Chủ tịch Hồ Chí Minh và việc giáo dục thanh niên

2024-05-19 09:30:58 0 Bình luận
Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là anh hùng giải phóng dân tộc, vừa là 'kiến trúc sư' của Nhà nước Việt Nam độc lập. Với tầm nhìn của một vĩ nhân cùng trải nghiệm thực tiễn của lãnh tụ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của thanh niên và tầm quan trọng của việc giáo dục thanh niên.

Là sản phẩm tinh thần của nhà tư tưởng lớn đồng thời là nhà giáo dục đầy trải nghiệm, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên tỏ rõ tính khoa học, đi trước thời đại. Khi những khó khăn trong công tác cán bộ hiện nay có nguồn gốc sâu xa từ những bất cập trong công tác giáo dục thanh niên, việc khai thác và thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh để tìm ra động lực tinh thần và giải pháp hành động thích hợp, đang là yêu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của thanh niên bởi lẽ "thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà… Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên". Lịch sử loài người suy cho cùng là lịch sử chuyển giao thế hệ; và thành quả của lớp người đi trước có được giữ gìn và phát huy tiếp hay không là do thanh niên.

Thanh niên "là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng" nên họ đóng vai trò cầu nối giữa các thế hệ. Họ cũng là nguồn nhân lực đảm bảo cho sự phát triển lâu dài của Đảng. Thanh niên với sức trẻ, nhiệt huyết là lực lượng hăng hái trong tiếp cận cái mới, dám đương đầu với thử thách, khó khăn. Vì thế, nếu "ta biết họp lòng hăng hái đó lại và dìu dắt đúng đắn thì thanh niên sẽ thành một lực lượng rất mạnh mẽ". Với cách nhìn đa chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất quán trong việc khẳng định: Vận mệnh của dân tộc, tương lai của đất nước tùy thuộc vào thanh niên.

Phải uốn cây từ lúc cây non

Với tư duy khoa học, tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng, giáo dục thanh niên cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nhận dưới nhiều góc độ. Trước hết, việc giáo dục có tác động to lớn đến với việc hình thành nhân cách con người. Người khẳng định: "Hiền, dữ đâu phải là tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên" và "óc những người tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ". Bồi dưỡng thế hệ trẻ là quá trình tác động tích cực vào việc hình thành nhân cách của họ nên "phải uốn cây từ lúc cây non, đừng để cho tâm hồn các cháu bị vẩn đục vì chủ nghĩa cá nhân như thế".

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật sân khấu T.Ư ở khu văn công Mai Dịch, Hà Nội ngày 25.11.1961

Tính tất yếu của việc bồi dưỡng thanh niên còn bắt nguồn từ bản chất và sự phát triển không ngừng của cách mạng. Cách mạng là đổi cái cũ ra cái mới, đổi cái xấu, lạc hậu ra cái tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn nhưng đây là quá trình liên tục, không ngừng, đòi hỏi sự tiếp sức của thế hệ sau. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết".

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục tiêu giáo dục thanh niên thể hiện rõ tầm thời đại. Người đã xác định mục tiêu "kép" của nền giáo dục mới - "một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có" của người học. Như vậy, trong triết lý giáo dục thanh niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục tiêu vì xã hội và vì sự phát triển năng lực cá nhân đã hòa quyện làm một.

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi trong sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc, rằng: "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại" (1949) thì Người vẫn khẳng định mục tiêu "kép" của công tác bồi dưỡng thế hệ trẻ. Năm 1996, trong Báo cáo Delors, UNESCO cũng đề xuất mục tiêu: "Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để làm người". Bốn trụ cột do UNESCO đề ra được coi là chân lý giáo dục thời đại nhưng nó rất gần với quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đó nửa thế kỷ.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một chương trình giáo dục toàn diện bao gồm đức, trí, thể, mỹ nhưng luôn nhấn mạnh "cần chú trọng hơn nữa về mặt đức dục". Tức là, chuẩn đầu ra của công tác bồi dưỡng, giáo dục trước hết phải là những người tốt. Đây là quan điểm hết sức sâu sắc bởi không phải ai cũng có thể trở thành thiên tài nhưng nếu cố gắng thì ai cũng có thể trở thành người tốt và chỉ người tốt mới có ích cho xã hội. Hơn nữa, tâm có trong thì trí mới sáng, phải "thành nhân" mới có thể "thành công". Vì thế, chú trọng việc giáo dục đạo đức sẽ không chỉ được "ĐỨC" mà còn được cả "TÀI" và ngược lại.

