Ra mắt 5 đề tài Trẻ hoá đô thị-Tương lai không gian sống Việt
Chủ đề “Trẻ hóa đô thị”
Với mục tiêu kiến tạo “Tương lai không gian sống Việt Nam”, Ban tổ chức LIXIL Việt Nam lựa chọn chủ đề “Trẻ hóa đô thị” cho Chương trình ALP 2023-2024. Trẻ hóa được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau, trong kiến trúc đương đại, sự trẻ hóa diễn ra từ việc cải tạo nhằm thổi sức sống mới vào một tòa nhà cũ, tái phát triển một khu phố cũ, đến thiết kế các tòa nhà hoàn toàn mới và chuyển đổi toàn bộ thành phố.
Theo tinh thần của sự phục hưng mới của Châu Á, kinh tế phát triển nhanh đã biến đổi các đô thị với tốc độ chóng mặt. Những vấn đề đang phải đối mặt có thể kể đến như: Làm thế nào để xây dựng đô thị giàu sức cạnh tranh hơn; Trẻ hóa đô thị để nâng cao chất lượng sống; Làm thế nào để gìn giữ bản sắc, di sản gắn liền với đảm bảo đô thị thích ứng sự phát triển của những không gian và quy mô kinh tế mới; Chúng ta có thực sự muốn trẻ hóa đô thị và cam kết cùng nhau vì một tương lai đáng sống hơn?
Ông Uchidate Katsuaki, Tổng Giám đốc LIXIL Việt Nam
Chia sẻ về chủ đề năm nay, Ông Uchidate Katsuaki, Tổng Giám đốc LIXIL Việt Nam, Đại diện BTC cho biết: “ALP là một chương trình được khởi xướng và tổ chức bởi LIXIL Việt Nam từ năm 2016 với mục tiêu dài hạn, thể hiện trách nhiệm xã hội của Ban tổ chức và các đối tác tham gia chương trình. Trên hành trình đó, LIXIL đã và đang kết nối các chuyên gia, kiến trúc sư, nhà quy hoạch, nhà quản lý và hoạch định chính sách phát triển,… để tìm ra những giải pháp giải quyết các vấn đề tồn tại của xã hội. “Trẻ hóa đô thị” là một trong số những vấn đề đó. Chúng tôi kỳ vọng chủ đề này sẽ gợi mở những thảo luận, góc nhìn đa chiều từ các chuyên gia, những nghiên cứu sâu sắc và kỹ lưỡng xuyên suốt chương trình ALP 2023 - 2024”.
Đại diện Đơn vị Bảo trợ Chuyên môn, KTS Đặng Kim Khôi - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ: “Không gian sống là phương diện quan trọng, có sự thay đổi theo thời gian tùy thuộc vào suy nghĩ, trình độ nhận thức, điều kiện kinh tế, sự biến động của đời sống, sự phát triển của khoa học công nghệ…Trong kiến trúc đương đại, sự đổi thay đó gọi là “trẻ hóa”, được hiểu là việc chuyển đổi một phần hay toàn bộ, mang lại sức sống mới cho một công trình, một khu phố, một đô thị hay cả một thành phố. Với chủ đề “Trẻ hóa đô thị”, chương trình ALP năm nay chạm đến được rất nhiều đối tượng thụ hưởng từ người dân đến các kiến trúc sư, nhà quản lý, chủ đầu tư…Tôi kỳ vọng chương trình sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, gìn giữ và phục dựng những giá trị bản sắc vốn có của đời sống xã hội trong bối cảnh kinh tế phát triển, công cuộc đô thị hóa diễn ra nhanh chóng”.
KTS Đặng Kim Khôi - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam
Ra mắt 5 đề tài Chương trình ALP 2023 - 2024
Chương trình ALP 2023 - 2024 năm nay triển khai theo cách thức mới khi đưa ra 5 đề tài cho các đơn vị tham gia nghiên cứu. Trên cơ sở 5 đề tài, nhiều công ty, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực Kiến trúc - Xây dựng đã bày tỏ sự quan tâm và gửi đề xuất với các hướng tiếp cận đa dạng. Sau quá trình đánh giá kỹ lưỡng, Hội đồng cố vấn và Ban tổ chức Chương trình ALP 2023 -2024 đã chọn ra 5 đơn vị nghiên cứu chính thức.
Ngày 9/9/2023, buổi Họp báo cáo đầu kỳ giữa Hội đồng cố vấn và 5 đơn vị nghiên cứu chính thức đã diễn ra theo hình thức trực tuyến trên nền tảng Zoom Meeting. Buổi họp có sự tham gia của các thành viên Hội đồng cố vấn: PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị thành phố Hồ Chí Minh; PGS.TS.KTS Phạm Thuý Loan - Chuyên gia Quy hoạch chiến lược bang NSW, Úc; TS. KTS Nguyễn Quốc Tuân - Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc – Công trình Trường Đại học Phương Đông; ThS. KTS Lã Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội; ThS.KTS Vũ Đình Thành - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng); và sự tham gia của ThS.Nguyễn Quỳnh - Đại diện Ban tổ chức LIXIL Việt Nam.
Các thành viên Hội đồng cố vấn chuyên môn Chương trình ALP 2023 - 2024 tham gia buổi Họp báo cáo đầu kỳ
Tại buổi họp, Hội đồng cố vấn chuyên môn đã có những đánh giá về ý nghĩa nhân văn, tính thực tiễn cao của các đề tài được lựa chọn nghiên cứu, đồng thời đưa ra những đề xuất, góp ý để phát triển các nghiên cứu trên các phương diện: nền tảng pháp luật và chính sách; cụ thể hóa đối tượng nghiên cứu; phương pháp nghiên cứu; chú trọng sản phẩm đầu ra. Từ những ý kiến đó, các đơn vị nghiên cứu đã có định hướng rõ ràng và điều chỉnh sát với tình hình thực tiễn.
Ban cố vấn góp ý xây dựng và phát triển các nghiên cứu
Đại diện thương hiệu INAX - 1 trong các đơn vị tài trợ chương trình, bà Toshie Takahashi, Giám đốc Marketing Cấp cao LIXIL Việt Nam chia sẻ: “Thương hiệu INAX rất vinh dự khi tiếp tục đồng hành cùng Chương trình ALP 2023 - 2024: “Tương lai không gian sống Việt Nam” chủ đề “Trẻ hóa đô thị”. INAX với bề dày lịch sử gần 100 năm, có mặt tại Việt Nam gần 30 năm, chúng tôi kỳ vọng vào việc tham gia đóng góp những kiến thức chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm với các đơn vị nghiên cứu dưới góc nhìn của một tập đoàn sản xuất toàn cầu”.
Các đề tài của 5 đơn vị nghiên cứu chính thức đã trải qua các vòng tham vấn, trao đổi định hướng, nhận xét kỹ lưỡng của Ban cố vấn trong buổi họp báo cáo đầu kỳ ngày 9/9. Các đề tài sẽ được thực hiện và nhận ý kiến phản biện trong buổi Hội thảo giữa kỳ diễn ra vào ngày 25/10 tới để tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu và hoàn thiện. Kết quả của các phương án nghiên cứu được công bố trong Hội thảo cuối kỳ và giới thiệu đến công chúng thông qua Triển lãm ALP Pavilion 2023 - 2024 dự kiến diễn ra vào tháng 3/2024.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.