Chuyên gia khẳng định đảo Cát Bà hoàn toàn có thể trở thành “tiểu Maldives của Việt Nam”
Cát Bà được định hướng phát triển thành điểm đến du lịch “xanh” đẳng cấp tầm cỡ quốc tế. Theo ông, để đạt đến mục tiêu này, đâu là những thách thức, vấn đề mà Cát Bà đã, đang và sẽ phải đối mặt khi giải bài toán phát triển đi đôi với bảo tồn?
Cát Bà là một “mắt xích” vô cùng quan trọng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh. Với tất cả những lợi thế sẵn có về tự nhiên, đa dạng sinh học hay cảnh quan, Cát Bà khởi sinh đã có đủ nội lực để trở thành một “thiên đường” sinh thái, một “Maldives” của Việt Nam.
“Nghị quyết về nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch Hải Phòng 2017-2020, định hướng 2030” của Hải Phòng cũng xác định sẽ xây dựng đảo Cát Bà theo mô hình đảo sinh thái, thông minh, là đòn bẩy cho du lịch và kinh tế Hải Phòng phát triển.
GS.TS Đỗ Công Thung - Nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Tài nguyên và Môi trường biển.
Để đạt được mục tiêu lớn này, cũng có không ít thách thức đặt ra với Cát Bà, đặc biệt là bài toán kinh điển: phát triển đi đôi với bảo tồn, bảo vệ môi trường.
Thứ nhất là vấn đề tiếng ồn. Khi mà các phương tiện giao thông phục vụ du lịch lưu thông trên đảo nhiều, lượng khách đông sẽ tạo thành ô nhiễm tiếng ồn. Thứ hai, là vấn đề ô nhiễm khói dầu từ ô tô, từ các phương tiện phát thải ra môi trường. Thứ ba, là câu chuyện về rác thải, trong đó có rác thải đến từ các hoạt động, dịch vụ du lịch. Và cuối cùng là ô nhiễm về vi sinh vật do khách du lịch thải ra. Đó là bốn mệnh đề quan trọng mà Cát Bà cần phải giải trong bài toán phát triển du lịch xanh, bền vững.
Theo Ông, để giải được bốn bài toán này, Cát Bà nên chọn những giải pháp nào?
Đầu tiên, theo tôi, giải pháp ưu tiên là cần hạn chế tối đa việc sử dụng các phương tiện giao thông chạy xăng, dầu trên đảo. Cách đây khoảng 5 năm, UBND TP Hải Phòng đã đặt ra vấn đề: làm thế nào để tất cả ô tô, phương tiện có thể phát thải ô nhiễm không khí, tiếng ồn sẽ dừng lại ở phía cảng cá, không hoạt động trên đảo Cát Bà, di chuyển quanh đảo sẽ sử dụng xe điện. Đó là tầm nhìn cần thiết.
Tiếp đến, hiện nay, việc sử dụng cáp treo đi từ Cát Hải sang Cát Bà là một phương án rất hay, khắc phục được nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường, hạn chế các phương tiện lên đảo.
Thứ ba, là bài toán đầu tư cho hạ tầng xử lý rác thải, chất thải. Cát Bà hiện nay hạ tầng này còn quá yếu. Bởi vậy, để hướng đến đảo du lịch xanh, sinh thái, Cát Bà nhất định phải bổ sung hạng mục này, ít nhất là xử lý chất thải ô nhiễm do khách du lịch tạo ra.
Khách du lịch trải nghiệm trên Vịnh Lan Hạ, Hải Phòng.
Không có nhà máy nào có đủ chức năng và công suất để thể xử lý được tất cả các loại ô nhiễm khi mà lượng khách du lịch tăng cao. Bởi vậy, nhiệm vụ đầu tiên của Cát Bà là cần xác định sức tải về du lịch để có kế hoạch đầu tư hạ tầng phù hợp. Hiện nay, địa phương chưa làm được việc này. Cát Bà cần đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng xử lý rác thải, ô nhiễm ở quy mô đủ tầm và công nghệ cao.
Theo thống kê từ Tổ chức du lịch bền vững quốc tế, 49% tỷ trọng phát thải CO2 và khí độc hại của du lịch toàn cầu đến từ hoạt động di chuyển. Ông có thể chia sẻ rõ hơn phương án giao thông “xanh”, hạn chế khí thải carbon mà Cát Bà nên lựa chọn?
Để đạt “chuẩn xanh” việc sử dụng các phương tiện “thân thiện” môi trường như hệ thống cáp treo, xe điện, xe đạp là định hướng rất phù hợp.
Tiêu biểu như hiện nay, Sun Group đã phát triển tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long là một ý tưởng tốt, nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu dài hạn. Việc bổ sung thêm các tuyến như từ đảo Cát Hải đến trung tâm thị trấn Cát Bà để thuận tiện hơn cho di chuyển là cần thiết.