Phải ra làm việc để chuẩn bị tương lai

Là lãnh tụ đầy trải nghiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề ra hệ thống giải pháp bồi dưỡng thanh niên đầy tính hữu hiệu. Người cho rằng muốn giáo dục thanh niên thì phải để họ tham gia vào thực tiễn đấu tranh cách mạng. Việc tổ chức đội thanh niên xung phong là điều rất cần thiết vì "đó là một trường đào tạo thanh niên bằng những công việc thiết thực", giúp hình thành trong thanh niên ý chí, tinh thần vượt khó và trách nhiệm cao với Tổ quốc. Người cũng rất chú trọng phương pháp nêu gương nên yêu cầu "bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải… làm gương mẫu cho các em trước mọi việc" và cần phát động phong trào "Người tốt, việc tốt" để lấy các tấm gương cụ thể, sinh động để giáo dục thanh niên.

Phương pháp này vừa có tính thiết thực, vừa có tính nhân văn khi đặt niềm tin vào những con người bình thường nhất, nâng niu cái đẹp ở những con người bình thường nhất. Nó cũng hoàn toàn phù hợp với truyền thống coi trọng đạo đức của văn hóa phương Đông. Khi "thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất" thì phát động phong trào thi đua yêu nước trong thanh niên cũng là phương cách rèn luyện hữu hiệu.

Quan tâm tới thanh niên, trong Thư gửi thanh niên về thi đua ái quốc (tháng 8.1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ những điều cần chú trọng: Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững; có kế hoạch tỉ mỉ; nội dung phải thiết thực; thi đua phải toàn diện; phải có lãnh đạo đúng; phải đoàn kết gắn với thật thà tự phê bình và thân ái phê bình; thi đua phải lâu dài và rộng khắp, không giới hạn thời gian và phạm vi...

Do giáo dục luôn gắn kết với tự giáo dục nên bản thân thanh niên phải ra sức học tập, tu dưỡng mọi nơi, mọi lúc và suốt đời. Người căn dặn: "Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó".

Mọi quốc gia đều coi trọng vấn đề giáo dục - đào tạo nhưng không phải quốc gia nào cũng đặt vấn đề "bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau" như một nội dung trọng yếu trong chiến lược phát triển đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người được mệnh danh là hiện thân của "nền văn hóa tương lai" bởi thường nhìn ra những vấn đề mà người khác không nhìn ra, chưa nhìn ra. Vì thế, tiếp tục nghiên cứu và vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên vừa là trách nhiệm của chúng ta đối với tương lai dân tộc, vừa là tình cảm thiêng liêng mà chúng ta dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hội nghị Trung ương 10: Cho ý kiến về 10 nội dung thuộc 2 nhóm vấn đề chiến lược

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khoá, hôm nay (18/9) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII tổ chức Hội nghị lần thứ 10 tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị sẽ thảo luận, cho ý kiến về 10 nội dung thuộc 2 nhóm vấn đề chiến lược và một số việc cụ thể.
2024-09-19 16:02:36

Hà Giang: CSGT đến tận trường phổ biến luật ATGT cho học sinh

Để hạn chế tai nạn giao thông xảy ra, đặc biệt là đối với các em học sinh, Đội 2 Phòng CSGT Công tỉnh Hà Giang phối hợp với Trường PTDT nội trú THPT tỉnh Hà Giang tổ chức buổi tuyên truyền, giáo dục Luật giao thông đường bộ cho các em học sinh trong trường.
2024-09-19 15:04:52

Chính sách ưu đãi đối với Doanh nghiệp của thương binh và NKT: Những bất cập cần giải quyết

Hiện nay, Việt Nam các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật còn thiếu đồng bộ và bất cập. Nhìn chung, việc tiếp cận các chính sách ưu đãi trên của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là Người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, nhiều chính sách chưa đi vào cuộc sống.
2024-09-19 10:50:25

Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trong đêm 18/9, gây gió mạnh, sóng lớn ven biển và đất liền từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Để chủ động ứng phó, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
2024-09-19 10:25:26

Nghĩa tình thủy chung của Bộ đội Cụ Hồ với bạn bè quốc tế

Truyền thống nghĩa tình thủy chung quốc tế của Bộ đội Cụ Hồ có cội nguồn sâu xa từ truyền thống nhân nghĩa yêu thương của người Việt Nam “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”.
2024-09-19 10:07:15

Văn bản Phúc đáp của Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc Phòng

Ngày 30/7/2024, Tạp chí điện tử Hòa nhập nhận được Đơn đề nghị ghi ngày 23/7/2024 của cựu chiến binh (CCB) Trương Công Ninh (Sinh năm 1954), đối tượng hưởng trợ cấp chất độc hóa học dioxin; hiện đang ngụ tại số nhà 18 đường Trương Đăng Quỹ, tổ dân phố Đông Trung, thị trấn Kiến Xương, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
2024-09-18 18:57:28
Đang tải...