Cựu binh và 15 năm chăm sóc ngôi mộ tập thể cho những người xấu số nạn đói năm 1945
Lớn lên ở đất Hà Thành, năm 1970, ông Đặng Văn Tuyến nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi. Sau những năm tháng chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên ác liệt. Khi hòa bình lập lại, ông được chuyển sang công tác ở các đơn vị dân sự cho đến lúc nghỉ hưu.
Cống hiến cho đất nước đối với ông có lẽ chừng đó là đã đủ, nhưng sau khi nghỉ hưu thì ông đã không chọn vui vầy cùng con cháu, đã 15 năm nay, ông chọn đến Khu tưởng niệm của hơn 2 triệu đồng bào chết vì bom, đạn của phát xít Nhật và nạn đói 1944-1945 để ngày ngày quét dọn, nhang khói cho những người xấu số ở đây.
Khu tưởng niệm.
Khu tưởng niệm này được mệnh danh là ngôi mộ tập thể lớn nhất Việt Nam, nằm sâu trong ngõ 559, đường Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ông Tuyến đã đến đây từ ngày khu mộ còn hoang sơ, đến nay thì nơi đây đã được nhiều người quan tâm, nhà nước cũng đã tổ chức trùng tu, tôn tạo để trở nên khang trang sạch sẽ.
Những năm 44, 45 của thể kỷ trước, khi quá nhiều người chết vì đói, vì chiến tranh, người Hà Nội đã không thể chôn cất các nạn nhân được đàng hoàng mà chỉ quy tập về đây thành một ngôi mộ lớn. Ước tính có hàng nghìn, thậm chỉ hàng vạn nạn nhân xấu số đã được quy tập về đây.
Nơi đây, cạnh ngôi mộ lớn là tấm bia đá khắc bài tế của Giáo sư Vũ Khiêu với những lời ai oán: Có cơn gió bụi vừa tan/ Hai triệu sinh linh đã mất/ Khí oan tối cả mây trời/ Thây lạnh phơi đầy cỏ đất. Hình ảnh ngôi mộ tập thể cao như một căn nhà cũng những lời thơ bi thương khiến ai đến đây cũng không khỏi xót xa.
Ông Tuyến với công việc thường ngày.
Hằng năm, cứ mỗi độ tháng 8 thì lại có nhiều đoàn quan khách trong nước và quốc tế đến đây thăm viếng để nhớ lại một giai đoạn đau thương của dân tộc. Cũng không ít lần những đoàn khách Nhật Bản đã đến đây, họ bày tỏ những lời điếu ai, họ hỗi lỗi thay cho những gì quân đội Nhật đã từng gây ra trên mảnh đất này, họ cũng để lại nhiều kỷ vật và kỷ niệm đối với người trông nom khu mộ.
Ông Tuyến nói rằng ông không mong làm được điều gì lớn lao, chỉ mong khi còn có sức khỏe, còn cống hiến được thì cố gắng làm điều có ích cho xã hội. Ông đến đây không vì danh lợi mà chỉ đơn thuần là làm việc mà bản thân cho là nên làm. Khi những đoàn khách đến, mọi người thể hiện sự trân trọng đối với công việc của ông, đối với ông chỉ cần như thế cũng đã đủ rồi.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.