Để lưu thông trên đảo thì toàn bộ cư dân và du khách trên đảo tương lai sẽ sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Hệ thống xe điện công cộng cần được quy hoạch đồng bộ với các điểm dừng, đỗ và trạm sạc được bố trí hợp lý, đảm bảo sự thuận tiện tối đa cho người dân và du khách.
Bên cạnh đó, địa phương cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nhau, chính quyền với doanh nghiệp phải chọn hướng đi thống nhất. Tất cả cùng đồng lòng, đồng sức để hiện thực hóa mục tiêu đưa Cát Bà trở thành đảo du lịch đầu tiên ở Việt Nam không có khí thải carbon.
Quần đảo Cát Bà nhìn từ trên cao.
Vậy để Cát Bà thực sự trở thành đảo sinh thái, thông minh, vai trò của ngành du lịch và cả các doanh nghiệp cần được thể hiện ra sao?
Quần đảo Cát Bà có đến 7 hệ sinh thái, là một trong những nơi có tính đa dạng sinh học cao nhất ở nước ta, đồng thời cũng là một trong những khu dự trữ sinh quyển lớn nhất thế giới. Sở hữu “lá phổi xanh khổng lồ” là Vườn Quốc gia Cát Bà hơn 26.000ha thì “tự thân” Cát Bà cũng đã có khả năng giảm thải ô nhiễm, thanh lọc không khí.
Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để phát triển bền vững và vươn tầm đến mục tiêu cao hơn là trở thành đảo sinh thái, thông minh.
Bởi vậy, Cát Bà cần có một quy hoạch tổng thể, một quy hoạch chuẩn để phát triển du lịch dài hạn và bền vững, liên kết chặt chẽ với các ngành khác để thống nhất mục tiêu và hành động chung về giảm thiểu ô nhiễm. Đó là ưu tiên thứ nhất.
Thành phố cũng cần có các biện pháp xử lý rác thải do du lịch tạo ra. Bước đầu có thể đi từ việc ban hành các quy định với các tàu du lịch, công ty lữ hành phải xử lý đúng cách các loại rác do du khách phát thải ra. Trong khi, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn nên trích một phần doanh thu để chung tay tái tạo lại môi trường nhằm đảm bảo quần đảo luôn xanh.
Và cuối cùng, tôi cho rằng ở đâu cũng thể, để phát triển đều cần phải có các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào cuộc. Không có các “đại bàng” lớn thì không thể bật lên được, tất cả đều “nghèo” thì lấy gì mà làm?
Chưa kể, khi kinh tế, du lịch đi lên, người dân địa phương cũng sẽ có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, đời sống cải thiện. Khi đó nếu Hải Phòng liên kết được cả chính quyền - doanh nghiệp - người dân với nhau, hài hòa được lợi ích của các bên thì chắc chắn sẽ tạo nên cú hích lớn, hoàn toàn có thể trở thành “tiểu Maldives của Việt Nam”.
Gần đây, Tập đoàn Sun Group đã khởi công dự án Khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà. Ông đánh giá như thế nào về vai trò, đóng góp của các dự án quy mô và được đầu tư bài bản, chất lượng này cho sự phát triển kinh tế bền vững của đảo Cát Bà?
Trên khắp đất nước, Sun Group đều chọn “làm đẹp” những vùng đất mà các doanh nghiệp có tiềm lực hạn chế sẽ phải “kiêng dè”. Tôi cho rằng đấy là một sự mạnh dạn.
Việc đầu tư vào Cát Bà cũng cho thấy sự “khác biệt” của tập đoàn này. Khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà được quy hoạch hướng tới đưa Cát Bà thành một “tiểu Maldives của châu Á” với không gian giải trí quy mô, chất lượng và đẳng cấp là một ý tưởng rất tốt.
Chưa kể, việc phát triển thêm hệ thống cáp treo Cát Hải - trung tâm thị trấn sẽ giúp người dân và du khách di chuyển từ TP. Hải Phòng đến trung tâm đảo một cách nhanh chóng, thuận tiện lại giảm thiểu khí thải. Tuyến cáp treo còn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối hạ tầng du lịch của cả khu vực.
Dự án cũng không nằm trong phạm vi di sản thiên nhiên thế giới, khu bảo tồn, hay danh lam thắng cảnh cấp quốc gia đặc biệt nào. Vậy thì, nếu Sun Group đáp ứng được những tiêu chuẩn như: không phát thải nhựa, không phát thải ô nhiễm về vi sinh vật, tiếng ồn, xăng dầu, thân thiện với môi trường, môi sinh…thì tôi cho rằng, đấy là một điểm sáng cần được nhân rộng và làm “hình mẫu”.
Nhờ lực đẩy từ những nguồn lực tư nhân mạnh về tiềm lực, giàu về kinh nghiệm này, cơ hội để Cát Bà thu hút các dòng vốn xanh, đầu tư bài bản, trở thành trung tâm du lịch sinh thái của Việt Nam và thậm chí là khu vực sẽ gần hơn bao giờ hết.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.