vợ teo chân, mở xưởng dạy nghề cho người khuyết tật
Anh Đinh Văn Ưng (38 tuổi) và chị Lưu Thị Quyên (36 tuổi) ở thôn Trung Tâm, xã Yên Dương (huyện Hà Trung, Thanh Hóa) là cặp vợ chồng khuyết tậ khiến mọi người ngưỡng mộ. Hơn 11 năm trước, chàng trai dị tật lưng kết duyên cùng cô gái dị tật chân. Hai mảnh ghép khiếm khuyết ấy đã tạo nên mái ấm hạnh phúc với 2 cậu con trai kháu khỉnh, đáng yêu khiến bao người ngưỡng mộ.
"Mình nương tựa vào nhau sống đến cuối đời"
Chị Quyên khi mới 5 tuổi gặp biến chứng sau tiêm, khiến đôi chân xiêu vẹo, đi đứng không vững. Gia đình nghèo khó, sức khoẻ không cho phép nên chị Quyên chẳng được đi học đến nơi đến chốn. Năm 22 tuổi, chị được người thân giới thiệu vào làm may tại một công ty gần nhà.
Cũng chung số phận như chị Quyên, anh Ưng có thời gian nằm liệt giường 3 năm. Sau khi chữa trị được, lưng của anh bến dạng, gập xuống, ngồi hay đi lại cũng không dễ dàng nữa.
Thương cho hai phận đời bất hạnh, ông trời đã đưa họ đến với nhau. Anh gặp chị trong một lần đến chơi nhà bạn. Nhìn người phụ nữ cùng cảnh, anh mang lòng thương rồi xin số điện thoại.
"Anh thương yêu em là thật lòng, mong em đồng ý làm người tri kỉ của anh, mình nương tựa vào nhau sống đến cuối đời", đó là câu tỏ tình từ tận đáy lòng của anh dành cho người con gái mình thương.
Ngày đến với nhau, cả hai gặp phải những ái ngại của gia đình, bạn bè. Tuy nhiên nhờ sự kiên trì, quyết tâm của anh, đám cưới của đôi uyên ương diễn ra vào năm 2010.
11 năm qua, anh chị chưa bao giờ nặng lời với nhau. "Cũng có những lúc giận dỗi nhưng anh luôn là người làm lành trước. Tôi chưa bao giờ nghĩ cuộc đời mình lại bước sang trang mới kể từ khi gặp anh ấy", chị tâm sự.
Chung tay khởi nghiệp, giúp đỡ người cùng cảnh
Tổ ấm thêm hạnh phúc khi anh chị đón 2 bé trai bụ bẫm, kháu khỉnh ra đời. Sau một năm ở chung với bố mẹ chồng, anh chi ra ở riêng, dựng một túp lều ven sông ỏn định cuộc sống. Hai vợ chồng ấp ủ kinh doanh đồ điện gia dụng, năm 2015, dắt díu nhau ra Hà Nội đặt vấn đề làm đại lý cho một nhà phân phối. "Thương vụ" đầu tiên của hai vợ chồng thất bại, ông chủ phân phối không đòng ý hợp tác.
Không từ bỏ, ngày ra Hà Nội nhận tấm bằng khen của Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, anh ôm tấm bằng khen đến trước mặt chủ phân phối và xin người ta hãy tin mình một lần và anh đã thành công khi thuyết phục họ.
Vậy là từ đó, anh không phải đi khắp các cửa hàng để mua từng thứ mà đã có xe ô tô đưa đủ mặt hàng về tận nơi. Nhờ sự chu đáo, nhiệt tình, nhiều khách không chỉ quý mến mà còn thương và cảm phục. Họ giới thiệu cho người thân, rồi càng ngày khách hàng của anh càng đông.
Hành trình hơn 10 năm anh cố gắng và nỗ lực, chị chắt chiu, tằn tiện, góp nhặt từng đồng để giờ đây, từ túp lều hơn 20 m2, anh chị đã mở rộng khu xưởng với hơn 100 m2, sửa chữa, phân phối các mặt hàng điện gia dụng với doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Tiệm sửa chữa điện gia dụng của anh không chỉ nuôi sống cả gia đình vượt qua những ngày tháng khốn khó mà là chỗ dựa cho hàng chục người khuyết tật như anh chị. Hơn 10 năm qua, ngôi nhà ven sông ấy, lúc đầu chỉ 2-3 học viên tìm đến học nghề dần dần lên đến gần chục người mỗi năm. Đến nay, đã có hơn 50 học viên là người khuyết tật được anh truyền nghề.
Không chỉ vậy, từ những ngày còn khó khăn, anh chị vẫn đào tạo nghề miễn phí, nuôi ăn ở cho họ. Nhiều người làm tốt còn được anh trả lương. Có học viên gắn bó với anh đến giờ, cũng có người tách ra làm cơ sở riêng cho mình.
"Tâm huyết của mình là làm sao để người khuyết tật có được cái nghề nuôi sống bản thân, để họ luôn suy nghĩ "tàn nhưng không phế". Hiện nay, mình đang liên hệ với chính quyền xin thuê đất mở cơ sở 2, với mong muốn người khuyết tật nếu yêu nghề này hãy coi đây là ngôi nhà thứ 2 của mình", anh Ưng trải lòng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.